Nếu không giải quyết dứt điểm tình trạng gian lận thuế giá trị gia tăng (VAT), hàng loạt doanh nghiệp cà phê buộc phải tạm ngưng xuất khẩu.
Xem chuyên đề: >> Mua cao bán thấp: Hành vi chiếm đoạt thuế tinh vi
Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị bàn về biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu cà phê do Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) tổ chức ngày 24-9 tại TP.HCM. Và dù niên vụ mới còn hơn một tháng nữa mới bắt đầu nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu VN đã than năm nay sẽ cực kỳ khó khăn cho ngành cà phê VN. Hiện giá cà phê nội địa chỉ còn 36.000 đồng/kg, mức thấp nhất trong ba năm qua.
Gian lận thuế VAT đang giết ngành cà phê!
Liên đoàn Cà phê châu Âu quan tâm đến tình trạng gian lận thuế
Không chỉ doanh nghiệp trong nước lo lắng về tình trạng gian lận thuế VAT mà cả doanh nghiệp nước ngoài cũng bất an trước mùa vụ mới. Vicofa cho biết cuối tháng 7-2013, Liên đoàn Cà phê châu Âu (ECF) đã có thư gửi các cơ quan chức năng VN yêu cầu điều tra tình trạng gian lận thuế trong mua bán cà phê để các thành viên của ECF biết đường lên kế hoạch mua bán cho niên vụ 2013-2014, giải quyết vấn đề thuế VAT trước niên vụ cà phê mới để họ yên tâm kinh doanh.
Kể từ tháng 6-2013 đến nay, Công ty TNHH Minh Huy (Long Khánh, Đồng Nai) đã tạm ngưng xuất khẩu cà phê dù đối tác vẫn điện thoại đặt hàng. Ông Nguyễn Minh Bạn, giám đốc công ty, cho biết không phải thiếu hàng để giao nhưng mua bán hiện nay quá nhiều rủi ro do sự cạnh tranh của các doanh nghiệp chuyên gian lận thuế với thủ đoạn tinh vi.
Theo giải thích của ông Bạn, thủ đoạn của các doanh nghiệp này là mua cà phê với giá cao hơn giá thị trường, sau đó bán ra giá thấp cho doanh nghiệp xuất khẩu để lấy hóa đơn VAT và kiếm lời từ hành vi chiếm đoạt khoản thuế. Chẳng hạn, giá cà phê trên thị trường hiện nay 36.000 đồng/kg, nhưng các doanh nghiệp này chào mua giá 37.000 đồng/kg để cạnh tranh gom với số lượng hàng rất lớn.
Sau đó những doanh nghiệp này đem hàng bán lại cho doanh nghiệp khác, trong đó có doanh nghiệp xuất khẩu với giá 36.000 đồng/kg, chịu lỗ 1.000 đồng/kg và nhận được khoản tiền hoàn thuế VAT 5%, tương đương 1.800 đồng/kg. Thay vì nộp khoản tiền thuế này lại cho Nhà nước, doanh nghiệp này bỏ trốn để hưởng lãi 800 đồng/kg (1.800 đồng thuế VAT – 1.000 đồng bán lỗ). “Với kiểu mua bán này, các công ty làm ăn đàng hoàng rất khó cạnh tranh với họ để có hàng đúng giá xuất khẩu. Nếu mua cao bằng họ thì thua lỗ” – ông Bạn bức xúc.
Cũng tại cuộc họp, hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu và đại diện Vicofa đều lên tiếng kêu khổ vì tình trạng gian lận và khó khăn trong hoàn thuế VAT đã vượt mức chịu đựng của doanh nghiệp. Ông Vũ Văn Hải, giám đốc Công ty Haprosimex TP.HCM, cho biết từ đầu năm đến giờ đơn vị này không còn xuất khẩu cà phê. “Gian lận thuế VAT đã phá vỡ môi trường kinh doanh tại VN, người làm ăn chân chính đang chịu rủi ro. Chúng tôi không thiếu tiền để kinh doanh nhưng môi trường kinh doanh đã bị phá vỡ hết rồi nên tôi nghỉ” – ông Hải nói.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, tổng giám đốc Công ty CP XNK gia công bao bì Packsimex (Bộ Công thương), tuyên bố thẳng nếu không giải quyết vấn đề gian lận cũng như hoàn thuế VAT thì công ty không dám kinh doanh cà phê nữa. “Chúng tôi phải cho một nửa nhân viên nghỉ việc vì không có gì làm” – bà Mai nói.
Xem thêm: >> Châu Âu đề nghị Việt Nam điều tra gian lận thuế cà phê
Cà phê Việt đang mất thị phần
Theo ông Đỗ Hà Nam, phó chủ tịch Vicofa, tất cả doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam đều đang ở tình trạng bất kỳ lúc nào cũng có thể gặp vấn đề về thuế. Nếu tình trạng này tiếp tục thì không còn doanh nghiệp nào tại VN dám tham gia thị trường cà phê nữa. Ông Nguyễn Xuân Thái, giám đốc Công ty TNHH MTV cà phê Thắng Lợi (Đắk Lắk), đề nghị nên bỏ thuế VAT trong ngành cà phê vì 95% cà phê là để xuất khẩu, chỉ có 5% tiêu thụ trong nước.
Cũng theo các doanh nghiệp, rủi ro do gian lận thuế VAT và khó khăn trong hoàn thuế chính là lý do khiến cà phê VN đang mất dần thị trường. Các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê cho biết tình hình kinh doanh mùa vụ mới càng gặp nhiều khó khăn hơn do sản lượng thế giới ngày càng tăng. Ông Nguyễn Quang Bình, giám đốc Công ty TNHH Chánh Tinh Anh (TP.HCM), cho biết thách thức với cà phê VN là sản lượng của thế giới ngày càng cao nên thị phần của VN ngày càng thấp.
Trong 2-3 tháng vừa qua xuất khẩu cà phê VN không nhiều, một phần do gian lận thuế VAT nhưng còn do thị phần mất vào nước ngoài. Trước đây VN xuất khẩu 110.000-120.000 tấn/tháng nay chỉ còn 80.000-90.000 tấn/tháng. “Lượng bán thấp hơn mà giá vẫn giảm chứ không tăng là do có nguồn cung khác thay thế. Nếu không giải quyết tận gốc vấn đề thuế VAT thì hàng sẽ không đi được và tạo cơ hội cho các nước xuất khẩu khác là Indonesia và Brazil chiếm thị phần. Trước mắt, 400.000 tấn cà phê robusta của Brazil và 100.000 tấn của Indonesia sẽ được đưa ra thị trường và VN còn có thể mất thêm thị phần trong thời gian tới” – ông Bình nhận định.
Theo ông Đỗ Hà Nam, hiện giá cà phê đang ở mức thấp nhất trong ba năm qua, còn 36.000 đồng/kg. Trong khi đó giá cà phê arabica trên thế giới đang xuống thấp nên thị phần robusta sẽ giảm thêm. Không những vậy, các doanh nghiệp nước ngoài đang có tin đồn xấu về doanh nghiệp cà phê trong nước. “Mấy ngày nay chúng tôi liên tục làm việc với ngân hàng nước ngoài và các công ty nước ngoài đang có thông tin các doanh nghiệp cà phê VN sắp chết hết rồi vì lãi suất và gian lận thuế” – ông Nam nói.
Ngược lại, một số ngân hàng cho biết sẽ tạm ngưng cho doanh nghiệp cà phê vay tiền kinh doanh niên vụ mới như ngành điều cách đây hai năm. “Ngành cà phê Việt Nam đã có ba năm tươi đẹp khi giá trong nước ổn định ở mức 40.000-50.000 đồng/kg. Thành công đó lớn nhất thuộc về người nông dân khi đã điều tiết được lượng hàng bán ra. Tuy nhiên, tình hình mùa vụ mới rất khó khăn, do đó cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước để tránh tình trạng sụp đổ về giá”, ông Nam nói.
Đẩy khó cho doanh nghiệp xuất khẩu
Để ngăn chặn tình trạng gian lận thuế VAT, giữa tháng 6-2013 Bộ Tài chính ban hành công văn yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu phải tự “kiểm tra các khâu trung gian” và sẽ kiểm tra trước khi hoàn thuế đối với các trường hợp sử dụng hóa đơn của các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế. Tuy nhiên, quy định này lại vấp phải sự phản đối của các doanh nghiệp vì Nhà nước đã đẩy doanh nghiệp vào thế khó hơn.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng khi mua cà phê của đối tác thì chỉ biết họ có đủ hồ sơ giấy tờ là được, còn họ mua của những đơn vị nào trước đó làm sao doanh nghiệp kiểm tra được. “Vậy mà Bộ Tài chính giờ bắt tôi phải biết hết cả những khâu cung cấp hàng. Nhà nước cũng tạm thời ách thuế VAT mà tôi lẽ ra được hoàn lại để kiểm tra các khâu cung ứng hàng. Nếu một khâu nào đó trong chuỗi cung ứng bỏ trốn thì tôi cũng không được hoàn thuế. Rủi ro như thế này thì sao doanh nghiệp dám kinh doanh” – giám đốc một doanh nghiệp nói.
Tuy bài viết hay nhưng bản thân mình chưa hiểu được cách mà họ gian lận thuế. Theo mình hiểu như thế này.
Bên A mua cà phê giá 37.000 là giá chưa có thuế. Nếu có thuế GTGT vào là 1850 + 37000 = 38.850k
Bên A bán lại cho bên B với giá trị là 36.000 chưa có thuế. Nếu có thuế GTGT vào là 1800 + 36000= 37.800k
Vậy theo bài báo họ gian lận thuế bằng cách nào? Bài báo nên hiểu là muốn được gian lận thuế như trên thì bắt buộc bên A phải có hóa đơn đầu vào, tức là chạy hóa đơn từ các công ty ma mà thôi. Vậy họ đâu có gian lận thuế mà họ cố tình trốn thuế một cách có tính toán và bài bản.
Tôi là dân kế toán, tôi nghĩ bài viết này không đến nơi đến chốn. Đã không hiểu bản chất kế toán lại đi hùa theo nói theo kiểu mình hiểu mà người đọc không hiểu
Các độc giả nghỉ tôi nói đúng hay sai? Nếu sai thì cho tôi một cách lý giải đúng theo bài viết trên của tác giả
Chào bạn! Bạn là dân kế toán? Suy nghĩ của bạn hay là cách tính của bạn? Mình nghĩ có lẻ bạn nên xem lại cách tính của bạn và nên tìm hiểu kỹ hơn về thực tế cũng như chính sách của nhà nước hay nói đúng hơn là kẻ hở của luật pháp mà một số người lợi dụng để lách luật làm ăn gian lận.
+ Bên A (gian lận thuế) mua giá 37000 vnd/kg (chưa có thuế), nhưng mua của nông dân nên không tính thuế. A đem bán cho bên B giá 37000 vnd/kg + 1850 vnd (5% thuế)= 38850 vnd/kg. Thay vì kê khai nộp thuế 1850 vnd/kg cho nhà nước thì bên A lấy hóa đơn (đầu vào) của cty ma nên lấy trọn 1850 vnd/kg này (vì trong sổ sách kế toán A đã mua của cty ma giá đã tính thuế 38850 vnd/kg). Như vậy bên A lời 1850 vnd/kg.
* Ghi chú: Nến bên A nua giá 37000 vnd/kg thì các đại lý tốt (nộp thuế đầy đủ) cũng mua giá 37000vnd/kg cũng sẽ mua được hàng. Bên A muốn mua nhiều hàng thì tăng giá lên (vd: 1000 vnd/kg) để gom hàng (vẫn lời 850 vnd/kg). Khiến cho các đại lý tốt không mua được hàng (mua cao thì lỗ).
+Bên B: Nếu B là công ty sản xuất cà phê bột, cà phê rang (ước tính tiêu thụ 5% lượng cà của Việt Nam) thì sau khi mua giá tính thuế của bên A (38850 vnd/kg) thì không được hoàn thuế. Nếu B là công ty xuất khẩu cà phê xô (Việt Nam xuất 95% sản lượng cà phê) thì sau sau khi mua giá tính thuế của bên A (38850 vnd/kg) cty xuất khẩu được xin hoàn lại 5% thuế (1850 vnd/kg) do nông sản thô xuất khẩu đang được ưu đãi thuế 0%.
*Ghi chú: Nếu bên A nộp 5% thuế này và bên B xin hoàn 5% thì nhà nước sẽ thu được 0 vnd (tương đương thuế là 0%). Tuy nhiên bên A lại không nộp thế mà bên B lại xin hoàn thuế nên ngân sách bị thâm hụt 1850 vnd/kg cà.
+Về phần cty ma (bán hóa đơn cho bên A) thì sau khi thành lập 1 thời gian thì biến mất (do thủ tục thành lập dễ dàng và tự in hóa đơn). Cty ma có thể do cá nhân nào đó tự thành lập hoăc do bên A thuê người lập ra.
Chào bạn Thiên Hưởng
Theo tôi thì bài viết đã nêu ra khá rõ ràng về phương pháp và bản chất của sự trốn thuế của một số công ty cố tình làm ăn gian dối. Quả thật là đối với một số người không liên quan đến kế toán và ngoài ngành thì khó hiểu thật. Tôi có phần ngạc nhiên khi bạn đã không hiểu nếu bản thân có làm kế toán, tuy nhiên khi chúng ta chưa hiểu thì cứ trao đổi qua về để làm vấn đề sáng tỏ hơn cho mình và cho người khác, không nên bảo người khác là: “Đã không hiểu bản chất kế toán lại đi hùa theo nói theo kiểu mình hiểu mà người đọc không hiểu”.
Lời nói không mất tiền mua, BBT đề nghị các thành viên tranh luận nên giữ thái độ đúng mực, hòa nhã, tôn trọng lẫn nhau trong khi tranh luận, đó cũng là một phần của văn hóa của diễn đàn.
Kinh Vu
Cách gian lận đơn giản như thế mà bạn hiểu nhầm rồi, bạn là dân kế toán mà lại có suy nghĩ như vậy?
Giá cà thị trường là 36000/1kg. Người mua A (gian lận thuế) khi mua hàng họ không lấy hóa đơn VAT với giá 37000/1kg, sau đó về bán lại cho doanh nghiệp B với giá 36000/1kg và nhận hóa đơn VAT (5%) tức là thêm 1800/1kg. Về nguyên tắc tiền thuế đó phải nộp lại cho cơ quan thuế nhưng doanh nghiệp A này trốn thuế không nộp lại. Tóm lại, sau khi mua và bán 1kg cà phê kiểu này thì doanh nghiệp A sẽ đem lại lợi nhuận là : 36000 + 1800 – 37000 = 800 vnđ.
Chào bạn Huy! Xét về góc độ bạn phân tích thì mình thấy đó đâu phải là vấn đề cần quan tâm, đâu cần phải nóng chuyện “gian lận” thuế làm chi. Bên A mua cà phê với giá 37.000 rồi bán lại cho bên B với giá 36.000, họ lấy hóa đơn thì tổng số tiền Bên B chuyển cho bên A là 37.800k. Đến kỳ báo cáo thuế thì Bên A và Bên B đều phải báo cáo lên với cơ quan thuế. Co quan thuế kiểm tra chéo, thừa sức biết được bên A ém hóa đơn, mức phạt hơi nặng đó. Chuyện bên A không nộp số tiền thuế VAT là chuyện của Bên A. Đến 1 lúc nào đó thì Thuế sẽ hỏi thăm vì lý do trốn thuế giữa thanh thiên bạch nhật mà thôi.
Không hiểu tại sao Lâm đồng hôm nay giá không được cộng, trong khi nơi khác +200d. Chắc không phải vụ thuế VAT chứ? Quí vị nào rõ xin chỉ giáo
nếu doanh nghiệp mạnh dạn kiện cục thuế ra tòa án kinh tế , thì 99% họ sẽ thắng và được hoàn thuế thôi . Vì cái công văn 7527 thực chất ko thay đổi được luật thuế GTGT đã có từ trước . Công văn trái luật ( 7527 ) chỉ mang tính nội bộ trong tổng cục thuế mà thôi . Và khi họ kiện thắng , thì cục thuế phải bồi thường thêm thiệt hại do nguồn vốn của doanh nghiệp bị giam quá lâu .
Các doanh nghiệp đổ lỗi cho gian lận thuế để ém nhẹm cái yếu kém của họ mà thôi. Khi mua cà phê thì thuế họ đã tính trên giá mua cà phê mà người nông dân phải chịu rồi khi xuất họ lại được trừ lùi vậy thì thuế họ đâu có đóng mà vẫn được khấu trừ. Đó là trên lý thuyết là như vậy còn thực tế trong cạnh tranh các doanh nghiệp có những chiêu gian lận nhằm tăng lợi nhuận trong đó có gian lận thuế chẳng hạn.
Trước đây quản lý lỏng lẻo thì anh nào cũng vậy, gian lận rất nhiều nhà nước chẳng thu được bao nhiêu thuế cả. Nhưng nay luật pháp hoàn thiện hơn và quản lý chặt hơn thì các doanh nghiệp lớn khó mà trốn và làm chí phí cho doang nghiệp cao nên các anh không cạnh tranh nổi đặc biệt là những ông lớn.
Còn các doanh nghiệp nhỏ họ mua bán nguồn hàng ít nên họ có nhưng chiêu trò gian lận dễ hơn. Chứ nói thật thuế GTGT đã khấu trù đầu ra rồi chỉ cần quản lý ở bến cảng thì chăng nói anh nào ăn gian được. Anh nào có đày đủ thuế thì cho xuất còn anh nào gian lận thì tich thu xung công quỹ không có phạt làm gi cho nó mệt. Thà loại bỏ để lành mạnh còn hơn là bát nháo. Nếu muốn làm chắc thì nên cấp mã thuế tận nông dân họ bán họ đóng thuế và căn cứ vào số thuế nông dân đóng nhà nước có những chính sách hỗ trợ theo số thuế của họ và khuyến khích đuợc nông dân sản xuất
– Theo A.Nam đề nghị không thu thuế VAT cho cà phê là không đúng, mặc dù chỉ 5% tiêu thụ nội địa nhưng đó cũng là khoản thu ngân sách nhà nước. Anh đề nghị như vậy chắc chắn nhà nước sẽ không chấp nhận và hoàn toàn không khả thi.
– Cuộc họp ngày 24/09 tại Tphcm vừa rồi, các anh bàn luận cùng gửi đơn kiến nghị lên Bộ Công Thương hay Bộ Tài Chính….yêu cầu giải quyết sớm vấn đề hoàn thuế VAT, nhưng theo tôi được biết nhà nước cũng đang rất lúng túng trong việc xử lý mà chưa có một giải pháp nào tốt nhất để giải quyết vấn đề này, chứ không phải là không muốn giải quyết. Thì thử hỏi khi Quý vị cứ làm như vậy thì kết quả sẽ thế nào? Kết quả là: Tiếp tục chờ, hoặc nếu có cũng không như mong đợi.
– Tôi không biết tất cả dân trong ngành cà phê, hay công dân Việt Nam có kế sách nào hay giúp nhà nước giải quyết vấn đề này không? Riêng tôi, tôi đã dành 1 ngày để suy nghĩ về vấn đề này và đã tìm ra được một giải pháp rất hay để giải quyết triệt để vấn đề này và hơn thế nữa giải pháp này sẽ giúp chính phủ rất nhiều trong việc quản lý thuế và chống thất thu thuế. Nếu tất cả Quý vị muốn lắng nghe, tôi tình nguyện chia xẻ giải pháp này.
Ký tên
Một đồng nghiệp trong ngành cà phê.
Là gì vậy bác?
Bai báo trên muốn nói các doanh nghiệp dùng chiêu thức trên để trốn nộp thuế VAT và bỏ túi số tiền thuế trên , theo tôi nghĩ lổi này thuộc về các cơ quan quản lý thuế . Việc nói gian lận thuế chẳng qua là cách nói mỹ miều của các nhà lảnh đạo Viện Nam ấy mà , bạn thiên hướng đã rõ chưa
Muốn hoàn thuế GTGT thì hóa đơn đầu vào phải cao hơn hóa đơn đầu ra. Theo như bài báo trên thì đầu vào làm gì có hóa đơn, nên phần thuế GTGT đầu ra phải nộp toàn bộ cho cơ quan thuế. Về Nguyên tắc Bên A làm gì được khấu trừ phần thuế GTGT. Hiểu đơn giản là họ ém hóa đơn, nhưng đối với Bên B thì đó lại là đầu vào, hàng quý lại phải báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn nên phải báo cáo Thuế. Trường hợp bên A là công ty ma, họ trốn không nộp phần thuế GTGT thì có được mấy công ty ma được bà con bán cà phê cho.
Chuyên vỡ nợ cà phê hay gian lận trong kinh doanh cà phê đã xảy ra rất lâu rồi. Báo chí phản ánh cũng đã lâu lắm rồi còn gì mà nóng nữa. Muốn “nóng” thì hãy chứng minh bên A trốn thuế bằng cách nào đó tinh vi hơn thì mới được mọi người đón nhận một cách nồng nhiệt.
Thuế bây giờ cũng đã khá chặt chẽ rồi. Trên mình muốn đi lấy hàng của nông hộ thì phải có bảng kê danh sách mua hàng nông hộ. Lấy cà đại lý thì phải có hóa đơn nếu không muốn giữa đường bị Thuế chặn. Khi xuất cà phê liên tỉnh phải thông báo với cơ quan thuế theo số điện thoại nóng để họ ký nhận vào hóa đơn hoặc phiếu xuất kho kiêm vận chuyển. Cơ quan thuế chẳng lẽ không biết trong địa bàn mình những đại lý nào mua bán cà phê hay sao? Vậy bạn TUNG BACH đã biết tình hình chưa
Vậy bài báo trên phân tích có kỹ càng không?
Trốn thuế, gian lận thuế đang giết chết ngành cà phê Việt Nam
Mở cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài vào mua bán cũng là một giải pháp tốt cho cho cà phê. Nông dân chỉ quan tâm đến việc bán được giá có lãi trong sản xuất, còn các vấn đề khác thì không mấy quan tâm.
Mọi người hãy vào link này xem Công văn 7527 của Bộ tài chính:
http://thuvienphapluat.vn/archive/Cong-van-7527-BTC-TCT-nam-2013-cong-tac-thanh-tra-kiem-tra-thue-doanh-nghiep-vb195384.aspx
Thực tế từ 1/7/13 tới nay Cục thuế các tỉnh trồng cà phê XK đang làm theo CV này, Các DN xuất khẩu hiện đang phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp hoán đơn chứng từ của tất cả các khâu trung gian dưới mình. Chỉ cần 1 trung gian có vấn đề là DN xuất khẩu không duoc hoàn thế GTGT, nếu dc hoàn rồi thì bị thu hồi. Tôi thấy việc làm của các cục thuếhoàn toàn trái với luật thuế hiện hành, gây rất nhiều khó khăn cho các DN xuất khẩu cà phê cũng như toàn ngành cà phê của VN
Đề nghị Y5 tìm hiểu thêm về tình hình này và mở diễn đàn về vấn đề trên
Xin cảm ơn !
Bạn Nguyễn Hoàng nói đúng, theo mình cơ quan thuế tập trung điều tra vào các cty xuất khẩu (cty trực tiếp xin hoàn thuế) là đang đi lạc hướng. Đúng ra nên tập trung nhiều vào các đại lý + cty trung gian có phát sinh doanh thu cực lớn nhưng lại không phát sinh thuế (do mua hóa đơn của cty ma), các cty này chỉ cần làm 1 việc đơn giản là lấy tiền thuế của cty xuất khẩu và lấy đầu vào để không nộp thuế mà thôi. “CHẲNG LẼ MUA CẢ VÀI TRĂM TẤN CỦA 1 CTY NÀO ĐÓ (ma) MÀ LẠI KHÔNG BIẾT SỐ ĐIỆN THOẠI HAY TÊN CỦA ĐỐI TÁC”. Cơ quan thuế chỉ cần mất công xuống tận nơi hỏi, xem các cty gian lận có trả lời được không.
Đây là vấn đề rất phức tạp, trước mắt nên áp dụng ý khiến của anh Nam là ngưng VAT có thời hạn để nguồn hàng được thông suốt + thêm thời gian để điều tra. Để giải quyết triệt để cần 1 cơ chế nào đó mà tôi thật sự chưa hình dung ra được.
Theo mình, với 95% sản lượng cà phê xuất khẩu thì hành vi của các doanh nghiệp nói trên là chiếm đoạt ngân sách nhà nước. Đang có một lổ hổng to trong khâu quản lý nên lắm kẻ chui.
Việc cấp phép cho các đối tượng ngoại tỉnh tới Tây Nguyên thành lập quá dễ dàng và các doanh nghiệp này hoạt động công khai cả một thời gian dài trước khi ôm tiền thuế để ” Vi Tẩu”…? Việc này các cơ quan quản lý mà giả ngơ như không biết…Vậy nhất định phải có vấn đề tiếp tay của một ê kíp lớn.
@Đức Trọng : họ làm đúng luật , làm sao mà ngăn được ?
Theo tôi để không có vụ trốn thuế thì bỏ ngay cái hoàn thế đi. Có nghĩa chỉ đánh thuế 1 lần mà thôi, và chỉ đánh thuế cho đơn vị xuất khẩu. Như vậy vừa tránh trốn thuế vừa điều tiết được số lượng xuất khẩu chặt chẽ hơn. Đôi lời chia sẻ theo suy luận của mình.