Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên bộc phát lên mức 35.500 đồng/kg vào giữa tuần nhưng hạ nhiệt nhanh vào những ngày sau đó. Người mua phát hoảng khi thăm kho không thấy hàng đâu. Nhưng họ đã yên tâm trở lại vì bất ngờ mua được nhiều hàng qua đợt giá tăng ấy.
Giá cà phê tăng bất ngờ?
Thị trường cà phê nội địa đã chứng kiến đợt tăng giá nhanh sau một thời gian khá dài lận đận. Từ đầu vụ tính từ ngày 1-10, giá cứ vật vờ chung quanh 30.000 đồng/kg, bỗng nhiên từ cuối tuần trước, giá tại các thị trường nội địa nhảy nhanh lên mức 33.000 đồng và đỉnh điểm đến chiều thứ Tư 4-12, có lúc giao dịch lên mức 35.500 đồng/kg.
Nhưng liền sau đó, giá đã giảm dần và quay về với mức 33.800 đồng/kg vào sáng thứ Sáu 6-12.
Tuy nhiên, đợt tăng giá này đối với nhiều người, không mấy bất ngờ. Theo ông Trần Văn Nhành, xã viên hợp tác xã cà phê bền vững Lâm Viên, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, “hiện ở khu vực thôn Bắc Trang, xã Đinh Trang Hòa, Di Linh, nhiều nông dân chúng tôi mới thu hái xong chừng 50% diện tích và đang còn rất bận với chuyện đồng áng. Vả lại, mức giá ấy vẫn chưa thỏa so với giá thành sản xuất. Ngay cả cơm nước mắm muối, phân tro, công cán đều tăng so với năm ngoái, nhưng giá cà phê hiện nay lại thấp xa so với trước”.
Thật vậy, hiện nay, nhiều nơi chỉ mới thu hái chừng từ 50-70% diện tích cà phê và đang tranh thủ nắng tốt trong mấy ngày qua để phơi phóng. Nhiều nông dân khi nói đến giá cả, thị trường thì chỉ “nghe để mà nghe cho vui thế thôi”, ông nói.
Trong khi đó, nhiều thông tin trước đây đoán rằng vụ mùa năm nay ra sớm đến nay đều tỏ ra hoàn toàn “trái với sự thực”. “Dù chưa hái xong, nhiều bản tin đâu đâu từ các nước đều ‘vẽ cảnh được mùa’. Chắc chắn vùng tôi ở, sản lượng không được mấy”, ông Nhành quả quyết.
Từ đầu vụ đến nay, thời tiết âm u và ẩm ướt với mấy cơn bão và áp thấp nhiệt đới liên tiếp đã làm trái cà phê chín chậm nên thu hoạch trễ, thậm chí có thể đến cuối tháng 12 mới “tạm gọi là hoàn thành thu hoạch”, một nông dân khác cùng thôn với ông Nhành khẳng định thêm.
Tuy nhiên, cũng có một số người hái sớm từ các vườn cho mùa “bói”, nên chất lượng xấu, họ phải chấp nhận mức giá thấp 30.000-32.000 đồng/kg để bán lại cho thương lái và giới đầu cơ nhỏ lẻ.
Tuần qua, chính lượng hàng hái “bói” này đã được đưa ra thị trường ào ạt và chặn đường tăng của giá khi nhiều nhà đầu cơ nhỏ và đại lý nhanh nhẩu bằng lòng thu lời ít khi giá chạm mức 35.000 đồng/kg.
Người mua phát hoảng!
Giá cà phê nội địa tăng mạnh hoàn toàn có liên hệ chặt chẽ với sàn kỳ hạn robusta Liffe NYSE tại London. Từ mức đóng cửa 1.642 đô la/tấn vào ngày thứ Sáu 29-11, giá kỳ hạn này đã nhảy lên mức cao 1.779 đô la Mỹ/tấn trong phiên giao dịch ngày thứ Tư 4-12, tăng “nóng” 137 đô la chỉ sau hai ngày giao dịch đầu tuần này, trước khi hạ nhiệt dù cuối tuần có tăng lại.
Theo một số người kinh nghiệm, trước những thông tin trái chiều, người mua chỉ nghe theo các thông tin “thuận tai” đối với họ như: hàng ra sớm, được mùa robusta…
Thế nhưng, trước hội nghị “Viễn cảnh Cà phê 2013” họp tại TPHCM từ ngày 4 đến 6-12-2013, nhiều khách mua hàng cà phê lớn từ mọi nơi trên thế giới đã tranh thủ đến thăm nhiều vùng cà phê của Việt Nam. Điều bất ngờ nhất đối với họ là hàng hóa “chưa thấy đâu vào đâu cả” như tin tức đã đưa. “Tôi và đồng nghiệp đi một vòng thăm nhiều công ty và kho trên các địa bàn sản xuất, các kho đến nay vẫn trống hoác”, một nhà kinh doanh có hạng đến từ Thụy Sĩ nhận định sau chuyến khảo sát nhanh quanh các tỉnh Tây Nguyên.
Chính vì thế, nhiều người mua đã phải “phát hoảng” khi đối mặt với sự thật: cà phê chưa sẵn sàng ra thị trường, kho trống không có hàng, các nhận định trước đây đều sai lầm.
“Có lẽ vì thế mà họ đã phản ứng nhanh bằng cách chỉnh giá tăng để mua bù thiếu trong những ngày qua,” một chuyên gia đưa ý kiến. Nhờ vậy, giá sàn kỳ hạn tăng kéo theo giá nội địa tăng mạnh trong những ngày giữa tuần này. “Tuy nhiên, khi giá chạm mức 35.000 đồng/kg, một lượng cà phê lớn hái bói trước đây được bán ra, chặn phắt đường tăng lên nữa của thị trường, đấy cũng chính là mức kỳ vọng hiện nay của thị trường nội địa”, ông giải thích tiếp.
Giá kỳ hạn đóng cửa phiên cuối tuần khuya hôm qua chốt mức 1.721 đô la Mỹ/tấn, tăng 79 đô la so với tuần trước, nhưng lại tăng đến 274 đô la/tấn so với mức đóng cửa thấp nhất tính từ đầu vụ đến nay. Giá cà phê nội địa đến sáng hôm nay thứ Bảy 7-12 giao dịch ở mức 34.500 đồng/kg, cao hơn cuối tuần trước 1.500 đồng/kg nhưng giảm 1.000 đồng so với đỉnh cao nhất trong tuần.
Cấu trúc giá kỳ hạn vẫn đang ở thế nghịch đảo (inverted) tức giá tháng giao ngay cao hơn tháng giao xa. Đến hết phiên giao dịch hôm qua 6-12, giá tháng 1-2014 cao hơn tháng 3-2014 là 27 đô la Mỹ và 71 đô la cao hơn tháng 5-2014 (xin xem biểu đồ với đường màu đỏ biểu thị tháng 1 và màu xanh tháng 3-2014). Với cấu trúc này, thị trường đang khuyến khích giao hàng ngay nhưng lại không ủng hộ bán hàng xa (vì giao hàng xa có giá thấp hơn). Hình như có một bàn tay vô hình nào đó đang muốn hạn chế cà phê nước ta bán ra thị trường! Cấu trúc giá như vậy đang làm trở ngại sức bán ra và vô hình trung ủng hộ chương trình tạm trữ mà chẳng cần tốn vốn cho chương trình tạm trữ này.
Ước báo sản lượng cà phê năm nay vẫn lớn
Ngược lại với ý kiến của nhiều nông dân và của Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam (VICOFA) khi cho rằng ước tính sản lượng năm này giảm từ 15-20%, ước báo phát hành tuần qua của bộ phận tùy viên nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) tại Hà Nội lại cho rằng sản lượng cà phê năm nay của nước ta có thể lên mức 29 triệu bao (60 kg x bao), tức 4,2 triệu bao cao hơn dự báo mà USDA đưa ra trước đây. Cũng theo báo cáo này, lượng xuất khẩu cà phê niên vụ 2013-14 cũng ước đạt 25 triệu bao, mức cao kỷ lục. Như vậy, lượng xuất khẩu bình quân hàng tháng, theo họ, ước chừng 125.000 tấn/tháng.
Với con số dự báo xuất khẩu ấy, đối với những năm trước xem ra rất dễ đạt. Song, đối với những tháng tới, để đạt đến mức ấy, có lẽ ngành cà phê nước ta phải nỗ lực nhiều vì thị phần hiện nay đã phần nào để vuột vào tay các nước khác. Hai tháng đầu vụ, nước ta chỉ xuất khẩu chừng 145.000 tấn. Với đà này, lượng xuất khẩu cả niên vụ 2013/14 đạt 1,2 triệu tấn, tức bình quân mỗi tháng chừng 100.000 tấn có thể sẽ là thử thách lớn, một chuyên gia cà phê nói.
Mong các nhà phân tích, dự đoán giá cà phê trong thời gian tới như thế nào.
Chào bạn, tôi dự đoán giá sẽ xuống và bạn bán ra, hoặc tôi dự đoán giá lên và bạn giữ hàng lại, theo ý bạn tôi sẽ dự đoán sao đây?
Tôi thì cho rằng, có những nguyên nhân làm giảm sút lượng cà phê của nước ta đó là, thứ nhất: -giá tiêu đang quá cao, nên người dân những vùng có cà và tiêu, thì hầu hết người nông dân nghiêng hẳn về cây tiêu, và rất coi thường cây cà phê, có những người phá bỏ cây cà phê để trồng tiêu, đây là một thực tế. Thứ hai: tuổi đời của cà phê đang kinh doanh hiện nay đã khá cao phần nhiều là trồng vào những năm 1995 trở về trước, có những vườn trông vào những năm 1985 hay về trước nữa, nên không thể đem lại năng suất cao, và một điều đáng lo ngại nữa đó là người nông dân không đủ điều kiện để chăm sóc cây cà phê đúng mức dẫn đến sản lượng giảm sút, nên chăng các Hiệp Hội, các Tổ Chức, nên cứu lấy ngành cà phê trước khi quá muộn… đây là mấy điều mà tôi mạo muội dẫn ra để được tường, còn cứu bằng cách nào thì chắc chắn các Hiệp hội và các Tổ chức đã biết rồi…
Theo em thì dân mình cứ bỏ cà trong kho khóa kỹ lại, quyết không bán, có cần tiền quá thì vay mượn người thân đỡ, bí quá thì mới bán ít thôi, chứ mới lên 35.000 mà đã bán tháo hết đi rồi cà xuống 30.000 liền đó, ít ra cũng đợi lên 40.000 lúc đó mới tính bán hay ko, vậy trên Tây Nguyên mới có Tết được…
Bạn yên tâm đi! Đến tháng 4 DL bà con ta còn cà đâu mà bán, lúc ấy giá 40 K thì nhằm nhò gì.
Trường Tùng – Bạn nhầm to, thế bạn quên là sau khi VN thu hoạch thì đến tháng 4,5 gì đó Inđô họ vào vụ à, còn nữa rồi đến tháng 7,8…Brazin tiếp tục thu mùa à chưa kể đến các nước khác. Tất cả những yếu tố trên là đơn thuần nói về sản lượng Cafe liên quan đến cung – cầu thôi. Bên cạnh còn rất nhiều yếu tố đầy bất ngờ tác động đến giá lên hay xuống như kinh tế thế giới, kinh tế Mỹ, yếu tố chính trị VV và VV. Nếu Mỹ mà tuyên bố cắt hẵn các gói QE, không bơm thêm tiền vào nền kinh tế nữa thì… hàng hóa giẫm đạp lên nhau mà thoát ra khỏi thị trường. Điều mà chúng ta cũng thấy rồi KT châu Âu đang hồi phục, Mỹ gần như đã hồi phục rồi Tầu, Nhật… đều sáng sủa cả. Tất cả những Ngoại tệ mạnh sẽ tăng giá trị… thì hỏi bạn lấy cớ nào mà bảo rằng giá Cafe lên cao. Một điều nữa bạn thừa hiểu rồi, Gol tạo đỉnh lên tới xấp xỉ 50 triệu/1 lượng vàng bởi do lo sợ tiền mất giá nên nó tạm trú vào vàng tuy nhiên thì sau đó nó đã quay đầu không phanh giờ còn quanh mức 33 triệu/1 lượng nếu tính theo giá quy đổi ngoại tệ thì còn thấp hơn nữa, mà giá này sẽ còn xuống mà chưa có điểm dừng đâu.
Cà phê được mùa, mất mùa, tạm trữ, kho tạm trữ nhiều hay ít …chỉ là những tác nhân không phải yếu tố quyết định. Sâu xa và rộng hơn là bức tranh kinh tế thế giới như thế nào, sáng sủa hay ảm đạm. Hiện nay là đang ảm đảm và có thể rất ảm đạm. Các cuộc biểu tình ở Thái Lan, Ukraine, Singapore, tình hình bất ổn ở Hy Lạp, Italia… mới là yếu tố quyết định. Có ai trên thế giới này có thể quyết định và phát ngôn chính xác lúc nào thì những bất ổn trên sẽ ổn định. Không! Không có ai cả. khỏi tìm. Câu trả lời là đây, cho các loại hàng hóa trên thế giới, cà phê lại càng xao động…