Tạo lập giá trị và năng lực cạnh tranh thương mại

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao cho rằng, trong vòng hơn 10 năm tới, Việt Nam vẫn là nền kinh tế hướng đến xuất khẩu. Vì vậy, tạo lập giá trị và năng lực cạnh tranh là việc làm quan trọng.

Tại hội thảo tham vấn “Việt Nam: Thuận lợi hóa thương mại, tạo lập giá trị và năng lực cạnh tranh” do Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế tổ chức ngày 18/12 tại Hà Nội các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra nhiều nghiên cứu đánh giá về thực trạng thương mại Việt Nam và gợi ý một số chính sách cho Việt Nam.

Nhìn thẳng vào thách thức

Nhìn nhận về năng lực cạnh tranh thương mại của Việt Nam, ông Thomas Farole – Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB nhận định, trong vòng 1 thập kỉ qua, tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam là ở khâu xuất khẩu với thị phần ngày càng tăng, sản phẩm ngày càng đa dạng. Trong xu thế xuất khẩu hàng hóa phát triển mạnh, năng lực cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam phát triển mạnh mẽ, các tỷ lệ năng lực cạnh tranh cốt lõi đứng ở vị trí cao trong khu vực ASEAN.

Đánh giá về những thách thức, yếu kém ông Thomas Farole chỉ ra rằng, hiện nay thâm hụt thương mại của Việt Nam đang tăng lên. Một phần là do yếu kém ở một vài khía cạnh về năng lực cạnh tranh khi Việt Nam ít có những sản phẩm mới, giá trị gia tăng thấp và tham gia vào những phân đoạn hàng hóa chất lượng thấp, trong khi Việt Nam có tiềm năng tích hợp nhiều hơn vào chuỗi giá trị xuất khẩu hàng hóa của khu vực. Nhà xuất khẩu của Việt Nam còn phải đối mặt với rào cản từ một vài chính sách của nhà nước, khiến họ không thể cạnh tranh có hiệu quả trên thị trường toàn cầu.

Khi phải đối mặt với thâm hụt nghiêm trọng trong cán cân thương mại với các đối tác lớn, năng lực xuất khẩu của Việt Nam đã không có những bước tiến đáng kể trong chuỗi giá trị, thể hiện khá rõ ở việc xuất khẩu chỉ tập trung trong số 10 sản phẩm hàng đầu. Trong khi đó, lượng hàng nhập khẩu vào Việt Nam ít tập trung hơn nhưng lại quá phụ thuộc vào các nguồn hàng từ Trung Quốc và ASEAN.

Đồng quan điểm, ông Phạm Minh Đức, chuyên gia kinh tế cao cấp WB Việt Nam, chỉ rõ Việt Nam quá lệ thuộc nguồn nhập khẩu 60-70%, có ngành lên tới 90-99% (ngành điện tử); Xuất khẩu của Việt Nam đang xếp hạng sau một số đối thủ cạnh tranh trong khu vực về thời gian, chi phí và độ tin cậy bởi gặp nhiều thách thức trong hậu cần thương mại, với hạn chế ở cơ sở hạ tầng giao thông, hiệu quả và minh bạch trong công tác hải quan.

Về sự yếu kém trong hậu cần thương mại, ông Hoàng Anh Dũng – Chuyên gia cao cấp về giao thông của WB tại Việt Nam chỉ rõ, có quá nhiều những quy định, việc thực hiện giữa các cơ quan không thống nhất gây ra lãng phí thời gian, đặc biệt trong việc thực hiện thủ tục hải quan xuất nhập khẩu khiến gia tăng chi phí hậu cần cho riêng các thủ tục hải quan.

Nhiều dự án xây dựng và khai thác cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam chưa được tính toán kĩ, gây lãng phí, thiếu hiệu quả trong cung ứng, vận chuyển hàng hóa. Trong khi đó, vận tải hàng hóa bằng đường sắt chưa được chú trọng, vận tải đường bộ phân tán thiếu chuẩn, cảng nước sâu được khai thác hiệu quả thấp hơn nhiều so với công suất thiết kế…

Đôi điều khuyến nghị

Các chuyên gia cũng đã đưa ra nhiều giải pháp khuyến nghị chính sách trong đó nhấn mạnh về khu vực hậu cần. Việt Nam cần phải tái cơ cấu chuỗi cung ứng để thúc đẩy thương mại và hậu cần thương mại. Ông Đức cho rằng, cần quan tâm phát triển 3 trụ cột, đó là: Tăng cường năng lực đáp ứng của dịch vụ hạ tầng giao thông vận tải, cải thiện thủ tục quy định về thương mại và nhất thiết phải tiến hành tái cấu trúc chuỗi cung ứng hàng hóa xuất khẩu để tăng giá trị gia tăng bằng cách quy hoạch các cụm công nghiệp làm tăng quy mô sản xuất, khuyến khích sử dụng nhiều hơn các nhà cung cấp trong nước. Các cụm này phải chuyên phục vụ nhu cầu của ngành công nghiệp, sẵn sàng cung cấp lao động có tay nghề và kết nối hiệu quả đến các cảng biển lớn.

Ông Thomas Farole, cũng nêu một số giải pháp được cho là hiệu quả tại Sri Lanka. Theo đó, đầu tư vào các cảng, tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân vào lĩnh vực này; Tạo thuận lợi về thủ tục để cho phép quản lý hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thông qua cả đường biển và hàng không; Đầu tư lớn của cả nhà nước và tư nhân vào Thiết lập hệ thống truyền thông dữ liệu (Electronic Data Interchange – EDI) để tạo điều kiện giải phóng mặt bằng và chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ hậu cần bên thứ 3.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế (NCIEC) đánh giá cao nghiên cứu của các chuyên gia. Nghiên cứu có phạm vi ảnh hưởng không chỉ đối với các cơ quan quản lý và doanh nghiệp nhà nước, mà còn tác động đến quan điểm của tổ chức quốc tế trong việc hợp tác và đầu tư tại Việt Nam. Nghiên cứu cũng cung cấp những cái nhìn sâu sắc, toàn diện và khách quan về thực trạng năng lực cạnh tranh thương mại của Việt Nam xét trên khía cạnh thuận lợi hóa thương mại từ đó đưa ra những khuyến nghị chính sách thích hợp để Việt Nam có thể xem xét vận dụng vào thực tiễn. Thứ trưởng cho rằng, các hoạt động nghiên cứu phân tích đã tạo cơ sở kiến nghị chính sách mang tính khả thi, nhằm nâng cao năng lực thương mại quốc gia giúp Việt Nam đạt những mục tiêu tăng trưởng cao và bền vững, đồng thời chủ động hơn nữa trong việc hội nhập với nền kinh tế thế giới.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

79