Cà phê: hai thị trường, hai cách chơi

Thị trường cà phê nguyên liệu tại các tỉnh Tây nguyên trở nên sôi nổi ngay từ những ngày đầu tháng 7-2014 khi giá kỳ hạn robusta tại sàn ICE Liffe ở London có giá đóng cửa vượt khỏi mức cao nhất của tháng 6 vừa qua.

Giá cà phê nhộn nhịp ngay đầu tháng

Giá robusta sàn London đóng cửa khuya thứ Tư 2-7-2014 đạt mức 2047 đô la/tấn, vượt quá đỉnh của tháng 6-2014 13 đô la/tấn là 2034 đô la/tấn lập ngày 27-6 và cao rất xa so với mức thấp nhất của tháng trước đến 153 đô la/tấn.

Giá cà phê nguyên liệu trên thị trường nội địa ngày hôm qua thứ Năm 3-7 đã lên mức 40,5 triệu đồng/tấn, cao hơn 0,5 triệu đồng/tấn so với cách đấy một tuần. Mức này cũng đã chạm vào cuối tuần trước, nhưng rớt lại ngay trong mấy ngày đầu tuần do sức bán ra và chốt giá hàng đã gởi kho người mua khá mạnh.

Đừng nghĩ rằng nếu giá xuống sâu hơn, người còn hàng sẽ bán ra tiếp. Từ nhiều ngày nay, giá dưới 40 triệu đồng/tấn đã rất khó mua, nên các nhà xuất khẩu rất ngại bán cho khách ngoại,” một đại lý ở thành phố Buôn Ma Thuột cho biết.

Quả vậy, khi giá kỳ hạn xuống sâu dưới 1900 đô la/tấn, mức chênh lệch của giá xuất khẩu giữa sàn kỳ hạn và FOB (giao hàng lên tàu) được chào bằng hay cao hơn giá niêm yết. Nên, giá kỳ hạn tăng mấy hôm nay đôi khi cũng do người ta phải mua hàng giấy trên sàn kỳ hạn và làm giá tăng để kéo giãn giá trừ lùi nhằm mua được hàng thực (physical) cũng nên, một nhà phân tích nhận định. Giá xuất khẩu loại 2, 5% đen bể sáng nay đang được chào trừ 30-40 đô la/tấn nhưng khách nhập khẩu đang trả trừ 60-65 đô la/tấn dưới giá niêm yết sàn robusta London.

Mỗi thị trường một cách đi

Một hiện tượng trên thị trường cà phê làm nhiều người vẫn chưa tìm ra lời giải: trong khi tin đồn arabica mất mùa, lượng bán ra từ nước xuất khẩu arabica hàng đầu vẫn mạnh dẫn đến giá trên sàn chuyên giao dịch arabica ở New York cứ sụt sùi liên tục. Trong khi đó, nhiều nhà chuyên môn đều có nhận định sản lượng robusta thế giới hầu như không hề hấn gì nhưng sức bán ra từ các nước chủ lực như Việt Nam, Indonesia giảm trông thấy.

Bộ Thương mại Brazil báo cáo xuất khẩu cà phê tháng 6-2014 đạt 2,6222 triệu bao, tăng gần 26% so với mức 2,0836 triệu bao ở cùng kỳ năm ngoái dù tin đồn Brazil bị hạn hán hoành hành đến nay vẫn chưa dứt.

Trong lúc đó, xuất khẩu cà phê tháng 6 của Indonesia giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 6.897,62 tấn. Lũy kế xuất khẩu cà phê 9 tháng đầu niên vụ 2013/14 đạt 174.303,96 tấn, giảm 1,5% so với mức 177.303,96 tấn ở cùng kỳ niên vụ trước, thống kê của ngân hàng trung ương nước này tiết lộ.

Tổng cục Thống kế ước rằng xuất khẩu cà phê tháng 6-2014 của nước ta cũng giảm chỉ còn 110.000 tấn so với 137.400 tấn trong tháng 5 trước đó.

Đến nay, nhiều người tin rằng lượng arabica sẽ thiếu nhưng giá rất yếu, từ quanh mức 4.850 đô la/tấn vào giữa tháng 4-2014 xuống chỉ còn 3.815 đôla/tấn; còn robusta vẫn phải giao dịch chung quanh mức 2.000 đô la/tấn, là mức cao so với trước đấy chỉ 1.500-1600 đô la/tấn ở cuối năm 2013.

Yếu tố sản lượng, cung-cầu trong trường hợp này hầu như không quyết định giá thị trường mà có lẽ do một yếu tố khác. Phải chăng đó là do cách biết điều phối sức bán ra của các nước xuất khẩu cà phê robusta?

Cà phê Robusta: Nguồn gốc và đặc điểm ]

NGUYỄN QUANG BÌNH, SGTT SỐ 52 NGÀY 4-7-2014

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. MaiHoa

    Đến giờ này cà trong dân đã hết, các đại lý nhỏ lẻ cũng cạn chỉ còn các DN lớn của các ông nước ngoài là còn nhưng số lượng không nhiều. Do vậy giá cà có tăng cao cũng không có cà mà bán ra nhiều nữa đâu.

  2. trịnh văn hưng

    Tôi thiết nghĩ rằng lượng cà trong dân không còn bao nhiêu, chủ yếu là nằm trong kho các nhà đầu tư lớn cả rồi. Không ai dại gì đi mua ca fe lúc giá cao để bây giờ bán giá này, tiền lãi, tiền kho bãi vv… nếu cho tôi là một nhà đầu tư tôi sẽ mua vào lúc cà 38-40 và sẽ bán ra lúc cho là có lãi hợp lý.
    Nhìn chung thì Việt Nam ta năm nay mất mùa là không còn phải bàn cãi nữa rồi. Hiện nay người dân quê tôi đang chạy theo cây tiêu mất rồi, nếu cứ tình trạng này sảy ra thì vài năm nữa số phận cây cà fe sẽ ra sao?Thực sự chỉ tại người dân mình thiếu vốn cho nên mới chịu bán ra lúc rẻ mà thôi, còn nếu như người dân mình có một nguồn lực tài chính đủ mạnh thì chả ai dại gì bán rẻ mồ hôi công sức của mình như vậy. Đôi điều giải bày tâm sư như vậy, chúc bà con cộng đồng Y5 ta luôn luôn mạnh khỏe và thành đạt. Chào thân ái

  3. ngocthanh

    Với giá này thì để cà phê đến giờ là thiệt rồi tiên lãi mấy tháng trừ đi giờ chỉ tương đương với giá 38~39 thôi. Còn bảo mà cứ không chịu bán lỗ đợi giá lên thì cũng khó đấy. Cà phê không ai đoán được giá trước đâu. Năm ngoái giá 46 không bán để rồi cứ lên xuống hoài nhưng mãi không bằng đỉnh cũ rồi gần mùa tụt xuống 30 biết bao cty doanh nghiêp điêu đứng. Đôi dòng tâm sự. Xin chúc mọi người khỏe hp.

  4. Dũng Lâm Hà

    Hic, tháng vừa rồi nhà mình mới tổng kết 2 vụ cà 2012 và 2013. Được thua không nói, nhưng bài học đề cà trong nhà như để quả bom nổ chậm. Lo muốn thót tim bà con à. Rút kinh nghiệm sang năm, được là “đẩy ” ngay, không thì tổn hại sức khỏe mất.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

75