Việc giao hàng cà phê đầu niên vụ mới tại Bandar Lampung, cảng xuất khẩu chính của Indonesia, đã chậm lại vì các nhà rang xay nội địa đang mua mạnh, theo Nedcoffee BV.
Khoảng 40 % sản lượng cà phê từ vụ thu hoạch 2013/14 ở miền Nam Sumatra, khu vực trồng cà phê chủ yếu của nhà sản xuất cà phê Robusta lớn thứ ba trên thế giới, đã được chuyển tới các địa phương khác ngoài Bandar Lampung, theo Nedcoffee, công ty Hà Lan có một nhà máy ở Indonesia, cho biết trong một báo cáo hàng tháng vào hôm thứ Ba 16/4. Thông thường chỉ có khoảng 20 – 30 % sản lượng là sẽ được cung cấp cho các nơi khác.
“Các nhà rang xay địa phương có một vị trí mua quan trọng và các đại lý, các công ty cung cấp cà phê từ các vùng sản xuất thường ưu tiên cung cấp trực tiếp cho họ, không thông qua Bandar Lampung,” Nedcoffee cho biết.
Kể từ đầu vụ thu hoạch, đã có khoảng 12.000 tấn hạt cà phê ở vùng thấp và vùng đồng bằng được bán cho họ. Còn cà phê ở vùng cao sẽ được thu hoạch vào cuối vụ. Trong khi các kho dự trữ xuất khẩu tại Bandar Lampung, vào cuối tháng trước, ước tính chỉ còn khoảng 2.000 tấn.
Thời tiết ở Indonesia hiện rất thuận lợi cho hạt cà phê phát triển, với nhiều ánh nắng mặt trời vào ban ngày và điều kiện ẩm ướt hơn vào ban đêm, theo báo cáo.
Trong khi tại Việt Nam, nước sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới, lượng mưa gia tăng đã làm giảm sự lo ngại về thời tiết khô hạn và đẩy giá cà phê nhân xô tại vùng sản xuất xuống. Giá đã giảm còn 42.200 đồng/kg (2,2 pounds) vào ngày 12 tháng Tư, giảm từ 45.000 đồng/kg khoảng một tháng trước đó, theo dữ liệu từ Trung tâm Du lịch và Xúc tiến thương mại Đăk Lăk trên Bloomberg.
Các kho dự trữ tại thành phố Hồ Chí Minh đứng ở mức 230.000 tấn vào tháng trước, các nhà kinh doanh ước tính. Trong thời gian còn lại của mùa vụ, Việt Nam chỉ có thể xuất khẩu khoảng 97.000 tấn cà phê mỗi tháng, từ tháng Tư đến tháng Chín, theo Nedcoffee.