Tồn kho cà phê ở các nước tiêu thụ có ảnh hưởng quan trọng đến xu hướng giá cà phê trong tương lai. Có nhiều loại tồn kho ở các nước tiêu thụ cà phê như tồn kho GCA, tồn kho ECF hay tồn kho ICE. Trong phạm vi bài này, ta cùng tìm hiểu thêm về tồn kho cà phê châu Âu(LIFFE Cert.) và các thông tin liên quan đến loại tồn kho này.
Tồn kho cà phê châu Âu (LIFFE Cert) là gì?
Có thể nói đơn giản, để một thị trường hàng hóa như LIFFE hoạt động thì điều kiện cần là 1 hệ thống kho bãi để giao nhận, lưu kho, quản lý… hàng hóa của các công ty tham gia vào giao dịch. Vì thế, trong thị trường cà phê, sàn LIFFE có các kho để quản lý, giao nhận mặt hàng cà phê Robusta mà mình đang giao dịch.
LIFFE có thể được xem như là trung gian của bên khách mua và khách bán cà phê. Bên bán cà phê có thể “bán” hay tiếng Anh là “tender” tức là hành động đưa hàng cà phê Robusta “bán” vào thị trường LIFFE. Sau khi đưa cà phê qua các công đoạn đánh giá, kiểm tra chất lượng… gọi là “Grading”, nếu đạt tiêu chuẩn thì cà phê này có thể được chứng nhận là hàng đạt chuẩn của thị trường cà phê Robusta LIFFE.
Tồn kho cà phê Robusta ở kho LIFFE qua các năm (tấn)
Bên mua cà phê – thường là các công ty thương mại, các nhà rang xay… nếu không muốn mua cà phê của các nước xuất khẩu theo điều khoản FOB, nhận hàng trong vòng vài mươi ngày thì họ có thể lên thị trường LIFFE để mua – mua hàng giấy (buy future) cà phê và nhận hàng thật (stop coffee) ở các kho này.
Các kho này trước kia được đặt ở châu Âu nên người ta quen gọi là “tồn kho cà phê châu Âu – Liffe Certified Robusta Coffee”. Sau này có thêm một số kho nữa ở Hoa Kỳ nhưng người ta đã quen gọi như vậy. Các kho này phải đáp ứng các điều kiện của LIFFE mới được phép nhận hàng cà phê do LIFFE chứng nhận. Các công ty kinh doanh kho bãi lớn trên thế giới như Pacorini, Moleberg, Steinweg… đều có các kho ở trong các cảng này.
Kể từ tháng 10 năm 1993 khi LIFFE Robusta hoạt động thì tồn kho cà phê LIFFE cũng bắt đầu từ năm này.
Hiện tại, có 18 cảng chính nằm hầu hết ở châu Âu và Hoa Kỳ có các kho được LIFFE chứng nhận.Những cảng chính có kho cà phê LIFFE đặt đó là:
- Barcelona(BAR) – Tây Ban Nha
- New York(NYK) – Hoa Kỳ
- Hamburg(HAM) – Đức
- Marseille(MAR) – Pháp
- Le Harve(LEH) – Hà Lan
- Rotterdam(ROT) – Hà Lan
- Bremen(BRE) – Đức
- Antwerpt(ANT)- Bỉ
- London(LON) – Anh
- Trieste(TRI) – Ý
- Genoa(GEN) – Ý
Trong số các cảng này, cảng Antwerp của Bỉ là cảng thường được đưa cà phê qua nhiều nhất do khoảng cách và cước vận chuyển cà phê qua cảng này thấp hơn so với các cảng khác. Cũng nên nói thêm là sàn Robusta LIFFE chấp nhật đa số cà phê Robusta của nhiều nước trong đó có cà phê Robusta Việt Nam. Cà phê Việt Nam cũng chiếm tỷ trong lớn trong các kho hàng của LIFFE.
Tồn kho cà phê Robusta ở kho LIFFE 2 năm gần đây(tấn)
Tác động của tồn kho cà phê Robusta ở kho LIFFE đến giá cà phê Robusta
Tồn kho Robusta LIFFE có ảnh hưởng rất quan trọng đến giá cà phê trên thị trường LIFFE và đặt biệt là giá cà phê nội địa Việt Nam. Khi tồn kho giảm, điều này được giải thích là nhu cầu cà phê tăng lên trong khi hàng nhập khẩu từ các nước xuất khẩu cà phê đến kho châu Âu không bù được vào nhu cầu đó và có thể dẫn đến giá cà phê tăng cao. Khi tồn kho tăng thì ngược lại, các nhà kinh doanh cà phê sẽ cho rằng có sự dư thừa trong nguồn cung nên sẽ giá sẽ có xu hướng giảm.
Nếu tồn kho giảm, mọi nhà kinh doanh cà phê sẽ nhìn vào khả năng xuất khẩu cà phê từ các nước xuất khẩu Robusta như Việt hay Indonesia. Nếu nguồn cung của các nước này thấp thì khả năng tăng giá là rất triển vọng. Tuy nhiên, nếu nguồn cung dồi dào như thời điểm hiện tại thì dù cho tồn kho có giảm nhiều như hiện nay nhưng thị trường Londong cũng không tăng vọt nhiều.
Hiện tại, lượng tồn kho cà phê châu Âu đến cuối ngày 06/01/2014 giảm 182 lô 10 tấn so với lần báo cáo gần nhất 2 tuần trước đây tương đương với 1,820 tấn và đứng ở mức 2,820 lô tương đương với 28,200 tấn.
Triển vọng của các nhà xuất khẩu Việt Nam tham gia vào thị trường LIFFE
Hiện tại, các nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam bán cà phê thông qua các công ty thương mại chuyên kinh doanh cà phê và chưa quan tâm lắm đến việc đưa hàng vào thị trường này vì có nhiều lý do.
Đầu tiên phải nói đến là nghiệp vụ kinh doanh cà phê của Việt Nam còn rất hạn chế. Hạn chế về vốn, về tiếp cận thị trường LIFFE, về quản trị chất lượng hạn chế về con người cũng như quản lý và xử lý rủi ro… Sau đó phải nói đến sự phức tạp của cấu trúc thị trường LIFFE – thị trường dành cho các tay chơi lớn, các tập đoàn có nguồn tài chính và kinh nghiệm vững mạnh. Khi đó, nếu công ty không có hướng đi đúng đắn, quyết đoán thì sẽ rất dễ bị thua lỗ. Hiện tại, theo tác giả thì ở Việt Nam chỉ có khoảng 1 đến 2 tập đoàn nước ngoài đã và đang tham gia vào thị trường này và họ làm theo thời điểm và không phải lúc nào họ cũng thắng.
Thông thường, không phải lúc nào cũng có thể bán hàng cho thị trường LIFFE mà phải đợi lúc giá cà phê Việt Nam (giá trừ lùi) đạt ngưỡng nhất định thì đem hàng qua LIFFE “bán” – Tender mới có lãi. Những niên vụ cà phê trước, mức trừ lùi cho hàng G2, 5% khoảng từ -150 đến -200 USD/MT thì có nhiều tập đoàn đã làm đưa hàng qua LIFFE. Nhưng hiện nay, khi mức trừ lùi cho hàng G2, 5% đang đứng cứng ở mức +10 đến +20 thì không thể “bán” hay Tender hàng qua LIFFE vì ở mức này, mức lỗ sẽ khoảng 50-100USD/MT.