Giá cà phê đang ở mức thấp nhất trong 3 năm qua. Nếu không có biện pháp kịp thời, mức giá này còn có thể xuống sâu, chỉ dừng lại khi cà phê bị chặt ồ ạt như trước đây
Ngày 1-11 tại TP HCM, những khó khăn trùng trùng của ngành cà phê đã được các doanh nghiệp (DN) nêu ra trong hội nghị tổng kết niên vụ 2012-2013, do Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) tổ chức.
Vướng thuế
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất nhập khẩu Sản xuất Gia công và Bao bì (Packsimex), vấn đề lớn nhất của niên vụ cà phê 2012-2013 chính là hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT).
“Gần đây nhất, các cơ quan chức năng thống nhất tháo gỡ những khó khăn này trước ngày 30-10 vì niên vụ cà phê mới đã bắt đầu. Tuy nhiên, hiện Công văn 13706 sửa đổi, bổ sung Công văn 7527 của Bộ Tài chính (quản lý rủi ro về thuế, kiểm tra hồ sơ trước, hoàn thuế sau) vẫn còn chạy lòng vòng ở các cục thuế nên đến giờ, DN vẫn chưa nhận được tiền hoàn thuế. Do đó, DN phải tạm ngưng xuất khẩu vì không thể tính toán được chi phí, giá bán…, dù công ty không hề gặp khó khăn về tài chính” – bà Mai cho biết.
Ông Phạm Ngọc Bằng, Phó Giám đốc Công ty TNHH DakMan Việt Nam, cho rằng nếu tình hình này cứ kéo dài, DN kinh doanh cà phê mà không biết lời hay lỗ thì quá nguy hiểm.
Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Intimex, hàng loạt DN xuất khẩu cà phê đang tính chuyện bỏ ngành. Tình hình hiện nay hết sức nghiêm trọng, không biết tin ai, trong khi cơ quan công an làm việc liên tục. Trong đó, các DN nổi tiếng cũng dính gian lận thuế.
“Không chỉ cà phê, các ngành nông sản khác muốn xin chứng nhận thực hiện tốt chính sách thuế cũng không cơ quan nào dám xác nhận. Chúng ta chỉ mới tập trung giải quyết phần ngọn mà chưa xử lý phần gốc – cần xem xét lại toàn bộ chính sách thuế. Ba năm qua, ngành cà phê đã làm được việc chưa từng có là giữ được giá, bất kể tác động của thị trường nhưng hiện nay, điều này không làm được nữa. Do đó, Bộ Tài chính nên đề xuất Chính phủ bỏ thu thuế GTGT vì 93% cà phê hiện nay được xuất khẩu để cải thiện thị trường” – ông Nam kiến nghị.
Ông Phạm Hoài Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thành Phát, cho rằng nếu thu thuế GTGT thì nên thu tại xã, phường, nơi trồng cà phê vì chỉ ở đây mới nắm được diện tích và sản lượng cà phê chính xác nhất.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thế, Cục trưởng Cục An ninh kinh tế (A86) Bộ Công an, ngành cà phê đang có yếu tố bất ổn, tình trạng gian lận thuế GTGT phức tạp. A86 đang tích cực điều tra xử lý để thu hồi tiền thuế bị chiếm đoạt bất chính và mong các DN bình tĩnh, chia sẻ với cơ quan quản lý.
Giá giảm chóng mặt
Một khó khăn khác của ngành cũng được ông Đỗ Hà Nam nêu ra: Giá cà phê đang ở mức thấp nhất trong 3 năm qua. Nếu cơ quan chức năng không có giải pháp tích cực, mức giá này sẽ tiếp tục giảm sâu, đến khi nào cây cà phê bị chặt bớt đi thì mới ngừng lại. Điều này hết sức nguy hiểm vì cà phê là cây lâu năm.
“Ngành cà phê nên có quy định về giá sàn xuất khẩu, ngăn chặn việc cạnh tranh hạ giá xuất khẩu thì mới giải quyết được tình hình khó khăn hiện tại” – ông Nguyễn Xuân Thái, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi, đề xuất.
Ông Nguyễn Nam Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Vicofa, cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ về việc tạo cơ chế tạm trữ cà phê ngay từ đầu vụ để chặn đà giảm giá với số lượng tạm trữ dự tính khoảng 300.000 tấn, đồng thời khuyến cáo nông dân, DN không nên bán cà phê ồ ạt, tránh việc bán rẻ đầu vụ, cuối vụ không còn hàng để bán.
Sắp tới, Vicofa sẽ mời đại diện các nước xuất khẩu cà phê hàng đầu như Brazil, Indonesia, Colombia, Ấn Độ… ngồi lại bàn cách chặn đà giảm giá cà phê toàn cầu.
Theo Vicofa, niên vụ 2012-2013, giá thành sản xuất cà phê bình quân 75 triệu đồng/ha, năng suất 2,4 tấn/ha, với giá bán ở mức 30.000 đồng/kg, nông dân làm cà phê đang hòa vốn hoặc lỗ.
ÔNG ĐỖ QUYỆT – PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH MTV XUẤT NHẬP KHẨU 2-9, ĐẮK LẮK:
Lợi dụng kẽ hở của pháp luật
Thủ tục thành lập DN quá dễ dãi. Chỉ cần có CMND nhặt được của ai đó là có thể đăng ký thành lập DN. Sau khi thành lập, DN được tự in hóa đơn, xuất khống hóa đơn GTGT để chiếm đoạt tiền thuế.
Các DN này không có kho bãi nhưng thu mua số lượng cà phê lớn với giá cao hơn thị trường, sau đó bán ra với giá thấp, lấy tiền thuế chiếm đoạt bù lỗ để hưởng chênh lệch thuế GTGT, đến một thời điểm thì bỏ trốn. Trong khi đó, lượng cà phê không hợp pháp đầu vào đã qua tay rất nhiều DN trung gian. Nếu DN xuất khẩu mua phải thì không được khấu trừ thuế, trong khi thuế này đã trả cho DN trước.
ÔNG PHAN HÙNG ANH – PHÓ GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH ANH MINH, ĐẮK LẮK:
Chết lâm sàng
Nếu các công văn của Bộ Tài chính không được điều chỉnh và xử lý kịp thời thì rất nhiều DN xuất khẩu cà phê sẽ phá sản. Trong một thời gian dài, phần lớn DN không dám thu mua cà phê vì sợ không được hoàn thuế. Nhiều khi nguồn hàng mình mua đã qua gần 10 đơn vị. Chúng tôi là DN, làm sao có thể truy nguồn gốc cà phê qua từng khâu, xem DN đó đã đóng thuế hay chưa?
Hiện đã chính thức bước vào vụ cà phê mới, nếu vấn đề này không được tháo gỡ kịp thời thì không DN nào dám mua cà phê nữa. Điều này không chỉ đẩy DN vào chỗ phá sản mà còn tác động tiêu cực đến giá cà phê trong nước cũng như thị phần cà phê của Việt Nam trên thế giới.
Hiện nay thì các DN đầu ra chỉ trả tiền thuế cho DN nhỏ khi DN nhỏ đã có chứng từ chứng minh đã nộp thuế cho Nhà nước. Vấn đề lúc này là: ngày 20 hàng tháng DN nhỏ đã phải nộp thuế, sau đó đợi DN lớn kiểm tra xác minh rồi mới chuyển lại tiền thuế cho DN nhỏ. Xảy ra 2 trường hợp:
_ Nếu DN lớn bị trục trặc chuyển tiền chậm hoặc không biết khi nào chuyển thì DN nhỏ sẽ tính sao? Tình trạng chậm chuyển thuế này xảy ra ngay cả với các DN xuất khẩu lớn vốn Nhà nước và nước ngoài. Giả dụ DN nước ngoài họ ngừng kinh doanh hoặc vỡ nợ hoặc bỏ trốn thì DN nhỏ có được Nhà nước trả lại thuế ko, hay là lại để DN nhỏ tự bơi, tự đòi DN lớn?
_ DN nhỏ thì vốn đã nhỏ, lấy đâu ra nguồn tiền để trả thuế VAT trước? Trong khi phía ngân hàng chỉ cho vay dựa trên tài sản, nguồn tiền mua hàng đã không đủ mà còn phải cõng thêm khoản VAT.
Tôi thấy ý kiến bỏ thuế VAT cho nông sản xuất khẩu không phải chịu thuế là rất hợp lý, tại sao lại phải để khoản tiền thuế chạy lòng vòng, tạo điều kiện cho gian lận thuế xảy ra, gây khó khăn tài chính cho các DN khi phải đợi khoản thuế được hoàn lại. Bỏ VAT cho nông sản còn khuyến khích các DN mua bán theo hợp đồng, xuất hóa đơn đầy đủ, giúp Nhà nước quản lý tốt hơn khoản thuế thu nhập DN.
Hình như VAT 5% này sẽ được góp vào kho bạc của tỉnh nơi DN thu mua đặt trụ sở (vd: Daklak), còn tiền hoàn thuế do địa phương nơi DN xuất khẩu đặt trụ sở (vd: TP HCM). Có thể thuế 5% này dùng để phát triển các tỉnh nghèo trồng cà, nên không bỏ được. (Tôi nghĩ vậy thôi, nếu không phải mọi người chỉ giúp).
Còn 1 vấn đề nữa (không kém phần quan trọng) là lượng cà cũ niên vụ trước vẫn còn khá nhiều. Hiện nay DN đang ngưng xuất khẩu, nếu kéo dài thì lượng cà cũ này chắc đem bỏ quá.
Cà phê khi xuất khẩu không thu VAT (0%), nên nhà nước phải lấy khoản VAT đã thu của DN đem trả lại cho DN (hoàn thuế), chứ không thu của DN nước ngoài mua cà phê xuất khẩu để hoàn thuế.
Nên các tỉnh sản xuất cà phê được nhân khoản tiền từ ngân sách chung của nhà nước tương ứng với 5% số giá trị cà phê đã xuất ra, để phát triển, chứ không phải từ khoản thu VAT thực tế. (vì khi xuất khẩu nhà nước không thu VAT bù lại nên không có tiền để hoàn thuế, buộc phải trích ngân sách ra để hoàn thuế.)
Đúng là tiền thuế VAT này chạy vòng vòng rồi cuối cùng chẳng ai được gì (ngoại trừ bọn cùi bắp, điếc không sợ súng), nhà nước ta vẫn còn đặt ra thuế kiểu này mục đích chắc là tạo công ăn việc làm cho nhân viên kho bạc, thuế, công an… nếu không có chuyện nộp thuế và hoàn thuế thì ối nhân viên quan chức thất nghiệp. Nông dân vẫn là người è cổ ra chịu đựng thôi. Biết rồi, khổ lắm, cứ nói mãi… chúng ta phải cải cách thôi.
Hiện đã chính thức bước vào vụ cà phê mới, vấn đề bỏ thuế VAT cho nông sản xuất khẩu không phải chịu thuế là rất hợp lý, nếu không được tháo gỡ kịp thời thì không DN nào dám mua cà phê nữa.
Bỏ VAT cho nông sản còn khuyến khích các DN mua bán theo hợp đồng, xuất hóa đơn đầy đủ, giúp Nhà nước quản lý tốt hơn khoản thuế thu nhập DN.
Trung Quốc đến nay vẫn chưa áp dụng thuế GTGT ( VAT ) còn VN thực hiện hơn 10 năm rồi , phải chăng nền kinh tế của chúng ta hơn họ ?
Nên bỏ thuế GTGT ngành cà phê , đến khi tiêu thụ trong nước tặng lên mức đáng kể thì mới áp dụng thì hợp lý hơn ./.
Một chiêu để cùng ép giá nông dân
Việc áp dụng VAT với ngành cafe không phải là ngày 1 ngày 2 mà phải là quá trình lâu dài- Tuy không hiểu vì sao cafe giảm giá và có phải do VAT là nguyên nhân chính hay không- nhưng nếu không giải quyết kịp thời trước khi vào vụ mùa thì sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho bà con nông dân. Với mức giá hiện giờ sẽ xảy ra 2 trường hợp 1 là ghim hàng chờ giá, 2 là bán hết sợ bị tuột nữa- và lại tái diễn những năm trong lịch sử- chặt cafe trồng chè hoặc cây gì khác. Hi vọng tất cả DN cũng như người dân đã từng sống vì cây cafe gắn bó với cafe hãy cùng nhau cứu vãn tình hình hiện nay, lợi ích không chỉ cho bản thân DN mà còn là lợi ích của nông dân.
Nhà nước nên xem lại thuế VAT có lợi và hại như thế nào nếu lợi nhiều hơn thì áp dụng còn không thì bỏ như đã làm với thuế nông nghiệp.còn xem lại lợi ích thực chất là đem lại cho ai nông dân hay doanh nghiệp mà đưa ra những chính sách cụ thể.Chẳng hạn như vốn tạm trữ là để tránh tình trạng bán tháo caphe nhằm giữ giá có tác dụng tích cực không? hay chỉ mang vốn cho các doanh nghiệp xoay sở tránh vỡ nợ? đã có cuộc kiểm tra nhằm đánh giá tác dụng chưa? còn có phương cách nào để dạt mục tiêu giữ giá nữa không vậy?
Chính sách tạm trữ hiện nay thực hiện chưa đem lại hiệu quả nhiều cho nông dân
Thứ nhất: người dân không còn niềm tin ký gởi kho ở các đại lí
Thứ hai: doanh nghiệp tạm trữ vay vốn ngân hàng, ngân hàng cũng không đủ niềm tin.
cho nên kế hoạch tạm trữ thực hiện ngay đầu vụ là khó có thể, lúc được thì một lượng cà phê lớn đã đem ra thị trường, nên hiệu quả tạm trữ ảnh hưởng lên giá không còn cao.
Theo tôi, muốn việc tạm trữ đạt hiệu quả thì phải tạo được niềm tin của người dân và ngân hàng đối với các tổ chức thu mua.
-Thứ nhất: ở mỗi địa phương, nhà nước nên có một kho hàng dự trữ bình ổn giá, cho người kí gởi ứng trước một khoản tiền theo mức phù hợp và chịu theo lãi suất ngân hàng. người dân mới có một khoản tiền đủ lớn đẻ giải quyết công việc của mình, hai bên cùng có lợi. Chỉ khi nào có sự đảm bảo của nhà nước đối với cà phê của dân gởi người dân mới tin và làm.
– Thứ hai: đối với doanh nghiệp vay tiền ngân hàng để tạm trữ, ngân hàng sẽ phải quản lí chặt hàng hóa kí gởi, đối với hàng tạm trữ thông qua lượng hàng tồn kho kiểm tra liên tục, doanh nghiệp có thể sử dụng nguồn hàng tạm trữ để kinh doanh, nhưng lượng hàng bán ra và nhập vào luôn cân đối, khi nào có sự thống nhất của các bên mới được bán ra hàng tạm trữ.
Giá cứ như vậy chắc dân trồng cà phê tính tới chuyện chuyển đổi cây trồng quá, liệu rồi việt nam minh còn giữ được vị trí thứ hai về suất khẩu cà phê trên thế giới nữa không .
Tôi nghĩ giá cafe cứ đà này… trong khi đó đang vào mùa thu hoạch mà tiền công hái thì cao. Nhiều hộ đang tính đến chuyện chặt cafe trồng tiêu.
Bà con nên thay đổi giống cây trồng là phù hợp nhất.
Tại sao các doanh nghiệp làm ăn chân chính xuất khẩu cà phê chưa hoàn được thuế? Bộ tài chính và các cơ quan thuế để quá nhiều khoản sơ hở. Các doanh nghiệp xuất khẩu cá phê thì mua cà phê phải có hóa đơn và tiền thuế đã trả cho người bán (không phải nông dân) và người bán thì được nhà nước cho giãn thuế, giãn thời gian nộp thuế, tự in hóa đơn trong thời gian này thì những người bán (không phải nông dân) sau khi đã nhận được tiền thuế thì … hàng ngàn lý do không nộp lại cho nhà nước kể cả cố tính chiếm đoạt bằng mọi hình thức. Nếu nhà nước hoàn thuế cho nhà xuất khẩu thì mất một khoản ngân sách quá lớn. Nếu chưa hoàn thuế lại cho nhà xuất khẩu hoặc đợi điều tra thì các doanh nghiệp này liệu có sống nỗi với quá nhiều chi phí như nuôi sống bộ máy doanh nghiệp, lãi vay, khấu hao bảo trì bảo dưỡng khác. Vậy thì tại sao với 01 đất nước xuất khẩu đến khoảng 90% mặt hàng này lại phải thu thuế GTGT (thuế này là chủ yếu) tức là phải nộp thuế cho nhà nước 90% mặt hàng xuất khẩu này rồi lại phải hoàn lại 90% thuế GTGT của mặt hàng này. Trên lý thuyết nhà nước chỉ lãi được khoảng 10% số tiền thuế GTGT của mặt hàng này được tiêu thụ trong nước. Nhưng chi phí thì … phải bỏ ra. Và kết quả là những nhà xuất khẩu càng ngày càng khó khăn.
Do đó muốn tồn tại họ phải ép giá, ít nhất là lãi từ xuất khẩu phải lớn hơn 05 % sau khi trừ chi phí thì họ mới có lời. Kết cục là họ ép giá nông dân hoặc từ bỏ ngành nghề này chuyển sang kinh doanh ngành khác ít rủi ro hơn.
Nếu nhà nước vấn muốn thu thuế và hoàn thuế GTGT từ mặt hàng này nhằm mục đích đem lại nguồn thu cho địa phương có mặt hàng xuất khẩu này thì tại sao không căn cứ vào sản lượng hoặc diện tích cà phê của từng địa phương này mà đầu tư vào cho dân trồng cà phê nhờ. Trong khi người nông dân trồng cà phê liệu có lãi?
Vấn đề chính của ngành cà phê hiện nay là tình trạng gian lận, chiếm đoạt thuế dẫn đến thất thoát (thất thu) thuế GTGT. Do vậy việc hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cũng bị tạm hoãn làm ảnh hưởng rất lớn đến các đơn vị kinh doanh cà phê xuất khẩu.
Trước tình hình này, một số đơn vị cũng như Vicofa đã đề xuất bỏ thuế GTGT đối với mặt hàng cà phê để tránh tình trạng chiếm đoạt thuế. Theo tôi, giải pháp này củng chưa ổn, vì như khi đó không còn gian lận thuế nhưng cũng đồng nghĩa với việc nhà nước sẽ thất thu nguồn thuế GTGT đối với mặt hàng này.
Theo ý kiến cá nhân của tôi thì không cần thiết phải bỏ thuế GTGT mà chuyển sang phương pháp kê khai thuế GTGT theo “phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng”.
Theo phương pháp này sẽ có những lợi ích sau:
– Nhà nước sẽ không bị chiếm đoạt thuế (vì chỉ có thu mà không có hoàn – tránh tình trạng hoàn trước thu sau dẫn đến chiếm đoạt thuế).
– Khuyến khích giao dịch mua bán cà phê
Vấn đề chính là bọn tài phiệt tại sàn Luân đôn muốn có 1 mặt bằng giá mới trong tương lai, có thể là ba mươi mấy ngàn thay vì bốn mươi mấy ngàn như những năm qua. Kẻ mua không bao giờ muốn trả nhiều tiền mà lấy được ít hàng.
Cho nên, họ hay đưa ra “vì sự kiện này, sự kiện kia” để có cớ ép giá xuống thôi, chứ chẳng phải do thuế, cũng chẳng phải điểm nóng Syria, hay Snowden gì ráo trọi! Chúng ta cứ mơ hồ nghe theo rồi phân tích này kia. Các bạn có thấy 1 điểm mấu chốt là giá cà phê từ 2200usd họ ép tụt xuống còn 1400usd thôi sao? Tất nhiên, bội thu cà phê gây thặng dư nguồn cung thì hà cớ gì họ không ép giá xuống? Còn việc thuế là nội bộ giữa nhà nước và doanh nghiệp, chẳng có liên quan gì đến họ. Có chăng, qua việc hoàn thuế sẽ nảy sinh ra khó khăn cho doanh nghiệp trong nước, thì đây cũng còn là cơ hội “đục nước béo cò” mà thôi.
Cái khó khăn mấu chốt hiện nay trên toàn cầu là thế mạnh thuộc về người mua, khi mà người mua ra giá cho nông sản. Điều đó khiến cho những nước làm nông nghiệp như nước ta mãi…nghèo!
Hiện nay tôi được biết các DN xuất khẩu lớn đang bị ách lại tiền thuế VAT chưa được nhà nước hoàn là rất lớn, mỗi DN có thể lên đến vài chục tỷ đồng, tiền lãi hàng ngày, chi phí nhân viên hàng ngày phát sinh liên tục. Nhà nước không thu thuế được của các DN bỏ trốn thì quay lại không hoàn thuế cho các DN làm ăn chân chính (đợi điều tra xong mới hoàn khi đó thì tiền lãi cũng đè chết DN chân chính rồi). Tại sao bộ tài chính không sáng mắt ra mà bỏ luôn 5% tiền thuế này đi nhỉ? nhà nước cũng không được mà DN cũng không được tiền này thế thì thu để làm gì? Chẳng qua các ông đặt ra thuế này để tạo công ăn việc làm cho các công nhân viên chức nhà các ông thôi, tiền lương của các bộ phận này dân è cổ ra gánh.
Giá cà phê xuống thấp như thế này, áp lực lớn nhất mà người nông dân phải chịu là các khoản nợ đầu tư. Nếu nông dân có các khoản vay ưu đãi dựa trên sản lượng cà phê của mình thì họ có thể yên tâm tạm trữ, hy vọng giá có thể lên.