“Vua” ghép cà phê ở Tây Nguyên

Mày mò học hỏi kỹ thuật ghép, rồi thực hành trên vườn cà phê của mình đã giúp nông dân Nguyễn Đăng Trung (45 tuổi, thôn Tiền Yên, xã Lộc Đức, H.Bảo Lâm, Lâm Đồng) trở thành tỉ phú và nổi tiếng khắp vùng.

Cách đây 27 năm, gia cảnh khó khăn, theo chủ trương giãn dân, Nguyễn Đăng Trung rời gia đình ở vùng đất Lộc Phát (Bảo Lộc) để vào thôn Tiền Yên (xã Lộc Đức, H.Bảo Lâm) lập nghiệp. Lúc bấy giờ, vùng này còn hoang vu, ngoài 6 sào đất được cấp, anh Trung khai phá thêm và có được 5 ha đất rồi tiến hành trồng dâu nuôi tằm để sinh sống. Thực hiện phương án “lấy ngắn nuôi dài”, anh Trung đưa cây cà phê vào trồng và vài năm sau, cà phê cho thu hoạch, đời sống gia đình ngày càng được nâng cao.

Năm 1992, thấy cây cà phê ngày càng có hiệu quả, anh Trung bỏ hẳn nghề trồng dâu nuôi tằm và tập trung chăm sóc cây cà phê. Tuy nhiên, sau nhiều năm canh tác, vườn cà phê bị già cỗi, sâu bệnh nhiều nên năng suất thấp.

Không chỉ vậy, do thói quen làm thả đọt nên cây cà phê rất cao, khó thu hoạch và tốn nhiều công sức. Từ thực tế ấy, kết hợp những kiến thức thu nạp qua các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật ở địa phương, khoảng năm 2000, anh nghĩ đến ý tưởng ghép cà phê và bắt đầu thực hiện thử nghiệm trên 2 ha cà phê của gia đình.

Ban đầu chưa nắm bắt được cách ghép, cũng như cách chăm sóc cây ghép nên kết quả mang lại không tốt. Anh tiếp tục mày mò học hỏi, chọn những dòng, chồi giống tốt để ghép vào gốc cà phê cũ, đến khi chồi ghép phát triển tốt rồi mới cưa cây. Dù bước đầu thành công, nhưng phương pháp này hiệu quả chưa cao, bởi chồi ghép phải cạnh tranh dinh dưỡng với cây gốc nên phát triển chậm. Tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm hiệu quả, anh mạnh dạn cưa đồng loạt cả vườn và trong vòng 3 năm (từ năm 2002 – 2004) anh cải tạo xong 10 ha cà phê của gia đình.

anh trung ghep ca phe o lam ha
Anh Trung đang ghép cà phê trong vườn nhà

Năng suất tăng hơn 2,5 lần

Được chăm sóc đúng kỹ thuật, cây cà phê phát triển tốt và hiệu quả thật bất ngờ: chỉ sau 5 năm, vườn cà phê của gia đình anh đã tăng năng suất từ 3 tấn lên 8 tấn/ha. “Cách làm trên đã mang lại thu nhập cao cho gia đình, rất nhiều đoàn thể cùng bà con gần xa đến tham quan, học hỏi trao đổi kinh nghiệm rồi nhờ tôi giúp cải tạo vườn cà phê cũng như truyền đạt kỹ thuật. Song song đó, tôi cũng ghép cây giống để cung cấp cho thị trường…”, anh Trung cho biết.

Những năm gần đây, bình quân gia đình anh Trung thu hoạch cà phê 60 – 70 tấn nhân/10 ha/năm, đồng thời mỗi năm anh cung cấp cho thị trường khoảng 1 triệu chồi giống cà phê ghép các loại và 100.000 cây cà phê ghép gốc mít, mang về thu nhập hàng tỉ đồng.

Anh Trung chia sẻ: “Ghép cà phê thì rất đơn giản nhưng việc chọn giống ban đầu mới khó và phải chọn giống phù hợp với cách canh tác của mình; khi chăm sóc cần đáp ứng đủ dinh dưỡng cho cây để không ảnh hưởng đến năng suất năm sau. Niềm vui lớn nhất đối với tôi là giúp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây cà phê cho nhiều bà con trong vùng cũng như các vùng lân cận sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, bền vững, thân thiện môi trường và đạt năng suất khá cao (đạt 6 tấn/ha trở lên). Hướng tới, tôi sẽ phối hợp các chuyên gia trong ngành cà phê tiếp tục nghiên cứu tuyển chọn một số giống cà phê phù hợp khí hậu địa phương, kháng bệnh tốt, năng suất ổn định để cung cấp cho nông dân…”.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Ba Nhất

    Một tấm gương làm kinh tế đáng học hỏi,
    y5 có thể cho tôi biết số điện thoại của anh Trung để liên lạc được không?

    cám ơn nhiều

  2. Nông Cà

    Cà phê vối ghép trên gốc cà phê mít cần có tổng kết đánh giá khoa học, vì thực tế cây ghép sinh trưởng kém ở một số vùng không hợp cà phê mít, chứ không phải vùng nào cũng áp dụng được.
    Điều kiện thổ nhưỡng có thích hớp với gốc cà phê mít không?
    Nếu không thích hợp, thân cà phê vối sẽ chậm phát triển làm hỏng cà một vườn cây đã lỡ trồng.
    Cần lưu ý, sau khi có kết quả chắc chắn tại vùng đất định trồng, lúc đó mới nên quyết định xuống giống đại trà trên vùng đất đó! lúc đó chỉ sử dụng thân Vối ghép trên gốc Vối.

    1. caphenghot

      Mình cũng đồng ý kiến như Nông Cà, ở Tây Nguyên ko phải nơi nào cây cà phê mít cũng phát triển tốt cho nên phải thận trọng khi chọn gốc ghép.
      Điều lưu ý thứ hai là bộ rễ cây cà mít hai năm đầu phát triển rất kém, chú ý chăm sóc tốt vào thời điểm nầy. Đến năm thứ ba cây lên tốt là yên tâm, từ năm tư trở đi cây phát triển rất mạnh.

  3. Đakkan

    Ghép cà phê rất dễ, bà con trồng cà phê ai cũng có thể làm được, để tự cải tạo vườn của nhà mình. Khi mua giống cà ghép trồng mất khoảng 20/100 số cây hỏng bộ rễ, lo tốn nhiều tiền mua giống nên ngại không nhổ bỏ (vì cà ghép đắt tiền hơn). Nếu tự ghép được sẽ chủ động được nguồn giống bất cứ khi nào. Chúc bà con sẽ trở thành vua ghép cà của vườn nhà mình nhé.

  4. HUYNH Y

    tôi rất đồng ý với ý kiến của Nông Cà và của va Caphenghot .Tôi chỉ xin đóng góp thêm chút kinh nghiệm nhỏ là.
    Khi ghép thân vối lên gốc cà mít các bạn nên chọn giống vối nào hợp với giống cà mít.Chứ không phải giống vối cũng hợp và phát triễn tốt trên gốc mít được đâu các bạn.

  5. caphenghot

    Tôi ko biết cà phê ghép có từ năm nào ai là người làm đầu tiên, nhưng tôi còn nhớ ở Bảo Lộc vào năm 1989 người đầu tiên trồng cà phê vô tính bằng cách dâm cành là Chương anh của TS đến năm 1995 Chương ghép vài chục cây quanh nhà thấy thành công nên nhân rộng ra vườn nhà. Đến năm 1997 tôi vào chơi thấy hay nên về ghép hơn chục cây ở vườn nhà. Còn bà con nào biết nữa đưa lên để kiếm ra người đầu tiên ghép cà phê

    1. bùi đăng cao

      Tôi đồng ý vs bác. Ở Bảo Lộc mới là nơi phát triển đầu tiên và tôi được biết ông Thám ở Bảo Lộc đã làm giống cây ghép này hơn 20 năm rồi .

  6. Đakkan

    Tôi biết ghép cà phê từ năm 1999, có người nói cho tôi cách ghép còn lại tự tìm hiểu và rút kinh nghiệm. Sau này mua tài liệu của Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây nguyên (viện Eakmat cũ). Bà con có thể đến đây để được tư vấn về bệnh dịch và cách chăm sóc cà phê, cao su, tiêu vv… và mua hạt và cây giống tại đây. Chúc bà con thành công.

  7. Nguyễn Thảo Linh

    Tôi cũng ở Lộc Đức, năm 2005 tôi có mua giống 1000 cây cà phê ghép TS về trồng và cảm thấy rất tốt, theo tôi được biết vườn anh Trung cũng là các dòng cà phê ghép TS. Các dòng cà phê này thì năng suất đạt 7-8 tấn/ha là bình thường.

    1. suker

      Bạn chăm sóc 1ha thì có thể đc nhưng chỉ đc 1 năm năng suất cao mà thôi. Năm sau năng suất sẽ giảm rất nhiều. Còn nếu như bạn trồng 10 ha thì bạn nghĩ sao, liệu có đc năng suất đó ko.

  8. nguyen thi thinh

    anh cho em hỏi la khi mình ghép cà phê con bằng ngọn thì trước khi ghép mình có dùng dung dịch gì để xử lý ngọn cà phê cho mau lành vết thương không?

  9. Chung

    Mình cũng làm cafe nên cần học hỏi thêm nhiều.rất vui khi được đọc những bài viết hay về cách làm caphe

  10. hung

    Dù sao cũng có lời khen bác này. Hãy thử nghĩ tại sao người ta thành công. Mình chỉ nên lắng nghe và học hỏi.

Tin đã đăng