Đăk Lăk: Xuất khẩu cà phê thấp kỷ lục

Hôm nay (16/10), UBND tỉnh Đăk Lăk tổ chức Hội nghị tổng kết niên vụ cà phê 2012/2013 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ niên vụ cà phê 2013/2014.

Niên vụ cà phê 2012/2013, do điều kiện bất lợi về thời tiết nên năng suất và sản lượng đều giảm so với niên vụ trước: năng suất bình quân đạt gần 22 tạ/ha, sản lượng cà phê nhân xô đạt hơn 410 nghìn tấn, giảm 15%.

Cả niên vụ, Đăk Lăk chỉ xuất khẩu được hơn 224 nghìn tấn, giá trị kim ngạch hơn 460 triệu USD, thấp nhất trong vòng 5 năm qua cả về lượng và giá trị kim ngạch.

Dự kiến niên vụ 2013/2014, sản lượng cà phê Đăk Lăk đạt hơn 430 nghìn tấn, trong đó xuất khẩu khoảng 300 nghìn tấn.

UBND Tỉnh yêu cầu các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn ưu tiên nguồn vốn cho các doanh nghiệp thu mua cà phê xuất khẩu, tăng nguồn vốn tín dụng vào đầu mùa vụ; chính quyền địa phương có các biện pháp tăng cường lực lượng bảo vệ vườn cây, chống hái trộm, đồng thời, có chính sách hỗ trợ người dân đầu tư công nghệ chế biến sau thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng cà phê.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng tăng cường các biện pháp chống thất thu.

Ông Lê Văn Mạnh, Cục trưởng cục Thuế tỉnh Đăk Lăk cho biết: Để khắc phục tình trạng ngân sách bị chiếm dụng tiền thuế giá trị gia tăng như trong thời gian vừa qua, Cục Thuế xây dựng phương án các đơn vị xuất khẩu sẽ nộp thay thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp bán.

Cơ quan thuế sẽ tăng cường phối hợp chống thất thu trên khâu lưu thông đối với mặt hàng cà phê, nông sản vận chuyển ra khỏi địa bàn. Sắp tới, đối với các hồ sơ kiểm trước, hoàn sau thì chỉ kiểm tra một khâu trung gian, còn nếu phát hiện trước khâu trung gian đó có dấu hiệu vi phạm thì sẽ tiếp tục kiểm tra.

Theo: VOV-Tây Nguyên

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nông Cà

    5% cà phê tiêu thụ nội địa, 95% xuất khẩu.
    Trong lúc đó chỉ thực thu VAT của 5% tiêu thụ nội địa, còn 95% xuất khẩu VAT bằng 0% theo quy định đối với nông sản xuất thô.
    Như vậy thu VAT của 95% số cà phê này, rồi sau đó hoàn thuế, như việc THẢ GÀ RA ĐUỔI, nên bỏ kiểu thu này đi cho khỏi quản lý, tránh thất thoát ngân sách.
    Chỉ tập trung thu 5% cà phê nhân tiêu thụ nội địa, bằng cách không thu VAT trực tiếp khi DN mua nhân xô (như đối với 95% số cà phê xuất khẩu nói trên), nhưng khi DN đã chế biến thành phẩm xong sẽ được thu VAT của nguyên liệu xô tương ứng với số thành phẩm đã được chế biến.

  2. nguyen van tien

    Sao từ giũa vụ không nổi lên vấn đề này đi. Cứ sao cứ phải vào vụ thu cafe rồi mới bắt đầu này nọ? Kiểu gì cũng khổ người dân hết. Hết lý do này rồi lý do khác, nói chung là chỉ khổ người trồng cafe thôi.

  3. Nguyễn Bình Nguyên

    Tôi thấy bà con nông dân mình đỗ xô trồng tiêu quá nhiều, không biết vài năm nữa giá cả thế nào, chứ như
    tình trạng giá cà phê hiện nay thì nông dân lại khốn đốn nữa! Tôi nghĩ Nhà nước nên có cách gì đó để ngành cà phê và tiêu được phát triển bền vững, vì nông dân Daklak chỉ có cà phê và tiêu là nguồn thu nhập chính.

Tin đã đăng