Giống như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đang trong tình trạng tràn lan, mất kiểm soát. Vì đây là mặt hàng nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng tới sức khỏe con người nên việc đưa thuốc BVTV vào danh mục là ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ góp phần quản lý mặt hàng này dễ dàng hơn.
“Loạn” thuốc bảo vệ thực vật
Con số của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, cả nước hiện có trên 270 công ty sản xuất sang chai, đóng gói và hơn 40 công ty cung ứng phân phối thuốc BVTV với trên 3.500 tên thương mại thuốc được lưu hành. Bên cạnh đó, trung bình mỗi năm cả nước nhập khẩu khoảng trên 70.000 tấn thuốc BVTV thành phẩm các loại, trong đó 90% được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Xuân Hồng cho hay, trên thị trường còn trôi nổi nhiều loại thuốc không rõ nguồn gốc, được nông dân sử dụng bừa bãi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nông sản phẩm, sức khỏe con người cũng như môi trường đất và nước. Theo điều tra của UBND huyện Đông Anh, Hà Nội, trên địa bàn huyện có khoảng 50 cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV kết hợp kinh doanh vật tư nông nghiệp, phân bón… đã được cấp giấy đăng ký kinh doanh. Ngoài ra, có khoảng 30 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV nhỏ lẻ và hoạt động mang tính thời vụ.
Tại tỉnh Lâm Đồng, từ đầu năm đến nay, Chi cục BVTV Lâm Đồng đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành 3 đợt thanh tra, kiểm tra. Qua đó phát hiện 6 trường hợp vi phạm. Cũng từ đầu năm đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã tiến hành kiểm tra 135 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV và đã phát hiện 13 trường hợp vi phạm.
Về chất lượng thuốc BVTV, qua lấy mẫu 26 loại thuốc BVTV của 26 Cty để phân tích, kết quả cho thấy, có 2 loại thuốc không đạt chất lượng như công bố: Thuốc Everest 500WP (hoạt chất Acetamiprid) được sản xuất ngày 10.6.2012 do Cty TNHH thương mại ACP phân phối và thuốc Parosa 325WP (hoạt chất Copper Oxylchloride + Zinc sulfate) được sản xuất ngày 12.11.2012 do Cty TNHH Nông Dược III phân phối.
Tổng kiểm tra kinh doanh thuốc BVTV trên toàn quốc
Trước tình hình “loạn” thuốc BVTV này, Bộ NN&PTNT vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương về việc tổng kiểm tra kinh doanh thuốc BVTV trên toàn quốc.
Công văn yêu cầu UBND các tỉnh, TP tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai ngay một số công việc cụ thể: Sở NN-PTNT, UBND cấp huyện, xã và các cơ quan chức năng, các đơn vị có liên quan ở địa phương phối hợp, đồng loạt tiến hành tổng kiểm tra trên diện rộng toàn bộ các cơ sở kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn. Đặc biệt quan tâm kiểm tra việc ghi nhãn các loại thuốc BVTV đang lưu thông trên thị trường để phát hiện các hành vi vi phạm (ghi thêm đối tượng phòng trừ chưa được đăng ký, khuyến cáo, hướng dẫn sử dụng thuốc không đúng với nội dung đã đăng ký…), truy xuất nguồn gốc thuốc BVTV có nhãn ghi sai để xử lý doanh nghiệp vi phạm, kiên quyết đình chỉ lưu thông và bắt buộc thu hồi các thuốc BVTV có nhãn ghi sai.
Lấy mẫu, gửi về các phòng thí nghiệm trong danh sách được Bộ NN-PTNT chỉ định để kiểm tra chất lượng các loại thuốc BVTV của các doanh nghiệp đã bị phát hiện vi phạm nhiều lần về chất lượng. Nếu phát hiện thuốc BVTV kém chất lượng cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trường hợp doanh nghiệp vi phạm nặng hoặc không chịu khắc phục lỗi vi phạm, vi phạm nhiều lần thì kiên quyết đình chỉ việc sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật;
Kiểm tra, tịch thu và buộc tiêu hủy theo quy định đối với các loại thuốc BVTV giả, không rõ nguồn gốc, thuốc không có trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam.
Đối với các tỉnh biên giới, chỉ đạo lực lượng thanh tra chuyên ngành BVTV, QLTT tăng tường phối hợp với các cơ quan chức năng tại cửa khẩu, Bộ đội biên phòng, Công an, Hải quan, kiểm soát chặt, ngăn chặn và xử lý các loại thuốc BVTV nhập lậu qua biên giới dưới mọi hình thức. Xác định các đầu mối chuyên nhập lậu thuốc BVTV để xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
Một số ý kiến cũng cho rằng, để chấn chỉnh tận gốc vấn đề loạn thuốc BVTV hiện nay, cần đưa thuốc BVTV vào danh mục là nghề kinh doanh có điều kiện.
Theo Nguyễn Duyên (Báo Công thương)