Vui xuân, lượng bán ra giảm, giá cà phê tăng mạnh trong mấy ngày tết. Tuy nhiên, những biến động trên thị trường tài chính thế giới trong những ngày qua đang gây nghi ngờ độ bền vững của đợt tăng giá này.
Giá “phi nước đại” ngày đầu năm Ngựa
Giá cà phê nội địa tăng mạnh như ngựa “phi nước đại” vào đúng ngày mừng Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, từ mức 33.800 đồng/kg lên 34.500 đồng/kg hôm qua mùng 1 và đến sáng nay thứ Bảy mùng 2 Tết tức 1-2-2014, giá nhảy tiếp lên 35.000 đồng/kg. Như vậy, chỉ trong vòng hai ngày đầu xuân năm con Ngựa, giá cà phê được cộng thêm 1.200 đồng/kg. Tuy nhiên, chỉ một số ít người bán cà phê ra “để lấy ngày”, còn hầu hết nhiều người khác đang chọn vui tết hơn làm ăn trong những ngày trọng đại này, anh Hòa, một nông dân tại Buôn Hồ, tỉnh Daklak cho biết.
Cách đây một tuần, giá sàn kỳ hạn robusta Liffe NYSE tại London (Anh Quốc) tăng theo kiểu đi “nước kiệu” những ngày đầu rồi ngay đêm Giao thừa (30-1) bỗng chuyển sang “phi nước đại”, tăng 30 đô la Mỹ/tấn, rồi đóng cửa ngày mồng 1 Tết (31-1) tăng thêm 37 đô la Mỹ/tấn cơ sở tháng 3-2014, hiện đang là tháng giao dịch chính.
Nhiều người cứ theo cách suy đoán cũ, cho rằng tháng giáp tết sẽ chịu áp lực bán ra mạnh do nông dân cần tiền chi tiêu cho dịp lễ lớn nhất trong năm, giá ắt sẽ giảm. Rõ ràng năm nay thị trường không đi theo nếp nghĩ ấy.
Tính đến hết ngày thứ Sáu 31-1, đúng ngày mùng 1 Tết Giáp Ngọ, giá đóng cửa sàn kỳ hạn tăng 103 đô la Mỹ/tấn so với cách nay một tuần và tăng 197 đô la/tấn, từ mức 1.614 đô la/tấn nếu tính trọn cả tháng 1-2014 dương lịch, chốt mức 1.811 đô la/tấn vào khuya 31-1 tức rạng sáng hôm nay thứ Bảy 1-2-2014 (xin xem biểu đồ trên).
Tuy không tăng cùng nhịp mạnh như sàn kỳ hạn, giá thị trường nội địa cũng nhích lên dần, từ 33.000 đồng/kg những ngày đầu tháng 1-2014 nay đạt quanh mức 35.000 đồng/kg. Nếu so với mức tăng của sàn kỳ hạn, độ tăng của giá nội địa chưa đến một nửa, chưa đến 100 đô la/tấn.
Vì thế, giá xuất khẩu dựa trên mức chênh lệch giữa giá niêm yết của sàn kỳ hạn với giá FOB (giao hàng qua mạn tàu tại cảng đi) không tăng nhưng lại có khuynh hướng yếu dần. Đến nay, khách mua đang trả giá loại 2,5% đen vỡ ở mức trừ 25-30 đô la Mỹ/tấn, giảm 10-15 đô la so với tuần trước.
Về phương thức bán, tháng vừa qua, các hợp đồng nào bán trên cơ sở giá chênh lệch giá chốt sau(differential – price-to-be-fixed) đều có lợi hơn bán có giá cuối cùng trước (outright). Thí dụ như trước đây bán hàng ở mức 33.000 đồng/kg thì nay phải mua hàng giao ở mức 35.000 đồng/kg, mất lời thậm chí có thể thua lỗ nếu như không mua kịp hàng để giao. Nói vậy để thấy tùy từng thời kỳ, người bán chọn phương thức mua bán tối ưu để bảo đảm an toàn và lợi nhuận.
Vì sao giá tăng?
Do nhiều doanh nghiệp nghỉ Tết dài và sớm hơn mọi năm, sức bán ra trên các thị trường giảm hẳn, đó là lý do chủ yếu giúp đợt này giá tăng tốt. Nhiều thông tin cho rằng năm nay, sản lượng có thể lớn, nhưng yếu tố này vừa qua xem ra được xếp vào thứ yếu. “Cái quan trọng là sức bán ra, cung mạnh đưa đến giá giảm, cung yếu làm giá tăng. Còn những con số về sản lượng, người nói ít kẻ nói nhiều, chẳng qua để hù nhau…”, anh Ngô Văn Sinh, một người hay theo dõi giá cà phê tại Pleiku, Gia Lai nhận định. Việc nước ta hạn chế xuất khẩu cà phê liên tục từ tháng 6-2013 đến nay hình như đang bắt đầu có hiệu ứng đối với thị trường thế giới.
Tổng cục Thống kê ước tháng 1-2014, xuất khẩu cà phê từ Việt Nam chỉ đạt 135.600 tấn, giảm gần 40% so với cùng kỳ. Đây cũng là lý do chính làm tồn kho robusta tại sàn London giảm mạnh, còn 27.770 tấn so với đỉnh trước đây là gần 420.000 tấn.
Dự báo thời tiết cho biết sắp tới cây cà phê Brazil sẽ chịu một đợt khô hạn, cộng với vừa qua mưa rét thất thường tại các vùng trồng cà phê Việt Nam có thể ảnh hưởng đến sinh trưởng của hoa trái niên vụ sau. Brazil và Việt Nam là hai nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới, chi phối hơn một nửa lượng cà phê tiêu thụ toàn cầu.
Liệu đợt tăng có bền vững?
Đồng real Brazil (BRL) đang mất giá dữ dội so với đồng đô la Mỹ, có lúc giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm nay, song giá cà phê không vì thế mà giảm mạnh như lẽ thường. Đóng cửa ngày 30-1, 1 đô la Mỹ ăn 2,4154 BRL.
Hơn nữa, có khả năng các quỹ đầu cơ bất ngờ kéo vốn từ sàn kỳ hạn vàng sang sàn cà phê trong ngày Giao thừa, giá tham khảo của sàn kỳ hạn vàng hôm ấy tại Mỹ giảm 20 đô la/ounce giữa lúc một quỹ đầu tư lớn trên sàn kỳ hạn robusta đang chuyển các hợp đồng giao dịch tháng 3 sang tháng 5-2014. Thông thường, khi quỹ đầu cơ chuyển giao dịch, giá kỳ hạn có điều kiện vững ít ra trong vòng vài ba ngày nếu như họ muốn phải đặt cược mua thêm vì một lý do cung-cầu nào đó.
Liệu giá còn tiếp tục vững? Giới kinh doanh tài chính đang nghi ngờ độ bền của giá hàng hóa nguyên liệu, đặc biệt thị trường cà phê, vốn bị đầu cơ tài chính thao túng mạnh. Mới đây, tân nữ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vừa nhậm chức quyết định cắt thêm 10 tỉ đô la Mỹ khỏi chương trình kích cầu của nước này, chỉ còn 65 tỉ đô la/tháng so với 75 tỉ trong tháng 1-2014, và 85 tỉ/tháng trước đó.
Quyết định này sẽ làm tăng thêm giá trị đồng đô la, tạo bất ổn và mất giá cho các đồng tiền các nước mới nổi thiên về xuất khẩu. Mặt khác, lượng tiền mặt trên sàn cà phê, vốn giao dịch bằng đồng đô la Mỹ, sẽ ít đi theo khuynh hướng chung. Vì thế, các nhà phân tích lo ngại rằng tính thanh khoản sẽ giảm trong những ngày tới trên các thị trường hàng hóa nói chung và sàn cà phê nói riêng, nên khả năng giá về sau sẽ yếu dần đi.
Cuối năm Tỵ, giá bò như Rắn. Đầu năm Ngọ, giá phi như Ngựa. Giá sẽ tăng về giá trị thực của sản phẩm vào tháng Ngọ trở đi. Qua vận hạn của cặp xung hạn “Quý Tỵ-Giáp Ngọ”, đến năm Mùi mua vàng thì dễ mua cà phê thì khó.