Phân bón trả chậm nhưng… kém chất lượng

Đã hơn một năm nay, cuộc sống của năm cán bộ thôn ở xã Cuôr Knia, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) bị đảo lộn hoàn toàn chỉ vì món nợ… “trời ơi”. Họ đứng ra làm trung gian phân phối phân bón trả chậm cho nông dân theo chủ trương của xã. Thế nhưng người dân phát hiện phân bón kém chất lượng không trả tiền, khiến họ mang nợ hơn 1,3 tỷ đồng.

Xem chuyên đề: >> Phân bón giả

Bỗng dưng… mang nợ

Vụ việc xảy ra vào năm 2008, UBND xã Cuôr Knia có chủ trương đứng ra tín chấp với một số công ty phân bón để người nông dân được mua theo hình thức trả chậm (nhận phân thanh toán 50%, còn lại cuối năm trả hết). Chủ trương này phù hợp nên được người dân ủng hộ. Các hộ dân muốn mua phân trả chậm phải đăng kí xã và có xác nhận của ông Lê Quang Tâm (lúc đó là Phó Chủ tịch UBND xã Cuôr Knia). Từ tháng 3 đến tháng 6/2008, ông Lê Quang Tâm với tư cách cá nhân đã nhận của Công ty cổ phần Sản xuất – thương mại và dịch vụ Phú Mỹ (Đồng Nai) và Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển công nghệ Việt Mỹ (Bình Dương) 180 tấn phân để tiêu thụ tại các xã Ea Bar, Ea Nuôl và Cuôr Knia. 120 tấn phân được tiêu thụ tại xã Cuôr Knia lại được phân phối thông qua một trung gian khác là 5 cán bộ thôn gồm các ông Cao Minh Hà, Lưu Thanh Giáp, Phạm Văn Trần, Cao Quang Nam và Lê Xuân Sự.

truong-thon-phan-bon-gia
Các trưởng thôn đang trình bày vụ việc

Sau khi nhận phân, các hộ dân đem bón cho cà phê thì thấy phân không tan, cây vàng lá, trái non rụng hàng loạt. Khi đem phân hòa vào nước thì chỉ thấy cát và đất sét. Thôn đã họp bàn và thống nhất lấy mẫu phân đi giám định chất lượng tại Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên.

Kết quả, mẫu phân NPK 16.16.8.13S (của Công ty Việt Mỹ): Thành phần đạm chỉ có 3,5%, lân 9,86%, kali 1,93%, lưu huỳnh 1,08%. Mẫu phân NPK 16.8.16.13S (Công ty Phú Mỹ): Đạm 5,6%, lân 3,12%, kali 4%, lưu huỳnh 5,15%. Do là phân bón kém chất lượng nên các hộ dân không thanh toán số tiền còn lại. Sự việc được báo cáo lên các cấp chính quyền xem xét giải quyết và yêu cầu công ty bồi thường thiệt hại. Công an huyện Buôn Đôn đã về làm việc, lấy mẫu phân đi giám định nhưng không thấy thông báo kết quả và giải quyết vụ việc.

Khi sự việc xảy ra, các công ty cung cấp phân bón cũng “cao chạy xa bay” và ông Lê Quang Tâm nói là “xí xóa số tiền còn lại”. Vụ việc những tưởng đã êm xuôi nhưng lại xôn xao trở lại khi đến cuối năm 2011, ông Lê Quang Tâm (lúc này đã bị cách chức, khai trừ khỏi Đảng do vi phạm kỉ luật ở vụ việc khác) khởi kiện 5 cán bộ thôn ra TAND huyện Buôn Đôn đòi phải trả số tiền đã mua phân còn thiếu.

Tại phiên xét xử sơ thẩm vụ kiện “Tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản”, ngày 7 và 8/1/2012, TAND huyện Buôn Đôn đã chấp nhận đơn khởi kiện của ông Lê Quang Tâm và buộc 5 cán bộ thôn phải hoàn trả số tiền gần 1,3 tỷ đồng (gồm tiền gốc và lãi suất 1,5%). Năm cán bộ thôn từ trung gian phân phối theo chủ trương của xã “bỗng dưng” phải gánh số nợ gần 1,3 tỷ đồng, người ít thì gần 70 triệu đồng, người nhiều lên đến gần 400 triệu đồng.

Từ khi nhận được món nợ trên trời rơi xuống cuộc sống của gia đình năm trưởng thôn có nhiều đảo lộn. “Tôi làm trưởng thôn đã mười mấy năm, gia cảnh khó khăn nhưng chưa tơ hào một đồng của dân. Bây giờ gánh món nợ mấy trăm triệu đồng dù có bán nhà cũng không đủ trả”, ông Phạm Văn Trần nói trong cay đắng. Còn ông Cao Minh Hà bức xúc: “Thấy chủ trương của xã về việc mua phân trả chậm là phù hợp, chúng tôi nhiệt tình làm để người dân bớt khổ nhưng lại mắc nợ”.

Bản án sơ thẩm còn nhiều khuất tất

Không đồng tình với bản án, các bị đơn đã kháng cáo. Ngày 10 và 11/7/2012, TAND tỉnh Đắk Lắk đã xét xử phúc thẩm vụ việc. Tòa đã tuyên hủy Bản án sơ thẩm số: 02/2011/DSST, trả lại hồ sơ cho TAND huyện Buôn Đôn điều tra, giải quyết lại theo quy định.

Theo phân tích của tòa phúc thẩm, tòa sơ thẩm không đưa UBND xã Cuôr Knia và người mua phân vào tham gia tố tụng để làm rõ trách nhiệm là không đúng. Vì mua phân trả chậm là chủ trương của xã; các hộ mua phân phải làm đơn và có xác nhận của xã do ông Lê Quang Tâm kí. Các hộ dân là người nhận phân và thanh toán tiền, còn cán bộ thôn chỉ đứng làm trung gian phân phối, thu tiền nộp về cho ông Tâm để hưởng hoa hồng.

Mặt khác, tòa sơ thẩm cũng không làm rõ trách nhiệm việc để mẫu vật hết thời hạn mới đưa đi giám định thuộc về tổ chức, cá nhân nào. Bởi sau khi sự việc xảy ra, Công an huyện Buôn Đôn đã xuống lấy mẫu vật vào ngày 27/7 và 30/10/2008 (khi phân còn trong thời hạn sử dụng) nhưng đến đến ngày 17/9/2009 mới gửi cho Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an thực hiện giám định, khi phân đã hết hạn sử dụng.

Bên cạnh đó, phía đại diện các công ty phân bón cũng không cung cấp được những chứng cứ như: Quy trình sản xuất, phiếu kiểm định chất lượng… để chứng minh lô hàng được tiêu thụ tại xã Cuôr Knia là đảm bảo chất lượng. Cùng thời gian trên, Công ty Phú Mỹ cũng bán hàng trăm tấn phân cho nông dân xã Ea Hiao (huyện Ea H’leo). Người dân ở đây đã phát hiện phân bón kém chất lượng và nảy sinh tranh chấp. Tại TAND huyện Ea H’leo, lãnh đạo Công ty Phú Mỹ đã thừa nhận sự việc và hợp đồng trung gian, đồng thời không thu tiền của người dân. Như vậy, trong giải quyết vụ kiện, TAND huyện Buôn Đôn đã “ngó lơ” quyền lợi của người tiêu dùng?

Trao đổi về vụ việc, luật sư Tạ Quang Tòng, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Đắk Lắk khẳng định: “Theo luật thương mại, muốn làm hợp đồng mua bán sản phẩm hàng hóa có bao bì, nhãn mác thì ít nhất ông Tâm phải có cơ sở mua bán, giấy phép kinh doanh và hóa đơn đỏ. Trong khi, bản thân ông Tâm nguyên là cán bộ lãnh đạo của xã, không có giấy phép kinh doanh và phiếu kiểm định chất lượng. Nếu đây là phân giả, thì ông Tâm đã góp phần vào việc tiêu thụ hàng giả, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và người dân có quyền yêu cầu đền bù thiệt hại. Đúng ra, UBND xã chỉ làm trung gian, còn công ty sẽ trực tiếp làm hợp đồng mua bán với người dân”.

Chủ trương đứng ra tín chấp để nông dân được mua phân bón trả chậm của UBND xã Cuôr Knia là đúng đắn, góp phần giải quyết nhu cầu đầu tư của người dân trong mùa vụ. Nhưng việc thực hiện không chặt chẽ dẫn đến kiện tụng đã gây ảnh hưởng xấu trong dư luận. Các cấp chính quyền, TAND huyện Buôn Đôn cần sớm giải quyết dứt điểm vụ việc để pháp luật được thực thi nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

    1. Daknongcaphe

      Hàng trăm loại phân bón biết đâu là lần! Mong cơ quan chức năng kiểm soát giùm cho dân chúng tôi được nhờ.

      1. robuca

        Nếu thường theo dõi Y5 thì bác đã biết ý kiến cá nhân của 1 bác bên Sở NN Đăklăk !

Tin đã đăng