Quý I/2013, Việt Nam đã xuất khẩu được 410.211 tấn cà phê nhân, trị giá 874,4 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2012 kết quả đó giảm 4,5% về lượng và 2% về giá trị.
Từ đầu năm lại nay, thị trường xuất khẩu cà phê có nhiều biến động. Các thị trường truyền thống giảm, như Đức (16%); Hoa Kỳ (14%); Italia (7%). Đại diện Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam cho biết: “Sản lượng cà phê trong nước có thể giảm năm thứ 2 liên tiếp do hạn hán ở Tây Nguyên và dự báo niên vụ 2013-2014 sẽ giảm 30% sản lượng”.
Đã có hai quan điểm khác nhau về lý do kim ngạch xuất khẩu cà phê giảm. Ông Lương Văn Tự – Chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam cho rằng, trong khi giá cà phê đi xuống, nhiều DN xuất khẩu như ngồi trên chảo lửa, còn người dân thì bình tĩnh hơn. “Việc giá cà phê đi xuống là do Brazil được mùa” – ông Tự cho biết.
Tuy nhiên, nhìn nhận ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Nam Hải – TGĐ TCty cà phê Việt Nam lại khẳng định, kim ngạch xuất khẩu cà phê giảm chắc chắn không phải tại giá thấp. Ông Hải lập luận: “6 tháng đầu vụ (bao gồm cả quý 4 năm 2012), chúng ta đã xuất khẩu được nhiều rồi, chiếm 850 ngàn tấn. Trong khi sản lượng niên vụ này không thể nhiều như vụ trước. Bởi lẽ, tình trạng hạn hán kéo dài dẫn đến hạt nhỏ, sản lượng giảm”.
Thông tin mới nhất từ Bộ NN-PTNT cho biết: Giá xuất khẩu cà phê Robusta và Arabica trong tháng 3 hầu hết đều tăng so với tháng 2. Đối với cà phê Robusta, giá FOB xuất khẩu sang Đài Loan, Thụy Sỹ và Nam Tư đạt cao nhất, lần lượt là 2.358 USD/tấn, 2.288 USD/tấn và 2.272 USD/tấn. Đặc biệt, trong khi một số thị trường xuất khẩu truyền thống bị sụt giảm thì nổi lên một số thị trường có chỉ số tăng đáng kể như Tây Ban Nha (30%); Bỉ (44%); Anh và Philipin (27%); Ấn Độ tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ 2012.
Để có thể đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu cà phê trong thời gian tới, phía Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cho các DN xuất khẩu vay ngoại tệ. Còn phía TCty cà phê Việt Nam thì đề nghị Nhà nước xóa bỏ thuế VAT cho các DN xuất khẩu.