“Văn hóa cà phê” Pháp rồi sẽ thành di sản?

Ngồi thư thái trong một quán cà phê ở Pháp là một trong những thú thưởng thức và nghỉ ngơi tao nhã của mỗi người khách du lịch khi tới đất nước của tháp Eiffel. Nhưng do nhịp sống đang ngày càng hối hả nên ở Pháp, chỗ để mọi người ngồi nhâm nhi những “giọt đắng” ngày càng thưa vắng. Phải chăng văn hóa cà phê ở nước này đang có nguy cơ bị phai nhạt dần?

Thời gian khó

Trong thập niên 60 của thế kỷ 20, ở Pháp có khoảng 200.000 quán cà phê. Nhưng 50 năm sau, đất nước này chỉ còn khoảng 40.000 quán và theo thống kê của ngành công nghiệp cà phê nước này thì cứ mỗi ngày ở xứ sở của những chú gà trống Gauolois lại có hai quán cà phê đóng cửa.

Trong ngày tràn ngập ánh nắng ở thủ đô Paris, mọi thứ vẫn bình thường như chúng vốn vậy. Trong quán cà phê Le Grand Palais ở quận Tám hết sức hào nhoáng, các sân hiên vẫn đông du khách ngồi nhấm nháp các loại đồ uống, dùng bữa trưa văn phòng. Mọi người ngồi trầm lặng, đọc sách trong thời tiết ấm áp.

Tuy nhiên, khung cảnh ở Belleville cách đó không xa lại rất lèo tèo. Tại quán Le Belair vào thời điểm trước bữa trưa, chỉ có hai khách ngồi. Đây là kiểu quán cà phê được bài trí đơn giản rất phổ biến ở những vùng có đông tầng lớp lao động.

Ông chủ của quán Le Belair, Zahir Idris, cho biết giờ anh luôn phải vật lộn để tồn tại. Mới đây, Chính phủ Pháp đã giảm thuế bán hàng cho tất cả những sản phẩm không liên quan đến chất cồn trong các quán cà phê. Nhưng theo Idris thì điều đó cũng không giúp cho tình hình khá khẩm lên mấy và công việc kinh doanh của anh vẫn không khả quan.

Giống như Idris, nhiều quán cà phê ở Pháp cũng đang lâm vào tình trạng khó khăn như vậy. Các quán cà phê và bar truyền thống đang phải cố gắng xoay xở để tồn tại và nhiều cơ sở đã phải đóng cửa. Các quán đã đóng rồi thì ít có khả năng mở lại, đặc biệt là ở các thành phố nhỏ.

Các chủ quán phải linh hoạt với thời cuộc

Bernard Quartier, Chủ tịch Liên đoàn Cà phê, Quán bia ngoài trời và Sàn nhảy Quốc gia, không tin rằng xu hướng hiện hữu là kết quả của lệnh cấm uống rượu và hút thuốc mới thực thi, mà theo ông các chủ quán cà phê không bắt nhịp được với thời cuộc.

Bên cạnh đó, ông Quartier cho rằng dịch vụ trong các quán cà phê phải được cải thiện. Khách hàng muốn được chào đón bằng những nụ cười tươi tắn. Trong khi đó, các chủ quán muốn thu hút khách nhưng lại vẫn giữ nguyên những nét cũ nhàm chán và chỉ chú tâm tới việc phục vụ rượu thì đương nhiên là gặp nhiều rắc rối trong kinh doanh.

Bản thân ông Quartier có tới tám quán cà phê và hiện giờ ông đang lao vào một cuộc đầu tư mạo hiểm mới khi đầu tư vào một quán cà phê mang phong cách Italy ở quận Bảy của Paris.

Người chủ muốn bán tống cái quán đi vì không thể kinh doanh nổi. Nhưng Quartier đang có kế hoạch giảm giá và phục vụ đồ ăn uống độc đáo của thung lũng Loire, quê ông. Ông còn muốn tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật và hoạt động văn học để hút khách. Mục tiêu kinh doanh của ông không chỉ chú trọng tới cà phê.

Lỗi tại… internet

Việc đa dạng hóa một quán cà phê có thể là biện pháp hữu hiệu để thu hút khách. Tuy nhiên văn hóa cà phê vẫn bị đe dọa từ nhiều hướng. Các chủ quán cà phê không thể cạnh tranh với internet. Các mạng xã hội như Facebook, Twitter hay Linked có thể giúp con người ta hòa nhập với xã hội một cách thoải mái ngay tại nhà, chứ không nhất thiết phải ra ngoài hoặc tới các quán cà phê.

Christine Pujol, người điều hành của UMIH- một tổ chức đại diện cho các quán cà phê và nhà hàng của Pháp, nói rằng sự biến mất của văn hóa cà phê đang gây lo lắng ở góc nhìn rộng hơn.

Nhà văn Pháp, Honore de Balzac từng nói rằng các quán cà phê là thị trường của công chúng. Ở một phạm vi nhất định thì câu nói đó thật chính xác. Các đảng phái chính trị đôi khi tổ chức cuộc họp công cộng trong các quán cà phê và đây cũng là nơi để hội tụ của những người xa nhà. Nhưng nếu chiều hướng hiện nay vẫn tiếp diễn thì văn hóa cà phê của Pháp sẽ chỉ còn là một di sản.

Theo TTXVN

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng