Xuất khẩu nông sản: Cần quan tâm đến lợi ích nông dân

Năm 2012 tiếp tục là một năm thành công đối với xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khi kim ngạch đạt 27,54 tỷ USD, tăng 9,7% so với năm 2011. Và còn vui hơn khi chứng kiến nhiều mặt hàng nông sản chủ lực lập kỷ lục. Tuy nhiên tất cả vẫn chưa đủ mang niềm vui đến cho doanh nghiệp, nông dân…

Xem thêm: Nhìn lại tình hình xuất khẩu nông sản: Hy vọng năm mới khởi sắc

Nhiều niềm vui

Có thể thấy, nhiều ngành hàng nông sản xuất khẩu đã lập kỷ lục trong năm 2012, trước hết là xuất khẩu gạo. Mặc dù xuất khẩu gạo Việt Nam đã để tuột mất ngôi “vương”, nhưng với khối lượng xuất khẩu đạt 8,1 triệu tấn, trị giá 3,7 tỷ USD, tăng 13,9% về lượng và 2,1% về giá trị so cùng kỳ năm trước, xuất khẩu gạo nước ta vẫn tiếp tục giữ vững vị trí thứ 2 trong top 10 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới mà nhiều năm qua đã nắm giữ.

Cà phê là một mặt hàng nông sản chủ lực có sự tăng trưởng mạnh về sản lượng xuất khẩu. Vụ cà phê 2011 – 2012, Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,76 triệu tấn, trị giá 3,74 tỷ USD, tăng 40,3% về lượng và 36% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Với sản lượng này, lần đầu tiên Việt Nam đã vượt qua Brazil để trở thành nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới.

Cao su cũng là mặt hàng xuất khẩu có sự “thăng hạng” trong năm 2012 khi xuất khẩu hơn 1,02 nghìn tấn, thu về 2,85 tỷ USD, tăng 25% về lượng, nhưng lại giảm 11,7% về giá trị. Với lượng xuất khẩu này, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu cao su tự nhiên lớn thứ ba thế giới, sau Thái Lan và Indonesia.

Năm 2012 cũng ghi nhận kỷ lục về lượng trong xuất khẩu hạt điều khi đạt 223.000 tấn điều, trị giá 1,483 tỷ USD, tăng 25,4% về lượng và 0,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2011. Theo đó, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới, vượt qua cả Ấn Độ và Brazil.

Nhưng có lẽ mức tăng trưởng ấn tượng nhất cả về khối lượng lẫn giá trị thuộc về nhóm hàng sắn và sản phẩm từ sắn. Trước đây, sắn chưa hề được coi là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực. Tuy nhiên trong năm 2012, sắn đã khiến các cơ quan quản lý nhà nước phải suy nghĩ lại khi đạt kỷ lục xuất khẩu 4,21 triệu tấn, trị giá 1,35 tỷ USD, tăng 57,1% về lượng và 40,6% về giá trị so cùng kỳ năm 2011.

Việt Nam tiếp tục là nước xuất khẩu hồ tiêu số 1 trong năm 2012 khi chiếm hơn 50% lượng hàng giao dịch thế giới, với khối lượng xuất khẩu đạt 120.000 tấn, trị giá 802 triệu USD.

Từ nhiều năm nay, rau quả là ngành hàng xuất khẩu “ì ạch” nhất so với các nông sản khác. Tuy nhiên, trong năm 2012, mặt hàng này lại gây ngạc nhiên lớn khi đạt 770 triệu USD, tăng trên 120% so với năm 2011. Với đà tăng trưởng này, mục tiêu phấn đấu đạt 1 tỷ USD xuất khẩu rau quả trong năm 2013 sẽ không khó nếu duy trì và phát huy được những thành quả như hiện nay.

Tình hình tiêu thụ chè trong năm 2012 cũng khá khả quan khi chứng kiến sự tăng trưởng ở hầu hết các thị trường lớn, ngoại trừ Nga và Đức. Pakistan tiếp tục là thị trường tiêu thụ chè lớn nhất của Việt Nam khi chiếm đến 19,8% thị phần. Tính đến hết năm 2012, Việt Nam đã xuất khẩu 148.000 tấn chè, trị giá 227 triệu USD, tăng 10,8% về lượng và 11,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2011.

Nhưng cũng lắm nỗi buồn

Với những sự “thăng hạng” trên, các mặt hàng nông sản chủ lực tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng trong nền kinh tế nước ta, cũng như trên thị trường nông sản thế giới. Tuy nhiên, điều đáng buồn là dù sản lượng xuất khẩu tăng mạnh, nhưng giá trị sản phẩm thu về lại tăng không đáng kể.

Ngành gạo tuy có thể tự hào với kỷ lục mới về lượng gạo xuất khẩu, nhưng lại không thể vui bởi giá giảm mạnh so với năm 2011. Thực tế cho thấy, giá gạo xuất khẩu của nước ta có xu hướng giảm, bình quân chỉ ở mức 457 USD/tấn, giảm 10,4% so với năm 2011. Do giá gạo xuất khẩu giảm mạnh nên lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo và người trồng lúa cũng giảm đi đáng kể.

Cà phê thắng lớn khi lượng xuất khẩu tăng mạnh, đưa Việt Nam soán ngôi vị số 1 thế giới. Tuy nhiên, điều chưa vui là của ngành cà phê nước ta chính là giá bán vẫn đứng vào nhóm cuối bảng (giá cà phê xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm 2012 chỉ đạt 2.137 USD/tấn, giảm 3,08% so với cùng kỳ năm 2011).

Đối với xuất khẩu cao su, mặc dù khối lượng xuất khẩu tăng 25% nhưng lại giảm 1,7% về giá trị. Đồng thời, giá xuất khẩu trung bình 11 tháng đầu năm cũng chỉ đạt 2.816 USD/tấn, giảm 31,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Khối lượng cao su xuất khẩu tăng tại một số thị trường lớn như Malaysia tăng gấp 3,4 lần, Ấn Độ gấp 3 lần. Tuy nhiên, giá giảm liên tục từ đầu năm đến nay nên giá trị xuất khẩu cao su giảm so với cùng kỳ năm 2011.

Chỉ có ngành hàng hồ tiêu trong năm 2012 là vẫn có được niềm vui lớn khi lập kỷ lục mới về giá trị xuất khẩu, đạt 802 triệu USD và quan trọng hơn nữa là đảm bảo giá bán cũng như lợi nhuận của người trồng tiêu. Trong năm 2012, giá xuất khẩu hạt tiêu đạt bình quân gần 7.000 USD/tấn, cao hơn gần 1.000 USD/tấn so với năm 2011. Có thể nói, với ngành hàng hồ tiêu, lợi thế luôn thuộc về nông dân và doanh nghiệp Việt Nam, khác xa so với nhiều mặt hàng nông sản khác vốn phụ thuộc vào thị trường thế giới. Hồ tiêu là mặt hàng đầu tiên mà bà con nông dân không bán ra ồ ạt khi vào vụ thu hoạch, cùng tham gia dự trữ, điều tiết thị trường làm nhà nhập khẩu từ kinh ngạc đến lo ngại.

Mặc dù kinh tế thế giới và Việt Nam tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhưng với những nỗ lực, ngành nông nghiệp vẫn đạt được những kết quả khả quan. Theo đó, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của nền kinh tế nước nhà, tuy nhiên thu nhập của nông dân thật sự vẫn còn bấp bênh. Muốn nông nghiệp thực sự “vươn xa”, không nên quá bận tâm với vị trí nhất hay nhì trong xuất khẩu mà nên dành sự quan tâm đến chính sách dài hạn để phát triển vì lợi ích lâu dài của nông dân, phải lấy việc tăng giá trị, tăng lợi nhuận làm đích đến.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. dinh xuaneatul

    Sản xuất nông nghiệp của Việt Nam chúng ta luôn đứng ở tốp đầu của thế thế giới nhưng người nông dân lúc nào cũng khổ, luôn tự chống chọi với mọi điều kiện khắc nghiệt thời tiết, giá cả bấp bênh. Có dịp về quê Hà tĩnh tôi thấy nông dân bỏ ruộng không làm vì không có lợi nhuận thấy mà thương.

Tin đã đăng