Nên phát triển mô hình hợp tác xã tại những nơi trồng cà phê, để liên kết với DN được dễ dàng |
Theo dự báo, năm 2009 ngành cà phê VN XK được khoảng 1,2 triệu tấn, đạt trên 1,6 tỷ USD. Điều này cũng có nghĩa doanh thu của cà phê 2009 thấp hơn 2008 khoảng 400 triệu USD. Trước dự báo này, không còn cách nào khác, 4 tháng còn lại ngành cà phê phải “gồng mình” thì mới đảm bảo được chỉ tiêu đề ra.
Hiệp hội Cà phê, Ca cao cho biết, 8 tháng đầu năm nay, giá XK cà phê bình quân thấp hơn giá bình quân XK năm 2008 là 613 USD/tấn. Trong thời kỳ biến động giá cả vừa qua, các DN XK cà phê đã lỗ hàng trăm tỷ đồng. Dự kiến, mùa vụ tới VN có thể đạt sản lượng XK khoảng 1 triệu tấn, giảm so với niên vụ hiện nay.
4 nguyên nhân khiến cà phê gặp khó
Ông Lương Văn Tự – Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, Ca cao VN nhận định: Nguyên nhân chính của sự sụt giảm doanh thu năm 2009 là do khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, giá luôn biến động cũng khiến ngành Cà phê gặp nhiều khó khăn. Biên độ biến động quá lớn do yếu tố đầu cơ của các quỹ và thị trường cà phê thực sự bị chi phối bời thị trường cà phê giấy thị trường hàng hóa (commodity Stock market) tại London và New York. VN tuy là nước XK thứ hai về lượng nhưng lại có quá nhiều DN tham gia XK, có 146 DN trong khi người mua có khoảng 12 DN lớn nên việc phối hợp bán hàng chưa đạt mong muốn, mạnh ai nấy làm, DN nhỏ do vốn và nguồn lực có hạn đã bán với điều kiện không bình thường, gây bất lợi cho cả ngành Cà phê.
Một nguyên nhân nữa khiến giá cà phê giảm là do một số nước như Brazil và Colombia đã phá giá đồng tiền đến 30 – 40%. Trước tình hình cà phê bất lợi cho XK, Brazil đã chi cho quỹ hỗ trợ lưu giữ cà phê gần 1 tỷ USD và đã đấu giá quyền chọn giá 3 triệu bao cà phê với giá 303,5 Reais/bao 60 kg, tương đương 156 USD/bao, cao hơn giá thị trường 21,4%. Nếu giá xuống thấp hơn mức giá này thì DN được quyền bán cho Chính phủ với giá trên để đưa vào dự trữ. Còn nếu giá cao hơn thì DN được quyền bán ra bên ngoài.
Liên kết để không bị “bẻ gẫy”
Theo nhiều DN XK cà phê, chưa năm nào các DN gặp khó khăn trong XK cà phê như năm nay. Họ cho rằng, hiện nay thị trường cà phê quốc tế rất bấp bênh, biên độ dao động lớn, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì DN và người trồng cà phê sẽ gặp khó khăn trong vụ tới. Kịch bản: Đầu vụ đua nhau bán để trả nợ ngân hàng, trả tiền mua phân bón, thuốc trừ sâu và các chi phí khác rất có thể lại diễn ra và giá cà phê sẽ tiếp tục giảm.
Lời khuyên của các chuyên gia: Trong lúc này, trước những biến động của thị trường cà phê, các DN xuất khẩu mặt hàng này phải hết sức thận trọng. Để giảm thiểu rủi ro trong việc ký hợp đồng xuất khẩu cà phê trong 4 tháng cuối năm, các DN khi bán cà phê giao sau cần nhận định sát về thị trường, nếu xu hướng giá tăng thì không nên vội vã ký hợp đồng ngay, nếu xu hướng giá giảm thì phải tìm cách “chốt” giá sớm và có sự phối hợp thông tin với nhau. Các DN cũng nên chú ý tính mức trừ lùi hợp lý với sàn London, tránh để bị ép giá và gây thiệt hại cho mình.
Ông Văn Thành Huy – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty cổ phần đầu tư XNK Đăk Lăk cho rằng: Đã từ lâu các DN VN có thói quen chào bán và xuất khẩu cà phê sơ chế theo tiêu chuẩn 13 – 5 – 1 ( thuỷ phần, hạt đen vỡ, tạp chất…) với giá thường thấp so với thị trường cùng loại. Ngoài ra, cũng giống thị trường chứng khoán, các DN vẫn mua, bán theo tính “bầy đàn”, mua bán theo số đông mà ít khi có tính phân tích, tính rủi ro khá cao. Nếu các DN không có những điều chỉnh kịp thời thì khó cạnh tranh với các nước khác. Hiệp hội Cà phê, Ca cao cũng cho rằng: VN có 4 mặt hàng nông sản là: hạt tiêu, hạt điều đứng đầu thế giới, cà phê và gạo đứng thứ hai thế giới, mặc dầu vậy nhưng DN chưa có khả năng chi phối thị trường thể giới, nguyên nhân chính là do chưa có cơ chế quản lý hợp lý, chưa có cơ chế bảo vệ quyền lợi người trồng cà phê. Nếu giải được bài toán cơ chế quản lý thì cà phê sẽ có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế.
Trong khi đó, một chuyên gia cà phê cũng khẳng định: VN nên cơ cấu lại vùng cà phê và các DN phải liên kết chặt chẽ với nhau, khi đó tạo thành một khối vững thì khó mà bị “bẻ gẫy”. Bên cạnh đó nên phát triển mô hình hợp tác xã tại những nơi trồng cà phê, để thống nhất lại từng cụm, do đó liên kết với DN được dễ dàng.
Theo DĐDN