Nhìn lại tình hình xuất khẩu nông sản: Hy vọng năm mới khởi sắc

Xuất khẩu nông sảnDù gặp rất nhiều khó khăn về mặt thị trường nhưng trong năm 2012, công tác xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực đã đạt được những kỷ lục mới đáng ghi nhận. Thế nhưng, những kỷ lục ấy lại chưa đủ để mang tới nhiềm vui cho phần lớn các ngành hàng nông sản, cho doanh nghiệp (DN), nông dân.

Nhiều kỷ lục

Có thể nói, năm 2012 là năm có nhiều kỷ lục về xuất khẩu ở nhiều ngành hàng nông sản. Trước hết là kỷ lục xuất khẩu gạo. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đến hết tháng 11, các DN đã đăng ký hợp đồng xuất khẩu được trên 8 triệu tấn gạo. Trong đó, trên 7,1 triệu tấn đã được giao cho khách hàng nước ngoài. Nếu trừ đi một số hợp đồng có thời hạn giao hàng vào đầu năm 2013 và một số hợp đồng có thể bị hủy thì trong tháng 12, ngành lương thực sẽ xuất khẩu, qua đó, đưa lượng gạo xuất khẩu cả năm nay sẽ đạt ít nhất 7,65 triệu tấn, vượt xa kỷ lục trên 7,1 triệu tấn của cả năm ngoái. Đây là thành tích đáng ghi nhận, nhất là trong bối cảnh những tháng đầu năm 2012, xuất khẩu gạo khá bế tắc khi lượng gạo xuất khẩu của quý 1 giảm tới 42,5% so với cùng kỳ năm 2011. Việc đạt kỷ lục xuất khẩu gạo như trên còn góp phần quan trọng trong việc giúp nông dân tiêu thụ được hết lúa gạo hàng hóa và giúp cho xuất khẩu gạo Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí thứ 2 đã nắm giữ từ nhiều năm qua.

Cà phê cũng là một mặt hàng nông sản chủ lực có sự tăng trưởng mạnh về sản lượng xuất khẩu. Theo Tổng cục Hải quan, năm 2011, xuất khẩu cà phê đạt kỷ lục cả về lượng và giá trị là 1,257 triệu tấn và 2,752 tỷ USD. 11 tháng đầu năm 2012, cả 2 kỷ lục trên đã bị phá khi lượng cà phê xuất khẩu đạt 1,563 triệu tấn và giá trị đạt 3,342 tỷ USD. Đây cũng là lần đầu tiên giá trị xuất khẩu cà phê vượt qua ngưỡng 3 tỷ USD. Thành tích xuất khẩu cà phê như trên là rất ấn tượng, bởi đầu niên vụ 2011-2012, Hiệp hội Cà phê – Cacao dự tính rằng xuất khẩu cà phê chỉ đạt khoảng 1,2 triệu tấn, xuất khẩu cao su cũng không chịu thua kém về mặt tăng sản lượng. Năm 2011, lượng cao su xuất khẩu đạt kỷ lục 816 ngàn tấn. 11 tháng đầu năm 2012, lượng cao su xuất khẩu đã vượt qua con số nói trên và đạt mức 906 ngàn tấn. Nhiều khả năng, xuất khẩu cao su của cả năm 2012 sẽ lần đầu tiên cán mức 1 triệu tấn. Năm 2012, xuất khẩu cao su tiểu ngạch ở biên giới phía Bắc đã giảm mạnh, bởi Trung Quốc nhiều lần đóng biên. Bởi thế, trong nhiều thời điểm, ngành cao su tưởng đã không thể đạt mục tiêu xuất khẩu 880 ngàn tấn trong năm 2012. Do đó, việc đến hết tháng 11-2012, xuất khẩu cao su đã vượt kỷ lục cũ của năm 2011, vượt qua cả mục tiêu nói trên và hoàn toàn có thể đạt mốc 1 triệu tấn trong cả năm 2012, là một thành tích đáng ghi nhận. Năm 2012 cũng ghi nhận kỷ lục về lượng trong xuất khẩu hạt điều. Đến hết tháng 11, các DN đã xuất khẩu được 203.132 tấn điều, tăng 26,3% so với cùng kỳ 2011 và vượt qua kỷ lục cũ được thiết lập trong năm 2010 là 194.522 tấn.

Nhưng mức tăng sản lượng xuất khẩu ấn tượng nhất là ở nhóm hàng sắn và sản phẩm từ sắn. Trước đây, sắn chưa hề được coi là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực. Năm 2012, sắn đã khiến các cơ quan quản lý nhà nước phải suy nghĩ lại khi trong 11 tháng đã đạt kỷ lục xuất khẩu 3,898 triệu tấn, tăng 58,9% so với cùng kỳ 2011, đồng thời đã vượt xa kỷ lục về lượng của cả năm 2011 là 2,68 triệu tấn. Với lượng xuất khẩu tăng rất mạnh như trên, xuất khẩu sắn cũng đã lần đầu tiên lọt vào câu lạc bộ tỷ đô, với giá trị xuất khẩu đến hết tháng 11-2012 là 1,234 tỷ USD.

Ở 2 nhóm hàng nông sản chủ lực không thể tính cụ thể về sản lượng là gỗ và rau quả, giá trị xuất khẩu cũng có sự tăng trưởng khá để đạt những kỷ lục mới. Xuất khẩu gỗ đến hết tháng 11-2012 lần đầu tiên vượt qua mốc 4 tỷ USD và hoàn toàn có thể đạt kỷ lục 4,6 tỷ USD trong cả năm 2012. Xuất khẩu rau quả trong 11 tháng đầu năm 2012 đạt giá trị 729 triệu USD, vượt xa kỷ lục cũ của năm 2011 là 623 triệu USD…

Đi tìm niềm vui

Với những kỷ lục như trên, các mặt hàng nông sản chủ lực tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng trong nền kinh tế nước ta, cũng như trên thị trường nông sản thế giới. Tuy nhiên, nhìn kỹ vào từng ngành hàng nông sản chủ lực, lại thấy ít có niềm vui, thậm chí có nhiều nỗi buồn và sự lo lắng.

Buồn và lo nhất trong năm 2012, có lẽ là ở ngành hàng thủy sản. Giá trị xuất khẩu thủy sản 2012 vẫn có tăng trưởng so với 2011 và đạt kỷ lục mới là khoảng 6,2 tỷ USD. Nhưng kỷ lục này chẳng đáng để vui bởi nó thấp hơn mục tiêu đề ra tới 300 triệu USD (mục tiêu xuất khẩu thủy sản 2012 là 6,5 tỷ USD), và chỉ tăng khoảng 1% so với năm 2011, là mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm qua của xuất khẩu thủy sản.

DN đã khó, người nuôi thủy sản càng khổ hơn. Do giá cá tra xuất khẩu giảm mạnh, đầu ra khó khăn, vốn liếng hạn chế nên các DN ưu tiên mua cá mà họ tự đầu tư hoặc liên kết nuôi. Theo VASEP, hiện nay, lượng cá do các DN đầu tư nuôi đã chiếm tới 70% sản lượng cá tra ĐBSCL. Chỉ những DN không đủ khả năng đầu tư nuôi cá mới phải đi mua cá nguyên liệu bên ngoài. Mà những DN này thường là DN nhỏ, vốn liếng hạn hẹp nên sẵn sàng chào bán cá thành phẩm với giá thấp. Vì thế, họ lại quay sang “đè” giá cá của nông dân. Bởi thế, trong những tháng cuối năm 2012, giá cá tra nguyên liệu liên tục ở mức dưới giá thành, khiến nông dân bị thua lỗ khoảng 3.000-4.000 đ/kg. Bên ngành tôm, tuy giá tôm vẫn luôn ở mức giúp nông dân có lãi, thậm chí giá tôm nguyên liệu cuối năm 2012 còn tăng lên khá nhiều và cao hơn cả giá tôm ở một số nước trong khu vực như Thái Lan, nhưng người nuôi tôm vẫn chẳng vui. Bởi năm 2012, họ vẫn phải khốn đốn, gặp nhiều thiệt hại trước tình trạng dịch bệnh tràn lan.

Ngành gạo tuy có thể tự hào với kỷ lục mới về lượng gạo xuất khẩu, nhưng lại không thể vui bởi giá gạo giảm mạnh so với năm 2011. 11 tháng đầu năm 2012, giá gạo xuất khẩu bình quân giảm tới 43,03 USD/tấn so với cùng kỳ của năm trước đó. Vì thế, dù lượng gạo xuất khẩu năm 2012 có thể cao hơn năm 2011 tới 500-600 ngàn tấn, nhưng giá trị thì lại chỉ bằng hoặc thấp hơn (giá trị xuất khẩu gạo năm 2011 là trên 3,5 tỷ USD). Do giá gạo xuất khẩu giảm mạnh nên lợi nhuận của các DN xuất khẩu gạo là khá thấp. Lợi nhuận của nông dân trồng lúa cũng giảm đi khá nhiều, vì giá lúa gạo hàng hóa trong nước giảm khá nhiều so với năm 2011. Cũng do giá xuất khẩu giảm mạnh nên lợi nhuận của DN lẫn nông dân ở các ngành hàng cao su, cà phê … cũng đã giảm đi đáng kể so với năm 2011.

Chỉ có ngành hàng hạt tiêu năm 2012 là vẫn có được niềm vui lớn. Niềm vui này không chỉ đến từ những kỷ lục mới về giá trị xuất khẩu (gần 800 triệu USD), mà quan trọng hơn là từ giá bán cũng như lợi nhuận của người trồng tiêu. Trong năm 2012, giá xuất khẩu hạt tiêu đạt bình quân gần 7.000 USD/tấn, cao hơn gần 1.000 USD/tấn so với năm 2011. Giá hạt tiêu mà nông dân bán ra luôn nằm ở mức bình quân trên 120 triệu đ/tấn, giúp nông dân có lợi nhuận gần 100 triệu đồng trên mỗi tấn hạt tiêu.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng