Cà phê: Xuất khẩu nhiều, giá vẫn lên đều

thống kê xuất khẩu cà phê 3 tháng đầu niên vụ của nước ta đưa ra con số khá lớn, giá cà phê trên thị trường nội địa cũng như tại sàn kỳ hạn robusta London vẫn tăng. Tồn kho arabica của sàn Ice New York càng lúc càng nhiều nhưng giá sàn arabica vẫn cứ tăng ùn ùn…làm đầu kéo cho giá cà phê lên khắp nơi.

Giá đóng cửa sàn kỳ hạn robusta London tuần qua
Biểu đồ 1: Giá đóng cửa sàn kỳ hạn robusta London tuần qua

Giá nội địa lên dần

Tuần qua, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên nhích lên dần, có lúc chạm mức 40.000 đồng/kg so với giá ngày thứ bảy tuần trước chỉ 38.800 đồng/kg. Nông dân vẫn túc tắc bán ra theo các mức tăng hàng ngày.

Một nông dân tên Tâm tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng cho biết gia đình chị sản xuất được 8 tấn. Chị sẽ bán ra dần trong vòng 4 đợt với điều kiện do chị đặt ra “giá bán lần sau phải cao hơn lần trước” để bảo đảm cân đối chi tiêu gia đình. Theo chị, cách bán ấy sẽ giúp thị trường cà phê khỏi chịu sức ép giá như cách bán ra một lần cách đây mấy năm. Chị nói: “Trưa thứ sáu 18-1, tôi bán 2 tấn lần hai với giá 40.000 đồng/kg. Lần đầu, bán giá thấp hơn nhưng không tệ lắm”, chị phân bày. Tuy nhiên sáng nay 19-1, giá chỉ 39.800 đồng/kg, tăng 1.000 đồng so với tuần trước.

Trên sàn cà phê kỳ hạn robusta Liffe NYSE London, tuy phiên cuối tuần ngày thứ sáu 18-1 giá khá lừng khừng, đóng cửa rạng sáng thứ bảy 19-1 theo giờ Việt Nam, giá tháng 3-2013 nay là tháng giao dịch chính âm 2 đô la, chốt mức 1.976 đô la/tấn. Song, mức ấy vẫn cao hơn 32 đô la/tấn so với giá đóng cửa cách đây 1 tuần.

Cũng trên sàn cà phê robusta London, tuy không còn ai giao dịch trong mua bán hàng thực xuất khẩu dựa trên tháng 1-2013, giá tháng này vẫn treo cao hơn giá tháng 3-2013 trong khoảng chừng từ 40-50 đô la/tấn. Ngay tại thời điểm sáng nay (19-1), giá tháng 1 vẫn “vắt” cao hơn tháng 3-2013 đúng 50 đô la/tấn, nằm ở mức 2.026 đô la/tấn (xin xem biểu đồ 1 giá tháng 1 màu xanh, tháng 3 màu đỏ).

Ngày cuối tuần, giá cà phê sàn robusta chững lại do các hãng kinh doanh và rang xay đang còn ngóng đợt bán ra lớn trước Tết Nguyên Đán từ Việt Nam nên chưa chịu mua mạnh, vài người nói vậy. Tuy nhiên, nhận định của một số nhà xuất khẩu cho rằng tuần qua may nhờ có sàn cà phê arabica “cứu”. Cả tuần giá tháng 5 sàn Ice arabica tăng 6,7 cts/lb tương đương với 148 đô la/tấn. Chính nhờ thế, giá cà phê sàn robusta Liffe NYSE khỏi quay đầu sau khi có tin nước ta xuất khẩu mạnh trong các tháng đầu niên vụ.

Tồn kho chộn rộn…

Tồn kho cà phê Robusta London
Biểu đồ 2: Tồn kho certifieds tại sàn kỳ hạn robusta London giảm

Tại nước tiêu thụ lớn nhất thế giới, Hiệp hội Cà phê Hạt của Mỹ (Green Coffee Association) công bố báo cáo tồn kho thường kỳ cho rằng đến hết tháng 12-2012, tồn kho cà phê tại Mỹ đạt 4.735.825 bao 60kg x 1 bao (tức 284.150 tấn), giảm 166.272 bao so với tháng 11-2012 nhưng lại cao hơn 10% so với cùng kỳ cách đó 1 năm. Suốt 12 tháng năm 2012, tồn kho GCA Mỹ tăng 440.758 bao. Dù sao, đây là tháng 12 hàng năm có lượng tồn kho giảm mạnh nhất. Từ năm 1989 đến 2011, bình quân tồn kho trong thời gian này tăng 31.740 bao trong các tháng 12.

Mặt khác, tồn kho thuần cà phê arabica được sàn kỳ hạn Ice New York xác nhận chất lượng (certifieds) đã vượt qua con số 2,6 triệu bao để đạt 2.606.586 bao (tức 156.395 tấn) tính đến sáng nay. Lượng tồn kho certifieds này dự kiến còn tăng mạnh và đều vì vẫn còn chừng 60.000 bao đang xếp hàng chờ kiểm định chất lượng theo qui định và qui cách của sàn (xin xem biểu đồ 3-tồn kho cà phê Arabica certifieds [xanh dương] và tồn kho GCA [xanh lục].

Tồn kho cà phê Arabica
Biểu đồ 3: Tồn kho certifieds arabica [màu xanh dương] so với tồn kho theo GCA [màu xanh lục]
Từ mấy tuần nay, thống kê tồn kho certifieds cà phê arabica của sàn kỳ hạn Ice luôn luôn cao hơn số lượng tồn kho cà phê robusta certifieds của sàn Liffe NYSE London. Đây là một hiện tượng khác thường trước nay chưa hề xảy ra. Báo cáo thường kỳ tồn kho cà phê robusta certifieds của robusta London cho rằng tính đến hết ngày 7-1-2013, lượng cà phê robustacertifieds tại các kho thuộc sàn này chỉ còn 104.860 tấn, giảm so với báo cáo 2 tuần trước đó 1.680 tấn (xin xem biểu đồ 2).

Đã khá lâu, tồn kho cà phê robusta được Liffe NYSE xác nhận chất lượng đã bị lượng cà phê arabica qua mặt. So sánh 2 báo cáo mới nhất của 2 sàn, tồn kho certifieds arabica có trên 51 ngàn tấn cao hơn certifieds robusta và mức cách biệt tồn kho 2 loại này trên 2 sàn kỳ hạn còn có khả năng ngày càng xa. Điều này được hiểu rằng đầu cơ và các hãng kinh doanh đang bám chặt thị trường cà phê arabica để tích trữ hàng. Một nhà phân tích thị trường tại Tp. Hồ Chí Minh công nhận rằng đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngành hàng, tồn kho certifieds arabica cao hơn nhiều so với tồn kho robusta.

Vì, có thể arabica vừa qua được mùa lớn tại Brazil và các nước châu Mỹ La-tinh, nên hàng được tuôn ra mạnh với giá rẻ. Trước đây, giá arabica so với robusta quá đắt nên robusta đã được đầu cơ chọn để tích trữ và nhắm đến đầu cơ giá khi các điều kiện cho phép. Nay, arabica chỉ cách biệt với robusta chừng 1200-1300 đô la/tấn so với ngày nào trên 3500-4000 đô la. Vả lại, sàn Ice đang tạo dễ dàng về chất lượng để mở cửa cho cà phê arabica vào sàn nhiều hơn. “Biết đâu, khi tồn kho arabica được tích đủ lớn, giá sàn arabica Ice sẽ có chuyện y như khi robusta đã từng “được chọn mặt gửi vàng” với nào là vắt giá, hay siết giá chênh lệch trong mua bán xuất nhập khẩu (differentials).

Tồn kho certifieds arabica tăng, giá sàn Ice arabica không vì thế mà giảm trong tuần qua. Ngược lại, tăng khá mạnh và trở thành đầu tàu kéo giúp robusta tăng theo.

Xuất khẩu vẫn ùn ùn…

Con số ước báo xuất khẩu cà phê mới nhất của Tổng cục Hải quan nói rằng xuất khẩu tháng 12-2012 của Việt Nam đạt 162.539 tấn, tăng 33,3% so với tháng 11-2012, giảm so với ước đoán trước đây của Tổng cục Thống kê là 170.000 tấn và của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn là 201.000 tấn.

Như thế, tổng lượng xuất khẩu cà phê trong 3 tháng đầu niên vụ 2012-13 là 10/11 và 12-2012 đạt 387 ngàn tấn so với 259 ngàn tấn cùng kỳ cách 1 năm trước đó. Dự kiến lượng xuất khẩu tháng 1-2013 vẫn sẽ không giảm, có thể quanh mức từ 150-180 ngàn tấn. Riêng bình quân lượng xuất khẩu của 3 tháng đầu niên vụ mỗi tháng đạt 129 ngàn tấn/tháng so với năm ngoái chỉ 86 ngàn tấn/tháng. Con số xuất khẩu bình quân hàng tháng 129 ngàn tấn là khá lớn so với nhu cầu sử dụng thực sự của rang xay trên toàn thế giới đối với hàng cà phê Việt Nam.

Nếu đứng phía thị trường để giải thích, lượng xuất khẩu cà phê trong những tháng vừa qua tăng mạnh là nhờ giá sàn robusta London có cấu trúc đảo nghịch từ ba bốn tuần nay. Hiện tượng ấy đã khiến nhiều nhà kinh doanh nhanh chân giao hàng. Thậm chí bên mua cho phép người bán được giao hàng ngay thay vì đợi đến các tháng 2,3 và 4-2013 mới giao, để họ tranh thủ chốt bán với mức cao theo giá sàn tháng 1-2013 hiện nay. Không hẹn mà gặp, nhiều hàng tàu đồng lòng nâng cước phí vận tải biển trong nửa cuối tháng 12-2012 cho những chuyến đi châu Âu và Mỹ, nên nhiều hãng kinh doanh phải kéo hàng lên tàu trước qui định tăng cước để tránh tăng phí.

Mua và tìm cách kéo hàng đi nhiều, song không ầm ĩ như trước. Liệu đây có phải là lúc người mua trên thị trường cà phê đang áp dụng chiến thuật “nhiều chuyến hơn đông đò”? Một khi có nhiều hàng rồi, một cách bất ngờ, sẽ tìm cách khống chế giá nhằm hưởng lợi lớn sau này.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng