Sàn giao dịch cà phê BMT: Khi hiện đại chưa đi cùng hiện tại

Mong muốn xây dựng một sàn giao dịch hàng hóa hiện đại, nhưng Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột chưa chứng minh được lợi ích với khách hàng.

Xem thêm: >> Sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột: Có sân nhưng thiếu cầu thủ!

Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC), tỉnh Đăk Lăk được khánh thành và hoạt động đã lâu, nhưng giao dịch mua bán tại cái chợ hiện đại này đến nay vẫn còn thưa thớt, vắng vẻ. Lượng cà phê giao dịch tại BCEC hiện có ngày chỉ được 5 tấn, tương đương 125 triệu đồng. Một sàn giao dịch hiện đại được đầu tư xây dựng với kinh phí hàng chục tỷ đồng, nhưng hoạt động không bằng một đại lý mua bán cà phê ở huyện.

Rõ ràng đó là điều khó lý giải với nhiều người. Khỏi phải nói cái lợi của việc tham gia mua bán qua trung tâm giao dịch hiện đại như của BCEC. Đáng lẽ, thông qua đây, hộ gia đình và DN sản xuất kinh doanh mặt hàng xuất khẩu này sẽ đảm bảo giao dịch theo đúng tín hiệu thị trường, không bị hớ về giá. Vì BCEC đã được liên thông với thị trường cà phê thế giới, việc mua bán được thực hiện bằng phương thức giao dịch đấu giá khớp lệnh công khai, minh bạch.

hien dai san giao dich ca phe bmt
Hình ảnh trên sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC)

Tuy nhiên, BCEC hiện lại thiếu thành viên đăng ký vào mua bán. Cho đến nay, mới có vài chục thành viên là hộ kinh doanh cà phê hoặc đại lý, còn lại rất ít DN tham gia. Chỉ tính riêng ở Đăk Lăk, trong hơn 140 DN đang hoạt động mới có vài chục DN đăng ký thành viên. Lý do hộ làm cà phê chưa mặn mà với BCEC vì bán ngay cho thương lái tại vườn, hay cho đại lý tại địa bàn tiện hơn. Thương lái mua xô, trả tiền mặt ngay.

Các DN chưa vào sàn vì họ đã có cả hệ thống mạng lưới thu mua, kho bãi và mối tiêu thụ riêng hoạt động khá hiệu quả. Dù vẫn biết tập trung mua bán tại sàn theo phương thức hiện đại sẽ cập nhật được giá cả, nhanh, nhiều, tiện lợi hơn… nhưng phần vì do thói quen đã cố hữu, phần do còn quá xa lạ với “luật chơi” ở sàn hiện đại không ít thành viên thị trường vẫn ngại ngần.

Để cà phê Việt Nam vào sàn hội nhập với thế giới hiện đại, phía BCEC rất cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích trước mắt và lâu dài của việc mua bán tiên tiến này. Bên cạnh đó, rất quan trọng là việc đổi mới cách thức giao dịch sao cho phù hợp với thực tế Việt Nam.

Điều này không phải các lãnh đạo của BCEC không biết. Nhiều giải pháp đã được đề ra và thực hiện, như từ quy định lượng giao dịch mỗi lô (lot) 5 tấn lúc đầu, trung tâm đã rút xuống còn 1 tấn để hợp với quy mô sản suất của nông dân; trước chỉ giao dịch một phiên buổi sáng, giờ thêm phiên buổi chiều. Đặc biệt là việc BCEC tổ chức vận chuyển, phối hợp với Techcombank, ngân hàng ủy thác thanh toán tại sàn, hỗ trợ cho tạm ứng vốn đối với những lô cà phê còn lưu kho chưa bán được…

Có phù hợp thì hoạt động của BCEC mới đạt hiệu quả. Còn nếu hiện đại không đồng bộ với hiện tại, tức là khi quan hệ lợi ích còn bất cập, thì hàng chục tỷ đồng bỏ ra xây dựng Trung tâm giao dịch cà phê sẽ không tránh khỏi lãng phí, thiệt hại… Đó là đề bài mà BCEC phải giải và phải đảm bảo kết quả là tích cực nhất cho các thành viên thị trường, trước khi tính đến chuyện đạt mục tiêu kiến thiết mô hình giao dịch theo chuẩn thế giới, liên thông quốc tế nhằm định vị vai trò nhà cung cấp lớn của nông sản Việt Nam.

>> Giải pháp nào cho sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột?

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Trường Tùng

    Nói một câu ngắn gọn là “không phù hợp với tình hình thực tế đối với người sản xuất cà phê tại Việt Nam hiện nay”. Đây là mộ hình của các nhà kinh tế hoạch định trên giấy để tìm cách rút ruột Ngân sách Nhà nước. Lãng phí vô cùng!

  2. Hảo Trần

    Mình không đồng ý với câu nói của bạn Trường Tùng khi nói “Đây là mộ hình của các nhà kinh tế hoạch định trên giấy để tìm cách rút ruột Ngân sách Nhà nước”. Bạn có biết những người đầu tiên và gắn bó với mô hình này đã rất rất kì vọng và mong muốn lợi ích mà nó mang lại cho thị trường cà phê nước nhà thế nào chưa? Bạn có biết khó khăn mà mô hình gặp phải rất nhiều không, từ tập quán kinh doanh cà phê, khó khăn về kho bãi, các phương án được đề ra không được ủng hộ, rồi những người quản lí mô hình không hiểu rõ ý nghĩa thực sự của mô hình. Mô hình không phải dựng lên để rút ruột ngân sách nhà nước, mà mô hình đề ra để mong muốn khi nó được hoạt động một cách trơn tru hiệu quả thì cà phê của người nông dân được mua bán có giá trị hơn, không bị ép giá, làm giá, được mùa mà mất giá, rồi cà phê các doanh nghiệp thu mua khi xuất qua nước ngoài là cà phê chất lượng cao. Nếu bạn thực sự hiểu bất kì một đề án, hay mô hình gì muốn được triển khai ( mà của nhà nước) phải qua rất nhiều bước, nhiều cửa thẩm định thì mới thấy không dễ gì mà làm ra một mô hình rồi ở đó mà chơi không rồi rút ruột ngân sách nhà nước nhé. Ngoài ra, một số bác nghĩ rằng giao dịch ở sàn nước ngoài là mình đã giao dịch trực tiếp với sàn đó, thực tế là không, nhưng ngân hàng hay chi nhánh ở đây giao dịch với các sàn đó chỉ là một đầu mối rất nhỏ của các broker ( nếu không nói là chẳng là gì cả) của sàn giao dịch thế giới, thế nên mô hình này còn rất rất mong muốn kết nối gần hơn với sàn quốc tế để dân mình khi giao dịch ra thế giới còn giảm thiểu được chi phí. Như vậy, nói mô hình làm ra là lãng phí, là rút ruột thì hãy xem lại đã hiểu đúng về chức năng nhiệm vụ thực sự của mô hình là gì chưa, chứ đừng nói công sức của rất nhiều người là lãng phí, những người trút tâm sức bao nhiêu năm cho mô hình này sẽ thấy đau như thế nào khi mà cố gắng của mình bị người khác cho rằng lãng phí, là rút ruột như vậy. Cho nên xin bạn xem lại rồi phát biểu thế nhé :)
    P/s: rất cám ơn tác giả bài viết đã nói đúng vấn đề của mô hình này hiện nay, mô hình là hiện đại, nhưng để nó tiến gần với bà con, phù hợp với tập quán mua bán cà của dân mình thì quả là bài toán khó, cần cố gắng tìm kiếm giải pháp hơn nữa :)

  3. Hoang Thang

    Nhưng phần vì do thói quen đã cố hữu, phần do còn quá xa lạ với “luật chơi” ở sàn hiện đại không ít thành viên thị trường vẫn ngại ngần…
    Cái sàn này lập ra để thu phí của thành viên một cách quá đáng. Họ tuởng nông dân trồng cà giàu lắm, thu vài triệu trên một giao dịch là nhỏ đối với người bán. Tôi đã tiếp xúc với nhân viên tư vấn của sàn mà phải nổi nóng vì có những cái phí mà nó quá vô lý. Ví dụ như phí công cụ kho là 10.000 đ/tháng hỏi ra là cái ba gết bằng gỗ để chuyển hàng lên xe mà thu phí hàng tháng thì thật buồn cười. Còn nhiều thứ nữa nhưng khỏi kể ra ai muốn biết thì tiếp xúc thấy cái “hay” của cái sàn này. Đúng sàn là một hình thức mua bán hiện đại nhưng ý tưởng người lập sàn này thì chưa hiện đại tý nào. Xin đừng đổ tội cho người nông dân ít học.

  4. B.Tây Nguyên

    Tôi là một người nông dân và đứng trên quan điểm của tôi mà nói thì thực sự đây rõ ràng là một biện pháp hay, hiệu quả để giúp đỡ nông dân chúng tôi có cơ hội tiếp cận giá thực theo cung cầu thị trường, không bị thương lái, doanh nghiệp thu mua ép giá.
    Nhưng tại sao sàn giao dịch đã có từ lâu mà hầu như toàn bộ người dân chúng tôi không hề biết về sự tồn tại của nó, những lợi ích mà nó đem đến? Vậy có phải sàn này mở ra có thực sự là cho nông dân thật không?? hay là dành cho những nhà đầu cơ có cở?
    Thói quen cố hữu, xa lạ với “luật chơi”… đó chỉ là những yếu tố nhỏ, không thể đổ lỗi cho người nông dân về những lý do đó. nếu thực sự hướng vào giúp đỡ người nông dân chúng tôi thì liệu chúng tôi có thực sự sợ “luật chơi” không? liệu chúng tôi có thể bỏ thói quen cũ?

Tin đã đăng