Phá chuyên án “cà phê đểu”

Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường – Bộ Công an vừa phá chuyên án “cà phê đểu” trên địa bàn TP.HCM, đóng cửa hàng loạt công ty chế biến cà phê từ đậu nành và hóa chất độc hại.

Hình ảnh một “xưởng gia công chế biến đậu nành thành cà phê”

Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường – Bộ Công an (C49) vừa phá chuyên án “cà phê đểu” trên địa bàn TP.HCM, đóng cửa hàng loạt công ty chế biến cà phê từ đậu nành và hóa chất độc hại.

Theo nguồn tin riêng của Thanh Niên, 5 công ty chuyên chế biến cà phê với những nhãn hiệu có tiếng, cung cấp số lượng lớn ra thị trường đã bị đình chỉ hoạt động. Cơ quan chức năng cũng lập biên bản niêm phong hàng trăm tấn đậu nành, thu giữ nhiều loại hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất không được dùng trong thực phẩm…

Xử lý tận gốc để cảnh báo người tiêu dùng

Từ tháng 7.2012, sau khi Báo Thanh Niên đăng loạt bài điều tra Hãi hùng cà phê đểu, lãnh đạo C49 đã chỉ đạo trinh sát vào cuộc truy tìm những công ty làm ăn bất lương này. Sau nhiều ngày đeo bám, trinh sát phát hiện một số thương hiệu cà phê có dấu hiệu bất thường nên quyết định làm rõ. Những thương hiệu cà phê này hầu hết đều có bao bì mẫu mã đẹp, bắt mắt người tiêu dùng, có số lượng tiêu thụ lớn ở TP.HCM và một số tỉnh phía nam, nhưng sau khi kiểm nghiệm thì đều có chứa chất độc hại nguy hiểm cho sức khỏe con người. Tất cả 5/5 mẫu sản phẩm cà phê được C49 gửi đi kiểm nghiệm đều có thành phần độc tố nguy hiểm. Giữa tháng 8.2012, lãnh đạo C49 quyết định phê duyệt chuyên án và chỉ đạo trinh sát đấu tranh trong thời gian sớm nhất, xử lý tận gốc để cảnh báo người tiêu dùng.

Đầu tháng 9.2012, lực lượng cán bộ C49 được tăng cường từ Hà Nội vào TP.HCM, bí mật trinh sát toàn bộ quy trình sản xuất cà phê từ lò rang cho đến nơi chuyên làm công việc xay và đóng gói của những công ty sản xuất cà phê “trong danh sách đen”. Trong khi đó, để đối phó với cơ quan chức năng, các công ty làm ăn bất lương này hầu hết đều có địa chỉ “sản xuất” và đóng gói riêng biệt. Theo quy trình, mỗi khi rang và chế biến ở lò rang xong, hàng sẽ được công nhân vận chuyển về nơi đóng gói thành phẩm bằng xe ô tô. Trước khi mang đi tiêu thụ, sản phẩm mới được đóng thành từng bịch loại 500 gr, 1 kg và trên tất cả bao bì đều ghi rõ thành phần: “100% cà phê nguyên chất như Robusta, Arabica, Moka…”, để qua mặt người tiêu dùng.

Một số thương hiệu cà phê chứa độc tố

Bắt quả tang đậu nành và hóa chất

Quyết định phá án, lực lượng của C49 phối hợp với Sở Y tế TP.HCM tiến hành kiểm tra Công ty CP Đại Hoàng Thủy, có chi nhánh ở xã Thới Tam Thôn, Hóc Môn (TP.HCM), chuyên kinh doanh, sản xuất cà phê bột, cà phê hòa tan và phát hiện những bất thường đầu tiên. Theo đó, tại kho thành phẩm của chi nhánh công ty này có 5 loại sản phẩm không có trong hồ sơ công bố, gồm: Paris Coffee loại bịch vàng 500 gr; Paris Coffee thượng hạng, bịch đen loại 500 gr và 2 loại cà phê bột Hoàng Thủy…

Riêng tại xưởng rang nguyên liệu ở xã Đông Thạnh (cách chi nhánh công ty 1,5 km), công ty không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, đoàn kiểm tra phát hiện tại xưởng rang nguyên liệu có nhiều loại hóa chất không rõ nguồn gốc (trong đó có cả chất tạo sánh cà phê) và 15 kg bắp, 180 kg đậu nành. Đoàn công tác quyết định đình chỉ xưởng rang nguyên liệu của công ty này cho đến khi đảm bảo vệ sinh, thủ tục hồ sơ pháp lý; đình chỉ sản xuất kinh doanh 5 loại cà phê bột không có trong hồ sơ công bố; đình chỉ sản xuất kinh doanh 2 nhãn sản phẩm cà phê bột, cà phê sữa 3 in 1 không đúng với nội dung đăng ký.

Kiểm tra xưởng sản xuất chế biến cà phê Đại Hoàng Phát ở xã Nhị Bình, H.Hóc Môn, đoàn kiểm tra biên bản 750 kg đậu nành và thu giữ mẫu cà phê bột của công ty này đi kiểm nghiệm.

Sáng 11.9, đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra Công ty TNHH SX TM DV cà phê Đức Mạnh (trụ sở chính ở P.Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú, TP.HCM) và xưởng sản xuất ở ấp 2, xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh. Tại đây, đoàn kiểm tra lập biên bản niêm phong 1,5 tấn đậu nành chưa rang; 14,5 tấn sản phẩm đã đóng bao và thu giữ nhiều hóa chất không rõ nguồn gốc để làm rõ, trong đó có loại đường Cyclamate không được dùng trong thực phẩm.

Cùng ngày, một tổ công tác khác kiểm tra xưởng rang cà phê của Công ty cà phê Gia Phát (trụ sở chính tại P.Tân Thới Nhất, Q.12) ở xã Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh. Tại đây, 24 tấn đậu nành chưa rang, 450 kg cà phê bị lập biên bản. Hàng chục loại hóa chất không rõ nguồn gốc cũng đã bị lập biên bản, đặc biệt có 127 kg đường Cyclamate bị thu giữ. Tổ công tác cũng quyết định đình chỉ hoạt động công ty này chờ kết quả kiểm định sản phẩm của cơ quan chức năng.

Sáng 13.9, đoàn công tác tiếp tục kiểm tra Công ty TNHH SX TM Trương Gia, có trụ ở P.Tân Quý, Q.Tân Phú, TP.HCM – chuyên chế biến sản xuất cà phê hiệu Di Linh và cũng lập biên bản hàng chục tấn đậu nành chưa rang. Riêng thành phẩm là cà phê bột hiệu Di Linh đoàn kiểm tra niêm phong khoảng 7 tấn để chờ kết quả kiểm định của cơ quan chức năng. Công ty này cũng bị đình chỉ hoạt động cho đến khi đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hiện C49 đang tiếp tục điều tra mở rộng chuyên án này.

Các loại hóa chất để chế biến đậu nành thành cà phê

Cà phê Xuân Hoành chứa chất cấm

Cơ quan CSĐT Công an Q.12 cho biết, ngay sau khi kiểm tra cơ sở chế biến cà phê Xuân Hoành, một số mẫu cà phê bột được niêm phong gửi đến Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 để kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy sản phẩm mẫu cà phê Xuân Hoành có chứa hóa chất hiệu Sodium Cyclamate, là loại hóa chất không được phép sử dụng trong thực phẩm. Hiện Cơ quan CSĐT Công an Q.12 đang hoàn tất thủ tục để xử lý theo quy định của pháp luật.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Vinh Hoang

    Các công ty, cơ sở rang xay cà phê này đã cố tình giết chết người uống cà phê và người dân trồng cà phê. Đề nghị đình chỉ sản xuất và khởi tố vụ án để làm gương cho các cơ sở rang xay cà phê khác.

  2. cafe_991

    Ngoài việc xử thật nghiêm các công ty ngày cũng nên công khai danh sách các công ty và sản phẩm kém chất lượng trên các phương tiện thông tin để người tiêu dùng biết.

  3. ARABICA-Sơnla

    Việt nam là nước xuất khẩu cà phê -1-2 thế giới mà phải uống cà phê hóa chất hương liệu thì buồn quá. Nên xử phạt các cơ sở chế biến cà phê ko đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân khỏi bị bệnh vào người.

  4. người tiêu dùng

    Những cơ sở, công ty bất lương, chuyên làm ăn bất chính, không quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng, đối với họ lợi nhuận bao nhiêu cũng không thỏa mãn được lòng tham vô đáy của họ. Đối với những cơ sở, công ty nầy cần có những hình phạt hành chính thật nặng để làm gương, đồng thời đóng cửa vĩnh viễn cơ sở, công ty. Truy tố trách nhiệm hình sự những cá nhân liên quan.
    Có những việc làm mạnh mẽ, quyết liệt như thế thì may ra người tiêu dùng mới bớt đi phần nào hàng ngày phải dùng những sản phẩm độc hại, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tính mạng của mình.

  5. greencafe

    Theo tôi đề nghị nên làm thật mạnh tay hơn và rộng rãi đối với những cơ sở làm cà phê đểu này:
    – Ngoài việt phạt nặng bằng tiền, đóng cửa vĩnh viễn chủ doanh nghiệp, thì có thể có khung hình phạt truy cứu hình sự vì làm ảnh hưởng chầm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Và làm hoen ố nghành cà phê việt nam..
    – Nhưng còn một điểm nữa mà tôi băn khoăn là làm sao để triệt để tệ nạn này, Vì khi ta phạt chủ doanh nghiệp và cấm không hoạt động vĩnh viễn nữa thì họ sẽ để người thân của họ mở ra một doanh nghiệp mới và lại hoạt động bình thường như trước kia, vì họ đã có sẵn các cách thức chế biến cà phê đểu và các hệ thống phân phối tiêu thụ của họ rồi..Chúng ta phải có cách nào mạnh tay hơn xử lý ngiêm hơn thì họ mới không giám làm nữa và làm gương cho những doanh nghiệp khác…Vì trên thị trường đầy rẫy những doanh nghiệp như vậy mà vẫn chưa bị vạch trần.
    – Cơ quan chức năng ban ngành chỉ cần đi tham khảo, lấy mẫu tất cả các thương hiệu cà phê đang bán rộng khắp trên thị trường tại các quán cà phê cóc, các tiệm tạp hóa ở thành phố và ở các vùng thôn quê, đem về kiểm tra mẫu những nhãn hiệu nào có hóa chất độc hại thì quảng bá rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng không dùng nữa, sau đó sẽ làm chuyên án phá sạch những doanh nghiệp như thế thì dần dần những doanh nghiệp này sẽ không thể hoạt động được nữa.

Tin đã đăng