Diện tích cà phê của riêng tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã lên đến gần 125.000 ha, chiếm 85% diện tích cà phê của toàn Trung Quốc.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT, khối lượng xuất khẩu cà phê bốn tháng đầu năm 2015 đạt 466.000 tấn với giá trị 970 triệu USD, giảm 41% về khối lượng, hơn 39% về giá trị so cùng kỳ năm 2014. Các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cà phê cho rằng ngoài nhu cầu của các nhà rang xay lớn trên thế giới giảm thì có thể do thị trường tiềm năng Trung Quốc (TQ) đang đẩy mạnh sản xuất cà phê với diện tích lớn.
Cà phê Trung Quốc cạnh tranh bằng giá rẻ
Lo ngại về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Bình, Giám đốc Công ty TNHH Cà phê Chánh Tinh Anh, chia sẻ: “TQ nằm trong nhóm những thị trường nhập khẩu nhiều cà phê Việt Nam. Mỗi năm nước này nhập khẩu gần 30.000 tấn cà phê từ Việt Nam. Tuy nhiên, TQ lại đang mạnh tayphát triển cây cà phê để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng trong nước và xuất khẩu. Trong một cuộc phỏng vấn báo chí gần đây, một quan chức thuộc Sở Nông nghiệp tỉnh Vân Nam TQ cho biết diện tích cà phê của tỉnh này đã lên đến gần 125.000 ha (cách nay vài ba năm chỉ 40.000 ha), chiếm 85% diện tích cà phê của toàn TQ”.
Ông Bình cho biết địa lý, thổ nhưỡng ở tỉnh Vân Nam (TQ) thích hợp trồng cây cà phê cho chất lượng rất tốt. Mới mấy năm trước TQ vẫn là nước nhập khẩu. Từ năm ngoái họ đã xuất khẩu cà phê hạt và một ít cà phê hòa tan nhờ một số hãng rang xay lớn có nhà máy đầu tư trong lĩnh vực này tại Vân Nam. Cà phê TQ chủ yếu xuất khẩu sangĐức, Nhật, Hàn Quốc và Mỹ.
Thông tin thêm, ông Phạm Ngọc Bằng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Liên doanh Cà phê Đắk Man, cho hay chủng loại cà phê TQ trồng là cà phê Arabica có chất lượng, giá trị cao hơn loại cà phê Robusta (chiếm 90% diện tích trồng cà phê Việt Nam). Dù sản lượng không nhiều nếu so với Việt Nam (xuất khẩu đứng thứ hai thế giới) và chi phí trồng theo phương pháp dùng phân hữu cơ (organic) cao hơn nhiều so với dùng phân hóa học nhưng cà phê TQ luôn bán ra với mức giá rẻ hơn. Nguyên do nước này đang cố gắng tạo dựng thương hiệu cà phê để cạnh tranh lại các nước xuất khẩu lớn như Việt Nam, Brazil, Colombia.
Theo ông Bằng, minh chứng sự ảnh hưởng từ việc TQ phát triển mạnh cà phê tại tỉnh Vân Nam là những năm trước, cà phê xuất khẩu qua đường tiểu ngạch sang TQ khá mạnh, có khi từ 50.000 tấn đến 100.000 tấn/năm. Thế nhưng vài năm lại đây lượng mua bán tiểu ngạch hầu như không đáng kể.
Việt Nam cần đầu tư sản phẩm rang xay, hòa tan
Xem thêm: Xuất khẩu cà phê: Nâng “chất” nhờ chế biến?
Theo ý kiến của các chuyên gia, hiện tại TQ đẩy mạnh trồng cà phê chưa đáng ngại vì thương hiệu cà phê nước này chưa được khẳng định rõ ràng như cà phê Việt Nam, Brazil. Song điều đáng lo ngại chính là sản phẩm cà phê xuất khẩu. Mang tiếng xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới sau Brazil (xuất khẩu loại cà phê Robusta đứng thứ nhất thế giới) nhưng Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cà phê nhân thô giá trị thấp. Trong khi đó TQ đang trở thành nơi hội tụ của các nhà rang xay và sản xuất cà phê hòa tan hàng đầu thế giới. Các DN nước này đang liên kết với các tập đoàn thế giới để phát triển ngành cà phê rang xay, hòa tan có giá trị cao. Điều này sẽ làm tăng sự cạnh tranh đối với cà phê Việt Nam tại các thị trường nước ngoài.
Ông Nguyễn Quang Bình, chuyên gia lĩnh vực này, phân tích một kilogam cà phê nhân thô nếu được chế biến làm cà phê hòa tan bán ra thị trường thì giá trị tăng lên gấp 4-5 lần. Nếu Việt Nam không xây dựng ngành cà phê theo hướng chế biến sản phẩm có giá trị gia tăng cao là rang xay, hòa tan thì mãi chỉ là nơi cung ứng nguyên liệu giá rẻ cho các tập đoàn cà phê rang xay thế giới, DN TQ chế biến xuất khẩu giá cao.
Giải pháp cho ngành cà phê Việt Nam phát triển bền vững, ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch hội đồng thành viên Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), cho rằng phải nâng cao năng lực chế biến rang xay và sản xuất cà phê hòa tan. Muốn làm được điều này cần phải có thời gian, ngay bây giờ Nhà nước cần chọn những DN có năng lực cạnh tranh tốt, đã và đang làm tốt thương hiệu cà phê rang xay, hòa tan. Những DN này sẽ là những nhân tố để Nhà nước hỗ trợ về chính sách vốn vay, hỗ trợ đầu tư công nghệ làm sao giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm.
“Nhà nước cần chọn ra những thương hiệu lõi để hỗ trợ phát triển. Hiện nay ngành cà phê rang xay, hòa tan Việt Nam có những DN có thương hiệu trên thị trường thế giới như Vinacafe, Vinacafe Biên Hòa, Trung Nguyên. Các cơ quan quản lý cần tiếp cận những DN này xem họ cần gì, thiếu gì, muốn gì để từ đó có cơ chế hỗ trợ, tạo thuận lợi cho DN phát triển. Bên cạnh đó cần có chiến lược truyền thông kết nối với báo chí nhằm đẩy mạnh thông tin quảng bá thương hiệu cho cà phê Việt Nam” – ông Thắng nói.
Hiện nay cả nước ta có năm vùng sản xuất chính gồm: Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung du miền núi phía Bắc. Tổng diện tích trồng cà phê của năm vùng kể trên đến cuối năm 2014 là khoảng 641.000 ha. Trong đó diện tích vườn cà phê già cỗi (năng suất, chất lượng thấp) chiếm tới 40%. Cụ thể, có khoảng 86.000 ha cà phê trên 20 năm tuổi, chiếm 15% và khoảng 140.000 ha 15-20 năm tuổi, chiếm 25%.
Trong những năm tới diện tích cà phê già cỗi trên cần được trồng thay thế. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý nội dung phương án cho vay tái canh cà phê tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020, hỗ trợ người trồng tái canh cà phê về quy trình kỹ thuật, xúc tiến thương mại.
Ông PHẠM VĂN DƯ
Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, bộ NN & PTNT
Muốn phát triển phải có cạnh tranh, đó là quy luật tất yếu. Cứ xem thực trạng ngành cà phê hiện tại của ta thì không biết đến bao giờ mới lớn mạnh được. Thêm vào đó sản xuất theo hướng bền vững ngày càng bị phá vỡ do lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi.
Cứ nhìn vào bức hình thì thấy cà phê ở Vân nam TQ cũng khá xum xuê, xanh tốt. Không rõ năng suất như thế nào? Giá thuê công nhân ở TQ cũng không cao. Diện tích ở TQ cũng khá nhiều. Đó quả là một điều đáng ngại cho cà phê Việt nam ta.
Nông dân VN ít có thói quen kiên nhẫn, phun thuốc BVTV phải thấy sâu, rầy chết ngay mới chịu, phân bón sử dụng lãng phí dư thừa, nói chung đa số nông dân của chúng ta sử dụng phân bón thuốc BVTV ko theo nguyên tắc 4 đúng, hệ quả dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe con người, môi trường sống, đặc biệt là ảnh hưởng đến chất lượng nông sản. Do đó tuy sản lượng đứng thứ 2 TG nhưng chất lượng thì quá tệ vì vậy muốn cải thiện tình hình chúng ta cần tuyên truyền vận động nhau bỏ thói quen canh tác theo quán tính mà phải biết áp dụng KHKT, tập trung sản xuất theo hướng bền vững nhưng có hiệu quả.
Không biết nhà ai lạm dụng thuốc BVTV chứ làm cà phê mà cứ như nhà mình thi công ty BVTV đóng cửa, nhà mình có 1,2 ha phải đến 15 năm nay không phun bất kỳ 1 loại thuốc gì, cà vẫn xanh tốt, co mùa đến chỉ bón ít phân hóa học, còn phần lớn vẫn là vi sinh ủ từ vỏ cà phê và lân Văn điển, với phân bò, mùa năm ngoái được 5 tấn. Có mất mát gì đâu, chỉ đến mùa thu hái khổ 1 chút vì quá nhiều kiến, hái đến đâu phải đem theo hộp xịt côn trùng thôi.
Mình ko nói ai cũng vậy,mình chỉ nói một bộ phận nào đấy,bạn Hồng cứ thử nhìn xung quanh mình xem tôi nói ko sai đâu,nếu ai cũng làm như bạn thì tốt biết mấy….
Bạn Đinh Thị Hồng cho mình và mọi người xin chi tiết việc chăm sóc cà phê của bạn được không?
Làm cà phê mà không phải chăm bón như vậy thì tốt quá rồi.
Bạn Hồng nói cũng đúng .Nhà mình cũng có 1ha năm nào cũng mua phân bò ủ giống như nhà bạn mùa mưa chỉ bón 1-2 lần phân hóa học , cũng may cà nhà mình tốt đều năm nào cũng được 5 tấn , có năm được mùa 6 tấn . Nhưng mà các bạn ơi mua phân bò về ủ không phải rẻ đâu nha, giá tiền bằng 2-3 lần bón phân hóa học đấy. Còn sâu bệnh rầy , rệp thì tùy từng vùng có vùng không , còn kiến vàng , kiến đen thi ở đâu cũng có .
Nếu giá cà phê cứ rẻ phân bón tăng cao mặt hàng khác cái gì cũng tăng thì người làm cà phê còn khổ chưa kể là những người công nhân cà phê lại còn phải nộp sản lượng cho công ty thì lấy gì để ăn đây