Trong tháng 4-2014 thị trường cà phê khắp nơi bừng dậy thật sự dù hạn hán tại các vùng cà phê Brazil đã giảm căng thẳng. Có một lúc nào đó, giá cà phê sẽ “xìu” lại, nhưng chắc chưa phải thời điểm này!
Sàn cà phê, ngọn cờ đầu của thị trường tài chính
Tháng 4-2014 đã khép lại. Giá cà phê trên các thị trường trong tháng qua đều tăng mạnh dù tình hình hạn hán ở các vùng cà phê tại Brazil dịu hẳn vì mưa hầu như đã rải đều khắp.
Qua một tháng, giá cà phê nội địa có thêm 2.000 đồng/kg, từ 39.500 đồng đầu tháng đến ngày 30-4 đạt 41.500 đồng/kg. Trên các sàn kỳ hạn, giá tiếp tục tăng mạnh do đánh giá sản lượng của vụ tới ở Brazil còn khá bất định. Sau một tháng, giá đóng cửa sàn robusta Ice Liffe tăng 147 đô la đạt mức 2.168 đô la/tấn và arabica Ice tăng chừng 630 đô la/tấn.
Thật ra, hạn hán tại Brazil là cái cớ tốt nhất để giá cà phê thế giới tăng. Bên cạnh đó, phải thấy rằng nguồn tiền đổ vào nhiều sàn kỳ hạn hàng hóa cũng đều tăng mạnh. Trên 36 sàn giao dịch của thị trường tài chính thế giới; chỉ có 6 sàn có lợi suất âm, nhưng độ giảm vẫn rất nhẹ. Trong khi đó, 30 sàn khác đều có lợi suất tăng, đặc biệt ba sàn cà phê Mỹ, Brazil và Anh quốc nằm ở trong nhóm 5 sàn có lợi suất cao nhất (xin xem biểu đồ trên: ba cột đầu tiên biểu thị ba sàn kỳ hạn cà phê).
Chỉ trong bốn tháng đầu năm 2014, giá sàn kỳ hạn arabica tại Mỹ tăng 83,4%, sàn Brazil tăng 79,7% và sàn London tăng khiêm tốn hơn với mức 28,6%. Còn nếu tính riêng trong tháng 4-2014, ba sàn cà phê vẫn có lợi suất tốt với 14,1% tại Mỹ, 19% tại Brazil và 0,6% tại Anh quốc.
Tồn kho thuần robusta tăng
Hiện nay, nhìn vào hoạt động tồn kho, đầu cơ đang đưa mặt hàng cà phê vào canh bạc lớn với tổng giá trị tồn kho cả arabica và robusta dễ lên đến gần 1,5 tỉ đô la Mỹ. “Với lượng tồn kho lớn, có số đã lộ diện, còn có số chưa lộ diện, giá cà phê trên các sàn kỳ hạn đảo điên, sắp tới càng đảo điên hơn. Vì, một khi đầu cơ khống chế được hai sàn kỳ hạn bằng lượng tồn kho khổng lồ, họ sẽ làm giá cà phê mất bền vững tại các thị trường, một nhà phân tích thị trường tại TPHCM đưa ra cái nhìn trước của thị trường cà phê sắp tới.
Báo cáo định kỳ ra hai tuần một lần của sàn kỳ hạn Ice Liffe cho biết tính đến ngày 28-4, tồn kho robusta đạt chuẩn (certs) của sàn này tăng 2.310 tấn lên 16.170 tấn so với lần báo cáo trước. Như vậy, sau đến gần cả năm, số lượng tồn kho sàn này mới có đợt tăng đầu tiên. Tuy nhiên, lượng này giảm 87% so với cách nay một năm, bấy giờ là 126.250 tấn (xin xem biểu đồ trên).
Dự kiến nay mai, hàng robusta từ nước ta sẽ có một đợt ào ạt vào sàn do giá xuất khẩu dựa trên chênh lệch “dễ thở” hơn, từ trừ 80 đến 110 đô la Mỹ mỗi tấn dưới giá niêm yết sàn Ice Liffe. Các mức giá này được cho là đủ “sở hụi” để người trữ hàng mạnh dạn đưa cà phê robusta vào sàn. Vả lại, nhiều hãng tàu biển đang hăm he lên giá cước tính từ nửa cuối năm nay. Như vậy, đây là dịp chuyển hàng đi tốt nhất để chốt mức giá thành khi chưa biết giá cước tăng thêm bao nhiêu.
Tồn kho thuần arabica tính đến hết ngày 1-5 vẫn còn ở mức cao, đạt 154.334 tấn, cao hơn lượng robusta đến hơn 9,5 lần.
Thị trường cà phê tuần qua
Qua một tuần giao dịch ít do thị trường nội địa nghỉ lễ Quốc tế Lao động, lực bán ra không mạnh, nhờ vậy mà giá được giữ vững. Giá cà phê nội địa đã có lúc quay lên mức 41.500 đồng, cao hơn cuối tuần trước 500 đồng nhưng vẫn nằm dước mức đỉnh 42.000 đồng/kg của niên vụ này.
Giá hàng tuy tăng ít nhưng vẫn được xem là vững vì vừa qua, khi Bộ Giao thông Vận tải siết xe chở quá tải, giá cước vận tải từ các tỉnh Tây Nguyên về các cảng xuất khẩu tăng gấp 3 lần, bình quân từ 300.000 đồng/tấn nay lên 1.000.000 đồng/tấn, một nhà xuất khẩu hàng đầu có trụ sở tại TPHCM cho biết.
“Giá cước tăng trên 3 lần, song giá mua bán không giảm mà còn tăng, chứng tỏ sức đề kháng của giá cà phê trên thị trường nội địa hiện nay rất tốt”, vị giám đốc công ty xuất khẩu nói.
Sáng nay, thứ Bảy 3-5-2014, giá cà phê nguyên liệu tại các tỉnh Tây Nguyên vẫn đứng mức quanh 41.000 đồng, bằng giá cuối tuần trước. Trong khi đó, giá kỳ hạn robusta tại London chốt mức 2.150 đô la/tấn trong phiên cuối tuần, giảm 4 đô la (xin xem biểu đồ trên), còn giá sàn arabica New York tăng 84 đô la Mỹ/tấn cách nay một tuần.
Giá cà sẽ biến động thế nào khi cà Rô ồ ạt lên sàn đây ??? Hồi hộp quá !
Chỉ có thể giá a bùng dậy còn cà r chưa thể coi là bùng dậy được
Cứ đà này giá không vươt qua 42 đâu. Tăng 10 thì trong nươc tăng 5 thôi còn giảm 5 thì trong nươc giảm hẳn 10 thị trường Việt nam không biết của ai nữa .giờ lại thông tin giá cước đường bộ đường thủy tăng. có lẽ cà phê còn 40 quá
Tôi vẫn tin cà phê sẽ lên trong tuần tới, hoặc đến 22/5 sẽ có đột biến về giá. Khu vực Nhân Cơ, Đắk Nông hầu như nhà nào cũng hết cà rồi. Một số nhà còn rũ nhau đi vay ngân hàng để lo phân bón, vì cũng nhận tin phân bón sẽ tăng…
Hi vọng một tuần có lợi cho Ro, đưa ra quả đâm thép đi kịch tính qua đi. giá san lên đồng thời giá trong nươc cùng lên.
bài phân tích khá sâu sắc, nhưng mình nhớ không nhầm thì đây là bài đăng trên báo kinh tế sài gòn. theo mình nghĩ giá cà phê chưa xìu nhưng cũng không bùng nổi. có thể tối đa là 42 thôi