Giá cà phê tuần qua lăn lóc như trái bóng trên sân cỏ World Cup tại Brazil, khi nảy cao, lúc dội xuống thấp…và phiên cuối tuần tăng mạnh như một bàn thắng đẹp.
Giá chộn rộn bao nhiêu, hoạt động xuất nhập khẩu yên ắng bấy nhiêu. Người mua đang tìm đường “xuất khẩu ngược” cà phê vào lại thị trường nội địa.
Giá giao dịch ở mức cao dù nhu cầu yếu
Mặc cho giá kỳ hạn tăng giảm thất thường trong tuần, có ngày giá đóng cửa lên 1.999 đô la/tấn rồi cũng có ngày chỉ còn 1.970 đô la/tấn, giá cà phê nguyên liệu tại các tỉnh Tây Nguyên vẫn đứng rất vững. Hầu như giao dịch nhiều nơi được ghi nhận chủ yếu trên mức 39 triệu đồng/tấn, tức ít nhất bằng mức của cuối tuần trước.
Giá xuất khẩu tính trên cơ sở chênh lệch giữa giá niêm yết của sàn kỳ hạn và FOB (giao hàng tại cảng đi) nhờ vậy không giảm, loại 2,5% đen bể đang được chào ở mức bằng giá sàn kỳ hạn. “Thị trường nội địa rất căng nên phải bán ở mức bằng giá London mới đủ sở hụi”, ông Lê Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty 2 Tháng 9 (Simexco Daklak), cho biết.
Tuy nhiên, chẳng mấy ai mua được cho hàng đi thẳng đến lò rang vì giá cà phê xuất khẩu ở các nước xuất khẩu đều chào cao. Tại Indonesia, giá cà phê xuất khẩu cùng loại đang được chào bán ở mức cộng 30-50 đô la/tấn, nhưng người mua chỉ trả với mức trừ lùi 20-50 đô la/tấn so với giá niêm yết. “Tôi chưa nghe có bất kỳ thương vụ nào giá mua bán khớp nhau trong tuần này”, một nhà xuất khẩu tại đảo Java, Indonesia cho biết.
Nghe nói ở Việt Nam, một vài nhà kinh doanh hỏi mua loại 2,5% đen bể với số lượng rất ít ở mức trừ 20-30 đô la/tấn, nhưng bên bán không ai dám “làm liều”.
Cà phê xuất khẩu ngược do nhu cầu giảm
Người mua chỉ muốn mua thấp dưới giá niêm yết (trừ lùi), người bán thích bán cao hơn so với giá kỳ hạn (cộng tới) trong khi nhu cầu mua hàng đi thẳng đến các nhà máy rang xay khá hạn chế trong thời điểm này.
Tổng cục Hải quan Việt Nam ước xuất khẩu cà phê tháng 5-2014 của Việt Nam chỉ đạt 137.401 tấn, giảm 34,8% từ 210.751 tấn của tháng 4-2014 nhưng tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2013. Lũy kế 5 tháng đầu năm đạt 936.395 tấn, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước là 707.849 tấn. Dù xuất khẩu giảm, lượng hàng đi trực tiếp đến các địa chỉ có nhu cầu tiêu thụ như các lò rang chỉ trên 100.000 tấn, là mức thấp so với nhu cầu tiêu thụ bình quân hàng tháng ước chừng từ 125-130.000 tấn.
Trong lượng cà phê xuất khẩu tháng 5-2014 có gần 35.000 tấn đã được các hãng kinh doanh cho vào kho thuộc sàn kỳ hạn. Trong tháng này, đến 19-6, sàn kỳ hạn cho biết hàng robusta của Việt Nam được các nhà kinh doanh đưa vào trữ trong các kho thuộc sàn thêm 8.600 tấn nữa.
Do giá xuất khẩu tính trên mức chênh lệch với giá niêm yết đang ở mức hấp dẫn, một số công ty kinh doanh nước ngoài (FDI) có nhà máy chế biến và kho nội, ngoại quan đang tìm cách bán cà phê vào lại thị trường nội địa qua đường tạm nhập tái xuất.
Thật vậy, thay vì chở cà phê qua các kho được sàn Ice Liffe chỉ định tại châu Âu và Bắc Mỹ, vừa tốn chi phí chuyên chở, kho bãi, làm hàng… thường ở mức rất cao, các công ty này chọn bán lại cho ai cần hàng ngay tại nơi họ đã từng mua và trữ hàng trong kho. Giá bán loại 2 theo tiêu chuẩn sàn kỳ hạn ở mức chuẩn trừ 30 đô la/tấn chưa tính chi phí nhưng phải đưa hàng sang kho tại châu Âu, thì nay bán vào lại thị trường nội địa với mức trừ 20 đô la/tấn không tốn chi phí từ nước xuất khẩu đến kho nhập khẩu. Đây là một hình thức “cắt lời” gọn nhẹ và thuận lợi nhất. Một số đại lý thu mua nội địa cho biết mức mua vào bình quân trước đây của các công ty FDI này chừng trừ 100 đô la/tấn.
Nếu vậy, các hãng FDI chấp nhận lời chừng 80 đô la/tấn trước phí thay vì phải chở hàng qua các kho thuộc sàn kỳ hạn, nhiêu khê và tốn kém.
Giá tăng phút “89”
Sau khi đi lòng vòng, lúc tăng cao, khi xuống thấp, hai sàn kỳ hạn Ice Liffe London và arabica Ice New York khuya hôm qua thứ Sáu 20-6 tăng mạnh. Sàn robusta London đóng cửa chốt mức 2.001 đô la/tấn, tăng 35 đô la/tấn so với hôm trước đó. Tuy nhiên, mức tăng trong ngày cũng chỉ đủ để bù lại nhưng gì đã mất trước đó, nên so với cuối tuần trước giá chỉ cao hơn 3 đô la/tấn (xin xem biểu đồ trên). Sàn arabica New York bất ngờ bùng lên với mức dương 6,40 cts/lb (xu/cân Anh) hay tương đương với 141 đô la/tấn, song cả tuần có giá thấp hơn cuối tuần trước 0,95 cts/lb hay 20 đô la/tấn.
Sau một tuần, sàn London chỉ tăng 3 đô la nhưng giá cà phê nguyên liệu tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay chào bán 39,5 triệu đồng/tấn, tăng 500.000 đồng/tấn so với 7 ngày trước đây.
“Giá cà phê tuần qua tăng hầu như không phải xuất phát từ cung cầu, mà bắt nguồn từ các yếu tố bên ngoài”, một nhà phân tích thị trường tại TPHCM nói. Cú “đúp” khủng hoảng địa chính trị tại Ukraine và Iraq đã làm đồng đô la Mỹ rớt giá trên thị trường hối đoái tuần qua. Hình như một số sàn kỳ hạn hàng hóa được giới tài chính chọn để luân chuyển và hoán đổi vốn như những nơi trú ẩn an toàn trong đó có vàng, dầu thô, ca cao trong tuần tăng cực mạnh. Cà phê cũng đứng trong tốp “vượng khí” được giới tài chính ưu ái.
Mặt khác, tiền đồng Việt Nam trong tuần mất giá so với đô la Mỹ, tính đến hôm qua, nhiều ngân hàng nâng mức niêm yết trên 21.350 đồng ăn 1 đô la Mỹ. Âu giá cà phê tăng 500 ngàn đồng/tấn tuần qua có lẽ bắt nguồn từ yếu tố này.
“May mà ngày giao dịch cuối tuần, giá cà phê các nơi tăng mạnh vớt vát lại những gì đã mất”, một đại lý mua cà phê tại Pleiku nói. Thị trường như một trận thắng bất ngờ trên sân bóng ở phút “89”, ông chủ đại lý so sánh.
Dù có nói gì đi nữa thì hãng StarBucks chính thức tăng giá sản phẩm 8% trên toàn thế giới từ 24/6 này, vậy giá nguyên liệu không thể xuống được.
Mình cũng nghĩ vậy
Tất cả các chi phí đầu vào đều tăng mà giá sản phẩm thấp thì người trồng cà phê bị lỗ họ chuyển đổi trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế hơn thì lấy đâu ra cà phê mà bán với mua. Các nhà kinh doanh lớn cứ dìm giá cà xuống thì không ai dại gì mà bán lúc này. Sản lượng năm nay còn không đáng kể
phút 89 đã tăng bà con hảy chờ đá trận chung kiết nhé chúc cả nhà được vui