Trong hai tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 21,1 tỷ USD, tăng 12,3% tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực đều giảm so với cùng kỳ năm trước.
Lĩnh vực xuất khẩu đang nổi lên một số hiện tượng đáng chú ý. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 2 ước tính đạt 9,6 tỷ USD; như vậy tính chung hai tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 21,1 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2013… Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực đều giảm so với cùng kỳ năm trước là: dầu thô đạt 935 triệu USD, giảm 23,2%; cà-phê đạt 563 triệu USD, giảm 16,9%; gạo đạt 352 triệu USD, giảm 2,3%; cao-su đạt 229 triệu USD, giảm 39,6%; sắn và sản phẩm của sắn đạt 223 triệu USD, giảm 24,9%.
Tuy nhiên, có một điều thú vị là ngay trong bối cảnh như vậy, trong hai tháng đầu năm, một số mặt hàng kim ngạch xuất khẩu vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng và tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước. Ðó là: hàng dệt may đạt 3,2 tỷ USD, tăng 30,1%; giày dép đạt 1,5 tỷ USD, tăng 27,4%; thủy sản đạt 1 tỷ USD, tăng 38,9%. Ðặc biệt, mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đang tăng trưởng rất ngoạn mục. Sau sự kiện lần đầu tiên soán ngôi đầu xuất khẩu của dệt may năm 2013 khi kim ngạch xuất khẩu đạt tới 21,5 tỷ USD (dệt may chỉ đạt 17,9 tỷ USD), trong hai tháng đầu năm 2014, mặt hàng này vẫn tiếp tục tăng trưởng nóng khi đạt 3,3 tỷ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn một cách toàn cục, đóng góp của nhóm hàng điện thoại và các linh kiện nói chung trong tổng kim ngạch xuất khẩu rất lớn. Năm ngoái, nhóm hàng này chiếm tới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và 50% trong mức tăng trưởng toàn ngành. Tuy nhiên, nếu đi sâu vào phân tích cụ thể vấn đề này cũng bộc lộ một bất cập. Có thể thấy rất rõ, thành tích của mặt hàng trên có được chủ yếu nhờ vào sự tăng trưởng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện tăng gần 70% so với năm 2012, chủ yếu do đóng góp của Nhà máy Samsung tại Bắc Ninh khi chỉ riêng doanh nghiệp FDI này đã đóng góp tới 98% tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện của Việt Nam.
Việc các doanh nghiệp FDI chiếm tỷ lệ lớn trong kim ngạch xuất khẩu sẽ tạo thêm nhiều công ăn việc làm, nhưng giá trị kinh tế mang lại chưa cao, chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng ấn tượng của nó. Nguyên nhân chủ yếu là do các đơn vị này mới chỉ sản xuất gia công, lắp ráp. Nguyên liệu đầu vào cho sản xuất hàng xuất khẩu còn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập từ nước ngoài. Tỷ trọng giá trị nhập khẩu các mặt hàng phục vụ hoạt động gia công lắp ráp chiếm khá cao trong kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, thí dụ kim ngạch nhập khẩu phụ kiện điện thoại các loại và linh kiện chiếm 33,3% kim ngạch xuất khẩu của chính mặt hàng này.
Sẽ là quá sớm khi dùng những số liệu trong hai tháng để rút ra nhận định chung về tình hình xuất khẩu cả năm 2014. Hiện tượng một số mặt hàng (ví như điện thoại các loại và linh kiện xuất khẩu) vẫn sống khỏe khi nền kinh tế tiếp tục khó khăn là điều đáng mừng, nhưng việc chúng sống “khỏe” nhưng giá trị thực tế thu lại chưa cao như kỳ vọng cũng là một vấn đề cần được các nhà điều hành kinh tế nhìn nhận một cách nghiêm túc, để tìm thêm những giải pháp khả thi hơn để gia tăng giá trị các nhóm hàng xuất khẩu Việt Nam!