Khi cơn bão số 11 có tên quốc tế là Nari càn quét các tỉnh miền Trung nước ta chưa kịp tan, một cơn bão khác ập đến trên thị trường cà phê, sức tàn phá không kém. Đó là bão giá.
Gió thổi ngược…
Cuộc cãi cọ về ngân sách và nâng trần nợ trên chính trường nước Mỹ kết thúc vào những giờ phút cuối cùng trước khi chính quyền Obama tuyên bố “vỡ nợ kỹ thuật” vào ngày 17-10-2013. Cả thế giới đều lo âu, thị trường tài chính như đang bị trói chân tay, tự nhiên bật dậy. Nhiều người xem đấy là cơ hội phục hồi cho giá cả của các thị trường tài chính. Mà thật, nhờ vậy, nhiều chỉ số chứng khoán tăng mạnh như S&P 500 tăng mức cao kỷ lục. Hầu hết các chỉ số chứng khoán tại nước Mỹ và các châu lục đều tăng. Giá nhiều sàn hàng hóa cũng bất ngờ bung mạnh như vào ngày 17-10, ca- cao lên mức kỷ lục với 2.776 đô la/tấn, giá vàng lên 1.323 đô la/oz so với mức thấp 1.251 đô la/oz hai ngày trước đó.
Chỉ số đồng đô la Mỹ giảm từ 80,5 điểm đầu tuần đến nay chỉ còn quanh mức 79,5 điểm, đáng ra kích giá hàng hóa lên do đồng đô la rẻ. Nhưng, giá cà phê vẫn giảm tệ hại.
Các báo cáo tồn kho quan trọng phát hành trong kỳ đều giảm, chẳng kích nổi giá cà phê.
Báo cáo định kỳ của Hiệp hội Cà phê Hạt của Mỹ (Green Coffee Association-GCA) nói rằng tính đến hết tháng 9-2013, tồn kho cà phê tại Bắc Mỹ còn 5.446.805 bao (60 kg/bao), giảm 114.771 bao so với tháng 8-2013. Số tồn kho này chỉ tính lượng cà phê hiện hữu được xếp thành cây đàng hoàng tại các kho cảng.
Cà phê đang trung chuyển trong containers hay nằm rải rác tại các hãng rang xay ở các nơi tại vùng Bắc Mỹ gồm Hoa Kỳ và Canada đều không được tính. Lượng tồn kho không được cộng này ước chừng thêm 1 triệu bao. Nếu như toàn vùng Bắc Mỹ sử dụng mỗi tuần 450.000 bao, số lượng cà phê hiện có tại Bắc Mỹ có thể bảo đảm được chừng 13,5 tuần liền.
Liên đoàn Cà phê Châu Âu (European Coffee Federation) ước tính đến hết tháng 6-2013, tồn kho cà phê tại các cảng châu Âu còn chừng 11.076.165 bao, giảm 93.235 bao so với tháng 5-2013. Tuy nhiên, con số tồn kho này vẫn cao 10,25% với 1.031.080 bao so với cách đây 12 tháng (xem biểu đồ 1).
Khối EU, Mỹ và Nhật là các vùng tiêu thụ cà phê truyền thống lớn nhất, trong đó Mỹ thường mua robusta để sản xuất cà phê hòa tan, Nhật sử dụng nhiều arabica để tiêu thụ và châu Âu là nơi sử dụng mạnh và đều cho cả 2 loại arabica và robusta.
Trong khi đó, báo cáo định kỳ của sàn kỳ hạn Liffe NYSE nói rằng tồn kho robusta được sàn công nhận chất lượng (certified) chỉ còn 56.150 tấn, giảm 4.230 tấn trong kỳ nhưng xuống mức thấp nhất tính từ đầu năm 2000 đến nay.
Tồn kho certifieds này đạt đỉnh vào tháng 7-2011 với mức 417.120 tấn. Do giá cà phê đang rất cao tại các nước xuất khẩu, loại 2 theo qui chuẩn Liffe NYSE có giá bán cao hơn giá sàn kỳ hạn từ cộng 80-100 đô la/tấn FOB (giao hàng tại cảng đi) so với giá chuẩn tại sàn là trừ 30 đô la/tấn CIF (giao hàng tại cảng đến), từ hơn 3 tháng nay, sàn không nhận được một hạt cà phê nào xin cấp chứng nhận chất lượng!
Giá cà phê ập xuống bất ngờ…
Một điều rất lạ là giá cà phê robusta trên sàn kỳ hạn và thị trường nội địa trong tuần qua càng đến cận ngày hạn cuối cùng nước Mỹ có khả năng “vỡ nợ” bao nhiêu, giá xuống bấy nhiêu. Giá robusta nhân xô nội địa được bạn hàng trả quanh mức 34.000 đồng/kg, sáng nay thứ Bảy 19-10, có nơi chỉ 33.500 đồng, giảm 2000-2500 đồng/kg so với cuối tuần trước. Mức này cũng là mức thấp nhất tính từ ba năm trở lại đây.
Giá sàn Liffe NYSE từ 1.733 đô la/tấn cuối tuần trước, đến khuya hôm qua thứ Sáu 18-10 đóng cửa chỉ còn 1.631 đô la, rớt 102 đô la/tấn (xem biểu đồ 3), mất toàn bộ những gì đã có từ 12 ngày nay.
Tuy nhiên, vẫn rất may: mưa của hai cơn bão số 10 và 11 liên tiếp đã thực sự làm chậm lại ngày thu hoạch. Trước đây, có người đoán cà phê sẽ ra thị trường vào thời điểm này nếu thời tiết nắng ráo. Nay chắc phải đến giữa tháng 11 mới có hàng vụ mới 2013/14.
“Với mức giá này, thị trường đang thử tính gan dạ của giới kinh doanh. Ai dám bán trước mua sau thì cứ việc, còn nông dân chúng tôi tới khi có hàng trong tay mới tính chuyện bán mua”, anh Lê Phú Tâm, một nông dân tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng cho biết.
Tìm giải pháp cứu thị trường cà phê
Thật vậy, một khi có hàng trong tay, gặp phải giá giảm liên tục, áp lực về tâm lý đối với quyết định bán ra là rất lớn. Càng bán ra, giá càng giảm. Có lẽ đó là lý do khiến trong các năm trước, dù sản lượng nhỏ hơn nhiều so với mấy năm gần đây, giá cà phê đầu mùa hay rớt sâu là vậy.
Chậm hoàn thuế giá trị gia tăng đối với cà phê cũng đã hãm sức bán rất mạnh trong thời gian vừa qua. Đây cũng có thể là một yếu tố bất ngờ, “bất chiến tự nhiên thành” giúp giá không sụp mạnh hơn. Vì, các nhà xuất khẩu thường đua nhau bán khống khi thấy sản lượng có thể lớn và giá có khuynh hướng giảm nhanh.
Hiện nay, tâm lý thị trường đều cho rằng sản lượng cà phê thế giới và tồn kho trong tay các nước sản xuất quá lớn. Không chỉ robusta, sản lượng arabica Colombia nhiều hơn dự kiến và mưa khá thuận lợi tại các vùng cà phê Brazil cho niên vụ 2014/15. Các ngân hàng kinh doanh như Goldman (Mỹ) và Sociéte Générale (Pháp) đều cho rằng trước mắt, giá cà phê chịu áp lực bán ra rất lớn. Nên, trong tuần qua, Goldman đã ước đoán giá arabica trong thời gian 3,6 và 12 tháng tới đều giảm 10 cts xuống còn 120 cts/lb. Chính vì thế, đầu cơ trên các sàn cà phê trong mấy ngày qua vung tay bán khống khá mạnh làm giá rớt.
Đứng trước tình hình này, thiết nghĩ ngành cà phê nên tìm một số giải pháp hữu hiệu để điều tiết lượng bán ra cứu giá robusta. Nếu sản lượng nước ta niên vụ 2013/14 này thực sự lớn như tin đồn, nhưng vẫn cứ để một mình nông dân bươn chải như trước, rủ nhau giữ hàng để mong kéo giá tăng…xem ra rất rủi ro cho chính họ và cho cả kim ngạch xuất khẩu mặt hàng đáng giá cho nước nhà hàng năm 3 tỉ đô la Mỹ này.
Sẽ rất đáng sợ khi một lúc hàng ra rộ, chính sách hoàn thuế GTGT được nới lỏng, tín dụng xuất khẩu vào “đường đua” cuối năm, lại sẽ xảy ra hiện tượng đua nhau mua tranh nhau bán, gây ảnh hưởng xấu đến giá cà phê trong nước và trên thế giới.
Nên chăng hãy thử dùng một chế độ đăng ký xuất khẩu theo từng tháng cho các nhà xuất khẩu. Dựa trên số đăng ký xuất bán, giảm được lượng người tranh mua tranh bán, chủ động được nguồn hàng và tiền, đồng thời cùng góp sức với nông dân điều tiết hàng bán ra thị trường một lượng không thừa vừa để giữ giá vừa không gây khó cho bạn hàng rang xay.
Giá cà phê ảm đạm, cuối tuần vắng vẻ chẳng thấy ai lên diễn đàn góp ý phản hồi tự nhiên thấy trong người buồn lạ
Chính phủ cần hỗ trợ khẩn cấp thu mua tạm trữ cân đối giá cả hỗ trợ nhân dân!
Xin chính phủ đừng hỗ trợ vì không giải quyết được vấn đề vì số tiên hỗ trợ không làm cho giá cà tăng được, chỉ cứu G20 chưa chìm mà thôi. Cứ để một cú sốc cho ngành caphe vì khi đó ai là có khả năng làm xuất khẩu thì rõ, còn ai kém thì cho dep tiệm. Có lẽ dã đến lúc làm quyết liệt như vấn đề thuế GTGT để cho những con bệnh chết đi rồi làm lành mạnh hóa thị trường. Còn nông dân chỉ khổ mà thôi chứ không phá sản đâu mà lo. Kết thúc cuộc chơi này ta bày ra cuộc chơi mới game over!
Khó lắm, Chính Phủ khó làm được điều đó lắm. Aỉ sẽ giúp CP thu mua, lưu trữ, quản lý…. rồi nếu gặp rủi ro ai sẽ gánh lỗ…. Chính Phủ chỉ còn cách hỗ trợ các DN cà phê bằng những gói nới lỏng tín dụng, hạ lãi suất cho vay để kích thích các DN này thu mua thôi…. Nhưng các DN có mua hay không, hay là ép giá nông dân thì CP khó quản lý lắm…..
E hè, có khối anh muốn nhảy vào giành miếng bánh trị giá 3 tỷ USD này, vd mấy anh FDI chẳng hạn, chỉ lo bò trắng răng
Bà con nông dân chúng ta làm cafe gần 30 năm rồi. Khi giá cao chúng ta hưởng, khi hạ thì cố gắng mà chịu chứ kêu ca ầm lên mà làm gì. Chúng ta phải thay đổi tư duy canh tác thôi. Hãy thử trồng nhiều loại cây trên cùng một thửa đất, mất cái này còn cái kia !