Vào thời điểm giá hạt ca cao đang ở mức xấp xỉ 50.000 đồng/kg khô, thì cây ca cao đang là tâm điểm chú ý của nhiều nông dân và đang chiếm lợi thế có thể cạnh tranh với một số cây công nghiệp khác như cà phê, điều…
Tuy nhiên, việc phát triển ca cao ở Đăk Lăk vẫn còn gặp nhiều rào cản trong việc mở rộng diện tích cũng như kinh nghiệm sản xuất của nông dân đối với loại cây này.
Thách thức trong việc mở rộng diện tích
Có mặt ở Đăk Lăk khá sớm nhưng mãi đến năm 2007, khi dự án phát triển ca cao bền vững tại các nông hộ được triển khai thì cây ca cao mới thực sự có chỗ đứng trên vùng đất Tây Nguyên. Và cũng từ đó, sản lượng cũng như chất lượng ca cao Đăk Lăk được tăng lên, góp phần đưa giá trị hạt ca cao của Việt Nam vượt qua Indonesia, và được xếp vào nhóm nước có chất lượng sản phẩm cao như Brazil, Ghana, Bờ Biển Ngà.
Đã có rất nhiều hộ nông dân trồng thành công cây ca cao đem lại hiệu quả kinh tế cao, đơn cử như HTX ca cao ở huyện Ea Kar, HTX có 200 hộ thành viên, chủ yếu trồng ca cao xen dưới tán điều, diện tích 150 ha kinh doanh, sản lượng năm 2012 đạt 55 tấn khô. Theo ông Thái Xuân Quang, Chủ nhiệm HTX: hầu hết các hộ tham gia HTX đều trồng ca cao có hiệu quả, cải thiện được thu nhập trong gia đình, nhiều hộ đạt năng suất cao 1,5 – 2 tấn/ha, như hộ ông Hồ Sĩ Tình ở thôn Quảng Cư 1B.
Ông Tình bắt đầu trồng ca cao từ năm 2007 với 100 cây dưới tán điều, sau đó mở rộng dần, đến năm 2012 đã nâng lên 1.500 cây, trong đó 1.000 cây cho thu hoạch ổn định với sản lượng 1,5 tấn khô. Trước đây 1,5 ha điều nhà ông cho thu nhập từ 30-40 triệu đồng/ năm, nhưng từ khi cây ca cao trồng xen dưới tán điều cho trái thì bình quân mỗi năm ông thu thêm được trên dưới 40 triệu đồng.
Không chỉ có huyện Ea Kar mà ở các huyện khác như Krông Păk, Krông Ana, Lăk…, nông dân cũng rất thành công với mô hình phát triển ca cao trong vườn tạp, vườn cà phê già cỗi…
Từ thực tế trên cho thấy cây ca cao rất có triển vọng kinh tế đối với vùng đất Đăk Lăk, tuy nhiên việc mở rộng diện tích đang đối mặt với nhiều thách thức, bởi thế mạnh của Đăk Lăk vẫn là cây cà phê, cao su, tiêu, và ca cao là cây đi sau nên phần lớn quỹ đất đều đã hết, chỉ có thể trồng xen hoặc cải tạo vườn tạp ở những vùng đất nghèo dinh dưỡng…
Theo đó, cây ca cao đang phải cạnh tranh khá khốc liệt với các cây trồng khác nên dù nhu cầu lớn và tỉnh cũng đã có quy hoạch đến năm 2015 đạt 6.000 ha, song mục tiêu về mở rộng diện tích ca cao xem ra không đạt được bởi đến thời điểm hiện tại Đăk Lăk mới đạt 2.554 ha. Theo lý giải của ông Trần Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: việc xây dựng quy hoạch dựa trên cơ sở thực tiễn là sẽ chuyển đổi khoảng 2.500 ha cà phê già cỗi của các công ty cà phê sang trồng ca cao.
Tuy nhiên, khi quy hoạch được công bố thì giá ca cao xuống thấp, các công ty cà phê lần lượt “xin” không thực hiện chuyển đổi sang trồng ca cao nữa. Đó là chưa kể đến quy mô sản xuất nhỏ, cũng như quan niệm cho rằng ca cao là cây phụ thu nên nhiều nông dân không quan tâm đầu tư.
Mặt khác, kinh nghiệm và hiểu biết kỹ thuật của người sản xuất còn hạn chế, nguồn nhân lực chuyên sâu về ca cao (cán bộ nghiên cứu, chuyển giao) còn ít, và thị trường chưa có sự quản lý chặt chẽ, trong khi sự vào cuộc của các cơ quan nhà nước còn nhiều hạn chế, chưa có chính sách cụ thể cho cây ca cao như một số cây trồng khác, trong đó đáng chú ý là vấn đề vốn, cơ chế bình ổn giá, hỗ trợ rủi ro.
Cần sự hỗ trợ về chính sách
Tại Diễn đàn lần thứ 2 bàn về giải pháp gặt hái cơ hội phát triển ca cao bền vững tại Việt Nam diễn ra hồi tháng 11-2013 tại TP. Hồ Chí Minh đã đánh giá: sản xuất ca cao của Việt Nam nói chung, Đăk Lăk nói riêng đang đứng trước nhiều cơ hội, đó là nhu cầu tiêu thụ của thế giới đang tăng cao, đặc biệt là châu Á.
Theo nhận định của các chuyên gia, vào năm 2020 thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 1 triệu tấn ca cao do nhu cầu tăng, cộng với sự sụt giảm về sản lượng của các nước có thế mạnh như Ghana và Bờ Biển Ngà, vì nhiều diện tích ca cao ở những quốc gia này bước vào thời kỳ già cỗi trong khi hoạt động trồng mới chưa thay thế kịp.
Thêm vào đó, các nước trồng ca cao ở châu Á, đặc biệt là Indonesia (quốc gia sản xuất ca cao lớn nhất châu Á và thứ ba thế giới) cũng giảm sản lượng và chất lượng. Trong khi đó, chất lượng ca cao Việt Nam đang được đánh giá cao và có cơ hội chiếm lĩnh thị trường ca cao cấp cao.
Tuy nhiên, để thực hiện chủ trương đa dạng hóa cơ cấu cây trồng và thay thế diện tích cà phê già cỗi, thoái hóa, Nhà nước cần có giải pháp trước mắt là giúp nông dân tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi trong giai đoạn kiến thiết vườn cây vì phần lớn những hộ cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng đều là những hộ khó khăn về kinh tế, những hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo ông Trần Quốc Thích, Bộ NN&PTNT nên đưa ca cao vào đối tượng cây trồng ưu tiên trong Đề án tái cơ cấu ngành trồng trọt và đề nghị được hưởng các chính sách như cà phê tái canh, đồng thời được quản lý bảo đảm về chất lượng.
Ngoài ra, Đăk Lăk cần tiếp tục hướng dẫn nông dân có biện pháp chăm sóc thâm canh các vườn cây đã có, đồng thời với mở rộng diện tích (kể cả trồng thuần và trồng xen) ở nơi có điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp; có cơ chế giúp nông dân tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi theo Nghị quyết số 40 của HĐND tỉnh về phát triển cây ca cao trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo kiểm soát chất lượng cây giống, yêu cầu các doanh nghiệp công khai giá thu mua sản phẩm để nông dân biết để không bị ép giá.
Theo ông Nguyễn Bá Dũng, cán bộ phụ trách phát triển cây ca cao của Công ty TNHH Cargill Việt Nam tại Đăk Lăk: thời gian tới công ty sẽ không hỗ trợ cây giống miễn phí như trước đây mà thay vào đó sẽ hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc và phân bón (bán thiếu) cho các hộ có vườn ca cao kinh doanh để sau đó người dân bán hạt ca cao lại cho công ty hoặc trả bằng tiền.
Ngoài ra, ngân hàng Sacombank, chi nhánh Đăk Lăk cũng đang có kế hoạch dành cho người dân trồng ca cao một gói tín dụng với lãi suất ưu đãi. Ông Đinh Hải Lâm, Giám đốc phát triển ca cao Việt Nam của công ty Mars Incoporated (Mỹ) cho biết thêm, theo chương trình hợp tác công tư để phát triển ca cao, Ngân hàng Rabobank (Hà Lan) đang nghiên cứu gói hỗ trợ tín dụng cho nông dân trồng ca cao ở Việt Nam, dự kiến vào năm 2014, gói tín dụng mới của ngân hàng Rabobank sẽ bắt đầu được triển khai.
Hy vọng những gói hỗ trợ tín dụng sẽ sớm đến tay người nông dân để cây ca cao có cơ hội phát triển, góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp cho Đăk Lăk.
>> Xem giá ca cao trực tuyến
Thuận Nguyễn (Báo Đăk Lăk điện tử)