Chào giao thừa Quý Tỵ, giá cà phê vươn cao

Giá cà phê nội địa tăng lên mức cao nhất tính từ đầu niên vụ 2012-13 đến nay.  Cả tuần trước Tết, giá kỳ hạn và nội địa tăng liên tục, tạo thêm phân khởi cho người trồng cà phê đón Tết Nguyên Đán Quý Tỵ 2013.

Giá nội địa bung cao chào Giao thừa

Hôm nay, thứ bảy 9-2, ngày đón Giao thừa mừng năm mới Quý Tỵ. Thị trường cà phê có một tuần đầy ắp niềm vui. Sáng nay, giá cà phê nhân xô trên thị trường nội địa đã chạm mức 41.500 đồng/kg, tăng 1.200 đồng/kg so với tuần trước. Như vậy, đây là mức cao nhất từ ngày 1-10-2012 đến nay, là ngày đầu niên vụ mới 2012-13.

Điều bất ngờ lớn nhất là số lượng xuất khẩu cà phê của nước ta được thông báo trên thị trường  tăng rất cao, giá không vì vậy mà giảm. Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1-2013, Việt Nam xuất khẩu ước chừng 219.000 tấn cà phê, tăng 34,7% so với tháng 12-2012 và 85,8% cao hơn cùng kỳ cách nay một năm. Con số này cao hơn nhiều so với ước lượng của thị trường, chừng 150.000 tấn và của chính Tổng cục Hải quan với 200.000 tấn.

Như vậy, bình quân lượng xuất khẩu trong 4 tháng đầu niên vụ đã vượt qua mức 150.000 tấn/tháng, quá cao so với nhu cầu thực của nhiều dự đoán trước đây là 120.000 tấn/tháng. Điều này nói lên rằng nông dân và người có hàng cà phê không hề muốn giữ hàng cà phê. Họ đã bán ra đều đặn, từ mức thấp đến mức cao, và mức nào cũng được thị trường chấp nhận. Một lẽ khác, với lượng xuất khẩu bình quân hàng tháng cao như vậy, rõ ràng nhu cầu sử dụng từng tháng của thị trường có thể đã thay đổi, tăng ngoài dự đoán.

Về phương diện kỹ thuật, cấu trúc giá trên sàn kỳ hạn robusta Liffe NYSE liên tục ở thế đảo nghịch (backwardation), hay còn gọi là “vắt giá” từ gần 2 tháng nay. Cấu trúc giá đảo nghịch là giá tháng giao hàng ngay cao hơn giá tháng giao hàng kế cận. Cấu trúc giá này cũng tác động rất mạnh đến số lượng xuất khẩu vì các nhà kinh doanh và người có hàng phải giao tranh thủ đưa hàng tới các cảng đến (ports of destination) của bên mua để giao hàng ngay với giá cao hơn thay vì phải chờ đợi giao chậm với giá thấp hơn.

Tính đến sáng hôm nay, cấu trúc giá kỳ hạn vẫn còn đảo nghịch tuy rất nhẹ, giá tháng giao ngay (hiện nay là tháng 3-2013) cao hơn tháng gia hàng kế cận (tháng 5-2013) chỉ 4 đô la so với trước đây là 40-50 đô la Mỹ/tấn. Lượng xuất khẩu lớn trong tháng 1-2013 có thể đã tác động trực tiếp đến cấu trúc “vắt giá”, làm mức độ giá cách biệt về giá của 2 tháng gần nhất co lại do giảm áp lực “thiếu” hàng.

Sàn kỳ hạn nhảy múa mừng xuân Quý Tỵ

Như để thiết thực mừng xuân Quý Tỵ, giá robusta trên sàn kỳ hạn Liffe NYSE, London, tăng liên tục tính từ đầu tuần đến nay. Giá đóng cửa ngày thứ sáu 8-2 tức rạng sáng thứ bảy 9-2 giờ Việt Nam, sàn kỳ hạn robusta chốt mức 2.123 đô la Mỹ, tăng 74 đô la/tấn, cao hơn nhiều so với giá cuối tuần trước (xin xem biểu đồ 1). Giá tăng một phần do thị trường nghi ngờ chuyện mất mùa ít nhiều là có thực; mặt khác đầu cơ dựa vào thông tin ấy để gom hàng làm giá sau này.

Đối với cán cầu cung-cầu nói chung, trong tuần qua, có nhiều thông tin giữa có lợi và bất lợi đan xen, song không vì thế mà ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.

Báo cáo tồn kho định kỳ cho rằng tại Nhật, nước tiêu thụ cà phê hạng nhì thế giới, lượng tồn kho đến hết năm 2012 đạt 121.604 tấn, tăng 3,7% so với cuối tháng 11-2012 nhưng lại giảm trên 8% so với cuối năm 2011. Bấy giờ, tồn kho cà phê toàn nước Nhật đạt 132.232 tấn.

Báo cáo tồn kho thường kỳ của Liên đoàn Cà phê Châu Âu (European Coffee Federation – ECF) nói rằng tính đến hết tháng 12-2012, tổng tồn kho cà phê tại châu Âu do ECF kiểm soát tăng 216.392 bao đạt  9.763.036 bao so với cuối tháng 11-2012 chỉ 9.546.644 bao (xin xem biểu đồ 2). Lượng giao hàng càng ngày càng tăng của hai nước sản xuất hàng đầu thế giới đã giúp cho tồn kho tại châu Âu thoát khỏi cảnh “đói” hàng.

Tuy nhiên, tại một báo cáo định kỳ hai tuần một lần của sàn kỳ hạn robusta Liffe NYSE, tồn kho thuần robusta được sàn này cấp giấy chứng nhận (certifieds) chỉ còn 102.410 tấn, giảm 3.120 tấn (xin xem biểu đồ 3). Tồn kho certifieds giảm do giá chào bán xuất khẩu tính trên giá chênh lệch (differentials) giữa giá niêm yết với giá giao hàng tại cảng đi (ports of departure) đang còn cao, hạn chế việc đưa hàng lên sàn. Mức giá chuẩn của robusta loại 2 theo qui định của Liffe NYSE là trừ 30 đô la/tấn dưới giá niêm yết của sàn giao tại các kho do sàn chỉ định chủ yếu nằm tại châu Âu và Bắc Mỹ.

Trong khi đó, cà phê nhân loại 2,5% của Việt Nam đang chào giao hàng tại cảng TP. Hồ Chí Minh ở mức trừ khoảng 30 đô la/tấn dưới giá sàn kỳ hạn. Chất lượng loại 2 theo qui định của sàn kỳ hạn robusta cao hơn nhiều so với loại 2,5% bình thường của Việt Nam. Ngoài ra, các khoản phí từ cảng xuất khẩu đến các cảng nhập khẩu được chỉ định cũng chiếm một phần không nhỏ trong giá thành của 1 tấn cà phê.

Duy chỉ một điều đáng lo trên thị trường hiện nay là giá cách biệt giữa hai loại cà phê của 2 sàn arabica Ice New York và robusta Liffe NYSE. Do Brazil ồ ạt xuất khẩu, giá arabica trên sàn Ice liên tục giảm mạnh. Tuần qua, arabica Ice giảm thêm 6,90 cts/lb tức trên 152 đô la/tấn trong khi robusta Liffe NYSE tăng 74 đô la/tấn. Chính vì vậy, giá cách biệt giữa 2 loại nay co lại chỉ còn chừng 950 đô la/tấn hay chừng 43 cts/lb. Trước đây, có lúc giá cách biệt này đạt mức trên 4.100 đô la/tấn. Nếu như trước đây các nhà rang xay mua một tấn arabica phải trả chênh lệch trên 4.000 đô la thì nay chỉ trả 950 đô la/tấn: quá rẻ để họ chọn arabica.

Dù sao, giá cà phê trên các thị trường tăng trước Giao thừa và Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 là những đợt pháo hoa mừng năm mới đầy hạnh phúc và ý nghĩa cho người trồng cà phê nước ta.

Xin chúc ngành sản xuất-kinh doanh cà phê Việt Nam một năm mới vui tươi, thắng lợi.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. chư sê

    Giá trên mạng do các nhà thu mua đưa ra, thừơng hay bị thấp hơn giá bán mua thực khá nhiều. Bởi vậy, khi xuất kho người nông dân cần phải dò hỏi giá cả chính xác, tránh thất thu “ngay trong túi mình”…

Tin đã đăng