Indonesia: Lượng cà phê đến cảng tăng nhanh do thời tiết khô ráo

Cà phê được vận chuyển từ các trang trại tới cảng xuất khẩu lớn của Indonesia, quốc gia sản xuất Robusta lớn thứ 3 thế giới, đã tăng nhanh trong tuần này do điều kiện thời tiết khô ráo hơn.

Khối lượng cà phê vận chuyển đến cảng Lampung, cảng xuất khẩu cà phê chính của Indonesia, trong tuần đã tăng lên tới 16.000 tấn, “cao hơn nhiều so với tuần trước,” dựa theo Volcafe, đơn vị thành viên của Tập đoàn hàng hóa thương nhân ED & F Man Holdings Ltd, có trụ sở tại Winterthur, Thụy Sĩ cho biết trong một báo cáo hàng tuần gửi ngày hôm qua, thứ Sáu 28/6. Trong tuần trước, khối lượng cà phê được chuyển đến cảng chỉ vào khoảng 1.400 tấn/ngày.

Các vùng trồng cà phê ở Indonesia có mưa ít hơn trong tuần này, Trung tâm dự báo thời tiết MDA Weather Service có trụ sở tại Gaithersburg, Maryland, cho biết ngày hôm qua. Lượng mưa đã giảm trên hầu hết các khu vực trồng cà phê, riêng ở Sumatra, khu vực trồng cà phê Robusta chính của quốc gia này, chỉ còn từ 0,25 inch – 1,5 inch.

“Thời tiết bắt đầu khô ráo kể từ cuối tuần trước,” Volcafe nói trong báo cáo. Ngành công nghiệp cà phê ở đây và các doanh nghiệp xuất khẩu đang “tận dụng điều kiện thời tiết thuận lợi để mua vào.”

Giá nội địa Indonesia đang ở mức 17.000 – 18.200 rupiah (1,70 USD/kg). Với cà phê chất lượng tốt hơn được giao dịch ở mức phổ biến 17.800 rupiah, các thương nhân cho biết. Mức giá cộng cho lô hàng giao tháng 7 và tháng 8 là 230 USD/tấn theo giá kỳ hạn trên sàn NYSE Liffe, không thay đổi so với tuần trước.

Các nông dân đang cố tăng doanh số bán ra từ bây giờ cho đến ngày lễ Eid của người Hồi giáo, đánh dấu kết thúc tháng ăn chay Ramadan vào tháng 8.

Khối lượng cà phê được vận chuyển từ các trang trại tới cảng biển thường tăng trước khi bắt đầu tháng Ramadan và nông dân cũng tăng cường việc bán hàng trước ngày lễ Eid để “trang trải chi phí trong mùa lễ và đóng tiền học phí cho con cái của họ,” các thương nhân nói.

Ở Việt Nam, quốc gia trồng cà phê Robusta lớn nhất thế giới, mức giá cộng trên các lô hàng giao tháng 7 và tháng 8 là 140 USD/tấn, theo dữ liệu của Volcafe. Mức giá cộng tuần này đã giảm xuống so với mức 160USD/tấn hồi tuần trước.

Giá cà phê Robusta London, kỳ hạn giao tháng 9 đã tăng 0,8 %, lên đóng cửa ở mức 1.759 USD/tấn, tại phiên giao dịch ngày thứ Sáu cuối tuần.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. thuat

    Ông cha từ xưa đến nay đều có một mong muốn là xây dựng sự giao thương để làm giàu cho dân, cho đất nước khi đất nước chúng ta còn nghèo làn lạc hậu còn bây giờ người nước ngoài tự họ tìm đến làm giàu cho dân, cho đất nước chúng ta thì bị từ chối không cho họ vào vì sợ một ngày nào đó họ trở mặt ép giá nông dân. Thay vì vậy chúng ta xây một hệ thống pháp lí rõ ràng, lành mạnh để họ tham gia để hai bên cùng hưởng lợi.
    Tôi thấy DN FDI không được trực tiếp mua cà phê từ dân thì dân sẽ không có lợi vì thị trường mất đi một đối thủ cạnh tranh và cũng mất đi nhiều đối tác xuất khẩu. Thiết nghĩ thị trường độc quyền có nhiều tiêu cực. Chúng ta cũng thừa nhận DN trong nước tiềm lực về kinh tế không dồi dào thì làm sao đủ sức chống đỡ với những biến cố lớn trên thị trường tiền tệ đang căng thẳng lúc này. Vậy thì dân trồng cà phê làm sao yên chí cho cuộc sống ổn định, bình yên sau này. Mong các nhà chức năng có giải pháp thực sự hữu ích cho dân thở phào nhẹ nhõm.

    1. tuananhbmt

      DN nước ngoài mà mua trực tiếp từ nông dân thì chúng ta sẽ mất nguồn thu thuế gtgt. Và khi các DN trong nước chết hết rồi thì những DN này họ chắc chắn sẽ thao túng thị trường của chúng ta vì người làm kinh doanh ai chẳng muốn lợi nhuận của mình là cao nhất.

Tin đã đăng