Angel Molina, một nông dân trồng cà phê ở Honduras, có 15 ha cà phê trên những ngọn đồi vùng Sierra de Montecillos, đang chiến đấu để dành lại nguồn sống của mình. Những cây cà phê của ông đang bị một loại nấm độc hại, được gọi là bệnh Roya hay bệnh gỉ sắt lá cà phê, tàn phá.
Ông Molina đã đối phó với bệnh nấm Roya bằng các biện pháp hiệu quả nhất: Nhổ bỏ những cây cà phê bị lây bệnh và trồng những cây mới nên sẽ không sinh lợi trong ít nhất 3 năm. Ông ta không phải là người duy nhất. Theo Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, khu vực Trung Mỹ đang phải chịu tác hại của “dịch bệnh khắc nghiệt nhất” trong 30 năm qua.
“Đó là một thảm họa trong khu vực”, ông Roberio Silva, người đứng đầu Tổ chức Cà phê Quốc Tế (ICO) cho biết. “ Không chỉ là một căn bệnh cà phê, nấm Roya còn là một căn bệnh kinh tế”.
Bệnh nấm đã lây lan trên một nửa diện tích trồng cà phê trong khu vực, làm thiệt hại khoảng 20% sản lượng niên vụ 2012/13. Mặc dù cà phê không còn là loại hàng hóa theo dạng “được ăn cả, ngã về không” như những năm 1970 và 1980 tại khu vực Trung Mỹ, nhưng mức thiệt hại về cây trồng, trị giá 600 triệu USD theo IDB, là khá lớn tại Nicaragua, Honduras, Guatemala, El Salvador và Costa Rica.
Tệ hơn nữa, các thương nhân tin rằng lượng cà phê Arabica chất lượng cao tại khu vực Trung Mỹ sẽ giảm đi một phần lớn trong vụ mùa 2013 -14, khi tác động của căn bệnh này trở nên rõ ràng hơn. Lindsey Bolger, phó chủ tịch tập đoàn cà phê Green Mountain tại Mỹ cho biết, vụ thu hoạch 2013/14 sẽ là “đặc biệt nghiêm trọng”
Những hậu quả kinh tế khi vụ mùa thiệt hại lớn như vậy có thể tàn phá nền kinh tế nông thôn của Trung Mỹ, cũng như sự phát triển tổng thể của khu vực này bị chậm lại. Nông dân trồng cà phê đang phải giải quyết một lúc 2 vấn đề đó là thiệt hại do căn bệnh Roya và giá cà phê giảm mạnh, mức giá thấp đã kéo dài trong nhiều năm.
Khu vực Trung Mỹ được biết đển với loại cà phê Arabica chất lượng cao, được sử dụng trong cà phê Espresso và cà phê Cappuccinos tại các nhà bán lẻ như Starbucks. Các quốc gia trong khu vực này chiếm gần 1/5 sản lượng cà phê Arabica toàn cầu, ước tính khoảng 18 triệu bao loại 60kg. Trong quá khứ, chiếm một phần lớn sản lượng toàn cầu là do bệnh nấm chỉ tác động nhỏ, bởi vì mức giá sẽ tăng khi sản lượng giảm, giữ cho doanh thu không thay đổi.
Nhưng lần này, Brazil lại tiếp tục có một vụ mùa kỷ lục cho vụ thu hoạch thứ hai liên tiếp, giúp cho thị trường dư cung mặc dù đang có thiệt hại tại Trung Mỹ. Giá cà phê Arabica trong tháng qua đã giảm xuống mức thấp nhất của 4 năm ở 117 cent/lb, giảm hơn 60% từ mức cao 30 năm ở 308 cent thiết lập hồi tháng 5/2011.
“Đó là một điều khủng khiếp đối với người trồng cà phê tại Honduras và El Salvador”, người đứng đầu của một trong năm nhà kinh doanh cà phê hàng đầu trên thế giới phát biểu.
Các quan chức chính phủ và các nhà kinh tế đang đặc biệt lo lắng về tình trạng mất việc làm trong khu vực nông thôn. Ngành công nghiệp cà phê là một trong những ngành sử dụng lao động nhiều nhất trong khu vực, với hơn 2 triệu người. Trong vụ mùa 2012/13, khoảng 400.000 người bị mất việc do bệnh gỉ sắt lá cà phê, gia tăng áp lực nhập cư vào Mỹ do mọi người rời khỏi đất nước của họ để đi tìm việc làm, các quan chức cho biết. tình trạng mất việc làm sẽ gia tăng trong vụ mùa 2013/14.
Edgar Carrillo, giám đốc dự án tại hợp tác xã Caruchil mà qua đó ông Molina bán cà phê của mình, cho biết người trồng cà phê sẽ tìm kiếm việc làm ở các thành phố, nơi mà tỷ lệ thất nghiệp đã cao. “Tỷ lệ trong việc di cư ngày càng cao hơn- cả trong nước và quốc tế. Mọi người đang đi đến Mỹ”
Sự lây lan của bệnh Roya ở Trung Mỹ có liên quan đến biến đổi khí hậu, theo nhiều chuyên gia. Lượng mưa và nhiệt độ tại khu vực này trong những năm gần đây cao hơn so với mức trung bình. Độ ẩm và thời tiết nóng, cùng với các cây cà phê già cỗi và thiếu chăm sóc, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các loại nấm. Tuy nhiên, so với các vụ dịch vừa qua, căn bệnh này đang đạt đến mức độ ngày càng nguy hiểm tại các khu vực chưa bao giờ xảy ra dịch bệnh này.
Theo kinh nghiệm tại Colombia, quốc gia sản xuất cà phê Arabica lớn nhất thế giới, cho thấy cuộc chiến chống lại căn bệnh này sẽ không ít phí tổn hoặc mau chóng được. 5 năm trước, bệnh nấm Roya đã tấn công Bogotá khiến cho sản lượng giảm xuống mức chưa từng thấy, kể từ những năm 1970 khi bệnh nấm bắt đầu xuất hiện và nông dân phải nhổ bỏ cây cà phê. Sản lượng cà phê Colombia đã bắt đầu gia tăng trở lại chỉ sau khi hiệp hội cà phê quốc gia, với sự hỗ trợ từ chính phủ, đã chi 1,4 tỷ USD để cung cấp giống mới kháng nấm, phân bón và kỹ thuật canh tác.
Chính phủ ở các nước khu vực Trung Mỹ dường như không có khả năng để tài trợ cho một nỗ lực tương tự và các nông hộ nhỏ trong khu vực thiếu tiếp cận tài chính để vượt qua khoảng thời gian khi họ nhổ bỏ những cây bị bệnh và trồng mới thay thế.
Maximo Tolero, kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tê có trụ sở tại Washington, đang lo lắng về những năm bỏ hoang cho đến khi sản lượng hồi phục. “Khoảng trống trong 3 năm có thể rất nghiêm trọng,” ông nói.
Tại hợp tác xã Caruchil, ông Molina và các đồng nghiệp đã nhận thức được rằng vấn đề đã vượt ra ngoài những mảnh ruộng nhỏ bé trồng cà phê của họ. Vấn đề đối với cà phê là vấn đề của cả nước.