Ký thông tư “cẩu thả”: Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp có vô can?

Vừa ban hành Danh mục bổ sung phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập tức phải thu hồi.

Buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra

Chuyện xảy ra từ năm ngoái, nhưng hậu quả thì doanh nghiệp, người dân đến bây giờ vẫn phải chịu.

Ngày 09/8/2013 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp) đã ký ban hành Thông tư số 38/2013/TT-BNNPTNT về Danh mục bổ sung các loại phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam. Theo đó, sẽ có 785 loại phân bón được bổ sung và 193 loại phân bón được thay thế. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 19/9/2013.

Sau khi phát hiện ra sai phạm, ngày 24/9/2013, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp ban hành Quyết định số 2171/QĐ-BNN-TTr về việc thanh tra trình tự, thủ tục ban hành Thông tư số 38. Ngày 19/12/2013, Đoàn Thanh tra đã có Kết luận số 4513/KL-BNN-TTr trong đó đã nêu rõ những tồn tại, sai phạm của các cá nhân, tập thể có liên quan và kiến nghị các biện pháp xử lý.

thong tu san xuat phan bon
Kết luận Thanh tra sai phạm trong việc ban hành Thông tư 38 của Bộ Nông nghiệp

Cụ thể, qua thanh tra về trình tự, thủ tục xây dựng Thông tư 38/2013/TT-BNNPTNT, Đoàn Thanh tra đã kiểm tra 948/978 loại phân bón (30 hồ sơ loại phân bón Cục Trồng trọt chưa cung cấp). Đoàn Thanh tra phát hiện, đối với 660/675 loại công nhận phân bón mới (thiếu hồ sơ 15 loại) thì 660 loại không có biên bản kiểm tra của Cục Trồng trọt trong quá trình khảo nghiệm; 327 loại không có biên bản đánh giá đề cương khảo nghiệm của Hội đồng cơ sở; 568 loại không có văn bản báo cáo Sở NN&PTNT trước và sau quá trình khảo nghiệm; 660 loại thiếu diện tích khảo nghiệm diện rộng; 655 loại thiếu số lượng thí nghiệm khảo nghiệm.

Đối với 180/193 loại phân bón sang tên, chuyển đổi chủ sở hữu, đổi tên phân bón (thiếu hồ sơ 13 loại) thì có 162 hồ sơ thiếu thủ tục như: đơn đăng ký chuyển nhượng, hợp đồng chuyển nhượng, đơn cam kết phân bón không trùng trong danh mục…

Thanh tra Bộ kết luận, Cục Trồng trọt đã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát dẫn tới các sai phạm tại Cục và các đơn vị khảo nghiệm. Đối với 08 đơn vị trực tiếp khảo nghiệm, Thanh tra Bộ cho rằng trách nhiệm để xảy ra sai phạm thuộc về lãnh đạo các trung tâm và tổ chức, cá nhân liên quan. Thanh tra Bộ cũng kiến nghị Cục Trồng trọt kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo, tập thể và cá nhân có liên quan.

Chỉ cán bộ “tham mưu” bị… trảm

Ngày 19/01/2014, Cục Trồng trọt đã tiến hành kiểm điểm tập thể Cục Trồng trọt và các cá nhân lãnh đạo Cục. Kết luận tập thể Cục Trồng trọt chịu hình thức khiển trách, các lãnh đạo Cục Trồng trọt tự phê bình, không áp dụng hình thức kỷ luật.

ong pham dong quang bo nong nghiep
Ông Phạm Đồng Quảng thừa nhận đã quá tuổi bổ nhiệm nhưng vẫn được quy hoạch là do… cấp trên

Tuy nhiên, một thời gian sau, Phó Cục trưởng phụ trách Phạm Đồng Quảng đã ký hàng loạt công văn “chỉ điểm” tội từng cá nhân và đã tiến hành họp kiểm điểm hơn 20 cán bộ có liên quan và buộc thôi việc đối với 03 cán bộ. Điều này đã khiến dư luận đặt ra nhiều nghi vấn, liệu có chuyện lãnh đạo Cục Trồng trọt đang lợi dụng kết luận của Thanh tra để “thanh trừng” cán bộ?

Một cán bộ Cục trồng trọt bị “xử nặng tay” cho rằng: “Trong biên bản cuộc họp kiểm điểm mà Cục trồng trọt tổ chức khẳng định chúng tôi đã gây hậu quả nghiêm trọng và tiến hành bỏ phiếu buộc thôi việc là không công bằng. Bởi lẽ trong khi tất cả những tập thể, cá nhân có chức năng rà soát, kiểm tra và ký các văn bản thì đều được kết luận không có hình thức kỷ luật và chỉ rút kinh nghiệm. Hơn nữa, việc tổ chức thành phần tham dự cuộc họp kiểm điểm bỏ phiếu kỷ luật công chức sai so với quy định…”.

Điều đáng nói, trong quá trình xây dựng Thông tư số 38 ngoài cán bộ tham mưu, Thông tư còn được rà soát bởi Phòng Pháp chế, Vụ Pháp chế, lãnh đạo Cục ký trình lãnh đạo Bộ, Văn phòng Bộ, lãnh đạo Bộ ký ban hành… Tuy nhiên, Cục Trồng trọt chỉ tiến hành kỷ luật “buộc thôi việc” đối với cán bộ có tính chất “tham mưu”.

Liên quan đến vấn đề trên, ngày 19/3/2014, trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Đồng Quảng cho rằng: “Việc xử lý kỷ luật là theo ý kiến chỉ đạo trực tiếp của cấp trên. Chúng tôi xử lý như vậy là cực chẳng đã. Hiện tại chúng tôi đã có hình thức buộc thôi việc 3 cán bộ viên chức. Riêng đối với các cán bộ công chức tôi còn phải suy nghĩ…”.

Ông Phạm Đồng Quảng hiện đã quá tuổi bổ nhiệm Cục trưởng, tuy nhiên không hiểu vì lý do vì sao ông vẫn được quy hoạch cho chức danh Cục trưởng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây “xáo trộn” tại Cục Trồng trọt trong thời gian vừa qua.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nông cà

    Quản lý yếu kém trong nhiều lĩnh vực đời sống của xã hội là căn bệnh TRẦM KHA khó có thuốc chữa!
    Nguyên nhân thì nhiều nhưng có thể tập trung ở một số điểm sau:
    1. Trình độ của cán bộ thấp, năng lực yếu kém: Do nạn chạy bằng, học giả bằng thật tràn lan trong đội ngũ cán bộ !?. Do khâu tuyển chọn cán bộ hoàn toàn phụ thuộc chạy chọt và chủ quan của ‘cấp trên’, không có cơ chế tuyển chọn CÔNG BẰNG MINH BẠCH.
    2. Cán bộ quản lý bị mua chuộc bởi các nhóm lợi ích, ký ban hành các văn bản có lợi cho các thành phần làm ăn bất chính, thông qua đội ngũ tham mưu cũng đã bị mua chuộc. Cái này dân gian gọi là DỐT CỘNG THAM thì rất nguy hiểm.
    Kết luận: Do thiếu cơ chế GIÁM SÁT CỦA TOÀN XÃ HỘI đối với công tác lãnh đạo và quản lý nhà nước nên Đây là LỖI HỆ THỐNG trong điều hành và quản lý xã hội, tựa như máy tính đã bị lỗi hệ thống điều hành Windows, phải cài đặt lại hệ điều hành mới

  2. Cafe con

    Không có hồ sơ thẩm định nào thiếu biên bản cả, nhưng được thay thế bằng những biên bản polyme.
    Hậu quả chỉ người nông dân lãnh đủ trước vấn nạn phân dỏm, phân kém chất lượng tràn lan theo cung cách quản lý của CÔNG BỘC CỦA NHÂN DÂN.

Tin đã đăng