Niên vụ điều mới: Lợi cho nhà nông, khó cho doanh nghiệp

Thời tiết thuận lợi, sản lượng điều niên vụ 2014 dự kiến sẽ tăng 10 – 15%. Tuy nhiên các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu điều đang phải đối mặt với những khó khăn từ phía nhà nhập khẩu và nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Giá điều đầu vụ tăng cao

Từ sau Tết Giáp Ngọ, các vùng điều trọng điểm của Việt Nam như Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu đã bắt đầu bước vào niên vụ mới. Ông Nguyễn Minh Họa – Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, do thời tiết tương đối thuận lợi nên cây điều ở các vùng trồng ra hoa và kết trái tốt. Dự báo sản lượng niên vụ 2014 có thể tăng hơn 10 -15% so với 2013.

Về thu mua, do mới vào đầu vụ nên giá điều đang ở mức khá cao. Cụ thể hạt điều tươi có giá 25.500-26.500 đồng/kg, điều khô mà doanh nghiệp (DN) nhập kho có giá 28.000-30.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với niên vụ năm 2013. Trong khi đó, giá điều nhân xuất khẩu chỉ ở mức khoảng 6,9 USD/kg. Do đó, nếu trừ đi các chi phí chế biến thì DN vẫn lỗ 1.000-2.000 đồng/kg.

xuat khau hat dieu
Thu hoạch điều nguyên liệu tại Bình Phước.

Ông Tạ Quang Huyên – Giám đốc Công ty Hoàng Sơn 1 (Bình Phước) cho rằng giá sẽ còn cao đến khi vào chính vụ. Hiện giá điều tăng có thể do mới vào niên vụ, sản lượng thu hoạch còn khá ít, như ở tỉnh Bình Phước chỉ mới thu hoạch được 1-2% tổng diện tích.

Ông Nguyễn Đức Thanh – Chủ tịch Vinacas cũng đánh giá, công tác thu mua điều trong nước năm nay nhiều thuận lợi nhờ sản lượng dự báo tăng, kết quả sản xuất kinh doanh năm trước tốt nên người dân gắn bó với cây điều, DN được hỗ trợ vay vốn ngân hàng nhiều hơn…

Cũng theo ông Thanh, với những thuận lợi trên, ngành điều dự kiến sẽ thu mua hết 100% điều nguyên liệu trong nước, tương ứng khoảng 350.000 tấn điều thô. Tuy nhiên, Vinacas sẽ không áp mức giá trần, giá sàn cụ thể như trước mà sẽ để các DN tự cân đối tình hình.

Xuất khẩu hạt điều sẽ khó khăn hơn

Một số DN trong ngành nhận định, sản lượng điều toàn cầu năm nay được dự báo sẽ tăng hơn năm trước. Do đó, giá xuất khẩu dự kiến sẽ ở mức 6.000-6.300 USD/tấn, tương đương năm 2013.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đức Thanh, 2 tháng đầu năm nay dù phải mua điều nguyên liệu giá cao nhưng giá xuất khẩu của các DN đã giảm từ 10 – 20 cent/kg.

Ngoài ra, những rào cản về kỹ thuật thương mại của các quốc gia nhập khẩu điều lớn như Mỹ, Trung Quốc… cũng sẽ gây khó khăn cho DN kinh doanh điều nhiều hơn trong năm 2014. Hơn nữa, từ năm 2014 trở đi, các doanh nghiệp muốn kinh doanh điều tại Bờ Biển Ngà phải đăng ký lại giấy phép kinh doanh.

Trước tình hình đó, ông Thanh đề xuất, DN nên tập trung thu mua hết nguyên liệu trong nước từ nay đến tháng 4. Còn nhập khẩu thì nên tính toán mức giá bằng năm trước, hoặc tăng vài phần trăm so với năm 2013. Các đơn vị tham gia xuất khẩu nên phân loại hàng, nếu sản phẩm có nguyên liệu trong nước thì nên chào bán giá tốt hơn so với sản phẩm có nguyên liệu từ nhập khẩu.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. thơ vinh

    Không biết ở tỉnh nào trúng mùa và giá cao, nhưng ở ĐQ-Đồng Nai sản lượng năm nay giảm hơn nhiều so với năm trước (2013), cho dù cây Điều ra bông nhiều nhưng k đậu trái vì trời quá nắng nên khô bông rất nhiều, hôm chủ nhật (09/03/2014) điểm thu mua Điều chỉ trả 21000 đ/k thôi, còn giá 25500-26000 ko biết ở chỗ nào thu mua giá này vậy.

  2. Cố còi

    Điều ở đắk nông cũng vậy , ra bông rất đồng loạt nhưng lại khô bông khô trái non nhiều ,năm nay năng suất chỉ bằng 2/3 năm ngoái, giá đâu mà 25-26000/kg , hôm 12-03-2014 giá ở đây 19,500 /kg

  3. Hoang Nguyen

    O Gia Lai cung vay, gio to, truoc tet lanh, sau tet nang to hoa thui het. Dau mua cung chi 21000-22000 o dau ra ma 25000. Xin vui lòng gõ có dấu Tiếng Việt

  4. hoang phuong

    mùa điều nào DN điều cũng kêu giá nguyên liệu cao, lỗ để ép nông dân và xin nhà nước hỗ trợ lãi suất, vay vốn. Theo tôi lỗ là do DN điều yếu về tài chính và yếu năng lực quản trị doanh nghiệp. Ngành điều xuất khẩu số 1 nhưng chẳng có thương hiệu vì ” vàng thau lẫn lộn” điều Châu Phi bán lẫn điều trong nước thì làm sao mà có thương hiệu được. Muốn thoát khỏi khó khăn về rào cản chất lượng thì phải có thương hiệu rõ ràng chứ không phải làm ăn theo kiểu ăn xổi ” buôn đầu chợ, bán cuối chợ được”. Phải hoàn thiện mình để ra biển lớn chứ đừng luẩn quẩn tìm cách ép giá nhà nông, kiểu làm ăn đó xưa quá rồi, lạc hậu quá rồi. mùa điều này nông dân Bình Phước chẳng ai bán được giá 26-27 nghìn đồng vì khi đó chưa có điều bán. con khi chín rộ thì giá bèo bọt 19-20 nghìn đồng thôi. Giá cao su đang thấp chứ nếu như mấy năm trước thì nông dân sẵn sàng cưa điều hết, chứ đừng nghĩ đến chuyện xây dựng vùng nguyên liệu…

  5. Ga Kon

    Giá trên có gọi là đồn thổi không tác giả bài viết ơi. Hy vọng lần sau tác giả những bài báo lá cải như thế này nên dẫn chứng cụ thể hơn nữa. Ví dụ như cơ sở 01 Nguyễn Văn Linh, ,,,,, ABC gì đấy để cho bà con tiện đường theo dõi. Đằng này viết chung chung quá. Dù sao cũng cảm ơn tác giả nhiều.
    ĐIỀU: Em ở thị trấn Đăk Mil, ĐNo. Chỗ em điều đang vào mùa, giá bán rẻ lắm các thím à! Các em buôn toàn mua giá 17 nghìn/kg. Nếu như ở đâu có giá 25k/kg thì em sẵn sằng chở hàng tới bán. hè hè. Điều nhà em trồng xen canh cây cà phê. Những khu vực ngoài cà phê em thấy 3 năm nay mất mùa. Năm ngoái nhà em mất trắng. Riêng trong cà phê, có tưới tắm qua loa, bón phân chút đỉnh nên năm nay cũng thấy tạm tý. Trồng điều mà cứ như tình hình thế này chắc nông dân chúng ta “CƯA” hết làm củi đun quá nhỉ. Anh chị nghĩ sao về cây “Măc Ca”? chuyển đổi cho cây điều nhà mình nhỉ?

Tin đã đăng