Để diệt trừ sâu hại cây trồng, nông dân Đoàn Văn Le (Đồng Nai) nuôi hàng triệu con kiến trong vườn. Mỗi ngày ông phải mua thịt heo, gà về cho chúng ăn.
Nông dân Đoàn Văn Le (56 tuổi, ngụ ấp Lộc Hòa, xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) từng bị người dân địa phương cho rằng bị tâm thần khi nuôi kiến trong vườn cây ăn trái. Thế nhưng, sau 9 năm, những người này phải “tâm phục khẩu phục”, nhận ông làm thầy để học kỹ năng nuôi kiến.
Nông dân Đoàn Văn Le nuôi hàng ngàn tổ kiến trong vườn cây để diệt trừ sâu bọ. Ảnh: Ngọc An
Nông dân Le phát triển ý tưởng nuôi kiến vàng diệt trừ sâu hại từ năm 2007. Vào thời điểm này, gia đình ông canh tác 4 ha cây ca cao, sầu riêng, chôm chôm. Tuy nhiên, khu vườn thường xuyên xuất hiện các loại sâu ăn lá, thân, quả… khiến năng suất bị ảnh hưởng.
Để bảo vệ cây trồng, ông Le dùng các loại thuốc có độc tố cao để diệt sâu. Tuy nhiên, hóa chất chỉ trừ sâu tạm thời, trong khi độc tố của nó gây nguy hiểm đối với sức khỏe con người và môi trường.
Ông Le tâm sự: “Nhiều lần tôi tìm cách diệt trừ sâu không dùng thuốc hóa học, nhưng đều thất bại. Một ngày đầu năm 2007, tôi đang làm vườn thì thầy Phạm Hồng Đức Phước (trường đại học Nông lâm TP HCM) ghé thăm và gợi ý việc nuôi kiến bảo vệ cây. Lúc đó, tôi tiếp thu ý tưởng, nhưng không nghĩ đến chuyện thực hiện vì chưa thấy ai làm”.
Ông kể, khoảng 2 tháng sau, khi tỉa cành cây ca cao thì phát hiện đàn kiến vàng đang vây quanh con sâu trên lá, sau đó tha về tổ. Ông nhớ lại lời thầy Phước, nên tiến hành nuôi kiến.
Để đưa kiến về vườn, nông dân Le đi khắp vùng tìm tổ của chúng, mang về vườn thả. Nhưng khi đưa tổ về treo lên cây, thì hôm sau đàn kiến kéo đi nơi khác sinh sống.
Ông Le đến các tổ kiến tìm hiểu và nhận ra muốn thu hút đàn kiến, đưa chúng về vườn chỉ còn cách tạo môi trường tự nhiên. “Tôi bắt đầu sử dụng cành cây khô, dây điện cũ để làm cầu nối giữa tổ kiến ở ngoài với vườn nhà. Sau đó, tôi mang xác động vật, sâu bọ bỏ ở các gốc cây để dụ chúng về. Cung cấp thức ăn liên tục trong 1 tháng, đàn kiến ùn ùn kéo về vườn làm tổ”, người đàn ông 56 tuổi chia sẻ.
Kiến vàng vây quanh quả để tìm sâu bọ. Ảnh: Ngọc An
Năm đầu tiên, ông thất bại vì đàn kiến không đủ đông để diệt sâu. Số lượng cây bị sâu đục thân, ăn lá… lên đến hơn 90%, năng suất sụt giảm. Lúc này, ông Le bị người địa phương chê cười và cho rằng đó là kẻ điên, “chỉ có người tâm thần mới đi nuôi kiến”.
Tuy nhiên, ông không từ bỏ mà tiếp tục tăng số đàn kiến trong vườn. Đến năm thứ 2, cây nào trong vườn cũng có tổ kiến, mỗi ngày có hàng trăm triệu con kiến tỏa ra… bắt sâu.
Hiện khu vườn của nông dân này có trên 2.000 tổ kiến vàng, với hàng triệu con. Ông Le cho biết: “Lá, quả và thân cây không có dấu hiệu bị sâu phá hoại. Các loại bệnh của cây cũng được triệt tiêu, nên năng suất rất cao”.
Mỗi năm nông dân này tiết kiệm hơn 40 triệu đồng tiền phun thuốc hóa học. Ca cao, chôm chôm, sầu riêng thành phẩm của ông được các chuyên gia đánh giá là sạch, an toàn.
Mỗi năm, ông thu hoạch khoảng 50 tấn quả các loại, lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, môi trường vườn được duy trì và cân bằng sinh học, không có tác động của thuốc bảo vệ thực vật nên vào mùa mưa, nấm mối mọc lên nhiều. Mỗi năm, ông Le thu trên 20 triệu đồng từ việc bán nấm mối.
Cũng theo ông Le, để đàn kiến “an cư”, ông thường xuyên tạo nguồn thức ăn cho chúng. Trong vườn có hàng triệu con kiến nên lượng thức ăn chúng tiêu thụ rất lớn. Do vậy, ngoài việc kiến tự tìm sâu bọ, ông phải mua phế phẩm thịt heo, thịt gà để bổ sung cho đàn.
“Tuy nhiên, chỉ cho kiến ăn ở mức độ vừa phải. Nếu thiếu thức ăn, chúng bỏ đi nơi khác, nhưng cho ăn quá no kiến sẽ lười đi tìm sâu”, ông Le nói.
Nhờ kiến bắt sâu, mỗi năm ông Le tiết kiệm được 40 triệu tiền mua thuốc trừ sâu. Ảnh: Ngọc An
Theo ông Nguyễn Viết Thê, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Trảng Bom (huyện Trảng Bom, Đồng Nai), nuôi kiến bảo vệ cây trồng của ông Le là cách làm rất hay, không chỉ diệt trừ sâu bọ hiệu quả, mà còn góp phần bảo vệ môi trường.
Trạm khuyến nông đang lồng ghép mô hình này vào các chương trình tập huấn, đưa nông dân đến vườn ông Le tham quan và khuyến khích nuôi kiến.
Tiến sĩ Phạm Hồng Đức Phước (giảng viên trường đại học Nông lâm TP HCM), người gợi ý cho ông Đoàn Văn Le nuôi kiến cho biết: “Kiến vàng mà ông Le nuôi có tên khoa học là Oecophylla Smaragdina, thuộc bộ cánh màng Hymenoptera, họ Formicidae. Đây là loại kiến không gây hại cây trồng và có khả năng tấn công nhiều loại sâu hại phổ biến trên cây ăn trái”
Nông Nghiệp Vô Tác có lẽ sẽ ít được phát triển rộng rãi, vì nhiều lý do mà trước mắt sẽ là sự phản đối (ngầm) của các cty phân bón. Trên thế giới, có 1 nông dân Nhật Bản, tên ông là Masanobu Fukuoka được xem như bậc thầy về lĩnh vực này. Ông có câu nói nổi tiếng “Khi ta hiểu rõ thiên nhiên, thì sẽ thấy thực ra là có rất ít biện pháp canh tác là thực sự cần thiết”. Nhưng ngẫm lại, Việt Nam ta vốn là nước nông nghiệp, mà lại không thể đẩy mạnh phương thức này thì thật là đáng tiếc. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm về loạt bài Ký Sự Organic của nhà báo Hoàng Hải Vân. Trên đây là ý kiến cá nhân của tôi, mong sẽ được các vị và bà con góp ý thêm
Thân.
Dùng càng nhiều thuốc BVTV thì sâu bệnh phát triển càng nhiều và càng khó chữa trị. Chúng ta nên dùng biện pháp tự nhiên để diệt trừ sâu bệnh cho cây trồng, vừa tốt cho cây trồng, vừa đỡ ô nhiễm môi trường…
Tuy nhiên một số người vẫn cho rằng: kiến thường hay bảo vệ các loài rệp, vườn nào càng nhiều kiến thì rệp càng nhiều vì rệp hút nhựa cây trồng và tiết ra chất ngọt, nhờ vậy kiến ăn chất ngọt quanh con rệp chứ không ăn con rệp, khi chúng ta phun thuốc BVTV thì kiến tha các con rệp núp vào các kẽ lá để trốn. Nói chung thì 2 loài này sống cộng sinh với nhau.
Kiến chỉ có tác dụng tốt với việc ăn con sâu, trứng ve sầu, trứng sâu…
Mời các bác tiếp tục thảo luận và đưa ra ý kiến về loài Kiến.
Kiến công sinh với rệp là kiến đen. Kiến ăn sâu rầy là kiến vàng. Cây ăn trái nào mà có nhiều kiến vàng thì không có sâu, rầy còn trái thì ăn rất ngon. Tuy nhiên nuôi kiến vàng chỉ phù hợp với cây ăn trái được tỉa cành, không chế chiều cao, khi thu hoạch chỉ lấy lồng đứng dưới đất để hái trái thôi, còn leo lên cây hái trái như mấy cây xoài to thì kiến nó đốt chắc té cây. Riêng cây cà phê thì nuôi kiến thì không phù hợp lắm.
Kiến ăn sâu thì đúng rồi, nội bán trứng kiến cũng có tiền rồi đấy, nhưng khi thu hoạch kiến nó đốt thì làm sao, chứ vườn cà phê mà có kiến đến vụ hái thì chỉ đứng mà bắt kiến đặc biệt là con kiến con bé như cái kim mà màu đen ấy nó mà đốt thì thôi rồi, nên ở chỗ tôi cứ đến mùa thu cà phê thì người ta lại bôi thuốc vào các cành cây cà phê để diệt nó mới hái được.
Nhà bác le này làm bao nhiêu ha mà nhà báo bảo 1 năm tiết kiệm được 40 triệu đồng tiền thuốc trừ sâu . Khiếp ‼ nếu không có đàn kiến này ai mua phải trái cây nhà bác chắc cũng giống người uống thuốc tự tử rồi còn gì . Đề nghị tác giả bài báo khi viết bài nên thực tế một chút . Đừng có thấy họ viết mình cũng viết để cho có việc làm . Chưa có loại cây trồng nào cần nhiều thuốc BVTV như cây tiêu nhưng cũng chưa đến mức độ sử dụng khủng khiếp như nhà báo viết ở trên
Trời ơi. Nuôi mãi mới được tổ kiến đỏ ở cây bơ. Vậy mà chim gõ kiến đến cơ hết. Ai có cách nào không ạ
Mình đang trồng tiêu, vườn tiêu nhà mình khá nhiều tổ kiến vàng. Đã mấy lần dùng thuốc để tiêu diệt nhưng vẫn không hết. Khi quan sát tổ kiến mình thấy có lợi là kiến bắt sâu hại ngược lại làm tổ trên tán tiêu thì tiêu có ảnh hưởng vì sẽ làm tổn thương lá khi chúng tiết dịch. Còn kiến và rệp sống cộng sinh với nhau nhưng đó là kiến đen và kiến lửa thôi.
Nuôi kiến như bác ấy thì cũng được, nhưng có nhiều thông tin không chính xác rồi.
Thuốc BVTV làm gì mà tốn nhiều vậy; nuôi kiến rồi bị nó cắn, đục thân hay kéo lá làm tổ gây hại có khi ngang sâu bệnh khác nha; nuôi kiến thì ko thể phun thuốc nữa thì các loài địch thủ của kiến phát triển thì sao. Nếu nuôi ít thì không diệt được sâu, nuôi nhiều thì phải mua thức ăn cho chúng và đặc biệt tốn công…
Mình sợ có người quảng cáo là trái cây của mình an toàn vì không có thuốc BVTV trong khi vẫn dùng 40 triệu mua thuốc. Đó là mình sợ thôi nhé.