Tiêu mọc trên… đá

Những trụ tiêu đang phát triển rất tốt trên mỏ đá Tam Bố (Tâm Đồng), là một người dân Lâm Đồng tôi hết sức ngạc nhiên và tự hỏi không biết cây tiêu đã mọc trên đá tự bao giờ!

Xóm “tiêu”

Đến sinh sống, học hành và làm việc trên vùng đất Lâm Đồng từ năm 1971, tôi đã ngược xuôi từ Bảo Lộc về Đà Lạt không biết bao nhiêu lần mà kể. Thế mà cứ mỗi lần đến Km 178, qua cầu Đạ Le (Tam Bố), tôi chỉ nghe tiếng máy xập xình từ Mỏ Đá xen lẫn khói bụi.

Ven hai bên đường, cư dân cũng rất thưa, vì vùng đất này chỉ là những đồi đất, đá cằn cỗi. Mới đây, ngẫu nhiên phóng tầm mắt trông xa lên Mỏ Đá, tôi thấy trên đỉnh đồi le lói những cọc tiêu. Chỉ mình với một “con ngựa sắt”, tôi “rú ga” lên thẳng Mỏ. Giữa cái nắng trưa vào thời khắc đỉnh điểm mùa khô hạn, tôi len lỏi vài trăm mét theo những đoạn “đường không ra đường”, một cánh “rừng” tiêu xanh mượt đang vào mùa thu hái xuất hiện trước mặt. Tôi hết sức bất ngờ, không biết cây tiêu đã mọc trên đá tự bao giờ!

images997581_Trang4.1a

Một góc “rừng” tiêu ở Mỏ Đá (Tam Bố)

Ghé căn nhà xây cấp 4 nằm lọt giữa vườn tiêu, anh Trần Huệ tiếp tôi thân mật như một người thân lâu ngày mới gặp. Vừa tiếp chuyện ít phút, tôi nhận ra anh muốn sẻ chia với nhà báo những niềm vui và hình như có đôi điều gì đó muốn tâm tình gởi gắm. Trần Huệ trải lòng: “Em đến đây lập nghiệp từ năm 1993. Từ con số không, hiện tại em đã sở hữu 3ha. Tất cả cây trồng gần như đều mọc trên đá, vì vùng đất chỉ có đá mà thôi. Trong số 3 ha của em có 1ha tiêu trên 10 năm tuổi đã cho thu hoạch và 1,5ha tiêu chỉ 3 năm tuổi, mới cho thu bói vụ đầu tiên. Toàn bộ diện tích tiêu đều trồng xen với cà phê. Vụ này, em thu được 4 tấn tiêu khô và gần 10 tấn cà phê nhân. Với giá tiêu 140.000 đồng/1 kg (có những lúc lên tới 170 – 190 ngàn đồng/1 kg) và giá cà phê gần 40.000 đồng/1 kg ở thời điểm hiện tại, thì năm nay gia đình em thu nhập (trừ chi phí) trên 600 triệu đồng”.

Dẫn tôi đi thăm vườn tiêu của anh, quả thật là “chân không đạp đất”, vì đất hoàn toàn là đá. Theo lời anh Huệ kể, ở vùng đất này trồng tiêu rất hiệu quả, nhưng chi phí rất cao, vì đất đá rất khó canh tác. Mỗi năm, anh bón tới 10 tấn phân chuồng và 2 tấn phân NPK/1ha (cho cả tiêu và cà phê). Điều quan trọng nhất là phải có nước tưới. Nhà nào cũng phải chủ động có máy tưới riêng. Nước bơm từ suối Đạ Le hoặc bơm từ giếng khoan. Năm nào cũng vậy, vào mùa khô, cứ 10 ngày phải tưới 1 lần, thì cây tiêu mới “trụ” được.

Xem thực tế vườn tiêu, từ cách thiết kế vườn, hệ thống tưới nước, nơi ủ phân chuồng đến sân phơi, tôi cứ tưởng anh là “vua” tiêu ở đây. Thế nhưng không phải, anh Huệ cũng chỉ ở mức trên trung bình ở xóm “tiêu” này. Ở xóm tiêu, hiện có hơn 20 hộ nông dân và nhà nào cũng trồng tiêu. Hộ ít cũng có 2ha và hộ nhiều có 4 đến 6ha đất canh tác. Trong đó, phần lớn diện tích cây trồng chuyển dần sang trồng tiêu rặt hoặc trồng tiêu xen với cà phê. Những hộ trồng nhiều tiêu ở xóm này là Trần Văn Phát, Lê Tuấn Khanh, Nguyễn Văn Thảo…

Cũng đến đây lập nghiệp từ năm 1993, nhưng không chịu nổi vùng đất cằn sỏi đá này, anh Trần Văn Phát về Sài thành để làm ăn. Tích cực “bon chen” nhưng cũng không thể khá được, đến năm 1998, anh quay trở lại khi vùng đất này bắt đầu có “sức sống”. Lúc này, trong túi chỉ vỏn vẹn có 13 triệu đồng, hai vợ chồng anh quyết chí làm ăn. Từ khó khăn, vất vả, nhưng vợ chồng anh Phát có đủ nghị lực vươn lên bằng sức lao động chính mình và hiện giờ đã có trong tay 4ha cây trồng; trong đó, có 1,5ha tiêu và diện tích còn lại là cà phê. “Vùng đất này rất phù hợp với cây tiêu. Hơn nữa, tôi trồng giống tiêu Vĩnh Linh, nên năng suất đạt tới 5 tấn tiêu khô/1ha. Còn năng suất cà phê chỉ đạt 2 tấn nhân/ha. Tôi sẽ tiếp tục phát triển thêm 1ha tiêu nữa. Cũng nhờ cây tiêu, nên trong 3 năm nay, thu nhập của gia đình tôi đạt trên 1 tỷ đồng/1 năm” – anh Phát vui mừng chia sẻ.

Vừa trồng vừa thử nghiệm, bà con trong xóm đã lựa chọn được giống tiêu Vĩnh Linh để nhân rộng và tự ươm giống để cung cấp cho nhau và bán ra thị trường. Trong xóm có những hộ nhờ ươm tiêu giống, mỗi năm có thêm nguồn thu nhập 30 – 40 triệu đồng.

Xóm “tiêu”, từ một xóm nghèo “rớt mồng tơi”, rất ít người biết và quan tâm đến, nhưng nay đã trở thành một xóm cư dân mà tất cả đã giàu và khá, khó có xóm nào sánh kịp. Tuy nhiên, điều mà khiến tôi đôi chút chạnh lòng, khi nghe anh Huệ và bà con ở đây mong mỏi rằng: “Vật chất đã đủ đầy, nhưng xóm tiêu lại là xóm “nghèo” nhất về tinh thần, do mọi thứ đều tự phát và tự lo…”.

images997582_Trang4.1b

Xóm “đá” được mùa tiêu

Xóm “Quảng”

Hơn 20 hộ dân ở các huyện Mộ Đức, Sơn Tịnh, Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đến Mỏ Đá (Tam Bố) lập nghiệp từ năm 1993 và những năm sau đó. Họ đến đây làm ăn như một cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên, không hẹn trước, rồi dần dần hình thành nên xóm “Quảng” (xóm xa tận cùng của thôn Hiệp Hòa, xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng).

Lúc bấy giờ, chung “số phận” đói nghèo, họ cố quên đi thời gian, cùng đồng cam chịu khổ, nhẫn nại đào bới và nhặt từng viên đá để trồng bắp, gieo đậu. Trời thương, bắp đậu cũng “sống” được trên đá, nên đã “níu giữ” chân bà con xứ Quảng ở lại. Đến những năm 1997, 1998 trở về sau, bà con bắt đầu chuyển hướng trồng cà phê. Thế nhưng, không thuận lợi như các nơi khác ở Lâm Đồng, tại khu vực Mỏ Đá này, trồng được cây cà phê cũng hết sức nghiệt ngã. Từ việc đào bới đá, tạo bồn, trồng và chăm sóc cà phê cũng lắm công phu và chi phí rất lớn, nên hiệu quả không cao. Rất may, từ sau những năm 2000, bà con tiếp tục mày mò và tìm ra được một loại cây trồng khác, mà không ai nghĩ là sẽ thành công như ngày hôm nay. Đó là cây tiêu, một cây “cứu cánh” cho bà con xóm Quảng.

Cây tiêu không phải là loại cây trồng mới, vì trên đất Lâm Đồng, nông dân nhiều nơi đã trồng, nhưng thời gian “trụ” được không lâu. Ở huyện Đạ Tẻh, có một thời cây tiêu phát triển khá rộ, nhất là ở xã Mỹ Đức, xã Hà Đông và các xã khác. Nhưng chỉ “sống” được vài năm, cây tiêu bị rụi dần và cũng không thể trồng lại được do bị sâu bệnh và đất đai, khí hậu không phù hợp. Nhưng “ở xóm Quảng, đã hơn 10 năm nay, cây tiêu phát triển rất tốt và chưa hề có sâu bệnh gì!” – anh Trần Huệ, là 1 trong số 5 người “tiền khai khẩn” xóm Quảng, nói. Và, điều thú vị hơn, chất lượng hạt tiêu ở xóm Quảng khó có nơi nào sánh được. Bởi theo anh Đinh Văn Dũng (thường trú tại tỉnh Đồng Nai, người chuyên đi thu mua tiêu và các loại nông sản) cho tôi biết: “Mức bình quân thông thường là 4,2 lạng, nhưng tiêu Vĩnh Linh ở xóm Quảng đạt tới 5 – 5,2 lạng (theo đơn vị tính để đánh giá chất lượng hạt tiêu). Nhờ chất lượng cao, nên tôi mua tiêu ở xóm Quảng với giá cũng cao hơn khoảng 20% so với các nơi khác!”.

Ở xóm Quảng, anh Nguyễn Văn Hiếu, thuộc diện “nghèo”, nhưng thu nhập của gia đình trong năm cũng đạt trên mức 300 triệu đồng. Theo lời anh Hiếu, gia đình anh chỉ có trên 2ha cây trồng; trong đó, mới chuyển sang trồng 0,4ha tiêu. Nhờ “sinh sau đẻ muộn”, rút kinh nghiệm người đi trước, anh chọn giống tiêu Vĩnh Linh để trồng. Trong vụ này, anh thu hoạch được 2,3 tấn tiêu khô. Cũng như anh Trần Huệ và anh Trần Văn Phát, anh Nguyễn Văn Hiếu tuy mừng, nhưng rất tiếc nuối: “Giá như, ngay từ đầu bà con xóm Quảng được các ngành và chính quyền địa phương quan tâm hướng dẫn chọn giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc… thì có lẽ bà con còn giàu hơn bây giờ!”.

Đúng thế, bà con xóm Quảng đến đây lập nghiệp đều do tự phát. Chính vì vậy, trong cuộc sống và làm ăn bà con cũng phải tự lo, chưa có sự định hướng và giúp đỡ của các ngành và chính quyền địa phương. Từ khi chuyển sang trồng tiêu, bà con chưa hình dung ra là phải chọn giống tiêu gì. Ban đầu, một số bà con trồng giống tiêu sẻ. Khi vỡ lẽ, thì bà con mới biết giống tiêu sẻ thua kém hẳn giống tiêu Vĩnh Linh cả về năng suất, chất lượng và giá cả, thì đã hơi muộn màng. Anh Trần Huệ, là một trong số bà con ban đầu trồng giống tiêu sẻ, phân trần với tôi: “Em lỡ trồng 1ha tiêu sẻ đã hơn 10 năm tuổi; tuy rất tốt và năng suất cũng khá cao, nhưng vẫn thua kém giống tiêu Vĩnh Linh. Phải đợi thêm vài năm nữa, khi hết chu kỳ kinh doanh (chu kỳ 10 – 15 năm), em sẽ chuyển sang trồng giống tiêu Vĩnh Linh”.

Không chỉ trong công việc làm ăn mà ngay cả trong cuộc sống và sinh hoạt, như chuyện làm đường và kéo điện… bà con cũng phải tự lo, tự làm. “Mặc dù là người dân của xã Ninh Gia (huyện Đức Trọng), nhưng chỉ là “con ghẻ”, vì nhiều thứ phải nhờ xã Tam Bố (Di Linh). Vì xã thiếu quan tâm, nên chúng tôi phải tự thuê người kéo điện từ xã Tam Bố sang. Nên hiện tại, xóm Quảng tuy đã có điện, có đường, nhưng điện không ra điện và đường không ra đường!” – anh Nguyễn Văn Hiếu tâm sự với tôi. Ngoài ra, tôi còn nghe bà con xóm Quảng kể đến chuyện xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Một số lô, thửa đất nông nghiệp trên cùng một khu vực cận kề nhau, có người thì được cấp, nhưng có người thì lại không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (!). Còn nguồn nước ở dòng suối Đạ Le, liên tục bị ô nhiễm do một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản, làm ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt, bà con đã đề nghị nhiều lần nhưng cũng không được các ngành và chính quyền địa phương giải quyết!…

Đem chuyện nghe ngóng được ở xóm Quảng kể lại với một số cán bộ Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Đức Trọng và UBND xã Ninh Gia, thì ai cũng hững hờ, không hay biết mô hình làm ăn hiệu quả từ cây tiêu và nỗi niềm mong mỏi của bà con ở xóm Quảng – xóm “tiêu”. Một cán bộ xã Ninh Gia có lẽ là nói vui, nhưng cũng rất thực tế: “Xóm Quảng là xóm tự phát mà…!”.

Qua câu chuyện, tôi thiết nghĩ rằng, thường thì các mô hình sản xuất đều có sự tổ chức của các ngành chức năng. Nhưng trong thực tế, không phải tất cả các mô hình thí điểm (có tổ chức) cũng đều thành công, để rồi tổ chức hội thảo, rút kinh nghiệm và phổ biến, nhân rộng. Ngược lại, cũng có những mô hình tuy chỉ là tự phát, nhưng nếu thành công và có hiệu quả, thì các ngành và địa phương cũng có thể “vào cuộc” để nắm bắt và trân trọng, giúp đỡ họ tháo gỡ khó khăn, tiếp tục phát triển; cần thiết, cũng có thể lấy đó làm mô hình để tổ chức cho nông dân tham quan học tập, phổ biến và nhân rộng. Không vì “xóm Quảng là xóm tự phát mà…!” rồi bị… “bỏ rơi!”.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Lê Thị Vân

    Xin cho tôi biết số điện thoại của 1 hoặc 2 người trồng tiêu trên đá để học hỏi kinh nghiệm bón phân cho cây tiêu trên đá như thế nào, nhất là khoản bón phân chuồng xong phải lấp đất lại, trồng trên đá là sao lấp được? Cảm ơn nhiều

Tin đã đăng