Mới bước vào đầu mùa khô nhưng dòng Sêrêpôk đoạn phía hạ lưu kênh xả Thủy điện Sêrêpôk 4 thuộc địa bàn các xã Ea Wer, Ea Huar, Krông Na (huyện Buôn Đôn) đã cạn kiệt, gây những tác động tiêu cực đến sinh cảnh, môi trường sinh thái và đời sống của nhân dân dọc hai bờ sông này.
Ông Lê Huy Phúc, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ea Wer, cho biết: Nguyên nhân mới đầu mùa khô mà sông Sêrêpôk cạn kiệt là do nước xả từ Thủy điện Sêrêpôk 4 đã được dẫn vào kênh dẫn dòng Thủy điện Sêrêpôk 4A trong khi lưu lượng nước xả trở lại sông quá ít. Xã Ea Wer có hơn 1 km kênh dẫn dòng của Thủy điện Sêrêpôk 4A chạy ngang, đến trung tuần tháng 2-2014, đoạn sông Sêrêpôk trên địa bàn xã đã khô cạn 800m. Nước sông cạn kiệt đã tác động tiêu cực đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của bà con trong xã.
Nhiều hộ dân các xã ven sông sống dựa vào nghề đánh bắt cá trên sông chẳng còn nguồn thu. Các khu du lịch như thác Bảy nhánh, Khu Du lịch Buôn Đôn cũng không còn hấp dẫn du khách vì thác đá đã khô cạn, du khách không còn cơ hội cưỡi voi lội sông, đi thuyền độc mộc trên sông. Ở Khu du lịch thác Bảy nhánh, vào thời điểm này những năm trước đây, ở cầu treo trên sông tấp nập người qua lại để ngắm dòng sông, ngắm thác nước thì nay cầu treo trở nên “vô nghĩa” khi treo trên dòng sông khô cạn.
Voi H’Tuk của khu du lịch này sau một hồi lội sông khô cạn về cũng khát nước, nài voi Y Suen Knul phải bơm nước cho voi uống và tắm cho voi. Sông không còn nước, khu du lịch vắng khách, những nhân viên như Y Sem Kđơk thiếu việc làm và cũng đồng nghĩa với thu nhập thấp, cuộc sống khó khăn. Từ tháng 1 đến nay, hằng ngày Y Sem phải bơm nước tưới để cứu 6 cây si cổ thụ mọc giữa sông với hy vọng giữ lại màu xanh cho khu du lịch chờ mùa mưa đến đón khách. Ông Nguyễn Hữu Thiện, Phó Giám đốc phụ trách Vườn Quốc gia Yok Đôn cho biết: “Hiện nay, đoạn sông Sêrêpôk hơn 3 km qua Vườn Quốc gia Yok Đôn đã cạn gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh thái, làm mất đi những sinh cảnh vốn có, mất đi nghề đánh bắt cá truyền thống của người dân địa phương”.
Ông Ama An, Trưởng buôn Trí A, xã Krông Na thì bức xúc: “Sông cạn, hàng trăm hộ dân trong xã mất nguồn thu và còn có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, thiếu nước tưới cho cây trồng. Hiện tại, mực nước các giếng khơi của bà con đã thấp hơn nhiều so với những năm trước, hơn 10 ha lúa của bà con trong buôn nằm gần sông đã khô héo vì thiếu nước tưới”.
Từ thực tế tình trạng sông Sêrêpôk qua các xã của huyện Buôn Đôn cạn kiệt gây tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái và đời sống của người dân trên địa bàn, thiết nghĩ các cơ quan chức năng của huyện Buôn Đôn và Sở Công thương cần làm rõ việc nhận nước vào kênh vận hành phát điện và xả nước trở lại sông của Thủy điện Sêrêpôk 4A có đúng theo dự án đã được phê duyệt là 8m3/giây liên tục trong ngày (tức là mỗi ngày thủy điện phải xả trở lại sông gần 700.000 m3 nước) hay không, để có phương án điều chỉnh nhằm giữ được dòng chảy tự nhiên, trả lại môi trường sinh thái tự nhiên cho dòng sông này.
Dưới đây là những hình ảnh về tình trạng cạn kiệt của dòng sông Sêrêpôk:
Voi Khu du lịch thác Bảy nhánh lội trên lòng sông khô
Cầu treo trên dòng sông Sêrêpôk cạn nay vắng khách du lịch
Sông Sêrêpôk cạn nước, nhân viên Khu du lịch thác Bảy nhánh phải bơm tưới cứu 6 cây si cổ thụ mọc trên lòng sông
Voi H’Tuk khát nước sau một hồi lội dòng sông khô
Dòng sông Sêrêpôk (bên trái) đã trơ đáy, và kênh dẫn dòng thủy điện Sêrêpôk 4A (bên phải) đầy nước!
Khu du lịch thác Bảy nhánh vắng hoe
Họ đã bức tử dòng sông đẹp nhất Tây nguyên !
Voi uông nước ngộ ghê ta, sao ông quản tượng không đấu đầu ống vào vòi luôn để tiết kiệm nước…
Ích nước, nhưng chẳng lợi dân
Đà Nẵng đang kiện Bộ Tài nguyên môi trường và nhà máy thủy điện. Theo tính toán thì thiệt hại cho nông dân lớn gấp 5-10 lần mà thủy điện mang lại, chưa tính đến hủy diệt môi trường.
Chỉ vì lợi ít của một nhóm cá nhân mà gây hại cho toàn thể một thế hệ mai sau.
Lợi ích đâu chưa thấy, nhưng hậu quả đã thấy rõ, những cảnh báo của các nhà khoa học đã bị bỏ qua. vì lợi ích của vài người mà đánh đỗi của toàn xã hội. chí có ở Việt Nam
Tệ thật, vậy kì nay tháng 6 lên đắk lắk chơi có được thấy dòng sông này nữa hay không nhĩ……