Siêu bão Haiyan không gây ảnh hưởng trực tiếp nhưng cơn bão mang số 15 ngay sau đó có tên quốc tế Podul đang chuyển thành áp thấp nhiệt đới, đem mưa về trên diện rộng tại các vùng cà phê nước ta. Mưa to, giá cà phê tăng mạnh.
Thời tiết bất ổn, lộn xộn phân tro: lo!
Trong mươi ngày qua, tin hai cơn bão liên tục đến các vùng cà phê Tây Nguyên đã làm thị trường tăng giảm thất thường. Siêu bão Haiyan sau khi tàn phá Phillipines, đã đi chệch hướng về phía Bắc, không vào miền Trung như dự báo. Nhưng cơn bão số 15 còn có tên Podul ập đến, gây mưa lớn tại các vùng trồng cà phê ở Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ.
Thời tiết bất ổn làm nhiều người lo lắng. “Đợt hái bói đầu tiên, cây chưa kịp nghỉ, mưa kiểu này sẽ kích hoa ra và phá hỏng luôn đợt hoa đầu. Thường phải đợi hái xong, cho cây nghỉ, để cận Tết tưới cho hoa ra. Mưa thế này làm mất mùa vụ năm sau rồi. Trước mắt, sản lượng vụ tới sẽ giảm chừng từ 7-10%”, một nông dân tên Hà Dũng có vườn cà phê tại tỉnh Gia Lai nói chắc.
Nếu mưa tiếp tục kéo dài sau khi cơn bão 15 chuyển thành áp thấp nhiệt đới, nông dân phải ngưng thu hoạch vì thiếu nắng không phơi phóng được ảnh hưởng đến chất lượng tách cà phê.
Mặt khác, trong những ngày vừa qua tin đồn rằng phân bón, thuốc trừ sâu kém chất lượng, giả mạo xuất hiện trên thị trường cũng sẽ tạo bấp bênh cho sản lượng các niên vụ tới. Nhất là sau mấy mùa được giá, nhiều người khai thác cây cà phê triệt để, cho cây “ăn” phân quá liều, cây và đất đều “bội thực”, nay gặp phải phân kém chất lượng, sản lượng nay mai có thể thất thường hơn.
“Đó là các yếu tố phải được tính tới trong kinh doanh cà phê hiện nay”, một nhà phân tích tại TPHCM cho biết. “Thời tiết mưa nắng thất thường làm các đợt hoa ra trước đây chưa kịp bung đã hư, sẽ không cho quả vụ tới. Tình trạng sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu vô tội vạ cũng có thể làm cho cây cà phê khủng hoảng sinh lý. Nếu vì lý do gì đó, như giá xuống thấp, nông dân chỉ cần lơ là tưới bón, sản lượng các niên vụ tới sẽ giảm thấy rõ. Trường hợp này không thể loại trừ”, ông này nói thêm.
Mưa to, giá nhảy
Giá cà phê trong mấy ngày qua thất thường cũng không kém gì thời tiết. Trên thị trường nội địa, tuy lượng giao dịch không nhiều nhưng giá đã nhảy từ mức dưới 29.000 đồng/kg giữa tuần lên gần 31.000 đồng sáng hôm nay thứ Bảy 16-11, cao hơn tuần trước từ 1.500-2.000 đồng/kg.
“Thời tiết mưa nắng thất thường làm các đợt hoa ra trước đây chưa kịp bung đã hư, sẽ không cho quả vụ tới. Tình trạng sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu vô tội vạ cũng có thể làm cho cây cà phê khủng hoảng sinh lý. Nếu vì lý do gì đó, như giá xuống thấp, nông dân chỉ cần lơ là tưới bón, sản lượng các niên vụ tới sẽ giảm thấy rõ. Trường hợp này không thể loại trừ”,
Một nhà phân tích thị trường
Giá xuất khẩu tính trên giá chênh lệch (differential) giữa sàn kỳ hạn và cảng đi được chào ở mức cộng từ 10-20 đô la/tấn cao hơn giá kỳ hạn, trong khi khách mua chỉ trả trừ 30 đô la/tấn, cách biệt nhau chừng 40-50 đô la.
Giá cà phê kỳ hạn cũng lên xuống khó lường. Đóng cửa ngày 14-11, giá sàn này xuống mức 1.447 đô la/tấn, là mức thấp nhất trong nửa đầu tháng này, nhưng rồi lại bật lên lại ngay khi có tin áp thấp nhiệt đới. Khuya hôm qua thứ Sáu 15-11, giá kỳ hạn robusta London phiên cuối tuần nhảy lên mức 1.511 đô la/tấn, tăng so với hôm trước 64 đô la nhưng cả tuần chỉ tăng 35 đô la/tấn (xin xem biểu đồ 1). Mức này cũng là mức cao nhất trong 15 ngày đầu tháng 11. Giá arabica New York “ăn theo” London, tăng 3,45 cts/lb trong ngày, nhờ thế cả tuần tăng 2 cts/lb tức chừng 44 đô la/tấn.
Tồn kho robusta giảm
Một yếu tố nhỏ khác giúp giá robusta London tăng ngày hôm qua: tồn kho thuần robusta được Liffe NYSE xác nhận (certs) tiếp tục giảm. Tính đến ngày 11-11, lượng này chỉ còn 48.770 tấn, chỉ bằng 45% so với cách nay một năm là 108.580 tấn và giảm 4.250 tấn so với kỳ báo cáo gần nhất.
Tồn kho certs arabica thuộc Ice New York tính đến hết ngày 14-11 đạt 2,7 triệu bao (60 kg x bao), tương đương với 162.115 tấn, trong đó ước có chừng 110.000 tấn đang nằm tại các kho châu Âu.
Mức giảm tồn kho thuần robusta nhanh hơn dự kiến. Trước đây, một vài nhà phân tích cho rằng đến cuối năm ước con số này chừng 52.000 tấn.
Hàng không đi được do cách mua bán
Robusta certs giảm nhanh là do lượng hàng đi trực tiếp từ các nước xuất khẩu yếu. Từ ngày 8-7 đến nay, không có bao robusta nào đến các kho thuộc sàn để làm thủ tục chứng nhận chất lượng. Giá bán từ các nước xuất khẩu trong thời gian từ bấy đến nay đều cao hơn giá qui định của Liffe NYSE đã làm giảm lượng hàng robusta đến với sàn Liffe NYSE. Robusta loại 2 chất lượng của sàn này được qui định mua với mức trừ 30 đô la/tấn C&F (giao tại cảng đến) dưới giá niêm yết của sàn kỳ hạn. Nhưng, giá xuất khẩu hiện nay đều đang được chào mức cộng, như hiện nay loại 2,5% đen vỡ robusta Việt Nam đang được chào cộng 20 đô la/tấn FOB (giao tại cảng đi) cao hơn giá niêm yết, chênh lệch nhau 50 đô la/tấn chưa tính cước vận chuyển từ cảng đi đến cảng châu Âu và các chi phí khác, ước chừng từ 80-100 đô la/tấn.
Như vậy, nếu theo đúng khung giá do Liffe NYSE qui định, giá mua FOB loại 2 theo qui chuẩn của sàn phải trừ từ 100-120 đô la/tấn mới đủ sở hụi.
Mặt khác, giá mua bán ngoài sàn cao là thời cơ cho người có hàng certs bán ra. Nếu như trước đây, giá mua 1 tấn ở mức trừ 100 đô la/tấn FOB chẳng hạn, nay họ bán cộng 200 đô la/tấn tại châu Âu, mức lời 100 đô la/tấn nếu chưa tính các chi phí khác.
Trong kinh doanh cà phê, giới chuyên nghiệp thường sử dụng hệ thống giá mua bán trên cơ sở giá chênh lệch, ta thường gọi đó là giá “trừ lùi” hay “cộng tới” (differential). Vì, đối với họ, sử dụng cách này sẽ giúp nhà kinh doanh giảm bớt rủi ro vì giá chênh lệch dao động ít hơn nhiều khi mua đứt bán đoạn (outright) theo giá niêm yết.
[ Luận về giá “trừ lùi” trong mua bán cà phê ]
Khi sử dụng cách mua bán này, các nhà kinh doanh phải hiểu rõ thị trường kỳ hạn và dùng nó làm công cụ kinh doanh chốt giá để bảo vệ tránh rủi ro. Đây là một khâu cực kỳ quan trọng. “Nếu không sử dụng sàn kỳ hạn như công cụ chống rủi ro, tốt nhất tránh xa nó và chỉ mua ngay bán ngay (outright). Song, mua bán ngay cũng có lúc phải “ngậm” hàng vì khi đã mua giá cao, gặp phải lúc giá xuống, không thể bán được do lỗ,” nhà phân tích giải thích.
Cũng có thể chính vì vậy mà nhiều người đưa tin cho rằng nông dân ta găm hàng chờ giá, mà không nghĩ đó chỉ là cách mua bán hiện nay tại nước ta mà thôi.
Năm tới mà tưới bón phân vào trái củng chẳng được là bao, nông dân kiệt sức rồi.
Ở Lâm hà mưa không đáng kể. Hai hôm nay nắng to caphe thu hoạch rất thuận lợi.
giá có thể lên nữa không các bác?
Chart ngày có dấu hiệu lấp GAP, khả năng giá sẽ tiếp tục tăng lên mốc 1600, mốc này có thể xem là cản tâm lý, nếu giá break cản này thì mốc tiếp theo 1750, nếu giá vượt qua mốc 1750 (ý mình vùng giá xung quanh 1750) thì xem như chu kỳ giảm giá của cà phê đã kết thúc, xác nhận 1 chu kỳ tăng giá.