Tồn kho cà phê: nhìn từ thực tế

Giá cà phê nội địa và sàn kỳ hạn mấy ngày này rủ nhau tăng. Nhiều người tin ấy là nhờ chương trình giữ lại hàng của Brazil. Song, chưa chắc đó là lý do chính.

Biểu đồ 1: Tồn kho thuần robusta thuộc Liffe NYSE [certs] (tác giả tổng hợp)
Biểu đồ 1: Tồn kho thuần robusta thuộc Liffe NYSE [certs] (tác giả tổng hợp)

Tồn kho khắp nơi tăng, chỉ trừ…

Tồn kho thuần robusta được sàn Liffe NYSE chứng nhận chất lượng(certs) giảm mạnh chỉ trong vòng một tháng nay, mất 31.980 tấn. Như vậy, đến nay, tồn kho certs chỉ còn 83.770 tấn, là mức thấp nhất tính từ ngày 24-9-2007 và giảm 43% so với 146.210 tấn một năm trước đây (xin xem biểu đồ 1). Điều đáng nói là hiện nay không có một lô hàng robusta nào nhập kho để xin cấp chứng nhận.

Ngược lại, cùng thời điểm ngày 5-8, tồn kho certs arabica thuôc sàn Ice New York đạt mức 2.752.769 bao, tức 165.166 tấn, và còn 30.657 bao hay 1.840 tấn đang chờ kiểm tra chất lượng, cao gấp đôi và hoàn toàn có khả năng cao vậy nay mai. Hiện tượng tồn kho certs arabica cao hơn robusta đã là chuyện lạ, tình trạng này kéo dài mấy tháng nay làm giới phân tích thị trường không khỏi đặt nhiều nghi vấn thú vị.

Biểu đồ 2: Tồn kho cà phê châu Âu ESC (tác giả tổng hợp)
Biểu đồ 2: Tồn kho cà phê châu Âu ESC (tác giả tổng hợp)

Trong khi tồn kho certs robusta London giảm, báo cáo hàng cà phê tại khu vực châu Âu thuộc Liên đoàn Cà phê Châu Âu quản lý (European Coffee Federation-ECF) tính đến hết tháng 5-2013 tăng 369.458 bao, đạt 11.169.400 bao, tăng 3,4% so với cách đấy 1 tháng nhưng tăng đến 15% so với cùng kỳ năm 2012 (xin xem biểu đồ 2).

Cũng cần biết rằng tồn kho do ECF báo cáo không gồm hàng đang nằm trong các kho trung chuyển, đang vận chuyển trên đường, và tại rải rác các kho của rang xay. Ước số lượng này có thể chừng 2,8 triệu bao. Như vậy, tổng lượng tồn kho tại châu Âu ngót nghét 14 triệu bao hay tương đương với 14 tuần hoạt động.
Báo cáo ra định kỳ của Hiệp hội Cà phê Nhật Bản ước tính đến hết tháng 6-2013, tồn kho cà phê tại  Nhật tăng 5,4% lên đến 165.646 tấn so với tháng 5-2013 là 157.190 tấn, nhưng cao hơn cùng kỳ năm ngoái là 28% (129.468 tấn), trong đó có chừng 16.562 tấn nhập từ Colombia, 31.278 tấn từ Trung Mỹ. Nhật là nước tiêu thụ cà phê lớn thứ 3 sau EU và Mỹ.

Tồn kho: những con số biết nói

Như vậy, chỉ trừ con số thuần robusta certs London, tồn kho các nơi khác đều tăng. Giá xuất khẩu robusta tại các nước sản xuất cao, như tại nước ta, đều có mức cộng trên giá niêm yết, từ 60-100 đô la/tấn cho loại 2,5% đen vỡ, đã ngăn lượng robusta từ các nước xuất khẩu như Việt Nam, Indonesia… đến các kho do Liffe NYSE chỉ định. Điều này cũng nói lên rằng do giá xuất khẩu cao, người mua đành chọn hàng tồn kho tại chỗ ở các nước tiêu thụ để thay thế.

Trước đây có chuyên gia ước rằng hàng bình quân hàng tháng rang xay cần chừng 125.000-135.000 tấn. Thế mà, theo cơ quan thống kê Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, ước nước ta xuất khẩu chừng 93.000 tấn. Lượng cà phê rút từ các kho Liffe chừng 32.000 tấn. Lấy 2 con số xuất khẩu và hàng rút từ kho trên để cộng lại, có một sự trùng hợp khá lý thú, chính xác 125.000 tấn!

Trong khi đó, tồn kho thuần arabica tăng khá tốt, tồn kho Nhật chủ yếu là arabica cũng tăng mạnh. Trong số tồn kho ECF, có đến 120.000 tấn là thuần arabica thuộc sàn kỳ hạn New York. Đúng là arabica đang tràn ngập thị trường.

Vào ngày 7-8, nữ tổng thống Brazil tuyên bố áp dụng kế hoạch giữ lại 6 triệu bao arabica thông qua 2 đợt: chính phủ mua, nông dân được nắm quyền chọn bán. Đợt một, 3 triệu bao giao hàng ngay với giá 307 real Brazil (BRL) tương đương với 2.230 đô la/tấn; đợt hai 3 triệu bao giao tháng 3-2014 với giá 346 BRL tức chừng 2.515 đô la/tấn.

Sau tuyên bố, giá arabica không tăng như mong đợi. Ngay ngày tuyên bố, chỉ tăng 3 cts/lb (chừng 60 đô la/tấn) khi đóng cửa.

Cho nên, không nên nói rằng nhờ chương trình quyền chọn của Brazil mà giá cà phê tăng. Đúng hơn, tại thời điểm này, giá tăng chính là nhờ tác động của tồn kho thuần robusta certs London giảm nhanh, biểu thị hàng xuất đi trong tháng Bảy thấp và…có khả năng các tháng sau, đang kỳ giáp hạt, lượng robusta đi cũng vẫn thấp, nếu như giá sàn kỳ hạn không cải thiện. Mối lo ngại thiếu hàng robusta đã kích giá tháng giao hàng cơ sở tháng 9-2013 nay cao hơn tháng 1-2014 là 32 đô la/khi đóng cửa trong thế nghịch đảo.

Giá kỳ hạn và nội địa bùng lên

Ảnh hưởng của báo cáo tồn kho thuần robusta thuộc Liffe đã giúp cho giá kỳ hạn tăng mạnh. Chỉ trong vòng 3 phiên cuối của tuần vừa qua, sàn kỳ hạn tăng 54 đô la/tấn và cả tuần tăng 82 đô la/tấn cơ sở tháng 11-2013 (xin xem biểu đồ 3).

Đóng cửa phiên thứ Sáu tức rạng sáng nay thứ Bảy 10-8, giá niêm yết sàn robusta London chốt mức 1.949 đô la/tấn. Sàn arabica cả tuần cũng tăng 4,55 cts/lb hay 100 đô la/tấn.

Nhờ thế, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên bùng mạnh trong dịp cuối tuần, lên mức 41.000 đồng/kg, tăng 1.500 đồng/kg so với cuối tuần trước.

Giá xuất khẩu loại 2,5% đen vỡ đang được chào quanh mức cộng 80-100 đô la/tấn cơ sở tháng 11-2013. Với mức này, bên cần hàng mua chắc chắn vẫn sẽ gặp khó khăn. Nên, lượng tồn kho thuần robusta certs London sắp tới có lẽ sẽ giảm tiếp và giá những tháng giao hàng gần như tháng Chín và Mười một còn căng thẳng cho người giao hàng nếu lỡ đã bán trước.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. phạm ngọc tuân

    Cho dù tồn kho thế giới giảm mạnh , giá cà phê nội địa tăng cao thì xuất khẩu cà phê của Việt Nam mấy tháng tới cũng chẳng còn là mấy nữa . Nếu còn thì chỉ chờ vụ tới mà thôi

  2. nongdancun

    “Trước đây có chuyên gia ước rằng hàng bình quân hàng tháng rang xay cần chừng 125.000-135.000 tấn”
    Thông tin nầy có lẽ là chưa chính xác. Niên vụ 12-13 Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,6 triệu tấn. Thế là đã dủ cho các nhà rang xay. Như vậy lượng hàng các nước Indo, Brazin … đã xuất thì đi về đâu?

Tin đã đăng