Biến rơm rạ thành phân bón, và hơn thế…

Đây là công trình do Công ty CP công nghệ sinh học (CPCNSH) nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng vừa đoạt giải nhất Giải thưởng sáng tạo KHCN Việt Nam 2012. “Công nghệ dễ phổ biến và có thể áp dụng được ở khắp mọi nơi”, TS.Lê Văn Tri, chủ nhiệm đề tài, khẳng định với Đại Đoàn Kết ngày 22-3, ngay trước lễ trao Giải thưởng.

Theo tập quán canh tác người dân chỉ gặt ngang cây lúa thu lấy rơm và thóc, phần gốc rạ còn lại để trên mặt ruộng rất nhiều, ước tính 1ha khi thu hoạch có 6 tấn rơm và 15-20 tấn rạ. Công trình vừa đoạt giải có tên “Áp dụng công nghệ sản xuất chế phẩm Fito-Biomix RR xử lý rơm rạ tại ruộng thành phân bón hữu cơ cho cây trồng nhằm bảo vệ môi trường”, hiện đã mở rộng ứng dụng, sản xuất rơm rạ thành giá thể mạ, giá thể rau mầm, rau hữu cơ.

TS.Lê Văn Tri
TS.Lê Văn Tri

Rơm, rạ hóa phân bón hữu cơ

Theo TS. Lê Văn Tri, chế phẩm sinh học Fito-Biomix RR bao gồm các chủng vi sinh vật phân giải hữu cơ, vi sinh vật kháng bệnh cho cây trồng, các nguyên tố khoáng, vi lượng… có tác dụng bổ sung các chủng giống vi sinh vật phân giải hữu cơ có khả năng phân giải triệt để rơm, rạ sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ vi sinh giầu dinh dưỡng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Sản phẩm làm cân bằng được các yếu tố bảo vệ môi trường không khí, đất, nước, an toàn cho người sử dụng và tạo độ tơi xốp cho đất.

Chế phẩm được sản xuất ở quy mô công nghiệp nên giá thành hạ (40.000 đ/tấn rơm rạ), lượng chế phẩm sử dụng ít (200g/tấn rơm rạ), thời gian xử lý ngắn (20-25 ngày) nên đáp ứng được thời vụ và nhu cầu sản xuất của người dân. Phân ủ hữu cơ sản xuất ra đảm bảo chất lượng để phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm được dinh dưỡng đồng thời góp phần cải tạo tính chất nông hóa của đất.

Từ 2010 TS. Lê Văn Tri đã triển khai thực hiện đề tài tại Hoà Bình, giúp tăng hiệu quả kinh tế từ 2,9-4,9 triệu đồng/ha. Đề tài đang được nghiên cứu thử nghiệm thành công tại Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Hưng Yên, Hà Nội… Kết quả cho thấy, bón phân hữu cơ chế biến từ rơm rạ giúp cây lúa sinh trưởng phát triển cân đối, giảm sâu bệnh, năng suất lúa được bón phân ủ hữu cơ tăng từ 3,49 – 7,49 tạ/ha (tương ứng với 4,94 – 13,3%) và hiệu quả kinh tế tăng từ khoảng 2.6 triệu– 5.6 triệu/ha.

Đốt rơm rạ dễ gây cháy rừng
Tình trạng người dân sau khi thu hoạch xong lúa đông xuân rải rơm đốt đồng làm đất gieo cấy lại vụ hè thu đang tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao trong mùa khô hạn. Tại Hậu Giang mới đây tại ấp 8, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp đã xảy ra vụ cháy thiêu rụi nửa ha vườn tạp của người dân chỉ do việc đốt cỏ để nướng cá. Ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang cho biết, tình trạng người dân lén lút vào rừng đốt tổ ong lấy mật gây cháy rừng trước đây giờ đã được kiểm soát, nhưng việc người dân đốt đồng làm đất tiềm ẩn nguy cơ gây cháy rừng rất cao lại chưa kiểm soát được.

Đến sản xuất giá thể mạ khay

Công nghệ sản xuất mạ khay được đưa vào nước ta nhưng không phát triển được do chưa chủ động nguồn nguyên liệu làm giá thể mạ (mùn cưa, xơ dừa, phân chuồng)…và thiếu quy trình công nghệ sản xuất mạ giống (trên đất, mạ khay).

Công ty CPCNSH đã đầu tư nghiên cứu có công thức chuẩn. Giá thể mạ khay được lên men bằng chế phẩm Fito- Biomix RR và đất màu tại địa phương là bước đột phá trong sản xuất mạ khay công nghiệp và mạ trên nền đất cứng. Đảm bảo được chất lượng mạ đưa ra ruộng cấy, chi phí giá thành rẻ và chi phí giảm 50% so với tự gieo mạ riêng.

Việc tận dụng rơm rạ sau thu hoạch làm giá thể hữu cơ dùng để gieo mạ công nghiệp, trồng rau mầm có thể nhân rộng mô hình ứng dụng sản xuất trên quy mô toàn quốc. Trong tương lai có thể xuất khẩu công nghệ này…

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng