Trong thời gian qua, trang giacaphe.com đã nhiều lần giới thiệu về phương pháp phòng ngừa rủi ro trong mua bán cà phê, cũng như các công cụ làm sao để Nông dân tránh điệp khúc “được mùa mất giá” qua các bài viết của nhiều tác giả.
Tuy nhiên có lẽ cách trình bày mang tính chuyên môn thuật ngữ nhiều quá và làm sao để đưa kiến thức đó vào thực tế thì hầu như chưa có biện pháp một cách rộng khắp cho nên sự ứng dụng không được phổ biến. Hôm nay Y5Cafe xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết của anh Kinh Vu chia sẻ với các bạn về vấn đề này.
Xem thêm: Những tác động xấu khi giá tăng
Nguồn gốc mua-bán phòng ngừa rủi ro (hedging):
Như trong các bài viết trước trong chuyên mục kiến thức về thị trường cà phê, chúng tôi đã giới thiệu, nguồn gốc thị trường trên mạng ngày hôm nay là do chính người nông dân lập nên, vì thế mà một số thuật ngữ cũng mang nguồn gốc của Nông dân, như từ “Hedge” có nghĩa là hàng rào, bờ dậu được tạo ra để ngăn cản những đợt phá hoại không lường trước được từ thú rừng hay thú nuôi của những trang trại khác phá phách mùa màng của mình.
Sau này khi ứng dụng vào thị trường người ta cũng mượn từ ngữ Hedge (phòng ngừa rủi ro) để mang một ý nghĩa tương tự, cũng nhằm mục đích bảo vệ cái thành quả lao động của mình (chính là sản phẩm) bị mất đi giá trị bởi những biến cố tiêu cực trên thị trường chẳng hạn như được mùa mất giá, đến thời vụ thu hoạch thì mất giá hơn so với khi giáp hạt v.v…
Tư duy về sự rủi ro:
Để dễ hiểu hơn về phương pháp phòng ngừa rủi ro, đã có người cho là nên dùng hình ảnh bảo hiểm để mà ví dụ. Mỗi khi người ta quyết định phòng ngừa rủi ro trên thị trường thì cũng tương tự như đi mua bảo hiểm để tự bảo vệ mình trước những sự kiện ngoài ý muốn xảy đến, bản thân việc mua bảo hiểm không ngăn cản được sự kiện xấu có thể xảy ra, nhưng nếu nó xảy ra thì mình đã được bảo vệ và tác động xấu của nó có thể được giảm thiểu, ứng dụng vào thị trường cà phê, người nông dân có thể tránh được cơn biến động giá sụt quá sâu khi mình cần bán sản phẩm thực vào bất kỳ lúc nào mình muốn ngay cả khi chưa có sản phẩm.
Đây cũng là tư duy rất khác nhau giữa một công ty có hàng trăm năm lịch sử trong ngành mua bán cà phê mà vẫn còn tồn tại và phát triển so với một công ty chỉ mua hay bán một chiều, đầu cơ thắng lớn, nhưng thực chất cũng chỉ là “mèo mù vớ được cán rán” có thể vớ được rất nhiều lần, nhưng chỉ vài lần vớ hụt là mất cả vốn lẫn lời.
Một phương pháp dùng thị trường kỳ hạn để phòng ngừa rủi ro cho cà phê thực có thể bị hạ giá khi thu vào những tháng thu hoạch là điều mà nông dân trên thế giới người ta đã làm hàng trăm năm trước, từ cái thời mà những nhà môi giới trên thị trường phải huơ tay, ra dấu, la hét (cry market) để thông báo giá mua bán cho người nhập lệnh mà họ vẫn làm được, nông dân chúng ta hiện nay đang trong thời đại @ thì điều cần thay đổi chỉ là nếp nghĩ mà thôi.
Nông dân phòng ngừa rủi ro thế nào?
Giả sử một người nông dân đang ở vào thời điểm hiện nay là tháng 3/2014, nhận thấy giá đang giao dịch tháng 11/2014 đang là 2010USD, anh ta suy nghĩ, giá ấy hiện nay chỉ để nhìn mà chơi cho vui, chứ đến tháng 11/2014 khi mùa màng thu đã rộ lên thì có lẽ không còn giá đó nữa, anh ta cũng tính toán rằng với mức 2010USD là quá tốt và rồi anh ta ước gì đến tháng 11/2014 cũng còn cái giá đó để cho anh bán cà phê của mình.
Hoặc thêm một ví dụ khác, từ khoảng giữa tháng 7 trở đi Brazil sẽ đi vào mùa đông, thời tiết năm nay rất trắc trở, trong khi Bắc bán cầu thì qua tháng 3 vẫn còn tuyết rơi, Nam bán cầu đất nước Brazil thì đang hạn hán, không lấy gì bảo đảm thời tiết mùa đông Brazil năm nay yên ổn, một cơn lạnh trong tháng 7 có thể khiến cho lượng tồn kho thấp hiện nay lên cơn sốt giá, tuy đang đứng ở tháng 7, ước gì có thể bán được giá như tháng 11 lúc đó.
Với sự thay đổi tư duy, với một chút tìm hiểu, chúng tôi tin nông dân cà phê Việt nam sẽ tránh được nạn phải bán dồn dập hàng thực khi giá thị trường tăng để rồi bị ép giá, thay vào đó, những nông dân lớn Việt nam sẽ bán hàng ảo để bảo vệ cái hàng thực của mình bằng phương pháp rào vườn, rào dậu để chúng ta không còn phải nói câu “ước gì”.
Xem chuyên đề: Tìm hiểu thị trường cà phê kỳ hạn
Phương pháp rào vườn
Hàng thực vụ 2014/2015 | Thị trường kỳ hạn | Kết quả thu được |
Hiện đang th. 3/2014 chưa có cà phê; Sản lượng dự kiến thu 10 tấn tháng 10 tới, nhưng muốn bán giá hiện nay của tháng 11/2014 đang giao dịch là 2010$ | Hiện đang đứng ở tháng 3/2014. Ra lệnh bán 10 tấn kỳ hạn tháng 11/2014 giá 2010$ (giá mong muốn đang có) | |
Đến tháng 10 hàng thực sẵn sàng; giả sử giá sụt còn 1610$, vẫn bán bình thường | Hiện đang đứng tháng 10/2014 ra lệnh mua vào 10t giá 1610$ tháng 11/2014 | Lãi hàng kỳ hạn 2010 – 1610 = 400$/t bù trừ cho sự bán thấp hàng thực |
Đến tháng 10 hàng thực sẵn sàng giả sử giá tăng 2410$, vẫn bán bình thường | Hiện đang đứng tháng 10/2014 ra lệnh mua vào 10t giá 2410$ | Lỗ hàng kỳ hạn 2010 – 2410 = -400$/t nhưng hàng thực bán giá cao tương đương. |
Qua bản trình bày trên, dĩ nhiên chúng ta thấy phương pháp rào dậu không phải là để làm ra thêm tiền, mà chỉ để bảo vệ thành quả những gì chúng ta đã mong ước ở thời điểm chúng ta chưa có hàng để bán. Đối với người không sử dụng phương pháp này, thì anh ta vẫn bán được hàng thực giá 2410$ (nếu giá tăng) mà không phải trả giá, tuy nhiên nếu giá bị sụt giảm xuống 1610$ thì không ai cho anh ấy 400$/tấn để bù cho sự thiệt thòi, bởi kỳ thực là chúng ta đã bán giá 2010$ từ trước.
Thêm vào đó, người nông dân có một khoảng thời gian rất rộng kéo dài cả một niên vụ để chọn thời điểm nào bán là có lợi nhất, trong khi người không thực hiện rào dậu thì chỉ có thể bán ra sau khi đã có thu hoạch, rõ ràng khi mọi người ai cũng tập trung bán cùng trong một thời điểm thì rủi ro bị ép giá càng cao.
Đối với những Đại lý, nhà kinh doanh cà phê với vai trò như bà đỡ cho người nông dân tại địa phương, ứng tiền, vật tư nông nghiệp trước và quy ra số lượng cà phê giao khi thu hoạch thì phương pháp này sẽ rất hữu hiệu để đối phó với rủi ro giảm giá vào thời điểm cuối năm.
Có thể bài này chưa thiết thực đối với những bà con có diện tích hay sản lượng quá nhỏ, nhưng qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều gia đình nông dân có diện tích trồng khoảng 5ha trở lên cũng khá lớn, chưa tính những HTX có hình thức tổ chức tốt vẫn có thể tham gia vào thị trường kỳ hạn.
Thông qua một số tổ chức Ngân hàng hiện nay đang có sàn giao dịch trực tuyến có khả năng đưa dịch vụ đặt lệnh đến tận máy tính của người dùng thì phương pháp trên chỉ là một trong những công cụ đơn giản nhất mà người nông dân có thể sử dụng.
Về những thủ tục tham gia, luật thị trường những kiến thức cơ bản, chúng tôi xin được đề cập trong những bài viết tới.
>> Biến động của thị trường cà phê phụ thuộc vào yếu tố nào?
Kinh Vu (Giacaphe.com)
Quanh năm chỉ bục mặt vào đất, vào cây cà phê mong sao giá cà phê đủ chí phí và có lời một tý. nay đọc bài của bác Kinh Vu mới thấy nông dân các nước khác đã biết phòng ngừa rủi ro cho sản phẩm của mình làm ra từ hàng trăm năm trước mới thấy tủi hổ làm sao.
Mong sao nhà nước, chính quyền có chính sách và giải pháp phù hợp để nông dân Việt Nam ta tiến kịp thế giới và không chỉ giỏi mỗi việc cày cuốc
Rất mong đọc những bài tiếp theo của anh Kinh Vu “Về những thủ tục tham gia, luật thị trường những kiến thức cơ bản” về giao dịch cafe trực tuyến trên sàn. Tôi rất quan tâm đến vấn đề này. Đặc biệt mong anh cho biết TÊN tổ chức Ngân hàng nào đang có sàn giao dịch trực tuyến Cafe? Cảm ơn anh rất nhiều!
Gởi tới Kinh Vu,
“ĐƯỢC MÙA ĐƯỢC GIÁ” có lẽ là câu trả lời đúng nhất cho câu hỏi: Bà con mong đợi điều gì ở Giacaphe.com trong năm 2014 phải không bà con nông dân trồng cà phê?!
Tôi cũng đang loay hoay nghiên cứu phải tìm ra cách để giúp bà con trồng cà phê nói chung và bản thân tôi nói riêng phương pháp bán cà phê hiệu quả nhất, và đây bài viết này và những bài kế tiếp của Bác Kinh Vu chắc chắn được bà con nông dân chúng tôi tâm đắc và chờ đợi.
Vì nói gì thì nói khi làm ra được hạt cà phê rồi nhưng khâu cuối cùng là quan trọng nhất cả mùa, phải QUY RA THÓC (tiền vô túi) thì mới biết được năm nay mình làm ra cà phê hay cà pháo hihiiiii.
Riêng tôi sẽ chờ và cố gắng đọc và cố gắng hiểu hết từng chữ toàn bộ bài viết hướng dẫn cách bán cà phê hiệu quả nhất này của Kinh Vu vì từ 30 năm nay làm cà phê tôi chưa bao giờ bán cà phê được giá cao mà nằm trong sự tính toán của mình, hoàn toàn ăn may…..CHỜ.
Chào anh Kinh Vu: tôi có ý kiến, muốn bán bảo vệ thành quả lao dộng của mình
VD: như bác nói lời lỗ ở trên, thì người nông dân tối thiểu phải ký quỹ trên 5000usd/1 lots: 10 tấn, hiện tại ký quỹ 1370/1lots.
Nếu vốn yếu dễ stoploss. Giả sử bán 2010 giá lên 2410 vị chi 1lots ta lỗ 4000 usd , ta ký quỹ 5500-4000 =1500usd và ngược lại xuống 1610 , ta lời:4000usd , ký quỹ 5500 + 4000usd =9500 usd.
Hiện tại có nhiều ngân hàng : Techcombank , Viettinbank , Sacombank , BIDV. Lưu ý : chỉ có doanh nghiệp , công ty , các tổ chức mới được giao dịch , các hộ cá thể không được. Hôm nay LonDon tháng 5 nếu không giữ vững 2095 sẽ sập hầm và vững trên 2095 , mục tiêu thử 2135. Bà con lưu ý New York có thể sập bất cứ lúc nào , nếu NY xuống LonDon đi theo.
Hiện tại các nhà rang xay không có nhu cầu mua Arabica trên mốc 180 cent.
Thân chào!
Chào anh Phan Trong Nghia
Cảm ơn ý kiến của anh, như trong bài đã đề cập, trước mắt vấn đề này chưa thiết thực cho bà con ND với quy mô nhỏ, nhưng với các Đại lý, Nông dân có sản lượng cao là hết sức cần chú ý. Chúng tôi hiểu rõ những thông tin anh đề cập, tuy nhiên những phần đó cũng tương tự như khi ta muốn học đại số thì cần phải phổ cập cho xong kiến thức số học trước, không có sự khởi hành thì chẳng có ngày đến đích.
Còn về phần chính sách làm sao có lợi cho dân thì tôi tin sớm hay muộn Nhà nước cũng sẽ điều chỉnh cho phù hợp. Học tập những điều Nông dân thế giới đã làm cả trăm năm trước và nay vẫn đang làm theo tôi là không thừa. Vui vì được trao đổi cùng anh.
Bác cứ nói liều. tư bản khác chúng ta nhiều mình mới chập chửng bước những bước đầu tiên thôi .PTkt như bác nó chỉ mới nhìn thấy phần nổi thôi còn nhửng tác động khác đa phần chi mang tinh dư báo mà đả dự báo thì sai bét cả là chuyện thường,bão đổ bộ vào hải phòng thì cứ một hai vào Đà nẵng
Nông dân Bra-xin có mấy trăm năm kinh doanh cà phê, cũng rào chắn đàng hoàng, nhưng vừa qua khóc còn hơn cha chết vì giá giảm dưới giá thành, nông dân Cô lôm bi a cũng thế, phải ăn tiền trợ giá của chánh phủ dù chắn rào mấy trăm năm. May mà có hạn hán, không thì toi thiệt hết luôn chứ nói chuyện hay. Làm gì mà có ĐƯỢC MÙA ĐƯỢC GIÁ hoài hoài.
Nói chung, năm này TRỜI thương chúng ta. Thế thôi.
Tại sao một hình thức bán hàng có lợi cho người dân, cho ngành cà phê như vậy mà các cơ quan quản lý nhà nước không quan tâm tạo cơ chế chính sách, tạo điều kiện để nó trở thành hiện thực tại Việt Nam, thật buồn cho người nông dân Việt nam, chỉ biết kêu trời !
Chào Anh Kinh Vu
Vấn đề Anh đề cập nếu không có trừ lùi thì ổn. Nhưng thị trường vẫn luôn thế, gần như lúc nào cũng có trừ lùi nếu biên độ nhỏ thì không sao còn biên độ lớn thì vẫn rủi ro như thường.
@Anh Hiển: để tham gia sàn LonDon thì Hộ kinh doanh vẫn được chấp nhận (Tại SACOMBANK).Anh VNS_BOOK nói phải. Tôi cũng nghĩ như trong bài tính của anh Kinh Vu thì trong trường hợp giá xuống chẳng hạn đến 1610usd/lot. Giả sử lúc đó người nông dân bán thật ở giá 1610 nhưng sẽ bị trừ lùi xuống là 100 usd chẳng hạn thì lúc đó là người nông dân sẽ thiệt mất 100 usd + với cả tiền phí đóng mở 2 chiều giao dịch mạng nữa khoảng 30 usd/lot thì mất tổng cả thẩy là 130 usd/lot (10 tấn) ( đây có thể coi như là “phí bảo hiểm”).
Vậy vấn đề ở đây là làm sao để đến thời điẻm 1610 usd thì các nhà thu mua sẽ thu mua đúng giá này hoặc plus thêm so với sàn liffe vì nếu giá thấp quá người nông dân ko bán hàng thì các nhà thu mua phải có mức plus mới thu được hàng. Điều này cũng chỉ xảy ra khi mà:
1. Sản lượng ở Brazil và 1 số nước sản xuất Robusta lớn như Indonesia giảm đột biến vì 1 nguyên nhân gì đó thì mới có mức cộng được
2. Chất lượng ca phe của bà con nông dân phải đạt tiêu chuẩn
2.1. Loại thượng hạng (giá mua Liffe+30usd tiêu chuẩn 0.5%max đen vỡ, 0.2% tạp chất, min 90% sàng 15, min 96% sàng 13 mỗi 300g) hoặc
2.2. Loại 1 (giá mua Liffe+0 tiêu chuẩn max 3% đen vỡ, 0.5% tạp chất, min 90% sàng 14, min 96 % sàng 12 mỗi 300g)
còn hiện nay đa số tiêu chuẩn xuất khẩu của VN lại là loại 2 (giá mua liffe-30 tiêu chuẩn max 5% đen vỡ, 1% tạp chất, min 90% sàng 13, min 96% sàng 12 mỗi 300g)
Như vậy để giảm “phí bảo hiểm” nêu trên cho bà con nông dân chỉ có nâng cao chất lượng sản phẩm của bà con lên và giảm phí giao dịch trên mỗi lot caphe thôi.
Làm sao để lên sàn bán được cà phê có kì hạn?
Để mình mở dịch vụ cho bà con đỡ khổ.
Với tôi thì câu hỏi đặt ra là ” Làm sao vào mùa tránh được rớt giá ? ” chứ không nghĩ được mùa mất giá !
Trên thế giới các ngành nghề kinh doanh thường tỉ lệ hồi quy trên đồng vốn 20%, nếu những mặt hàng cung không đủ cầu (có 2 trường hợp là đi tiên phong và lợi thế tự nhiên) thì giá cao hơn hay có chuyện làm giá. Đối với cây cafe điều kiện sinh thái không khắt khe nên nhiều nước có thể trồng được nên lợi thế tự nhiên là không có, còn điều kiện tiên phong thì mình lại thua họ hàng trăm năm. Giá như hiện nay theo các bạn là hợp lý chưa? Có đang ảo không? Nếu giá như hiện nay thì hàng triệu ha cafe nữa sẽ được trồng trên thế giới vì đất đai họ rất nhiều không như VN.
Bán theo giá mình mong muốn là trên cả tuyệt vời. Tuy nhiên Kinh Vu đưa ra việc tránh được mùa mất giá trên chỉ là lý thuyết, khi áp dụng cho nông dân chúng tôi là một chuyện xa với.
Thứ nhất: muốn mua bán trên mạng thì phải thành lập công ty, các ngân hàng mới cho giao dịch. Việc này vô cùng phức tạp với nông dân.
Thứ hai: đã giao dịch được chuyện stoploss thường xuyên xảy ra, nông dân sẽ mất cả chì lẫn trài.
Mời Kinh Vu giải quyết 2 vấn đề này cho nông dân bớt khổ?
@ Nông dân cà phê
Tôi có thể giải quyết cho Anh vấn đề thứ nhất: muốn mua bán giao dịch trên sàn thì chỉ cần giấy phép đăng ký kinh doanh của hộ kinh doanh là được, không cần phải thành lập Công ty.
Riêng vấn đề thứ 2 đã chơi thì phải chấp nhận.
Không biết hộ kinh doanh thì ngân hàng nào cho giao dịch, chứ BIDV thì họ bắt buộc phải thành lập DNTN trở lên, phải có báo cáo tài chính… nông dân làm sao làm được? rồi sau này thuế má nữa, cực lắm.
Vấn đề thứ 2 @ VNS_BOOK nói đã chơi thì phải chấp nhận là không ổn rồi, nông dân đâu có ham cờ bạc, đỏ đen đâu, họ chỉ muốn làm sao bán sản phẩm của mình với mức giá phù hợp thôi, nếu chấp nhận rủi ro thì thôi khỏi bán trước làm gì, và anh Kinh Vu khỏi đăng bài này làm gì.
@ Nông dân cà phê
Về vấn đề thứ nhất Anh có thể liên hệ Sacombank để giao dịch trực tuyến hàng hóa. Chỉ cần có giấy đăng ký kinh doanh của Hộ kinh doanh là được.
Vấn đề thứ 2 Anh nói không chấp nhận thì có thể làm thế này. Thông thường chơi trên sàn hàng hóa bỏ ra 1 có thể chơi được 10. Vậy muốn an toàn thì Anh bỏ ra 10 và cũng chỉ chơi 10 (thay vì 100), như vậy rủi ro do biến động giá sẽ được hạn chế rất rất nhiều.
Cảm ơn @VNS_BOOK. Tôi sẽ liên hệ với Sacombank xem sao
Nhà tôi chỉ có 1 ha, sản lượng bình quân 3,5 tấn, mà mốn bán trước giá khoảng 2.000USD/tấn là OK rồi, tuy nhiên cái khó là: bán trên sàn Lodon thì ít nhất là phải 1lot tương đương 10 tấn (tôi làm gì có 10 tấn để mà bán ), thêm nữa nếu muốn an toàn (bỏ ra 10 chơi 10) nghĩa là phải dùng hơn 420 triệu đồng để ký quỹ cho 1 lot thì vô cùng khó khăn cho nông dân tôi!
Chắc là giải pháp này không ổn rồi.
Chỉ khi nào đầu cơ hay cờ bạc, với mức đòn bẫy cao thì bạn mới phải cần dùng stoploss. Còn nếu đặt mục đích chỉ là bảo hộ rủi ro, thì bạn không cần sử dụng stoploss. Vì bạn có cà phê thật mà.
Hơn nữa, mức tiền ký quỹ cũng rất thấp, tùy theo ngân hàng chào sản phẩm, có thể dưới 10%. Giả sử bạn giao dịch 1 lot ở mức giá 2.000 USD/tấn, 10 tấn tương đương 20.000 USD. Ký quỹ chứng 2,000 USD cho 10 tấn. Nếu bạn chỉ có 5 tấn thì bạn giao dịch 1/2 lot thôi.
Nếu như giá biến động tăng lên 2.100 USD tấn, bạn sẽ lỗ 100 USD x 5 tấn = 500 USD. Về mặt lý thuyết, giá cà phê vật chất của bạn cũng tăng theo tương ứng. nên sẽ bù trừ qua lại, mà lúc nào bạn cũng yên tâm giá của bạn luôn bán được ở mức 2.000 USD/tấn, bất chấp giá lên bao nhiêu hay giảm bao nhiêu. ( chỉ có điều là bạn phải có số tiền ký quỹ đảm bảo dự phòng trong trường hợp giá tăng khoảng 300 – 500 USD/ tấn). Đến khi nào bán bán hàng vật chất, thì lúc đó đồng thời chốt hàng kỳ hạn.
Còn để đạt hiệu quả hơn, chúng ta biết thời điểm nào nên bảo hộ, thời điểm nào không nên, thì nhất thiết chúng ta phải biết dự báo giá. Dự báo giá chỉ cần tỷ lệ đúng 50%, thì các bác nông dân, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm và tăng lợi thế cạnh tranh của mình rất nhiều.
Hy vọng làm rõ một phần thắc mắc của bạn.
Bài viết hay!, Sẽ là phương pháp áp dụng hiệu quả cho các bà đỡ.
quá hay, có thể đây là 1 cái nghề bỏ trồng cà phê luôn, zậy mà không ai làm quân sư chuyện này ta
nghe thì hay nhưng với người nông dân thì không dễ thực hiện chút nào