Hiện Việt Nam có hồ tiêu đứng số 1 thế giới, cà phê đứng thứ 2 sau Braxin… Tuy nhiên sản xuất và xuất khẩu nhiều không đồng nghĩa với… thu về tiền nhiều!
Xem thêm bài: >> Ngành cà phê: Chế biến có phải là lối thoát?
Hồ tiêu: Chưa có thương hiệu
Tuy mới tham gia thị trường xuất khẩu, nhưng Việt Nam nhanh chóng vào top những nước xuất khẩu hồ tiêu nhiều nhất thế giới với trên 50% sản lượng giao dịch hồ tiêu toàn cầu, bỏ xa Ấn Độ- quốc gia từng xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất.
Năng suất hồ tiêu Việt Nam khá cao, đạt 3- 5 tấn/ha, vượt hơn Ấn Độ, Indonesia từ 3- 5 tạ/ha. Với việc năng suất, giá bán cao nên mỗi ha hồ tiêu có thể lãi 200- 250 triệu đồng/năm. Và đó là lý do khiến diện tích hồ tiêu Việt Nam tăng rất nhanh, năm 2011 có 55.400ha, gấp 8 lần năm 1995, sản lượng cao gấp 12 lần năm 1995.
Nhưng có một thực tế đáng buồn: Dù xuất khẩu đứng đầu thế giới nhưng tại nhiều thị trường, người tiêu dùng lại không biết hạt tiêu đó có xuất xứ từ Việt Nam!
Ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) – nhìn nhận:
Do nhiều doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa không làm được thương hiệu và xuất trực tiếp nên phải bán hàng thông qua trung gian, vì vậy hồ tiêu Việt chất lượng cao nhưng lợi nhận thu về thấp. Đồng thời, chúng ta cũng chưa điều tiết được giá thị trường thế giới cho dù về lý thuyết, khi hàng hóa chiếm tỉ lệ áp đảo sẽ làm chủ thị trường và giá.
Cà phê: Thiếu bền vững
Ông Đoàn Triệu Nhạn – chuyên gia trong ngành cà phê- nhận định: Niên vụ cà phê 2011- 2012 là niên vụ thứ 5 liên tục diện tích thu hoạch cà phê của Việt Nam vượt qua mốc 500.000 ha, sản lượng vượt 1 triệu tấn, khối lượng xuất khẩu vượt 1 triệu tấn.
Song, cà phê chủ yếu xuất khẩu thô nên giá trị gia tăng thấp. Đặc biệt, dù là một ngành có nhiều DN tham gia xuất khẩu nhưng hầu hết DN bỏ trống việc đầu tư vùng nguyên liệu, để 6 DN nước ngoài lớn thâu tóm sản lượng cà phê Tây Nguyên.
Thừa nhận điều đó, ông Quách Văn Đức- Tổng giám đốc Tổng công ty Tín Nghĩa- cho biết, hàng năm Tổng công ty xuất khẩu trên 73.000 tấn cà phê các loại, kim ngạch hơn 155 triệu USD, nhưng chỉ là làm cà phê thương mại thuần túy. Tổng công ty đang xem xét việc hỗ trợ nông dân trồng cà phê và đầu tư vùng nguyên liệu, song đó mới chỉ là… kế hoạch.
Từ yếu tố thiếu bền vững đó đã phát sinh những chuyện tranh mua, tranh bán khi mùa vụ cà phê đến; đến lúc xuất khẩu thì bị đối tác thải loại do không bảo đảm tiêu chuẩn. Những rủi ro đó không những gây thiệt hại cho DN mà còn khiến chuỗi giá trị kinh tế của ngành hàng cà phê giảm sút, không phát huy được hết thế mạnh trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay.
Ngoài ra, do ngành cà phê phát triển với tốc độ nhanh nên việc chăm sóc, tái canh còn bỏ ngỏ khiến cho chất lượng cà phê đi xuống (cả nước có trên 548.200ha diện tích cà phê nhưng trên 135.000ha cà phê đã già cỗi). Tuy nhiên, việc tái canh mới chỉ được “vạch ra trên giấy”, chưa có quy hoạch cụ thể và kinh phí thực hiện.
Phải chăng ngành nông nghiệp nước ta đang quá “say mê” với những thành tích về khối lượng xuất khẩu, tự mãn với những ngôi vị nhất – nhì thế giới mà “quên” những giá trị thiết thực?
Bài viết phản ánh rất đúng thức chất của tình hình ngành Cà phê, Hồ tiêu hiện nay. Nhưng hay nhất lại là câu kết của bài.