Sản xuất phân bón giả có thể bị phạt tới 150 triệu đồng

Theo dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hoá chất, phân bón, vật liệu nổ công nghiệp đang được Bộ Công Thương xây dựng, hành vi sản xuất, gia công phân bón giả có thể bị phạt tới 150 triệu đồng.

Sản xuất phân bón giả
Sản xuất phân bón giả có thể bị phạt tới 150 triệu đồng

Thông tin trên được nêu trong dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hoá chất, phân bón, vật liệu nổ công nghiệp vừa được Bộ Công Thương công bố lấy ý kiến nhân dân.

Theo văn bản này, các mức xử phạt đối với hành vi sản xuất, gia công phân bón giả căn cứ theo giá trị tương đương với hàng thật

Cụ thể, khung xử phạt thấp nhất là từ 40 – 50 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi vi phạm sản xuất, gia công phân bón giả có giá trị tương đương với hàng thật đến 30 triệu đồng,…

Nếu sản xuất, gia công phân bón giả có giá trị tương đương với hàng thật đến 40 triệu đồng thì mức xử phạt được đề xuất áp dụng là từ 60 – 70 triệu đồng.

Mức xử phạt cao nhất được áp dụng đối với hành vi này là từ 120 – 150 triệu đồng, áp dụng đối với hành vi sản xuất, gia công phân bón giả có giá trị tương đương với hàng thật từ 100 triệu đồng trở lên.

Bán phân rởm cũng bị phạt nặng

Dự thảo này cũng đề xuất phạt nặng hành vi kinh doanh phân bón giả. Theo đó, mức phạt thấp nhất được dự thảo đề xuất là phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh phân bón giả có giá trị tương đương với hàng thật đến 1 triệu đồng.

Tùy theo số lượng phân bón giả kinh doanh, mức phạt sẽ tăng lên tương ứng. Ví dụ, mức phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh phân bón giả có giá trị tương đương với hàng thật từ trên 5 – 10 triệu đồng; còn nếu kinh doanh bón giả có giá trị tương đương với hàng thật từ trên 40 – đến dưới 50 triệu đồng thì mức phạt được nâng lên từ 80 – 90 triệu đồng…

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Sư thật

    Nực cười,

    Sao lại phạt tiền họ và thu về túi nhà nước. Họ là người làm sai, hậu quả của cái sai đó là người nông dân mua phân bón chịu thiệt hại (tốn tiền mua phân đã đành, còn ảnh hưởng đến cần câu cơm của họ và … các hệ lụy khác), vậy người chịu thiệt hại không được đền bù gì ư? Và có kiểm soát được không, câu trả lời là không. Và rồi thì cải tiến tăng mức phạt,… nhưng vẫn không kiểm soát được.

    Cứ ra quy định phạt gian lận thương mại cho người sản xuất và phân phối (thu ngân sách) và mức bồi thường thiệt hại ứng với mỗi kg phân bón giả được phát hiện (người nông dân thu) và phổ biến cách thức nhận diện phân bón giả bằng phương pháp đơn giản (các nhà khoa học giúp) và gởi mẫu đi kiểm định (hiệp hội nông dân làm) và cuối cùng là một tòa án công nghiêm chính. Không ai kiểm soát phân bón giả tốt hơn người nông dân & đại lý phân phối nhưng người nông dân thì họ sẽ chẳng ngu dại gì hại họ còn đại lý có thể vì lợi nhuận nên họ nhắm mắt đẩy thiệt hại cho người nông dân.

    Bà con nào có ý kiến hay hơn xin góp ý. Làm kiểu VN thì trước đến giờ vẫn vậy thôi, cứ đến hẹn lại nháo nhào lên với nào là phương án, cách thức, băng rôn,… và kết quả thì y như cũ.

    1. Rocuca

      Bác Sự Thật ơi! Cảm ơn Bác có ý kiến làm nông dân chúng tôi nức lòng vì chỉ có người nông dân phải gánh hết hậu quả của hệ thống sản suất rồi kinh doanh tội lỗi này. Tôi khẳng định là cửa hàng bán phân bón dư sức biết sản phẩm đó có chất lượng hay không. Đồng tiền làm tất cả họ nhắm mắt và nhẫn tâm thực hiện tội ác. Đạo đức kinh doanh cũng không còn được đề cao trong hoàn cảnh chung của toàn xã hội. Chúng ta hãy cùng giúp nhau tự bảo vệ mình. Khi phát hiện sản phẩm nào hãy nói ra để mọi người cùng tránh.

  2. su that

    Tội này nên phạt treo cổ vì hậu quả của nó quá lớn tương đương tội phá hoại tài sản công dân và phá hoại nền sản xuất lành mạnh gây hậu quả nghiêm trọng.

  3. Hòa Lâm Hà

    1 anh nông dân ăn trộm một con gà, phạt – lưu hồ sơ; ăn trộm một con lợn, phạt, kết tội – có tiền án; ăn trộm một con trâu, đền – lãnh án tù.
    1 cá nhân, 1 công ty làm hàng giả, hại loài người, hại cả môi trường, suy thoái lòng tin, hại cả đất nước … phạt 150 triệu, hết?
    Kết: còn nhiều nhiều nữa các cá nhân, công ty làm hàng giả, không những bây giờ mà còn mãi đến mai sau!

  4. nông dân @ .

    Phân giả giống như liều thuốc độc giết chết người nông dân . 150 triệu chỉ đủ cho 1 hộ nông dân trung bình mua phân trong 2 năm, nhưng thiệt hại thì không thể tính hết được (hiện tại và lâu dài) . Thật nực cười khi bài báo này nói “Sản xuất phân bón giả có thể bị phạt tới 150 triệu đồng” sặc! sặc!

Tin đã đăng