Trong tuần 32, giá cà phê Robusta tăng 3 USD/tấn, tương đương tăng 0,15 % và giá cà phê nhân xô trong nước tăng 800 đồng/kg, tương đương tăng 2,09 %, trong khi giá cà phê Arabica tăng mạnh tới 8,1 cent/lb, tức tăng 4,38 %, mức tăng mạnh nhất.
Chốt phiên cuối tuần, giá cà phê kỳ hạn thế giới trở lại xu hướng tăng.
Trên sàn LIFFE – London, giá cà phê Robusta đồng loạt tăng 6 USD ở tất cả các kỳ hạn đang giao dịch sôi động. Cụ thể, kỳ hạn giao tháng 9 tăng lên 1.951 USD/tấn, kỳ hạn giao tháng 11 tăng lên 1.962 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 1/2015 tăng lên 1.967 USD/tấn, các mức tăng khá nhẹ.
Tương tự, trên sàn ICE – New York, giá cà phê Arabica cũng đảo chiều tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng 4,65 cent, tức tăng 2,46 %, lên 188,75 cent/lb, kỳ hạn giao tháng 12 tăng 4,7 cent, tức tăng 2,43 %, lên 193,15 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2015 tăng 4,65 cent, tức tăng 2,36 %, lên 196,8 cent/lb, các mức tăng mạnh.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 100 đồng, lên ở mức 38.600 – 39.000 đồng/kg. Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5 % đen vỡ, được chào 1.911 USD/tấn, FOB – HCM, với mức trừ lùi không đổi ở 40 USD theo giá kỳ hạn tháng 9 tại London.
Tính chung cả tuần, giá cà phê Robusta kỳ hạn tăng 3 USD/tấn, tương đương tăng 0,15 % và giá cà phê nhân xô trong nước tăng 800 đồng/kg, tương đương tăng 2,09 %, trong khi giá cà phê Arabica kỳ hạn tăng mạnh tới 8,1 cent/lb, tức tăng 4,38 %, mức tăng mạnh nhất.
Thông tin từ Brazil vẫn tiếp tục là tâm điểm của thị trường, nhưng không còn là thông tin thời tiết, thu hoạch vụ mùa, mà là khối lượng hàng vận chuyển xuống tàu.
Cùng thời điểm này năm ngoái, Brazil để mất vị thế nhà xuất khẩu số 1 thế giới vào tay Việt Nam không phải là do thu hoạch sụt giảm mà vì giá thấp, nông dân cầm giữ hàng lại, bên cạnh còn có thêm khoảng 4 triệu bao được nhà nước mua tạm trữ. Năm nay giá cao, họ xả hàng ồ ạt, bất chấp cảnh báo và cả thắc mắc, lo ngại của giới thương nhân rằng thu hoạch sụt giảm do hạn hán đầu năm sẽ khiến nguồn cung thiếu hụt không chỉ năm nay mà cả năm sau. Trước sức bán vẫn duy trì mạnh mẽ, thị trường xuất hiện tin đồn tồn kho của Brazil mang sang vụ hiện tại có thể lên tới 20 triệu bao chứ không phải là khoảng 12 triệu bao như dự đoán những tháng trước.
Số liệu xuất khẩu tháng Bảy được Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Cà phê (Cecafe) cập nhật cho thấy xuất khẩu cà phê hạt đat 2.660.000 bao, tăng 37,82% so với cùng kỳ năm ngoái, và xuất khẩu cà phê hòa tan tương đương 319.811 bao, tăng 7,81% so với cùng kỳ. Do đó, xuất khẩu cà phê nói chung của Brazil đạt tổng cộng 2.979.811 bao, tăng 33,82 % so với cùng tháng năm ngoái….
Cũng xin được nhắc rằng tồn kho cà phê Arabica được ICE cấp chứng nhận, theo dõi cấp phát tại các kho cảng hiện là 2.408.021 bao, hầu như không có hạt cà phê nào xuất xứ từ Brazil. Đây cũng là vấn đề khiến cho giới thương nhân cần phải suy tính.
Số liệu báo cáo từ các thị trường cho thấy đầu cơ tiếp tục gia tăng mua khống sẽ là xu hướng tích cực cho vụ mùa sắp tới.
Anh Văn (giacaphe.com)
Suy tính gì nữa hả bác. Bán thẳng cho Thương nhân quốc tế chứ mình bán qua sàn làm gì.
Khăn gói theo người ta mà học làm ăn may ra còn khá lên một tí nào chăng !
Tình hình này thì chắc là khó lên được rồi mấy ông lớn như Nga Mỹ và EU đang trừng phạt lẫn nhau thế giới đang lộn xộn thế này thì khó đây. Đây cũng là cơ hội cho những ai có gan làm giàu, nếu tôi có tiền tôi sẽ mua vào lúc này, đợi khi thế giới ổn định lại chắc chắn sẽ tăng. Mọi người cứ theo dõi đi năm nay cà mất mùa và đầu năm tới sẽ tăng cho mà xem .
Không có cà phê vẫn mua khống, bán khống để “ghim hàng”, “ghìm giá”. Sắp tới đây có thể xảy ra đợt vét hàng tồn của niên vụ trước, giá tăng lên nhưng sẽ không cao như mong muốn của người có cà phê. Sau đó vào giáp vụ giá sẽ xuống rất thắp chừng hơn 30.000đ/kg. Họ mua chơi, bán chơi nhưng vẫn mua thật, bán thật. Mua thấp, bán thấp nhưng có lãi vẫn tốt, lợi nhuận đem lại có khi còn cao hơn mua cao bán cao. Cái quan trọng là họ sẽ mua được hàng triệu tấn giá rẻ và hơn thế nữa là họ làm chủ gần như tuyệt đối thị trường. Những doanh nghiệp nhỏ và người trực tiếp sản xuất luôn ở trong tình trạng mong ngóng, lo âu, thấp thỏm, chờ đợi. Với tình hình như hiện nay cà phê Việt Nam nên “chơi bài ngửa”. Quy định tiêu chuẩn sản phẩm, ước định giá mua-giá bán công khai mời chào trên toàn thế giới, để các thương nhân quốc tế cạnh tranh. Ngành cà phê Việt Nam, cũng như các doanh nghiệp trong nước chỉ nên đóng vai trò dịch vụ. Vì hiện nay Ngành cà phê của chúng ta đang “ông chưa phải ông”, “thằng chưa phải thằng”. Làm như vậy thuế vẫn thu được, giảm khâu trung gian, giảm chi phí kể cả ngân sách. Lợi nhuận đem về cho người sản xuất ổn định. Đó cũng là điều kiện để cà phê bền vững.