Chỉ vì nghe theo những tin đồn thất thiệt, nhiều người dân trên địa bàn huyện Đắk R’Lấp (tỉnh Đắk Nông) đã ồ ạt chặt phá bỏ cây cao su để trồng các loại cây khác.
Để sớm ngăn chặn tình trạng này, thiết nghĩ chính quyền địa phương các cấp tỉnh Đắk Nông cần sớm vào cuộc…
Thời gian gần đây, trên địa bàn một số xã vùng sâu như Đạo Nghĩa, Nhân Đạo, Nghĩa Thắng, Đắk Sin… của huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông bỗng dưng xuất hiện tin đồn về việc người Trung Quốc trồng rất nhiều cao su ở Campuchia, nên bắt đầu ngừng nhập khẩu mủ cao su của Việt Nam và khiến cho cây cao su của Việt Nam sẽ hoàn toàn mất giá trị trong thời gian tới. Nghe theo tin đồn này, nhiều người dân đã phá bỏ cây cao su để trồng các loại cây khác.
Có mặt tại vườn rẫy của gia đình ông Lê Đức Thạnh (trú xã Đạo Nghĩa, huyện Đắk R’Lấp) chúng tôi chứng kiến hơn 1ha cây cao su đang ở độ tuổi sung sức bị chặt phá để trồng tiêu. Giải thích về điều này, ông Thạnh cho biết: “Thời gian qua, thị trường xuất khẩu mủ cao su của Việt Nam chủ yếu là Trung Quốc. Thế nhưng, hiện nay Trung Quốc đã trồng cao su rất nhiều tại Camphuchia và chỉ cần ít năm nữa là họ sẽ ngừng hẳn việc mua mủ cao su của chúng ta. Điều này cũng có nghĩa là trong tương lai, người trồng cao su ở Việt Nam sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn. Chính vì vậy, gia đình tôi buộc phải giảm bớt diện tích cao su để trồng tiêu nhằm đề phòng rủi ro về sau này”.
Tương tự, gia đình ông Hoàng Văn Niêm (trú xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’Lấp) cũng đã quyết định phá bỏ hơn 2ha cao su trồng được 4 năm tuổi để chuyển sang trồng cây ngắn ngày. Ông Niêm cho biết: “Cho dù cao su sắp bước vào giai đoạn cho mủ, nhưng gia đình tôi vẫn quyết định phá bỏ để trồng các loại cây khác. Bởi vì theo dự đoán của gia đình thì trong tương lai, cao su của Việt Nam không thể “địch” nổi với Trung Quốc kể cả về số lượng lẫn chất lượng.
Bằng chứng là hiện nay, giá mủ cao su của chúng ta đã xuống rất thấp và rất khó để phục hồi. Do đó, để hạn chế rủi ro về sau này, gia đình tôi buộc phải chuyển đổi bớt diện tích cao su sang trồng các loại cây khác”. Còn bà Đào Thị Hạnh (trú xã Đắk Sin, huyện Đắk R’Lấp) cũng khẳng định: “Giá mủ cao su hạ xuống thấp trong suốt thời gian qua là do phía Trung Quốc ngừng nhập khẩu, ép giá đối với chúng ta. Để giảm thiểu rủi ro, thiệt hại về sau này, gia đình tôi cũng đã phá bỏ 1,3ha trong số 4ha cao su để trồng tiêu”.
Theo giải thích của ông Nguyễn Tạo, Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Đạo thì do trồng cao su đòi hỏi phải có quỹ đất lớn và phải mất nhiều thời gian mới thu hồi được vốn, nên chỉ những gia đình có nhiều đất sản xuất, kinh tế khấm khá mới thực hiện được. Chính vì vậy, tình trạng người dân chặt phá cây cao su như hiện nay chắc chắn không phải vì lý do gặp khó khăn về mặt kinh tế hay thiếu đất sản xuất mà có thể là do những nguyên nhân như giá mủ cao su xuống thấp, dịch bệnh hoặc lo ngại về tương lai của cây cao su theo như một số thông tin mà người dân đang đồn thổi.
Còn theo nhận định của ông Cao Văn Khoa, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thắng, có thể các thương lái đã tung ra những tin đồn thất thiệt kiểu như trên để “ép giá” khi mua mủ cao su của nông dân.
Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đắk R’lấp, chỉ tính từ đầu năm 2013 cho đến nay, người dân trên địa bàn huyện đã phá bỏ khoảng 100ha cao su để trồng các loại cây khác mà nguyên nhân chủ yếu là do lo ngại về tương lai của cây cao su theo như tin đồn đã nói trên.
Theo ông Hoàng Minh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ Hải Toàn (đóng tại thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R’Lấp), trong quá trình thu mua mủ cao su trên địa bàn huyện, ông cũng đã nghe nhiều người dân kể về những tin đồn như trên. Thậm chí có nhiều trường hợp còn tỏ ra lo lắng, chặt phá cây cao su để trồng các loại cây khác. Thế nhưng hiện nay, thị trường xuất khẩu mủ cao su của Việt Nam không chỉ có Trung Quốc mà còn sang nhiều nước khác trong khu vực và trên thế giới như Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Úc, Nga… Do đó, việc xuất hiện tin đồn Trung Quốc trồng nhiều cao su hoặc ngừng nhập khẩu mủ cao su của Việt Nam sẽ khiến cho cây cao su ở nước ta bị mất giá trị hoàn toàn là điều hết sức phi lý.
Ông Hải khẳng định: “Việc giá mủ cao su xuống thấp như hiện nay là do chịu sự ảnh hưởng của quy luật thị trường chứ không phải do Trung Quốc hay bất kỳ nước nào khác tác động. Trong quá trình thu mua mủ cao su, doanh nghiệp chúng tôi cũng đã giải thích cho người dân về điều này, nhưng để hạn chế, loại bỏ được những tin đồn như đã nói thì đòi hỏi chính quyền các cấp phải vào cuộc để tuyên truyền, vận động mới có hiệu quả”
Về khoa học mà nói cây cao su chỉ nên trồng ở độ cao 600m trở xuống mới cho năng suất cao. Còn về kinh tế nếu cao su thu >2 tấn/ha mới có lãi. Quy luật thị trường cạch tranh nông nghiệp ở các tỉnh tây nguyên, nếu lợi nhuận cao su thấp đối với những vùng không thích hợp bà con nên chuyển đổi cây trồng. Đã biết sai thì phải sửa (do làm theo phong trào của các cty cao su).
Tôi đi nhiều tỉnh tây bắc, tây nguyên thấy các cty cao su mang cây cao su trồng ở độ cao 700-900m, không hiểu họ có kiến thức khoa học, kinh tế hay mục đính để chiếm đất thôi.
Đừng trồng cao su bằng mọi giá, cây trồng nào cũng vậy thôi. Ý kiến Hoàng Phúc thật hay, những vùng không thích hợp mà trồng ồ ạt trước đây thì cần xem lại và chuyển đổi đi, như ở miềm Trung vùng bão lớn mà vẫn quy hoạch trồng cây cao su thì khổ lắm.
Theo tôi nghĩ một phân họ nghe tin đồn như vậy nhưng bên cạnh đó là giá mủ cao su hạ quá họ muốn chuyễn đổi cây trồng nên mới chặt phá như vậy. Hiện tại giá hồ tiêu rất là đắt đầu mùa từ 160-165 ngàn đồng, hiện nay đang ở mức 124000 đồng.
Không có hiệu quả kinh tế thì nên chuyển đổi cây trồng sao lại không. Làm kinh tế mà thiển cận như thế thì nghèo mãi thôi
Ở xã Đắk Ngo huyện Tuy Đức Đắk nông củng có tình trạng nay. hôm thứ 6 vừa rồi tôi về nhà thấy rất nhiều gỗ cao su được chở đi….thiết nghĩ, người dân đâu có dại chặt bỏ thành quả 6 7 năm của mình….chỉ vì thu không đủ chi, năng suất thấp, mủ ko đạt yêu cầu, hiệu quả kinh tế thấp nên họ chặt bỏ thôi