Tây Nguyên kiệt nguồn nước ngầm

Tây Nguyên có diện tích cà phê lên tới 500.000ha, trong đó hơn 50% nguồn nước tưới cho cây cà phê vào mùa khô được lấy từ các giếng khoan, giếng đào. Cứ vào mùa nắng, người dân lại đào giếng lấy nước tưới cây. Chính việc đào giếng ồ ạt này đã góp phần làm suy kiệt nguồn nước ngầm ở Tây Nguyên.

Bà con nên đọc:

>>> Cách giảm tưới nước cà phê mùa khô
>>> Tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân qua nước cho cà phê mang lại hiệu quả kinh tế cao
>>> Tưới nước: – Có thể bà con chưa biết!?

Nước ngầm giảm nhanh

Trong ánh nắng gay gắt của những ngày đầu tháng 4, anh Nguyễn Trường Thịnh (ở xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, Gia Lai) cùng những người thợ đang hì hụi đào giếng lấy nước để sinh hoạt gia đình và tưới tiêu cho 2,2ha cà phê. Tuy đã đào sâu hơn 20m, nhưng lòng giếng vẫn toàn đất và đá. Đây không phải lần đầu tiên gia đình anh Thịnh đào giếng. Do rẫy ở xa nguồn nước nên nước tưới cho vườn cà phê chủ yếu được lấy từ những giếng đào. Những năm trước, thời tiết thuận lợi, giếng nhà luôn đầy nước nên anh không phải lo lắng gì. Năm nay nắng nóng kéo dài khiến giếng nước nhà anh cạn khô đáy. Nhằm cứu rẫy cà phê trước nguy cơ cháy héo, anh bỏ ra hơn 30 triệu đồng thuê người đào giếng, nhưng vẫn chưa thấy mạch nước.

Tại huyện Đăk Hà (Kon Tum), nhà nhà đều sử dụng giếng đào, hiếm hoi lắm mới có gia đình sử dụng nguồn nước từ ao hồ để tưới cà phê.

Ông Hồ Văn Quýnh (ở xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà), cho biết: “Không riêng gì gia đình tôi, hầu hết bà con nông dân ở đây đều khoan giếng lấy nước tưới cà phê. Nhà ít thì 1 giếng, nhà nhiều thì 2 – 3 giếng. Vậy mà vào mùa khô, có những lúc còn không đủ nước tưới”.

dao gieng tuoi ca phe
Người dân xã Ia Dom (huyện Đức Cơ, Gia Lai) đào ao tìm nguồn nước. Ảnh: ĐỨC TRUNG

Ở nhiều vùng chuyên canh cà phê của Đắk Lắk và Đắk Nông cũng rơi vào cảnh tương tự. Khi những hồ thủy lợi cạn trơ đáy, người dân xã Ea Tul (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) phải đào giếng ngay giữa hồ thủy lợi Ea H’ra để lấy nước tưới vườn cà phê đang héo vàng vì hạn hán.

Trong những năm qua, diện tích cà phê Tây Nguyên không ngừng mở rộng. Việc tăng diện tích cà phê ồ ạt đã gây một áp lực lớn đối với nguồn nước tưới, nhất là với những vườn cà phê ở xa nguồn nước. Đắk Lắk có tới 190.000ha cà phê, trong đó 56% diện tích cà phê lấy nước tưới từ các giếng đào, giếng khoan. Tỉnh Gia Lai có trên 75.000ha cà phê, trong đó diện tích cà phê có sẵn nguồn nước tự chảy, gần ao hồ chỉ chiếm 20%, còn lại 80% trông vào lượng mưa và nước ngầm. Chỉ trong 6 năm, số lượng giếng khoan tại TP Pleiku (Gia Lai) đã tăng lên nhanh chóng. Năm 2005 chỉ có 47 giếng thì năm 2011 đã có hơn 200 giếng. Tuy nhiên, chỉ có 70 giếng được cấp phép, còn lại là khoan “chui”. Việc làm này đã gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tầng nước ngầm của địa phương.

Khai thác không hợp lý

Ông Lê Thanh Xuân, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi – Thủy sản của Sở NN-PTNN Gia Lai, cho biết: “Nhiều năm qua, người dân ở Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng đã liên tục đào giếng, khai thác nước ngầm vô tội vạ để tưới cà phê, hoa màu, khiến mực nước ngầm không ngừng bị hạ thấp. Trong khi đó lượng mưa hàng năm ở Tây Nguyên có xu hướng ít đi, mùa khô kéo dài, tình trạng mất rừng và sự thay đổi nhanh chóng của lớp phủ bề mặt địa chất đã làm mực nước ngầm tụt giảm trung bình từ 3 – 5m, có nơi 7 – 8m. Điều này gây hậu quả khôn lường, làm thủng tầng nước ngầm và cạn kiệt nghiêm trọng lượng nước ngầm ở Tây Nguyên. Nếu chúng ta không sớm có biện pháp khắc phục thì hiện tượng đất đai bị sa mạc hóa sẽ là điều khó tránh khỏi trong tương lai”.

tuoi ca phe daklak
Người dân xã Ea Tul (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) phải đào giếng giữa hồ thủy lợi Ea H’ra để lấy nước tưới cà phê. Ảnh: CÔNG HOAN

Ông Dương Đình Hoành, Trưởng phòng Tài nguyên nước – Khí tượng thủy văn của Sở TN-MT Đắk Lắk, cũng cho rằng chính việc đào giếng, khoan giếng tràn lan đã làm suy giảm nguồn nước ngầm. Trong khi đó, người dân lại sử dụng nguồn nước này không hợp lý. Theo khuyến cáo của Viện KH-KT nông lâm nghiệp Tây Nguyên, đối với cà phê trồng mới, trong năm đầu chỉ cần tưới 120 lít nước/gốc/lần, chu kỳ tưới 20-22 ngày và 2 năm tiếp theo, nâng gấp đôi lượng nước tưới với chu kỳ 22-25 ngày. Đối với cà phê thời kỳ kinh doanh, lượng nước tưới mới cần khoảng 500 lít/gốc/lần. Nhưng hiện người trồng cà phê ở Tây Nguyên vẫn có thói quen tưới 5 lần trong một mùa khô, khối lượng nước cho mỗi lần lên tới 600-700 lít/gốc. Với thói quen này, lượng nước tưới gây lãng phí lên tới 300-400 lít/gốc.

Lượng mưa ngày càng ít, trong khi những cánh rừng đầu nguồn Tây Nguyên đang bị đốn hạ để làm nương rẫy (trong đó phần lớn để trồng cà phê) cũng là nguyên nhân làm cho các sông, suối, hồ, đập… sớm cạn kiệt nguồn nước. Theo Bộ NN-PTNT, từ năm 2005-2012, bình quân mỗi năm Tây Nguyên mất 25.737ha. Nếu không giữ được những cánh rừng đầu nguồn và tiết kiệm nguồn nước tưới, Tây Nguyên sẽ ngày càng cạn kiệt nguồn nước ngầm.

Theo khảo sát của Đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước 704 (trụ sở tại TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), nguồn nước ngầm của Tây Nguyên hiện đã giảm sút nghiêm trọng. Trước đây giếng khoan ở nhiều điểm thuộc khu vực Tây Nguyên đạt công suất 600.000m³/ngày, nhưng nay chỉ khoảng 400.000m³/ngày. So với năm 2006, mực nước ngầm trong khu vực đã sụt xuống khoảng 3 – 5m. Với độ sâu 30m, giếng khoan của nông dân trước đây có thể cung cấp đủ nước tưới 2 – 3ha cà phê, nhưng nay lượng nước không đủ tưới cho 1ha. Nguồn nước ngầm giảm sút chủ yếu do lượng mưa hàng năm ít dần, diện tích rừng ngày càng thu hẹp, nhà nông tưới tiêu lãng phí nước…

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng