Cà phê: giá ngoại nhấp nhô, giá nội lố nhố

Hết xuống lại lên, lên rồi xuống…đó là đường đi của thị trường cà phê tuần qua. Giá cả bấp bênh đã đành, các công ty “tay ngang” còn làm mưa làm gió trên thị trường nội địa nhờ mánh trốn thuế. Họ đã gian lận thuế hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng. Qua đó, họ đã diệt trừ “người ngay” ra khỏi địa bàn nguyên liệu, đưa nhiều công ty làm ăn chân chính trở thành “con nghiện” phụ thuộc nguồn hàng của “kẻ gian”.

Tồn kho cạn, giá vẫn chao đảo

Tồn kho cà phê châu âu
Biểu đồ 1: Tồn kho cà phê châu Âu theo ECF

Tồn kho cà phê châu Âu, thị trường tiêu thụ cà phê quan trọng của nước ta, giảm khá mạnh vì mùa đông ở trời Tây năm nay giá rét bất thường. Thế mà, thị trường cà phê vẫn chưa chịu cất cánh.

Báo cáo tồn kho thường kỳ của Liên đoàn Cà phê châu Âu (European Coffee Federation – ECF) nói rằng tính đến hết tháng 11-2012, tổng tồn kho cà phê tại châu Âu do ECF kiểm soát được giảm 314.684 bao, chỉ còn 9.546.644 bao, gần cận với mức đáy xảy ra vào tháng 4-2012. Bấy giờ, tồn kho châu Âu chỉ suýt soát 9,36 triệu bao. So với cách đây 12 tháng, tồn kho châu Âu đã biến mất 1.112.354 bao.

Vào cuối năm 2010, khi có tin tồn kho châu Âu giảm chỉ còn chừng 10 triệu bao từ mức gần 16-17 triệu bao, giá kỳ hạn robusta đã tăng “một lèo” từ mức chung quanh 1000 đô la lên trên 2500 đô la/tấn. Với lượng tồn kho khá hạn chế như hiện nay, hy vọng lịch sử sẽ được lặp lại, giá kỳ hạn sẽ vững trong thời gian tới đây. Để đạt được điều này, lượng bán ra từ Việt Nam, nước xuất khẩu robusta lớn nhất thế giới, mang tính quyết định xét về mặt cung-cầu.

Tồn kho cà phê Robusta tại London
Biểu đồ 2: Tồn kho cà phê thuần robusta của sàn Liffe NYSE [certifieds]
Tại một báo cáo thường kỳ quan trọng khác, lượng tồn kho thuần robusta tính đến hết ngày 21-1-2013 tại các kho được sàn Liffe NYSE chấp nhận tăng 670 tấn, đạt 105.530 tấn so với 2 tuần trước chỉ 104.860 tấn. Đại bộ phận hàng mới đến các kho châu Âu có xuất xứ Việt Nam.

Theo các nhà phân tích thị trường, ước lượng cà phê robusta của nước ta được tiêu thụ thực sự trên toàn thế giới bình quân chừng 120.000 tấn/tháng. Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu niên vụ từ 1-10-2012 đến 31-1-2013, lượng xuất khẩu dự kiến có thể lên đến 140.000 tấn/tháng. Hàng cà phê xuất khẩu xuống tàu nhiều cộng với cấu trúc giá trên sàn bị đảo nghịch, hay còn gọi là “vắt giá”, tức giá niêm yết tháng giao dịch gần (hiện là 1-2013) cao hơn tháng giao dịch xa (3-2013), lượng tồn kho robusta do Liffe NYSE tăng là điều dễ hiểu (xin xem biểu đồ 3 gồm giá tháng 1-2013 màu xanh và 3-2013 màu đỏ).

Giá kỳ hạn lùm xùm, giá nội địa rối tung

Giá cà phê robusta trên sàn kỳ hạn Liffe NYSE khởi đi đầu tuần không mấy phấn khởi. Chỉ trong 2 ngày đầu tuần, giá đóng cửa kỳ hạn robusta rớt gần 40 đô la/tấn. Giá thấp, ít ai mua bán, giá kỳ hạn lại tăng tại phiên khuya thứ sáu 25-1 tức rạng sáng nay thứ bảy 26-1-2013 giờ Việt Nam. Cả tuần, giá sàn robusta giảm 17 đô la/tấn trong khi sàn arabica giảm mạnh, mất cả thảy 8 cts/lb tức chừng 176 đô la/tấn so với giá đóng cửa cuối tuần trước (xin xem biểu đồ 3).

Thị trường nội địa chòng chành liên tục theo “sóng” giá sàn kỳ hạn London. Trong tuần, giá nội địa có khi giảm chỉ còn 39.000 đồng. Đến sáng nay, giá quay lại mức 39.300-39.500 đồng/kg, giảm từ 300-500 đồng/kg so với cách nay bảy ngày. Tuy nhiên, các mức trên chỉ được gọi là tạm “chính thống” vì khả dĩ cân đối được với đầu ra. Ở nhiều nơi, giá nội địa được các công ty “tay ngang” mua với giá cao hơn, có khi trên cả 1000 đồng/kg.

Giá cà phê Robusta đóng cửa tại sàn Liffe
Biểu đồ 3: Giá đóng cửa sàn kỳ hạn robusta London tuần qua

Mua bán lòng vòng. Mua lượng ít khai gấp nhiều lần để rút tiền thuế. Mua giá cao tại địa bàn nguyên liệu rồi đưa về các trung tâm chế biến ở các tỉnh, thành phố đồng bằng bán giá thấp hơn để ăn gian thuế giá trị gia tăng (GTGT). Một số công ty “tay ngang” từ các tỉnh khác thực sự đã “đuổi” các công ty xuất khẩu cà phê làm ăn chính thống lâu nay khỏi đất sống của mình. Trong đó, thậm chí một số công ty có trụ sở ngay tại các tỉnh có vùng nguyên liệu phải đi mua cà phê ở các tỉnh, thành phố khác để thực hiện cho được các hợp đồng xuất khẩu.

Một phát hiện của Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Du lịch Daklak gần đây cho biết hầu hết các công ty gian lận thuế đều là những đơn vị nay hiện mai biến, chủ yếu từ các tỉnh ngoài đến. Họ mua một lượng cà phê ít với giá cao hơn giá thị trường, có khi cao hơn cả 1000-2000 đồng/kg. Nhưng, họ đã xuất hóa đơn giá trị gia tăng với số lượng cao gấp nhiều lần để ăn cắp tiền thuế. Trong khi đó, cà phê được họ đưa về các trung tâm chế biến tại các tỉnh, thành phố đồng bằng bán với giá ngang bằng giá thị trường hoặc thấp hơn.

Vì vậy trong thời gian qua, các công ty xuất khẩu chân chính và các công ty có vốn đầu tư nước ngoài đóng trên địa bàn vùng nguyên liệu đều phải bó tay chịu chết, không mua được nguyên liệu tại chỗ để chế biến và xuất khẩu. Do mua bán kiểu ăn xổi ở thì, cà phê không đảm bảo chất lượng, nguyên liệu đầu vào thiếu đồng nhất, không thể chế biến được hàng tốt để tăng giá trị gia tăng trong xuất khẩu, làm mất đi một lượng ngoại tệ lớn.

Tại một số nơi khác, các cấp quản lý thị trường cũng đang nỗ lực hạn chế tình trạng này bằng cách tăng cường kiểm tra hàng ra khỏi tỉnh. Có nơi, nông dân được yêu cầu khai báo lượng hàng bán ra và khuyến khích bằng tiền.
Hiện tượng tiêu cực này đã được phát hiện và báo cáo tại nhiều cuộc họp trong và ngoài ngành, đến nay các cấp quản lý thị trường một số nơi bắt đầu ra tay ngăn chặn. Nếu giải quyết không triệt để, nhiều công ty đang làm ăn đàng hoàng chắc phải dẹp tiệm vì không chủ động được nguyên liệu và nhà nước thất thu lớn từ nguồn thu thuế GTGT. Mặt khác, mua bán kiểu này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lượng xuất khẩu cà phê hàng năm nay mai. Năm 2012, cả nước xuất khẩu chừng 1,7 triệu tấn cà phê thu về trên 3,6 tỉ đô la Mỹ.

Chuyên gia: Cà phê thừa, giá vẫn tốt

Một cuộc thăm dò mới nhất của Reuters với 20 chuyên gia và nhà kinh doanh cà phê trên toàn thế giới đưa ra kết quả bình quân về sản lượng và giá cả cà phê sắp tới khá lạc quan. Theo đó, sản lượng niên vụ 2012/13 của thế giới có thể đạt 147 triệu bao, thừa 6 triệu bao so với lượng tiêu thụ toàn cầu 141 triệu bao.

Có người cho rằng nếu như sản lượng robusta của Việt Nam giảm, thì cán cân cung cầu robusta của thế giới vẫn trong thế cân bằng. Đã vậy, thì arabica bị thừa. Trong những năm qua, do giá arabica tăng quá cao, nhiều nhà rang xay chuyển sang sử dụng robusta, giá rẻ hơn, thường được sử dụng cho chế biến cà phê hòa tan. Nhờ yếu tố ấy, robusta năm nay vẫn tiếp tục được yêu chuộng nên có thể giúp giá sàn kỳ hạn robusta vững.

Cũng theo kết quả thăm dò, giá kỳ hạn robusta đến cuối năm 2013 vẫn có thể tăng 14%, lên mức 2.200 đô la/tấn so với giá cuối năm 2012 là 1924 đô la/tấn. Còn arabica, sau đợt giảm giá mạnh năm 2012, sàn kỳ hạn New York được dự đoán cũng sẽ tăng 15% so với cuối năm 2012, lên chừng 165 cts/lb vào cuối năm 2013.

Đây là đợt thăm dò thường kỳ của Reuters nhằm giúp thị trường có một cái nhìn khái quát, mang đầy tính phỏng đoán. Tuy nhiên, do thăm dò được thực hiện với người chuyên nghiệp, các con số sản lượng hầu như khá sát thực tế. Với Brazil, kết quả thăm dò cho thấy sản lượng niên vụ 2013/14 nước này chừng 52,5 triệu bao, cao hơn chừng 1 triệu bao so với dự báo của bộ nông nghiệp nước này. Còn dự báo sản lượng 2012/13 của nước ta ước đạt 25 triệu bao, tức 1,5 triệu tấn, là con số bình quân của 20 câu trả lời gồm từ số nhỏ nhất là 23 và lớn nhất là 28 triệu bao.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. PHAN TRONG NGHIA

    Dự đoán chỉ là dự đoán, hiện arabica chưa tìm được đáy, nghe nói các quỹ phòng hộ đang đang bán khống một lượng hàng giấy arabica hơi nhiều.

  2. PHAN TRONG NGHIA

    Bao giờ cà phê Lon don nằm trên 2038 thị trường mới có xu hướng tăng. Còn không vẫn còn nằm trong xu hướng giảm, thị trường đang đi trong biên độ hẹp, nếu nằm dưới 1894, xu hướng giảm hiện rõ ràng.

Tin đã đăng