Mỗi năm có hàng chục vụ sản xuất, kinh doanh vận chuyển phân bón giả, kém chất lượng bị phanh phui nhưng vì sao trên thị trường vẫn tràn ngập loại phân này?
Xem thêm: >> Sản xuất phân bón giả có thể bị phạt tới 150 triệu đồng
Quản lý yếu, phân giả vẫn có đất sống
Báo cáo của Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tại hội thảo quốc gia “Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng phân bón tại Việt Nam” được tổ chức tại thành phố Cần Thơ hôm 5-3, cho biết năm 2010 Việt Nam kiểm tra 23 đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón với 55 mẫu được phân tích thì có đến 64,3% số mẫu không đạt yêu cầu.
Sang năm 2011, kiểm tra 18 đơn vị sản xuất và 7 đơn vị kinh doanh với 100 mẫu được lấy phân tích thì có 41,8% số mẫu không đạt yêu cầu về hàm lượng đạm, lân, kali.
“Dù vị phạm trong lĩnh vực kinh doanh phân bón có giảm ở những năm gần đây nhưng vẫn còn diễn biến rất phức tạp và dự báo vẫn chưa được cải thiện được trong năm nay”, một vị đại diện Cục trồng trọt cho biết.
Đánh của các nhà chuyên môn tại hội thảo trên, cho biết quản lý yếu kém, chế tài chưa đủ sức răn đe… là những nguyên nhân khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón giả vẫn có đất sống.
Ông Lê Đức Thịnh, Trưởng bộ môn Thể chế nông thôn (Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn- IPSARD) cho biết: “Ở Việt Nam, ngành hóa chất nói chung và hóa chất phục vụ nông nghiệp nói riêng đến nay vẫn chưa có bộ tiêu chuẩn chất lượng chung, vì vậy công tác quản lý còn gặp rất nhiều khó khăn”.
Theo ông Thịnh, mỗi năm Việt Nam có khoảng 3 đợt kiểm tra chuyên ngành về phân bón nhưng kết quả phát hiện và xử lý rất hạn chế, chủ yếu dừng lại ở mức xử phat hành chính, không đủ sức răn đe.
“Điều khiến nhiều người bức xúc, kể cả doanh nghiệp sản xuất phân bón là khi kiểm tra, đoàn kiểm tra có lấy mẫu để phân tích nhưng sau đó hầu như không có phản hồi kết quả”, ông Thịnh cho biết.
Nguyên nhân dẫn đến không có kết quả phản hồi được ông Thịnh, cho biết do kinh phí hạn chế; đoàn kiểm tra không phân tích tất cả các mẫu được lấy.
Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho biết: “Quản lý lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón quá lỏng lẻo; năng lực kiểm định chất lượng phân bón của các phòng phân tích còn hạn chế, có mẫu phân tích cả tháng mới có kết quả… là những nguyên nhân khiến phân bón giả vẫn tồn tại”.
Nông dân “gánh”
Đề xuất của nhiều chuyên gia ngành phân bón tại hội thảo trên là nhanh chóng tìm giải pháp chặn đứng phân bón giả, kém chất lượng tràn ra thị trường vì cuối cùng người chịu thiệt vẫn là nông dân.
Ông Bảnh của Viện lúa cho biết: “Nếu người nông dân mua và sử dụng phải phân bón giả, kém chất lượng, không những bị mất tiền mà năng suất cây trồng có thể bị tổn thất lớn do không cung cấp đủ dinh dưỡng”.
Để giải quyết vấn đề phân bón giả, kém chất lượng, ông Lê Quốc Phong, Phó chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam (FAV), cho biết cần tăng cường kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón của các doanh nghiệp và đại lý, nhất là ở những khu vực vùng sâu, vùng xa vì ở những nơi này hoạt động kiểm tra rất hạn chế.
Theo ông Thịnh, cần xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng phân bón nhằm để doanh nghiệp áp dụng và các cơ quan kiểm tra cũng dễ dàng hơn trong giám sát việc thực hiện cũng như xử lý vi phạm của họ. Bên cạnh đó, Nhà nước cần dành nhiều kinh phí hơn để các đoàn kiểm tra tăng cường lấy mẫu xét nghiệm…
Ông Nguyễn Văn Bộ, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, cho biết mỗi năm Việt Nam sử dụng khoảng 10 triệu tấn phân bón các loại, tuy nhiên, do người dân sử dụng không đúng cách nên có khoảng 45-50% lượng phân bị thất thoát, ước thiệt hại khoảng 2 tỉ đô la Mỹ.
Giết nông dân thực sự chứ hại gì! Chúng tôi đang chết dần đây.