Cà phê Phủ Quỳ: 100 năm qua những thăng trầm

Người Pháp đến khai phá vùng đất đỏ bazan Phủ Quỳ của tỉnh Nghệ An để trồng cà phê từ năm 1913, đến nay vừa tròn 100 năm.

Từ các đồn điền của người Pháp, sau Cách mạng tháng Tám (1945) là doanh điền quốc gia Phủ Quỳ. Tiếp đến là những năm khôi phục và phát triển kinh tế ở miền Bắc sau hòa bình lập lại, hàng loạt nông trường quốc doanh được thành lập, SX chủ yếu là cây cà phê. Bao thế hệ công nhân đã gắn bó với cây cà phê và cà phê như là một cây bản địa.

ca phe phu quy
Cà phê trồng xen cao su ở Phủ Quỳ

Cà phê Phủ Quỳ qua những thăng trầm

Trong ký ức của nhiều người, nói đến Phủ Quỳ là nói đến cà phê, “Nam Đắk Lắk, Bắc Phủ Quỳ” mang ý nghĩa là vùng đất đỏ bazan và cây cà phê. Với hơn 13.400 ha đất bazan, vùng đắc địa của Nghệ An gần như phủ kín một màu xanh cà phê, hết quỹ đất bazan cà phê chiếm lĩnh cả những loại đất khác như phiến thạch, đất đá vôi, phù sa cổ…

Với cây cà phê chè, độ cao so mặt biển có ảnh hưởng đến chất lượng, vì thế các nhà khoa học thường khuyến cáo nên phát triển ở độ cao trên 600 m, thậm chí 1.000 m. Tuy thế Phủ Quỳ trên vùng chuyên canh cà phê chè độ cao chỉ trong khoảng 50 – 80 m, cây vẫn sinh trưởng tốt, hương vị thơm ngon được thị trường ưa chuộng.

Trong lịch sử trồng và tiêu thụ, cà phê Phủ Quỳ đã từng được xuất về Pháp dưới dạng nguyên liệu dùng để đấu trộn với các loại cà phê khác qua chế biến rồi xuất đi các nước khác. Thế kỷ trước, các chuyên gia Liên Xô (cũ), Cuba đến làm việc tại Phủ Quỳ rất ca ngợi hương vị cà phê trồng tại đây.

Khi đất nước mở cửa, nhiều đoàn nước ngoài và Việt kiều về nước đã đến Phủ Quỳ tìm hiểu cà phê. Năm 1990, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Ai Cập đã đến tham quan.

1 Việt kiều ở Pháp, hậu duệ của một chủ đồn điền ở Phủ Quỳ sau này thuộc đất của nông trường Tây Hiếu có cả một hãng kinh doanh cà phê tại Paris. Năm 1993, 1 Việt kiều gốc Nghệ đại diện cho hãng SiAT của Bỉ về Phủ Quỳ tìm cơ hội đầu tư vào cà phê…

Thị xã trẻ Thái Hòa nằm giữa cái nôi cà phê Phủ Quỳ, mỗi ngày lại có thêm những biển hiệu, những tụ điểm cà phê mới ồn ào của lớp trẻ. Họ uống cà phê sáng, tối rất sành điệu đã tạo nên một nét văn hóa ẩm thực ngay giữa miền cà phê nhưng rất có thể là họ không biết đến thứ cà phê được trồng tại nơi đang sống.

Còn lớp người lớn tuổi, những công nhân về hưu thì lại muốn tự mình thu hái, chọn hạt, rang xay và pha lấy để được tận hưởng cái hương vị nguyên sơ được chắt lọc từ đặc điểm sinh thái riêng của cây cà phê Phủ Quỳ.

Nếu từ 1955 – 1975 hiện tượng sương muối thường xuất hiện với tần suất cao, cứ 3 – 5 năm lại xảy ra một đợt gây hại lớn cho cả cà phê chè và cà phê vối thì nhiều thập kỷ nay tuy có rét đậm, rét hại nhưng hiện tượng sương muối hầu như không xảy ra.

Ngoài ra biên độ nhiệt độ ngày đêm lớn cũng là một yếu tố cần thiết cho khả năng tích lũy của cà phê, tạo nên chất lượng. Nếu Tây Nguyên có chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột thì nơi đây cũng rất có thể xứng đáng được mang chỉ dẫn địa lý cà phê Phủ Quỳ, chắc không ai bảo là không thể.

Về lại vùng trọng điểm cà phê Tây Hiếu 1, ai cũng có thể nhận thấy là hầu hết các vườn cà phê vẫn xanh tốt, năng suất đạt 20 – 25 tấn quả/ha cho dù giữa mùa khô hạn đất bazan bỏng rát. Năm 2013 này, trên 5 tháng đầu không có mưa, điều kiện tưới gặp nhiều khó khăn nhưng người trồng cà phê vẫn lạc quan và tin rằng được mùa.

Yếu tố nào đã tạo cho cây cà phê ở đây bền vững? Điều dễ thấy là cà phê đi liền với cao su. Cao su là cây trồng chính, cũng là cây che bóng cho cà phê, một phương thức trồng xen không phải mới, vừa có ý nghĩa cả về kinh tế, kỹ thuật vừa mang tính khoa học. Cà phê trong vườn cao su có thể cho thu hoạch đến 10 vụ quả với tỷ lệ diện tích trên 2/3 so với cao su.

Từ lâu cà phê đã được xác định là một cây mũi nhọn của Nghệ An chính là từ thực tiễn và cả những căn cứ khoa học, đã có lúc tỉnh dự kiến đưa diện tích lên 9.400 ha để có sản lượng 9.300 tấn nhân, phấn đấu đến 2010 phải có 10.000 ha để có sản lượng 15.000 tấn…

Trong khoảng một thập kỷ nay, diện tích cà phê ở Phủ Quỳ giảm nhanh. Nhiều nông trường và cả nông dân đã không trồng cà phê nữa. Diện tích cà phê còn lại khoảng 500 ha, tập trung chủ yếu ở Cty TNHHMTV Cà phê, cao su Nghệ An với 5 nông trường; trong đó có 2 nông trường vốn có chiều dài lịch sử, là Tây Hiếu 1 và Đông Hiếu.

Tuy đã có một số năm XK cà phê sang Đức, Mỹ nhưng số lượng cà phê nhân cũng rất khiêm tốn, chỉ 500 tấn, trong khi cà phê Việt Nam đã XK đến gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng số 1 thế giới.

Sự đổi ngôi mạnh mẽ

Hầu như khắp các vùng đất bazan bây giờ đã thay đổi, nếu trước đây đứng trên đồi cao của đội Nghĩa Hưng thuộc Nông trường Tây Hiếu 1 nhìn về phía Đông Nam chỉ toàn một màu xanh ngút ngàn của cà phê thì nay tầm nhìn bị che khuất và ngăn cách bởi nhiều mảng màu khác nhau của mía, cao su, cây rừng và sắn.

Trong tình hình hiện nay, cây cà phê trên đất bazan Phủ Quỳ khó cạnh tranh nổi với các loại cây trồng khác, tuy nó vẫn tồn tại ở ngay cái xứ sở đã thành quê hương.

Nếu nói về hiệu quả thì một ha cà phê ở Tây Hiếu 1 vẫn có thể cho thu nhập 50 – 60 triệu đồng dù giá xuống thấp nhưng phải thâm canh cao, nhất là phân bón hữu cơ, sử dụng cây che bóng, có đai rừng phòng hộ và có tưới.

Cũng phải nhìn nhận một thực tế là ở ngay cùng một điều kiện đất bazan trong một đội SX vẫn có diện tích cà phê cằn cỗi, chổi xể, lượng cà phê thu được không bủ nổi chi phí, vì thế người ta không còn mặn mà.

Một chị công nhân sản xuất cà phê ở Tây Hiếu 1 tính, năng suất 2 vụ liền thu được 13 tấn quả/ha/vụ giá 4.000 đ/kg, lẽ ra sẽ thu về hơn 50 triệu đ/ha nhưng tiền thuê hái cứ mỗi công 100.000 đ, mức hái bình quân 50 kg/công, số tiền phải trả đã chiếm khoảng một nửa tiền bán cà phê, chưa kể tiền mua phân bón, công chăm sóc… kể cho hết thì còn gì gọi là thu nhập.

Một công nhân khác lại có cách so sánh riêng, với 2 ha đất nhận khoán, cao su là cây trồng chính đã vào tuổi thứ 4, trong đó trồng xen mía tính đông đặc là 6 sào cho thu nhập năm đầu tiên trên 400 triệu đồng, năm sau còn cao hơn, 3 sào cà phê xen tính đông đặc nhưng thu nhập coi như không tính đến, “không đủ tiêu vặt, không bằng 4 sào sắn trồng xen”.

Ông Cát, một công nhân ở Nghĩa Phú có 1 ha cà phê đất bazan chỉ thu được 5 tấn quả bán được 20 triệu đồng, ông quyết định phá cà phê trồng mía, vụ đầu thu 70 tấn, giá không cao như trước nhưng vẫn được trên 60 triệu đồng.

Nhiều năm nay cây mía đánh đuổi cây cà phê chính là ở bài toán thu nhập, cho đến nay diện tích mía vùng nguyên liệu chỉ riêng của nhà máy đường NA Tate & Lyle đã là 18.000 ha.

Cây cao su được phát triển với tốc độ rất nhanh không chỉ trong các nông trường, các Cty nông nghiệp mà đang được mở ra ở các Cty lâm nghiệp và cao su hộ nông dân. Nếu ở thời điểm “Cao su 327” có khoảng 1.500 ha cho cả Phủ Quỳ thì bây giờ, riêng Cty TNHH MTV Cà phê, cao su Nghệ An cũng đã có 2.489 ha trong khi diện tích cà phê chỉ còn khoảng 1/5 so với cao su.

Nông trường Tây Hiếu 1, nơi bắt đầu những cây cà phê đầu tiên khi mở đồn điền, tuy vẫn là vùng trọng điểm cà phê thì diện tích cũng chỉ còn hơn 200 ha trong khi cao su có trên 1.000 ha, chưa thống kê đầy đủ nhưng diện tích cao su của Phủ Quỳ đã có khoảng 4.000 ha.

Quỹ đất không tăng, khi những cây trồng khác có xu thế hơn phát triển mạnh thì diện tích cà phê nhỏ dần lại là một thực tế và rất có lý.

Mặt khác do yêu cầu của sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế, từ một nền nông nghiệp thuần sản xuất nguyên liệu đang chuyển dần sang nền nông nghiệp công nghệ cao, gắn với chế biến, tăng sức cạnh tranh trên thị trường hội nhập, Cty sữa TH là một là một thí dụ, hiện đàn bò sữa mới chỉ khoảng 27.000 con, được biết trong tương lai khi định hình là 137.000 con thì diện tích phải dành cho đồng cỏ sẽ là rất lớn.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng