Nhu cầu tiêu thụ cà phê trên thế giới trong những năm tới được dự báo mỗi năm tăng thêm khoảng 2 triệu bao. Tổng cầu thế giới ước đạt 140 triệu bao vào năm 2018. Liệu ngành cà phê Việt Nam có tận dụng được cơ hội vàng này?
Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, nếu ngành cà phê có đầu tư cơ bản tốt để nâng cao giá trị gia tăng của cà phê Việt Nam thì việc mang về cho đất nước khoản ngoại tệ trên 2 tỷ USD/năm từ việc xuất khẩu mặt hàng này là hoàn toàn nằm trong tầm tay.
Hiện Việt Nam có khoảng 500.000 ha cà phê, đứng thứ 2 thế giới sau Brazil về lượng cà phê xuất khẩu. Cà phê Việt Nam đã có mặt tại hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ với sản lượng khoảng 850.000 tấn/năm (năm 2007, lượng cà phê xuất khẩu của nước ta đạt hơn 1 triệu tấn). Thị trường xuất khẩu cà phê được đánh giá về cơ bản vẫn ổn định. Đức tiếp tục là khách hàng tiêu thụ số 1 của cà phê Việt Nam, tiếp đến là Mỹ, Tây Ban Nha và Italia…
Riêng 7 tháng đầu năm 2008, xuất khẩu cà phê đã đem về cho đất nước gần 1,4 tỷ USD. Đáng lưu ý là, theo kế hoạch đề ra cho cả năm 2008, xuất khẩu cà phê sẽ đạt khoảng 1,1 triệu tấn, với kim ngạch 1,8 tỉ USD. Tuy trong 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cà phê chỉ đạt 662.000 tấn, nhưng giá tăng cao nên kim ngạch xuất khẩu vẫn vượt so với cùng kỳ năm 2007.
[ Tiêu chuẩn hóa cà phê xuất khẩu, bao giờ? ]
Lượng nhiều nhưng chất ít
Giá trị kim ngạch xuất khẩu từ cà phê tăng nhiều so với những năm trước, nhưng thực tế thì giá cà phê Việt Nam vẫn luôn thấp hơn các nước khác.Mặc dù giá trị kim ngạch xuất khẩu từ cà phê tăng nhiều so với những năm trước, nhưng trên thực tế thì giá cà phê Việt Nam vẫn luôn thấp hơn giá cà phê các nước khác. Lý do là chất lượng sản phẩm thấp hơn, công nghệ thu hoạch và bảo quản, đầu tư chế biến để nâng cao giá trị gia tăng chưa nhiều, đặc biệt chưa xây dựng được thương hiệu gắn liền với sản phẩm trên thị trường quốc tế, kỹ thuật bán hàng còn non kém và các nhà xuất khẩu cà phê chưa có sự phối hợp hiệu quả với nhau. Theo số liệu của Ủy ban Điều hành Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), trong tổng lượng cà phê bị thải loại trên thế giới có tới… 88% là của Việt Nam.
Tháng 5/2008, nhận xét của ICO về tình hình thực hiện chương trình cải tiến chất lượng cà phê năm 2007 cho thấy rất rõ thái độ chưa nghiêm túc của Việt Nam trong việc tuân thủ chất lượng sản phẩm theo chuẩn quốc tế, đặc biệt về số lỗi và độ ẩm. Theo ông Đoàn Triệu Nhạn – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, dù cà phê Robusta của Việt Nam có chất lượng cao, thậm chí cao hơn hẳn cà phê cùng chủng loại của nhiều nước, nhưng đa số các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam vẫn áp dụng bộ tiêu chuẩn cũ 4193:93 trong quan hệ mua bán cà phê với nhà nhập khẩu. Cụ thể, các chỉ tiêu đó bao gồm: cỡ hạt, tỉ lệ tạp chất, tỉ lệ hạt đen, sâu, nâu, vỡ tính theo phần trăm khối lượng.
Cái lợi từ việc áp dụng tiêu chuẩn cũ này là đơn giản, chi phí thấp.Tuy nhiên, cách phân loại này là quá sơ sài, không đánh giá đầy đủ chất lượng sản phẩm (cà phê quả xanh được thu hoạch và chế biến, nếu không bị đen, vỡ, thì không ảnh hưởng đến kết quả phân hạng theo tiêu chuẩn này, nhưng nếu áp dụng tiêu chuẩn “kỹ tính” hơn thì sẽ “tụt hạng” trông thấy. Theo ICO, thu hái quả xanh được xem là lỗi rất nặng). Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thu hoạch quả xanh vẫn tiếp diễn, làm cho chất lượng cà phê của Việt Nam không được cải thiện.
Thua thiệt vì dễ dãi
Để cà phê Việt Nam tạo dựng được thương hiệu đích thực trên thị trường thế giới và đem về giá trị xuất khẩu ngày càng cao, chắc chắn Việt Nam còn có nhiều điều cần làm, từ đầu tư cho sản xuất, đến thu hái, bảo quản, chế biến, tạo dựng thương hiệu… Tuy nhiên, theo một số chuyên gia trong ngành, việc cần làm ngay bây giờ chính là sớm áp dụng Tiêu chuẩn TCVN 4193-2005. Đây là một tiêu chuẩn đã được xây dựng từ năm 1996 trên cơ sở đúc kết từ nhiều nước trên thế giới.
Tiêu chuẩn này áp dụng phân loại theo cách tính lỗi để phù hợp với cách phân loại của ICO. Năm 2005, Việt Nam đã ban hành tiêu chuẩn này, tuy nhiên đây là tiêu chuẩn có tính chất tự nguyện áp dụng, chưa bắt buộc nên thời gian qua việc áp dụng còn rất hạn chế.
Trước thực trạng đó, ngày 24/5/2007, Bộ Thương mại (cũ) đã có Thông báo số 2987/BTM-XNK về ý kiến kết luận của Thứ trưởng Lương Văn Tự tại Hội nghị bàn về áp dụng tiêu chuẩn chất lượng TCVN 4193-2005 đối với cà phê xuất khẩu Việt Nam. Theo đó, thống nhất áp dụng việc bắt buộc kiểm tra chất lượng mặt hàng cà phê theo tiêu chuẩn chất lượng trước khi thông quan, thời điểm áp dụng từ 1/10/2007. Lãnh đạo Bộ cũng đề nghị Bộ Khoa học Công nghệ ban hành quyết định áp dụng và lộ trình áp dụng tiêu chuẩn chất lượng TCVN 4193-2005.
Đồng tình với quan điểm trên, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng, phải sớm bắt buộc kiểm tra chất lượng cà phê xuất khẩu theo TCVN 4194-2005, thậm chí cần nâng cấp tiêu chuẩn thành Quy chuẩn kỹ thuật cà phê xuất khẩu Việt Nam. Cục Trồng trọt cũng đã đề xuất lộ trình áp dụng tiêu chuẩn cà phê xuất khẩu theo TCVN 4193-2005.
Tuy nhiên tại Hội nghị “Nâng cao chất lượng và lộ trình áp dụng tiêu chuẩn cà phê TCVN 4193-2005 trong sản xuất cà phê xuất khẩu” do Bộ NN&PTNT tổ chức vào cuối năm 2007, có thể thấy còn rất nhiều ý kiến trái chiều nhau xung quanh việc thực hiện tiêu chuẩn này. Vì vậy, tiêu chuẩn vẫn chỉ để… tham khảo và trong khi chờ tiêu chuẩn chính thức được áp dụng thì cà phê Việt Nam vẫn tiếp tục gánh chịu những thiệt thòi thuộc loại “mình làm mình chịu”.