Ngày cuối tuần, giá cà phê robusta trên sàn kỳ hạn và tại thị trường nội địa vượt lên lại. Đầu cơ tài chính lại một phen “ưu ái” cho sàn kỳ hạn này trong khi giá hầu hết các loại hàng hóa khác đều rơi tự do. Song, tiềm ẩn rủi ro về giá và thị trường xuất khẩu robusta ngày càng đáng ngại.
Giá chạy lòng vòng
Sau khi “lặn hụp” ngay giữa tuần với mức cận 42.000 đồng/kg, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên phóng ngược lên lại, quá luôn mức 43.500 đồng của cuối tuần trước, để sáng nay thứ Bảy 13-4 giá chạm gần mức 43.700 đồng/kg, cao hơn 200 đồng/kg so với cách nay bảy ngày. Từ đầu vụ đến nay, giá nội địa chòng chành trong khung 38.000-46.000 đồng/kg. Mức giá 42.000 đồng là mức giữa của khung giá này nên nó đã trở thành một mức tâm lý quan trọng.
Giá nội địa ngay ở thời điểm giữa năm chao đảo khá mạnh nhưng vẫn không khỏi bám chặt giá kỳ hạn. Trên sàn robusta Liffe NYSE, giá đóng cửa cơ sở tháng 5-2013 khuya hôm qua, thứ Sáu 12-4 tức rạng sáng thứ Bảy 13-4 giờ Việt Nam, tăng 24 đô la Mỹ. So với cách đây 1 tuần, giá kỳ hạn tăng 19 đô la/tấn. Sàn arabica chịu phận hẩm hiu hơn, cả tuần rớt 4,90 cts/lc tức chừng 108 đô la/tấn (xin xem biểu đồ 1).
Giá robusta tăng cuối tuần hầu như không dính dáng gì đến cung cầu vì từ cả tháng nay, giá cà phê đáng phải tăng thì lại “tỉnh bơ” giảm xuống khi Hiệp hội Cà phê Việt Nam (Vicofa) cảnh báo có hạn hán gây mất mùa đậm tại nước ta. Rồi đáng ra giá cà phê phải giảm khi Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) trong tuần nâng ước báo sản lượng cà phê thế giới nhiều hơn, giá cuối cùng lại tăng.
Sàn robusta London hôm qua thêm một lần vớ phải may mắn: trong khi giá các thị trường hàng hóa khác đều rớt đậm, sàn robusta lại được giới đầu cơ tài chính chọn làm nơi nắn dòng tiền về tìm chỗ trú ẩn; đẩy giá cà phê kỳ hạn tăng lên. Đối lại, giá kỳ hạn vàng âm nặng, rớt 75,5 đô la chỉ còn 1.486 đô la/ounce so với đầu năm chừng 1.700 đô la/ounce và dầu thô xuống chỉ còn chung quanh mức 91 đô la/thùng so với 98 đô la/thùng ngay đầu tháng 4-2013.
Như vậy, giá sàn kỳ hạn và giá cà phê nội địa đã chu du một vòng từ cao xuống thấp, rồi từ thấp lên cao…trong sự bất ngờ của người tham gia thị trường vì…nhờ đầu cơ tài chính “dọn cỗ” ngày cuối tuần.
Giá tối thiểu…thiểu thật
Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) chỉnh ước báo sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2012-13 này tăng 6,4%, lên mức 144,6 triệu bao (60 kg/bao). Cũng theo ICO, dịch nấm bệnh làm rụng lá cà phê tại các nước vùng Trung Mỹ và Mexico có thể làm giảm chừng 2,3 triệu bao, nhưng sẽ được bù đắp bởi lượng cà phê của Brazil, Indonesia và Ethiopia. ICO cũng đánh giá rằng ngay trong niên vụ này, cung đã vượt cầu 7 triệu bao, nghĩa là về lý thuyết, giá cà phê sẽ giảm. Niên vụ cà phê thế giới được tính từ ngày 1-10 hàng năm và kéo dài đến ngày 30-9 năm tiếp theo.
Thống kê sản lượng và xuất khẩu của ICO thường dựa vào báo cáo từ các nước thành viên và thay đổi rất nhiều lần trong năm cho phù hợp với hoàn cảnh thị trường. Các nhà kinh doanh chuyên nghiệp thường hiểu rằng đấy chỉ là con số tối thiểu và mức độ tin cậy cũng chỉ ở mức vừa phải. Đồng thời, họ cũng ít dựa vào các con số này để lên kế hoạch kinh doanh nhưng chỉ sử dụng nó để hiểu thêm khuynh hướng thị trường. Ítt có dự báo sản lượng nào có tính mưa nắng, thay đổi nhiều lượt như ước báo sản lượng của ICO.
Chỉnh sản lượng thế giới tăng đã nói lên rằng không còn nghi ngờ gì nữa vụ 2012-13 của Brazil được mùa lớn thật. Có lẽ chính vì thế mà Brazil lần lữa ra các quyết sách hỗ trợ giữ giá trước khi chiếm lại được thị phần vì giá arabica trước đây quá mắc.
Bộ Nông nghiệp Brazil sẽ đề nghị chính phủ nước này nâng giá trị cho cà phê arabica thêm 30% và robusta 15% trên cơ sở giá tối thiểu hiện hành. Theo đó, giá tối thiểu của arabica sẽ từ 262 BRL (đồng tiền real Brazil) lên 340 BRL/bao, tức chừng 2.850 đô la Mỹ/tấn và robusta lên 180 BRL, tức chừng 1.500 đô la/tấn. Khi chưa có đề nghị nâng giá tối thiểu, arabica Brazil chỉ quanh mức 2.000 đô la/tấn, thấp hơn nhiều so với robusta loại 1 của ta, chừng 2.100-2.200 đô la/tấn hay robusta chế biến ướt với mức bán chừng 2.400-2.500 đô la/tấn. Trước khi nâng giá, mức tối thiểu nước này áp dụng cho robusta chỉ là 1.300 đô la/tấn.
Tuy phải còn trình lên chính phủ Brazil, đề nghị này cũng giúp cho giá cà phê trên các sàn quay ngược lại sau khi rớt quá sâu, như sàn robusta trong tuần có lúc chỉ còn chừng 1.985 đô la/tấn.
Thị trường cà phê robusta sẽ lâm nguy?
Đúng là thị trường xuất khẩu robusta đang âm thầm bị các loại arabica giá rẻ chiếm lĩnh dần. Sản lượng niên vụ này 2012-13 Brazil ước đạt 56 triệu bao (theo Bộ Nông nghiệp Mỹ – USDA); thậm chí có nhiều nhà kinh doanh ước có thể lên đến 60 triệu bao. Arabica được Brazil bán ra mạnh, bán giá rẻ, bán liên tục, đã đưa giá cách biệt giữa 2 sàn kỳ hạn từ trên 4.000 đô la/tấn nay xuống chỉ còn dưới 1.000 đô la/tấn. Giá trên hai sàn là giá của các loại cà phê đạt chuẩn, giá bán theo các hợp đồng giao sau (forwards) có chất lượng mềm hơn nên giá cách biệt có khi chỉ còn dăm ba trăm đô la mỗi tấn. Với các mức cách biệt thấp như thế, các nhà rang xay đang vói tay sang cà phê arabica để mua nhiều hơn và quay lưng với robusta. Arabica là loại cà phê quyết định chất lượng, mùi vị, hương thơm của tách cà phê trong khi robusta chỉ được dùng để phối trộn, thường được sử dụng để sản xuất cà phê hòa tan, một thức uống công nghiệp giá rẻ.
Mức cách biệt giữa arabica với robusta càng thấp, chứng tỏ arabica càng rẻ, và ngược lại (xin xem biểu đồ 2).
Tồn kho lại tăng
Mức chỉnh tăng của ICO có liên hệ mật thiết với các báo cáo tồn kho vừa nhận được trong tuần. Báo cáo định kỳ của Liên đoàn Cà phê châu Âu (European Coffee Federation) nói rằng tính đến hết tháng 2-2013, tồn kho châu Âu do Liên đoàn quản lý đạt 10.220.843 bao, tăng 145.543 bao so với tháng 2-2013 (xin xem biểu đồ 3).
Hiệp hội Cà phê Nhật Bản cũng báo rằng tính đến hết tháng 2-2013, tồn kho nước này đạt 132.403 tấn, tăng 3,6%; trong đó lượng cà phê arabica nhập khẩu từ Brazil đạt 50.872 tấn, tăng 18% so với tháng trước đó.
Cà phê robusta của nước ta phụ thuộc rất nhiều vào các thị trường xuất khẩu. Chính vì vậy, rủi ro mất thị trường và mất giá robusta đang “nhãn tiền”. Việc tổ chức lại hệ thống thu mua, xuất khẩu, tổ chức cho nông dân vào các hợp tác xã “bền vững” để tạo nên những “quả đấm” trên thương trường ắt là việc khẩn trương nhất trước một thị trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay.
Với các loại hàng hóa có lẽ caphe là mặt hàng chịu nhiều rủi ro nhất, rủi ro vì thiên tai hạn hán, dịch bệnh, do nhà đầu cơ lũng đoạn thị trường, do các đại lý lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt của nông dân. Trước nguy cơ do hạn hán, nạn dịch rệp sáp tấn công làm ảnh hưởng tới sản lượng niên vụ 2013-2014. Với thông tin mang tính tiêu cực trên của anh Quang Bình thì thời gian tới bà con nông dân sẽ càng khốn đốn hơn vì phải chi các khoản đầu tư cây trồng và mọi chi tiêu khác, trong khi đó giá caphe thì cứ nhấp nhổm làm cho bà con như ngồi trên đống lửa. Mong sao chính phủ VIệt Nam cũng có những biện pháp can thiệp như Brazil để nông dân trồng caphe an tâm sản xuất…
Giá cả thế nào không biết nhưng năm nay cà phê Di Linh rất nhiều vùng mất khoảng 70% là cái chắc, nhất là vùng nhiều ca phề ở Tân Thượng không tưới được, tới hôm nay cây còn mà trái chẳng còn…
Chào các bạn,
Trong 02 tham luận lần trước, tôi có dự báo rằng vùng 45 – 47 tr/tấn là vùng bàn và giá Robusta sẽ giảm về quanh 42 tr/tấn rồi sẽ bật tăng trở lại đồng thời có thể lên vùng 50 tr/tấn vào nửa cuối năm nay.
Còn về giá Robusta thế giới, khả năng là sẽ tăng trong vài phiên tới nhưng để tăng vọt thì khó ! Sẽ còn nhiều đợt giảm giá trong tháng 5 và tháng 6 trước khi bước vào một đợt tăng mới trong nửa cuối năm 2013.
Cám ơn một số anh chị, bạn bè đã mail và chia sẻ thông tin nhưng thật sự là thời gian này mình đang rất là bận nên chưa thể trả lời mail một cách chu đáo.
Nếu như Y 5Cafe có tổ chức offline với chủ đề phân tích kỹ thuật giá cà phê thì thật là hay và minh sẵn sàng tham gia chia sẻ một số kinh nghiệm phân tích và dự báo. Mình đã tham gia mua bán và phân tích thị trường cà phê từ năm 2000 (khi mà giá cà phê Việt Nam chỉ có 4 – 5 triệu/tấn) nên cũng có một số trải nghiệm.
Vài dòng chia sẻ, mong các anh/chị/bạn bè góp ý !
HOÀNG KIM – nhatkyhoangkim@yahoo.com.vnCà phê trong dân hết rồi, còn đâu nữa mà chờ mong, các đại lý chỉ có cách là nợ đến niên vụ tới nếu đã lỡ hợp đồng.
Các bạn ơi đúng lượng cà trong dân giờ không còn nhiều nhưng ta thu xong thì lại đến Indo, tiếp theo là Brasil và còn nhiều nước khác nữa nó cứ xoay vòng theo một hình tròn liên tục. Các bạn xem trên trang Forexpros.com thì sẽ thấy. Giá hàng hóa chao đảo tụt dốc nhất là những mặt hàng chủ lực như Dầu, Vàng… thì những mặt hàng khác cũng phải cuốn theo mà không có ngoại lệ. Để tin vào những phân tích kỹ thuật trên biểu đồ… thì mình thật sự chỉ để tham khảo thôi chứ mình không tin nó mà mình quan tâm nhiều hơn về kinh tế, chính trị bên ngoài thế giới cũng như nội tại Việt Nam… đó mới là yếu tố tin cậy nhất để dự đoán cho giá cả hàng hóa. TTCK cũng vậy thôi. Chỉ có điều với bà con ta người SX Cafe với bao nhọc nhằn vất vả thì tùy tình hình, tùy khả năng tài chính của mình để QĐ việc bán ra hay găm lại, liệu cơm gắp mắm cho phù hợp chứ giá cả thì… khó lường. Thế giới đầy bất ổn, Việt Nam suy thoái sâu,chế độ chính sách thay đổi như thay áo, sẽ chẳng nói trước được điều gì. Chia sẻ của bạn Hoàng Kim cũng tốt, cũng có chút ít kinh nghiệm nhưng thời thế bây giờ đã khác rồi, cần phải có những khám phá mới mang tính nhạy cảm với tình hình thì mới củng cố được cho những kinh nghiệm và dự đoán của mình.
Rất mong cùng chia sẻ góp ý và cầu thị các bạn nhé. Chào
Rất đồng tình với ý kiến của bạn , tối qua 15/04 vàng rớt thêm 150usd nữa , dầu cũng -3.5 … chỉ số CRB -13,98 là tỷ lệ rất lớn . Chúng ta nên lấy các yếu tố cung – cầu , tình hình kinh tế chính trị thế giới làm nền tảng để nhận định cho xu thế giá và đưa ra những quyét định cho việc bán hay giữ lại cà phê của mình . Việc phân tích kỷ thuật bằng các biểu đồ chỉ phù hợp với những người kinh doanh hàng giấy thôi ( paper bussiness ) bà con nên thận trọng khi đi theo những kênh thông tin này
“Cà phê robusta của nước ta phụ thuộc rất nhiều vào các thị trường xuất khẩu. Chính vì vậy, rủi ro mất thị trường và mất giá robusta đang “nhãn tiền”. Việc tổ chức lại hệ thống thu mua, xuất khẩu, tổ chức cho nông dân vào các hợp tác xã “bền vững” để tạo nên những “quả đấm” trên thương trường ắt là việc khẩn trương nhất trước một thị trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay.” <= Chấm được cái ý này.