Cấm công ty FDI mua cà phê từ nông dân: Nên cân nhắc!

Chỉ còn 1 tháng nữa là thông tư 08/2013/TT-BTC do Bộ Công Thương ban hành có hiệu lực. Theo đó, “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp phép quyền xuất khẩu chỉ được trực tiếp mua hàng hóa của thương nhân Việt Nam…; không được tổ chức mạng lưới mua gom hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu…”.

Như vậy, từ 7-6-2013, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thuộc lãnh vực thu mua, chế biến và xuất khẩu cà phê đành phải co cụm tại nhà máy, hớt bỏ nhân sự, bộ máy tại các địa bàn (nếu có), chỉ giữ lại một vài nhân viên giao dịch với các doanh nghiệp trong nước là đủ cho công tác kinh doanh của mình.

Đã đành thông tư, quyết định, ngày thi hành ra rồi, nói cũng bằng thừa. Nhưng nếu không nói, lại áy náy, như thiếu cái gì. Biết đâu khi thông tư thực hiện được một thời gian, xuất khẩu cà phê gặp khó, lại quay lại “mở trói” cho món hàng hóa “khó nuốt” này thì sao!

Ở trong thế phải chia sẻ sân chơi

Trong nghề kinh doanh cà phê, vào những năm 1990-1992, có khi mua bán cả mấy ngàn tấn, giá trong ngoài nước không mấy khi phải lo, ít chộn rộn, cứ thế mà giao hàng, cứ thế mà đợi nhận hàng.

Từ khi giá cà phê “liên thông” với sàn giao dịch hàng hóa, giá nội địa chưa bao giờ thoát khỏi ảnh hưởng của các sàn kỳ hạn (futures market). Liên thông bao nhiêu, giá bấp bênh bấy nhiêu. Cứ tưởng mất mùa, hết tồn kho rồi, giá tăng. Không, giá phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố, đôi khi chỉ cần nghe tin nhảm nói bom nổ đâu đó, là giá rớt oành oạch.

Các nhà kinh doanh trong nước ít dám sử dụng công cụ chống và hạn chế rủi ro. Nên, lỗ cứ hoàn lỗ. Rồi, đưa tới vỡ hợp đồng, vỡ nợ, mất cả hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng. Trong vài ba mùa vụ qua, các doanh nghiệp cà phê trong nước có thể gây thiệt hại gộp lại đến nhiều ngàn tỉ đồng. Nhiều doanh nghiệp đã xù hàng không giao, “tẩu vi thượng sách”. Có doanh nghiệp vin cớ thua lỗ, quay ra đổ thừa cho nông dân không giao hàng, không giữ đúng cam kết, hay bảo nước ngoài chơi “khăm”.

Ngân hàng trong và ngoài nước trước đây hồ hởi cung cấp tín dụng cho kinh doanh cà phê bao nhiêu, thì do thua lỗ, mất uy tín, nay họ càng kỹ lưỡng, thắt chặt bấy nhiêu, chỉ trừ một vài trường hợp còn tồn tại nhờ biết sử dụng công cụ chống rủi ro. Nên, sự giành giật trên thị trường nội địa thực sự xảy ra hết sức tự nhiên. Ai có tiền, còn uy tín, cứ chơi.

Mấy năm nay, mình ở trong thế như vậy. Sân chơi phải nhường. May mà có các công ty FDI phụ bán sản lượng khổng lồ hàng năm, nếu như không có họ, thử hỏi ai làm? Nếu như mai rày, các doanh nghiệp trong nước có đủ tài chính, lấy lại uy tín, thì tự nhiên lấy lại thị trường nội địa về tay mình nhanh thôi. Hiện nay, các doanh nghiệp FDI đang kẹt tín dụng do khủng hoảng nợ và suy thoái tại các nước Âu-Mỹ, nên lượng xuất khẩu của FDI giảm đi nhiều.

Hãy nghĩ đến bàn cờ lớn

Cấm cửa mua cà phê trực tiếp của nông dân, cũng có nghĩa là làm tắc luôn cả mấy trăm ngàn tấn cà phê sản xuất có giấy chứng nhận bền vững mà nhiều công ty FDI đã bỏ tiền tỉ để xây dựng mạng lưới cho chuyện xuất khẩu của họ. Không cần nói chi phí bỏ ra, nhưng lợi thưởng thu hồi của nông dân nhờ sản xuất cà phê bền vững sẽ chững lại.

Với hàng cà phê, nhờ giá cao trong mấy năm gần đây, đâu đâu cũng tăng diện tích, tăng sản lượng. Sản phẩm thay thế nay đang sẵn sàng, như robusta sẽ có Indonesia, Uganda. Chỉ cần một thời gian nữa, Ecuador sẽ không nhập robusta nữa vì họ đang trồng đủ lượng và…có thể xuất khẩu đấy. Ngoài ra, chớ quên Trung quốc, Nepal…họ đang đẩy mạnh phát triển trồng mới arabica và biết đâu cả robusta.

Nên, cái ta cần hiện nay, chính là làm sao giữ vững được các thị trường xuất khẩu hiện có.

Báo cáo của Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) tháng 3-2013 cho rằng tổng sản lượng thế giới niên vụ 2012-13 đạt ít nhất 144,6 triệu bao (60 ki-lô-gam/bao), trong đó cà phê robusta chiếm gần 56 triệu bao. Cung đang lớn hơn cầu vì theo ICO, tiêu thụ cà phê thế giới trong vụ cũng chỉ đạt 142 triệu bao. Tuy nhiên, sản lượng thế giới có thể lớn hơn vì ICO chỉ nhận thụ động con số báo cáo do các nước sản xuất đưa lên – thường hay nói nhỏ đi để thị trường khỏi “ngợp”.

Trong 7 tháng đầu niên vụ bắt đầu từ 1-10-2012, xuất khẩu cà phê từ nước ta ước tính đạt gần 1 triệu tấn, tức chừng 16,7 triệu bao. Với mức giá này, nếu theo tiến độ bình thường, trong 5 tháng còn lại đến 30-9-2013, mỗi tháng có thể xuất khẩu chừng 100.000 tấn nữa. Như vậy, niên vụ này ước nước ta sẽ xuất khẩu chừng 1,5 triệu tấn hay 25 triệu bao, giảm so với vụ cũ là 1,76 triệu tấn.

Với diện tích trên 600.000 ha, sản lượng cà phê khó dưới 1,5 triệu tấn/năm từ nay về sau vì chưa có nơi nào trình độ thâm canh cao, nông dân lao động chăm chỉ như nước ta.

Nếu không tìm mọi biện pháp, mọi phương tiện, huy động mọi lực lượng để đẩy mạnh xuất khẩu cà phê, thì chỉ cần một “cơn nghẹn”, cà phê tồn kho phía sau sẽ không biết làm gì cho hết, vì tiêu thụ cà phê nội địa của ta hiện quá nhỏ, dưới 5% tổng sản lượng.

Có cơ sở để lo lắng như nói trên khi nhìn động thái của Brazil. Nước này đang thực sự đẩy mạnh xuất khẩu, bằng mọi giá bằng mọi con đường. Dù giá arabica trên sàn kỳ hạn và nội địa xuống liên tục, xuất khẩu tháng 4-2013 của Brazil ước đạt  2,46 triệu bao, tăng 40% so với cùng kỳ.

Cà phê robusta (conillon) của nước này đã bắt đầu ra chợ từ giữa tháng 4-2013, và arabica cũng sẽ ra hàng vào khoảng đầu tháng 6-2013. Nếu như nhu cầu xuất khẩu và rang xay nội địa của Brazil mỗi tháng ngốn chừng 4 triệu bao, thì tính tháng 4 và 5 tiêu thụ mất 8 triệu bao.

Nếu như sản lượng vụ mới 2013-14 của Brazil là 52 triệu bao, thì từ tháng 6-2013 đến tháng 5-2014, lượng cà phê “trong tay” của Brazil sẽ là 62 triệu bao.

Cà phê đâu lắm thế, đáng ngại thật. Ai nói mối lo này là nhỏ?

Trở lại việc cấm công ty FDI mua cà phê trực tiếp từ nông dân, ta còn biết bao biện pháp quản lý thay vì cấm đoán, như đặt một mức thuế xuất khẩu hợp lý để hạn chế tranh mua tranh bán nội địa chẳng hạn.

Nên, xin đề nghị phải tính toán thật kỹ để khỏi theo vết xe đổ của Brazil: tìm cách bán tháo, bán rẻ, để giành lại thị phần xuất khẩu khi đi lạc nước cờ. Với một nền kinh doanh cà phê dựa trên một nền nông nghiệp cà phê nhỏ lẻ, manh mún…khi có trục trặc về thị trường xuất khẩu, giá thấp…thì hậu họa khôn lường. Bấy giờ, nông dân chán nản mà bỏ vườn, bỏ cây…nguy lắm thay.

Nếu như cách đây ba bốn năm, thông tư này ra đời, thì thật đúng lúc vì bấy giờ đầu cơ tài chính chỉ mới tạo bất ổn trong thị trường nội địa để loại bớt “địch thủ” mua hàng. Nhiều nhà kinh doanh nội địa phải bán sống bán chết và bán luôn cả nhà vì dám đối đầu với đầu cơ trong các trận ấy.

Nay thì quá vội vì các nước xuất khẩu cạnh tranh với ta đang chờ cơ hội từ người “anh lớn”, bắt “con chốt” hay chạy “con xe”.

Liên quan: 

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. phuhoang

    Là một tin tốt cho các doanh nghiệp trong nước và cũng là tin buồn cho nông dân. Vì lâu nay các thương nhân nội địa vẫn chưa biết thương người dân mà. Hi vọng nhà nước cũng nên đưa ra mức giá tối thiểu cho caphe như ở Braxin. Giá tối thiểu là 40-45/ kg là ok.

  2. Nông Cà

    Nên bắt chước chiêu ĐỘC QUYỀN VÀNG của Ngân hàng Nhà Nước, như Thống Đốc Bình nói là toàn bộ chênh lệch giá vàng thuộc ngân sách nhà nước. (!?)
    Nay nên ĐỘC QUYỀN THU MUA CÀ PHÊ là thượng sách! ai hỏi làm sao thì trả lời như TĐ Bình là toàn bộ chênh lệch giá cà phê thuộc ngân sách nhà nước là chắc ăn.

  3. hoang thang

    …Có thể vấn đề bạn ý kiến là đúng, nhưng nói hơi nặng, e người nghe khó tiếp thu, vì vậy bị ẩn đi (KV)

  4. Thai Yen

    Không biết các nhà hoạch định chính sách đang nghĩ gì, qui định này nhằm mang lại lợi ích cho ai? Nông dân dược lợi gì khi loại bớt người cạnh tranh mua hàng của người trồng cà phê?
    Tôi thực sự quan tâm đến vấn nạn trốn thuế VAT nhiều hơn vì rõ ràng vấn nạn này đang làm cho các tỉnh Tây Nguyên thất thoát hàng ngàn tỷ tiền thuế VAT.

  5. hoami

    ca phe la nguon thu nhap chinh cua ba con nong dan cac tinh tay nguyen. nguoi dan co quyen duoc huong quyen loi dau tien san pham cua minh lam ra. them mot khach hang den mua san pham cua ho la them phan suc manh de thuc day ho phan khoi trong va thu hoach caphe. dung vi loi ich cua cac doanh nghiep trong nuoc ma quen di nguoi dan. co che hoa mo cua hoi nhap la thuc day kinh te di len, dung dong chat canh cua minh de mang lai su suy thoai

  6. lambaoloc

    Người nông Dân chúng ta thiệt đã đành, mà để cho doanh nghiệp trong nước được đà chèn ép thì thật tội cho nông dân theo như em nghĩ nếu doanh nghiệp nội làm không tốt. thì chúng ta để cho nước ngoài vào học hỏi cạnh tranh công bằng hơn nữa VN chúng ta cũng gia nhập WTO rồi, vì vậy dân giàu thì nước mạnh nên vì lợi ích của người dân.

  7. hoami

    Dạo này giá ca phê trong nước như vậy cũng là tương đối ổn. Nếu thị trường nước ngoài bị thắt chặt không biết bà con nông dân bán ra có bị ép giá không? Nếu bà con làm ra ca phê mà lượng cà phê không xuất khẩu được nhiều, thương nhân liệu có ép giá không? như vậy là thiệt hại lớn cho bà con nông dân lắm

  8. Còi

    “Quản không được thì cấm” là điệp khúc quen thuộc của các cơ quan quản lí nhà nước ở Việt Nam. Gần đây có nhiều văn bản của cơ quan chức năng kém chất lượng, vừa ban hành thì bị ném đá nên thu hồi ngay như “Thịt heo 8 tiếng”… Mong sao văn bản này cũng sớm bị thu hồi bởi quy định như thế khác nào bóp chẹt nông dân và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp yếu kém toàn diện vẫn có thể kinh doanh được và vẫn phè phỡn ….

  9. Tư Ngố

    Làm gì thì FDI cũng lách luật được à, ví dụ đơn giản họ sẽ thành lập 1 công ty 100% vốn Việt Nam không liên quan gì đến yếu tố nước ngoài, cho doanh nghiệp đó đứng ra thu mua trực tiếp… Ai cũng biết các công ty này làm gì mà có vốn mạnh đến thế mà không có doanh nghiệp FDI chống lưng… Quan trọng là làm sao người nông dân chúng tôi sống được, cứ mua của chúng tôi với giá cao nhất….

  10. Hoàng Lân

    Hãy để mua, bán, xuất khẩu cà phê theo kinh tế thị trường- trăm người bán, vạn người mua, không phân biệt doanh nghiệp trong nước hay ngoài nước. Thương mại có thông thì sản xuất mới ngày càng phát triển bền vững và hiệu quả.

    Cấm doanh nghiệp FDI không được mua cà phê trực tiếp của dân là hỏng bét rồi. Quản lý có khó gì đâu mà phải cấm. (Kiểm soát các doanh nghiệp FDI chuyển giá, chuyển lượng về công ty mẹ để lách thuế. Thu thuế trên đầu tấn XK của các DN trong và nước như nhau. Xem lại thuế VAT vì mua trực tiếp của dân không có hóa đơn).

    Đừng để nhóm lợi ích chen vào khi làm chính sách. (Thiệt nhất vẫn là nông dân) Hy vọng thông tư này không hợp lòng dân, sớm muộn gì cũng hủy thôi ?

  11. cong ly

    Dân có giàu thì nước mới mạnh, các vị lãnh đạo cứ nghĩ cho các doanh nghiệp còn người nông dân chúng tôi vất vả một nắng hai sương thì sao?

  12. bienho

    Không biết về lâu dài Thông tư này có mang lại lợi ích cho nông dân chúng tôi không ? Nhưng trước mắt tôi thấy có quá nhiều thiệt thòi cho người nông dân của chúng tôi, cụ thể :
    -Khi không có các doanh nghiệp FDI mua trực tiếp với nông dân thì các doanh nghiệp nội địa tha hồ mà thao túng giá, chèn ép nông dân để hưởng lợi. Mấy năm qua khi bán hàng trực tiếp cho Olam ,Ned , Acom hay Vinacof … chúng tôi luôn thấy giá của họ mua cao hơn hẳn các doanh nghiệp nội địa từ 300-500đ/kg mà cân đong và đo độ ẩm rất rõ ràng, chính xác chứ không như các đai lý VN luôn ép giá, cân gian, ăn chặn ẩm độ gây thiệt hại lớn cho bà con chúng tôi.
    -Các doanh nghiệp FDI đã tốn nhiều chi phí để thực hiện chương trình cà phê bền vững như 4C , Rainforest , UTZ … với nông dân chúng tôi , qua các chương trình này chúng tôi thật sự được hưởng lợi như được hướng dẫn thực hiện canh tác cà phê bền vững : bón phân hợp lý , bảo vệ môi trường, được cung cấp thông tin về thị trường và quan trọng hơn là được cam kết khi mua họ (FDI) sẽ mua cao hơn hẳn thị trường 20USD/ tấn. Nay không được thu mua trực tiếp thì chắc chắn chúng tôi phải chia sẻ lợi nhuận này cho các đại lý tại địa phương mà họ chẳng bỏ ra công sức gì, vô lý quá ?
    Comment này đưa lên mạng tham gia với bà con cho vui, chứ bản thân tôi tin chắc nó chẳng thay đổi được gì, vì lợi ích nhóm quá lớn, và cà phê rồi đây cũng như lúa gạo mà thôi…

  13. thao nguyen

    Nhà nước chỉ biết lợi cho các doanh nghiệp, chớ ko lo cho người dân. Một nước muốn bền vững, giàu mạnh thì phải nghĩ đến người dân …

  14. trương hoài châu

    Lại một thông tư bị chi phối bởi nhóm lợi ích, một nhóm lợi ích nhân danh nông dân, lợi dụng nông dân và đứng trên nông dân. Nếu cứ mãi lặp đi lặp lại cách quản lý thế này thì 100 năm nữa nông dân Việt Nam vẫn chỉ là nông dân Việt Nam, làm sao lớn nổi. Lúc này cần những tiếng nói đại diện cho nông dân thẳng thắn tranh luận những cái được, mất và sự cần thiết phải ban hành thông tư này.

Tin đã đăng