Giá cà phê dao động dữ dội

Tin khô hạn tại các vùng trồng cà phê Brazil làm giá cà phê tại các sàn kỳ hạn và các nước xuất khẩu nóng lên. Giá tăng, lực bán ra nhiều, tạo sức ép lên sàn lại khiến giá đã đổ mạnh và đóng cửa có giá thấp hơn cuối tuần trước. Một cơ hội bán ra đã bị bỏ lỡ?  

Diễn biến giá đóng cửa sàn kỳ hạn robusta Liffe NYSE tuần qua (tác giả cập nhật)
Diễn biến giá đóng cửa Robusta Liffe NYSE tuần qua (tác giả cập nhật)

Giá tăng nóng nhờ tin hạn hán

Giá cà phê trên các sàn kỳ hạn tại Mỹ và Anh Quốc tuần qua dao động dữ dội sau khi có dự báo thời tiết khô hạn kéo dài tại các vùng trồng cà phê của Brazil. “Lượng mưa bình quân tại nhiều vùng trồng cà phê ở Brazil chỉ đạt chừng từ 40-50% so với bình quân nhiều năm”, hãng khí tượng thủy văn Somar tại Brazil cho biết cách đây vài ngày.

Sàn kỳ hạn robusta hưởng được một đợt tăng giá mạnh nhất tính từ ngày đầu niên vụ 1-10-2013 đến nay kèm theo những dao động dữ dội. Giá sàn robusta Liffe NYSE tháng 5-2014, nay là tháng giao dịch chính, vào ngày thứ Hai 3-2 có lúc tăng lên mức 1.856 đô la Mỹ/tấn. Sau nhiều đợt co giật trong tuần, cộng với lượng bán ra mạnh từ các nước sản xuất, hôm qua thứ Sáu 7-2, giá sàn kỳ hạn lúc đóng cửa giảm 12 đô la/tấn so với khi mở cửa, chỉ còn 1.767 đô la/tấn, giảm 78 đô la Mỹ/tấn so với giá đóng cửa tuần trước (Xem biểu đồ trên).

Tuy nhiên, giá kỳ hạn arabica Ice New York sau một tuần tăng 9,80 cts/lb tương đương với 216 đô la/tấn, chốt mức 137 cts/lb.

Tuy giá kỳ hạn tăng mạnh, giá nội địa tại các tỉnh Tây Nguyên vẫn không  theo kịp mà chỉ ở mức đỉnh trong tuần chừng 36.000 đồng/tấn, so với đầu mùa mức 37.500 đồng/kg. Tuy vậy, bị ảnh hưởng bởi giá đóng cửa sàn kỳ hạn hôm qua, sáng nay thứ Bảy 8-2, giá cà phê nhân xô trên thị trường nội địa quay về mức 34.800 đồng, rớt hết những gì đã nhặt được, thậm chí còn mất thêm 200 đồng/kg so với cuối tuần trước.

Giá kỳ hạn tăng mạnh trong khi giá nội địa không tăng theo tương ứng có nghĩa là giá xuất khẩu dựa trên mức chênh lệch giữa giá niêm yết của sàn và giá bán FOB (giao hàng tại cảng đi) bị giãn ra. Một hãng kinh doanh nước ngoài có đại diện thương mại tại TPHCM báo rằng họ đã may mắn mua được loại 2,5% đen vỡ ở mức trừ 50 đô la/tấn FOB dưới giá niêm yết sàn kỳ hạn London, giảm từ 20-25 đô la/tấn so với tuần trước.

Lợi suất đầu tư hàng hóa trên một số sàn kỳ hạn (Investing.com)
Lợi suất đầu tư hàng hóa trên một số sàn kỳ hạn (Investing.com)

Lại một cơ hội bị bỏ lỡ?

Do đặc thù sinh học, cây cà phê arabica Brazil có năm được năm mất theo chu kỳ. Niên vụ 2013/14 được xem là niên vụ mất nhưng sản lượng vẫn lớn. Tâm lý được mùa vụ sau đè nặng lên thị trường cà phê thế giới, giá arabica đã xuống mức sâu trong vòng bảy tám năm nay.

Thế nhưng, tính từ tháng 11-2013 – thời điểm giá arabica xuống mức thấp nhất tính từ 7 năm trở lại đây – giá kỳ hạn arabica đã tăng mạnh lên 23%, chỉ riêng 30 ngày qua tính đến hết ngày 7-2, lợi suất đầu tư trên sàn arabica hưởng 12,03% (Xem biểu đồ). Chính nhờ vậy, giá robusta có cơ hội vực lên lại sau khi xuống mức thấp nhất trong niên vụ này, từ mức 1.450 đô la/tấn vào giữa tháng 11-2013.

Cà phê là một thị trường rất nhạy cảm với thông tin thời tiết. Một khi sương giá xảy ra, thị trường tăng mạnh và rất vững. Ngược lại, với tin hạn hán, chỉ cần một trận mưa bất ngờ về, giá có thể sẽ bị đổ theo nhanh chóng. Giá dao động trên các sàn kỳ hạn tuần qua nói lên điều đó.

Cà phê Brazil chiếm một phần ba sản lượng của cả thế giới nên mức độ ảnh hưởng trên thị trường của nước này rất mạnh, vả lại arabica là “món” chính trong tách cà phê, trong khi robusta thường được rang xay sử dụng để phối trộn.

Thế mà, Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) trong báo cáo thường kỳ mới nhất ước rằng sản lượng cà phê niên vụ 2013/14 đạt 145 triệu bao, tăng 0,48% tức 700 ngàn bao, so với ước báo kỳ trước. Trong đó, ICO ước tính lượng robusta tăng 7,2% đạt 60,4 triệu bao và arabica giảm 3,8% đạt 85,4 triệu bao. Như vậy, tỉ lệ robusta là 41,4% và arabica 58,6%.

Tin thời tiết khô hạn tại Brazil đã mang lại cho người trồng cà phê robusta một cơ hội tốt trong những ngày vừa qua. “Với dự báo sản lượng robusta cao, thiết nghĩ những đợt tăng giá chỉ để giúp cho người mua tìm cơ hội mua giá trừ lùi hay cộng tới rẻ hơn, nên giá nội địa khó bề tăng mạnh một cách đột biến như những ngày vừa qua”, một nhà phân tích thị trường tại TPHCM nhận định.

Các nước đẩy mạnh xuất khẩu

Thống kê của cảng Lampung, Indonesia cho biết trong tháng 1-2014, xuất khẩu cà phê của Indonesia qua cảng này đạt 16.760 tấn, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2013. Nhưng, xuất khẩu lũy kế 12 tháng tăng 51,5%, đạt 375.242 tấn so với một năm trước đó chỉ là 247.739 tấn.

Hiệp hội Nông dân Cà phê Colombia cho biết xuất khẩu cà phê trong 4 tháng đầu niên vụ của nước này đạt 3,897 triệu bao, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. văn Thành

    Dân làm cà RÔ chả lạ gì một thông tin cả mấy thập kỷ nay “cà ARA là món chính trong tách cà phê, còn cà RÔ chỉ là để trộn làm gia vị. Chứng tỏ, họ đánh giá quá thấp cà RÔ, đó là “võ” của họ (ý họ là : cà RÔ có cũng được, không có thì cũng chẳng ảnh hưởng gì. Cứ chờ đó, hồi sau sẽ rõ…

Tin đã đăng